Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC HAI BÀI BÁO TRÊN TỜ VĂN NGHỆ

Trần Kì Trung
Thứ bẩy ngày 2 tháng 10 năm 2010 8:49 PM
 
         Trên tay tôi là tờ báo VĂN NGHỆ , cơ quan ngôn luận của Hội Nhà Văn Việt Nam ra ngày thứ bảy 25/9 /2010.
         Vẫn biết đây là tờ báo của Hội Nhà Văn mà mình là Hội Viên phải hết sức trân trọng, nhưng quả thực đọc tờ báo VĂN NGHỆ phát hành ngày 25/9/2010, dù đã cố gắng bình tĩnh để đọc, nhưng có một số bài, đọc xong buộc tôi phải có ý kiến.
         Ở trang 2, có bài “ Này con chim sẻ” của tác giả Duy Đạo trong mục “ thấy, nghĩ và viết”. Nội dung bài báo này là phê bình một số báo chí trong nước đưa tin cụ bà có tên là Tim, sống ở ngã tư Tô Hiến Thành – Bà Triệu, được đề nghị đưa vào danh sách đề cử giải thưởng Bùi Xuân Phái vì bà có công dùng thóc vãi ra vỉa hè nuôi chim sẻ hoang đông hàng trăm con…Theo tác giả Duy Đạo, giống chim sẻ là loài vật độc hại, phá hoại mùa màng, thậm chí ở Trung Quốc, theo lệnh của Mao Trạch Đông, người ta mở cả chiến dịch “ diệt chim sẻ” để tiêu hủy loài chim này, cớ gì ở Việt Nam lại “ đề cử ” một người đi nuôi loài chim độc hại kia để trao một giải thưởng danh giá!!! Kết bài viết tác giả Duy Đạo dọa mọi người “ Cũng may “tấm gương” này mới dừng lại ở việc đề cử, chưa nhân rộng, bằng không chim sẻ sẽ rủ nhau bay về Việt Nam thì quả là …đại họa”.
           Theo tôi, tác giả Duy Đạo, viết như vậy tưởng là “hay” kỳ thực, tác giả Duy Đạo hay Ban biên tập báo Văn Nghệ đã có sự nhầm lẫn tai hại.
           Đối với con chim sẻ, ai cũng công nhận chúng là loài chim, sống chủ yếu bằng ăn ngũ cốc… với người nông dân, nó là loài chim có hại. Nhưng, không thể phủ nhận, chính chim sẻ là một trong muôn vàn loại vật giữ cân bằng sinh thái vì chim sẻ, ngoài ăn ngũ cốc, chúng cũng ăn sâu bọ và chính chúng lại làm mồi, làm thức ăn cho các loại động vật khác. Tôi không phải là nhà sinh vật học, nhưng tôi hiểu , trải qua hàng nghìn triệu năm trên trái đất, qua không biết bao nhiêu sự biến động của tự nhiên… môi trường sinh thái tự nhiên trên quả đất đã có sự cân bằng. Do con người không tôn trọng và hủy diệt môi trường sống như săn bắt vô tôi vạ các loài động vật trên trời, dưới biển, khai thác bừa bãi rừng, làm thủy điện không có kế hoạch… đã dẫn đến những tai họa khủng khiếp, để lại những hậu quả rất xấu, rất nặng nề. Tôi còn nhớ mãi một bộ phim tài liệu ghi lại cảnh toàn dân Bắc Kinh ( Trung Quốc) theo “ lời dạy” của ông Mao, đi bắt chim sẻ. Hàng đoàn ô tô chở đầy xác chim sẻ, những xâu chim sẻ dài buông thõng, nét mặt mọi người hỉ hả… tưởng làm một việc có ích. Có ai ngờ… chỉ một năm sau, vì không có chim sẻ, sâu bọ phát triển phá hoại mùa màng không kể xiết. Từ đó Trung Quốc không dám phát động phong trào này nữa,
            Nên thế, là con người văn minh, có học, tự nhận có văn hóa, hãy quý trọng những gì tự nhiên đã ban tặng cho loài người. Chúng ta phải biết yêu quý động vật dù đó là một cánh chim bay dưới mái hiên, lớn hơn là những con vật lớn trong rừng . Chính chúng góp một phần không nhỏ tạo nên môi trường sống của chúng ta. Thử nghĩ xem, nếu một ngày kia không còn bóng dáng con chim sẻ bay dập rờn trên cánh đồng, tiếng chim sẻ non líu ríu dưới mái hiên…cuộc đời ở tuổi xế chiều sẽ buồn tẻ như thế nào. Tôi rất phản đối những kẻ dùng súng săn đi bắn chim sẻ và các loài chim khác. Thực tế đó là tội ác, việc đó giết những động vật rất hiền lành, đồng thời nó sẽ gieo mầm ác, bây giờ bắn chim, ngày mai sẽ bắn người. Vì vậy, hãy nhìn việc làm của bà già có tên là Tim ở ngã tư Tô Hiến Thành – Bà Triệu là một việc làm nhân bản, rất đáng trân trọng. Còn ông Duy Đạo, tác giả bài báo trên lo rằng, ai cũng nuôi chim sẻ, chim sẻ kéo về đầy Việt Nam, lúc đó sẽ là “ đại họa”. Tôi nghĩ, đó là lối suy diễn thiển cận, chim sẻ phát triển nhiều, lập tức có loài vật khác sẽ phát triển theo để không cho nó phát triển, giữ cân bằng. Còn riêng ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, ông Duy Đạo có hay đi ra ngoại thành xem không? Ở đó, lũ trẻ choai choai đi bắt, đi bắn chim, ngày nào không có những xâu chim treo lủng lẳng rao bán đầy đường …. giá chim sẻ tăng lên hàng ngày. Cứ đà săn bắt kiểu này, khéo tương lai không xa không riêng chim sẻ, còn bao nhiêu loài chim khác không có mà bắt. Với lại tôi nghĩ, thương cho cách viết của ông Duy Đạo, một việc làm bảo vệ môi trường của một bà già giữa lòng thủ đô, đẹp như vậy , ông ta không ủng hộ, lại “rao giảng” như lấy việc trích dẫn từ tài liệu tiếng Pháp về nguy hại của giống chim sẻ, cần tiêu diệt mà ông ta quên rằng, bà già Tim làm việc đó, là một bài học cho tất cả mọi người, nên biết quý trọng thiên nhiên. Đó là một nhân cách lớn có văn hóa, nếu như ta hãy làm thử một phép tính so sánh, đã có rất nhiều kẻ nhân danh này, nọ… nhưng việc làm của chúng ác gấp ngàn lần giống chim sẻ. Không những chúng ăn rất tham, rất tạp mọi thứ của người nông dân từ thóc gạo đến đất đai, rồi đuổi họ ra đường sống cầu bơ, cầu bất. Chúng còn bất chấp sự cân bằng của tự nhiên, hủy hoại môi trường sống một cách tàn bạo để phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm… Thế mà loài giống “thú” ấy không thể tiêu diệt, vẫn sống nhởn nhơ, ngạo mạn, vẫn lên mặt dạy đời… thì con chim sẻ kia, có ăn bao nhiêu ngũ cốc, nào đã thấm tháp gì mà ông Duy Đạo lo hão!
             Cũng trên tờ báo Văn Nghệ số này, đưa một tin mà tôi đọc thấy tức anh ách. Với dòng tiêu đề : “ Nhà văn Việt nào có tên?” bài báo của tác giả Hữu Đồng đăng ở trang 13, cho chúng ta biết, tôi trích nguyên văn: “ Bộ từ điển Tiểu sử Văn học của Nhà Xuất Bản Mỹ Gale – Cengage Learning ( uy tín hàng đầu thế giới trong việc xuất bản các loại sách, sách điện tử, vi phim và dịch vụ thông tin trên mạng) vừa ra tập thứ 348, dành riêng để giới thiệu 62 nhà văn ở khu vực Đông Nam Á( Dictionary of Literary Biography, Volume 328: Southeast Asian Writers), trong đó có 6 nhà văn Việt Nam”. Và cũng bài báo này cho độc giả biết, bốn Nhà Văn có tên trong sáu Nhà Văn Việt Nam như sau, đó là  Nhà Văn Nguyễn Minh Châu, Nhà Văn Lê Minh Khuê, Nhà Văn Nguyễn Huy Thiệp và Nhà Văn Hồ Anh Thái. Còn hai Nhà Văn Việt Nam nữa, sao không thấy ghi tên? Họ là ai? Vì sao lại thế? Trong khi cũng bài báo này, tác giả còn cho biết, tôi ghi nguyên văn: “ Trong mỗi tập từ điển, mỗi đề mục tác giả được triển khai một cách khá bao quát qua những bài viết dài trên dưới 4.000 từ. Trong 430 trang khổ lớn , 21x28 cm, người đọc sẽ được cung cấp thông tin khá đầy đủ về toàn bộ tác phẩm, về phong cách của tác giả, nội dung của những tác phẩm chính kèm theo những nhận định”. Theo tôi, nếu đúng như tư liệu mà tác giả Hữu Đồng cung cấp cho bạn đọc thì đây là một sự kiện lớn trong nền Văn Học Việt Nam sao không thấy Đài ,báo, ti vi… của nhà nước ta nhắc đến. Những Nhà văn Việt Nam có tên trong bộ từ điển tiểu sử văn học này đã làm rạng danh nền Văn Học Việt Nam, giúp bạn đọc trên thế giới hiểu đất nước, con người Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả, qua tác giả và những tác phẩm được trình bày trong bộ từ điển này, độc giả thế giới sẽ thấy một nền Văn Học Việt Nam khởi sắc, đậm chất nhân văn, không thua kém gì các nền văn học của các nước khác. Cũng qua những tác phẩm của những tác giả này, độc giả trên thế giới sẽ thấy ở Việt Nam một dân tộc bất khuất không chịu quỳ gối trước bạo hành, xâm lược, không cam chịu làm thân phận nô lệ, khao khát tự do, dân chủ, mong muốn sống hòa bình, hòa hiếu với tất cả các dân tộc trên thế giới,
             Vậy hà cớ gì, bài báo đăng trên báo Văn Nghệ ngày 25 tháng 9 năm 2010, đã có những thông tin quý giá, tự hào như vậy lại ghi không đầy đủ họ, tên sáu Nhà Văn Việt Nam được lưu danh vào bộ Từ điển tiểu sử Văn Học  của NXB Mỹ Gale- Cengage Learning, mà chỉ ghi bốn người!!!
              Tôi nghĩ, cứ viết như hai bài báo trên, báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn ngày càng ít bạn đọc, cũng là điều dễ hiểu.