Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG GIAN VĂN HỌC MIỀN ĐÔNG NAM BỘ VÀ HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG HAY TÂM TRẠNG ĐỜI SỐNG.

Nguyễn Một
Thứ bẩy ngày 2 tháng 10 năm 2010 7:23 PM

Không ít người vẫn có thói quen nghĩ rằng văn học miền Nam là sông nước, là bông điên điển, là viết mà như nói. Lịch sử văn học miền Nam có chủ trương: Theo chiều hướng viết cho người bình dân hiểu, bởi trong quá trình khai khẩn số lượng người biết chữ không nhiều nên văn chương của giới trí thức hướng về họ, đọc thành lời cho họ nghe,  ngay khi viết Lục Vân Tiên cụ đồ Chiểu đã khẳng định: "Ai ơi lẳng lặng mà nghe", chứ không phải: "Cảo thơm lần giở trước đèn" như cụ Nguyễn Du. Về sau  tư tưởng này được Nguyễn Trọng Quản, Nguyễn Chánh Sắt và đặc biệt nhà Minh Tân Nam Kỳ Trần Chánh Chiếu với cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam kêu gọi trí thức tham gia. Từ đó đến nay dòng văn học đó phát triển khá mạnh với những nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển và mới đây là Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thôi, Vũ Hồng, Phan Trung Nghĩa đã tạo ra dòng văn học riêng biệt. Quan điểm ấy, lối viết ấy phổ biến ở miền Tây Nam bộ và nó không thấp hơn chút nào trong dòng chảy của văn học Việt Nam.
Miền Đông Nam bộ có một dòng văn học riêng và cách viết riêng bởi miền Đông Nam bộ có không gian văn học hoàn toàn khác với miền Tây Nam bộ. Miền Đông Nam bộ không bàng bạc sông nước như miền Tây. Vùng đất này có những núi rừng thâm u huyền bí, những miền đất đỏ cây trái ngút ngàn, con người ở đây cũng khác, họ có một chút khôn ngoan của người miền Bắc, một chút khốc liệt của người miền Trung, một chút phóng khoáng của người miền Tây và có dũng khí của dòng người khai khẩn, nên văn phong miền Đông Nam bộ phóng khoáng hơn khí phách. Nhiều nhà văn miền Đông cũng đã tạo ra dòng văn học riêng biệt như  Bình Nguyên Lộc, Huỳnh Văn Nghệ, Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn. Mỗi nhà văn miền Đông đều dấn thân vào cuộc sống. Một Bình Nguyên Lộc với hàng trăm truyện ngắn, và công trình ngôn ngữ học đồ sộ như: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Vòm trời Đông Phố. Một Huỳnh Văn Nghệ tay gươm tay bút lừng lẫy chiến khu xanh, một Lý Văn Sâm viết truyện giữa Sài Gòn thời tạm chiếm và đi tù vì truyện mình viết ra. Một Hoàng Văn Bổn đi suốt chiều dài ba cuộc chiến vẫn đều đặn viết, viết như thở và còn nhiều nhà văn tiền bối của miền Đông Nam bộ rất trượng phu và hào hiệp. Đó là đức tính mà những nhà văn hậu bối còn phải phấn đấu và học tập nhiều mới có được. Tính cách các nhà văn miền Đông Nam bộ như vậy nên nhân vật của họ cũng mạnh mẽ, hừng hực sức sống. Nếu đọc Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, Huỳnh Văn Nghệ, Hoàng Văn Bổn, hoặc gần hơn là Khôi Vũ quý vị sẽ thấy những nhân vật đàn ông của họ đầy nam tính, dũng cảm, không lụa là ẻo ượt, không triết lý kiểu ỏng ẹo: Đời là thế đó! Đời là thế này! Chính vì không hiểu được chất miền Đông Nam bộ, nên trước đây có người sửa câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ thành: " Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Đúng ra phải là: "Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Huỳnh Văn Nghệ không cần bó hẹp thời gian cho dù ngàn năm, bởi không gì có thể bó hẹp trong không gian huyền ảo mênh mông của trùng điệp núi rừng miền Đông.
Miền đông đi đầu trong công cuộc khai khẩn cách đây nửa thiên niên kỷ,  nhưng văn học miền Đông vẫn chưa đi đầu trong việc vẽ nên bức tranh sinh động của miền Đông Nam bộ, phải chăng các nhà văn miền Đông không đủ tài? Xin thưa điều đó chưa chắc đã đúng, cái chính là ở chỗ các nhà văn hiện nay chưa sống hết mình với trang viết, chưa dám dấn thân vào cuộc sống như các nhà văn tiền bối, đây là điều chưa thể lý giải thấu đáo. Nhiều người cho rằng là cuộc sống thay đổi, nhu cầu vật chất cao hơn mà văn chương thì bị rẻ rúng. Phải chăng sức hấp dẫn của vật chất khiến cho nhà văn coi văn chương là nghề tay trái, và họ lần lượt đưa đầu vào cái máy chém của "cơm áo gạo tiền" Tôi không nghĩ như vậy, tôi có cách lý giải riêng là hiện nay văn học Việt Nam nói chung và miền Đông nói riêng chỉ chăm chăm vào việc phản ánh hiện thực đời sống và khi ngồi vào bàn sáng tạo bất cứ chuyện gì nhà văn đều tự hỏi: "Chuyện này có thực tế không?". Tôi còn nhớ có lần ở Đồng Nai tổ chức cuộc thi truyện ngắn tôi gởi truyện, trong ban giám khảo có người nhận xét: "Truyện của em hay, nhưng chưa thực tế nên không thể trao giải cao được". Tôi chẳng biết trả lời thế nào, bởi quan điểm này rất phổ biến trong nước ta, cần soi tác phẩm nào người ta mang hiện thực đời sống ra soi. Trong khi đó chức năng văn học không phải là phản ánh hiện thực đời sống mà phải phản ánh tâm trạng đời sống.
“Tâm trạng đời sống” cho văn học có thời gian sống, thời gian dấn thân, chứ không chỉ đi thực tế mà viết được. "Bởi thực tế khác xa với sự thật nhiều lắm". Thực tế nằm trong hiện thực của đời sống còn sự thật nằm trong tâm trạng của đời sống!