Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỖ HOÀNG VÀ KIỀU THƠ

Nguyễn Trần Thái
Chủ nhật ngày 3 tháng 10 năm 2010 9:28 PM

         Năm 1996 trong giới văn chương ở Hà Nội thấy bàn tán nhỏ to về tập thơ “Tâm sự người lính” của Đỗ Hoàng. Tôi lúc ấy chưa được đọc. Nghe đâu cuốn sách đó đã bị thu hồi. Cũng là người lính trở về sau chiến tranh, tôi tò mò muốn coi cho tường và muốn biết tác giả Đỗ Hoàng.
   Bẵng đi một thời gian. Một buổi chiều tại “Sân 51” nơi có trụ sở của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam đóng, dưới gốc cây cổ thụ, tôi uống rượu cùng mấy bậc đàn anh trong hội. Một người dáng tầm thước, mặt chữ điền, tóc cắt gọn mắt đen nâu, miệng tủm tỉm, vai đeo túi “dết” to, chùng sệ mông. Anh đến bên nhà thơ Phạm Tiến Duật ghé sát và nói điều gì đó. Đấy là nhà thơ Đỗ Hoàng lần đầu tôi gặp. Được biết anh lúc ấy đang làm biên tập cho tạp chí “Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam”, thời nhà văn Hồ Phương làm tổng biên tập. Hôm sau tôi tìm đến đưa cho Đỗ Hoàng một chùm thơ, cũng là kiếm cớ làm quen. 
  Rồi Hoàng lại thôi không làm tạp chí “Diễn đàn Văn Nghệ”. Rồi anh lại quay về làm tiếp cho tạp chí đó thời nhà thơ Phạm Tiến Duật làm tổng biên tập… Rồi anh lại thôi… Rồi lại về làm cho tạp chí Nhà văn - Hội Nhà Văn Việt Nam”… Rồi lại lang thang, rồi lại làm biên tập và làm từ A đến Z cho một số tạp chí địa phương và chuyên ngành của cục và công ty. Anh em gọi đùa Đỗ Hoàng là Tổng biên tập chui.
  Đỗ Hoàng là một “gã” gàn. Vào chén rượu vào là “hung lắm” nói nhiều, chiếm diễn đàn, được cái minh triết. Trong câu chuyện Hoàng thường có những dẫn chứng Đông, Tây, Kim, Cổ sinh động và tường tận. Mọi người vì thế mà vị nể.
  Thỉnh thoảng anh lại ký vào một tập sách tặng tôi. Một lần anh đem đến tặng tôi tập thơ “Tuý Thì Ca”. Anh tuyển dịch từ thơ Đường của Trung Quốc. Lại còn thế nữa chứ! Sự hoài nghi kích thích tôi. Tôi đọc rất chậm rãi tập thơ Hoàng dịch. Trời thật là một con người ngang và gàn. Sự ngang gàn đáng yêu. Lần ấy vào năm 2003 tại quán bia Chùa Bộc có nhà thơ Vương Tùng Cương, nhà thơ Lam Huy Nhuận. Hoàng đọc mấy bài thơ Đường anh dịch. Trong bài “ Chiến thành Nam” của Lý Bạch, có câu :
                      
                        “Tẩy binh điều chi thương hải ba
                          Phóng mã Thiên Sơn huyết trung thảo”
  Hoàng phóng bút thành:
                           “Rửa gươm trong sóng bể dâu
                             Ngựa ăn cỏ máu tận đầu Thiên Sơn”  
  Tôi không nén được sự thcán phục. Thần quá ! Dịch như thế thì thôi rồi. Thật là tài! Từ đó tôi không nghi ngờ gì nữa về cái kiến thức Hán ngữ trong anh…
  Tưởng thế rồi êm ả, yên vị mà làm cái công việc sáng tác và biên tập. Nhưng không! Đùng một cái, lại thấy bàn tán về Hoàng dịch thơ – thơ dịch – thường gọi là “dịch thơ Việt ra thơ Việt”. Anh dịch thơ Việt của những nhà thơ Việt, thường là những tác giả có tên tuổi trong văn đàn. Chuyện này lạ lùng, không thể hình dung nổi trong con người Đỗ Hoàng. Lại tưởng như trò đùa tinh nghịch? Nhưng không! Đây chỉ là lối “chơi” rất Đỗ Hoàng mà thôi!
  Lại đùng một cái!
  Cuối năm 2009 Hoàng đến tìm tôi. Anh hỏi xem tôi có bản dịch văn xuôi cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm tài nhận bên Tàu không? Tôi bảo cho mượn mất rồi. Tôi nói với anh: “Nếu ông cần thì đến nhà thơ Bằng Việt là có đấy!”. Tôi hỏi tiếp: “ Ông phóng tác thành tiểu thuyết mới à?”. Hoàng tủm tỉm: “Không ! Tôi phóng tác thành tiểu thuyết thơ mà dùng lối thơ Cổ phong – Thơ lục bát các cụ ta đã sáng tạo ra”…
  Lại tưởng là trò đùa, nghịch ngợm! Chết đấy! Chết như bỡn chứ chả chơi đâu! Thật là một gã liều lĩnh. Cây đại thụ, Thi hào Nguyễn Du “Viết Kiều đất nước hoá thành văn” đã toả bóng và âm vang gần ba thế kỷ. Nó là cái xương sống của nền văn học trữ tình của nước nhà với những áng thơ lục bát bất hủ đó sao! Tôi không tin cái lối chơi ấy của Đỗ Hoàng.
                                              
                                                 *
                                               *   *                                                         
 
   Đùng một cái!
   Đỗ Hoàng gặp tôi vẫn phong thái ấy. Vẫn miệng tủm tỉm cười như phớt đời. Anh rút trong túi “dết” lấy ra một tập sách, đề tặng tôi. Đây là tập tiểu thuyết thơ “Kiều Thơ” Hoàng phóng tác từ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (nhà văn của Trung Quốc).

  Lại nói về “Kiều Thơ” của Đỗ Hoàng.
  Hết bàng hoàng này sang bàng hoàng khác! Tôi vùi đầu đọc. Lại tò mò, lại hoang mang! Tôi đọc nghiêm túc “Kiều thơ” tới bốn lần. Bây giờ thì cái chủ quan cố hữu của tôi và kiến thức “nông cạn” của tôi cũng có đôi điều về “Kiều Thơ” của tác giả Đỗ Hoàng.

    Cuốn tiểu thuyết thơ “Kiều Thơ” của Đỗ Hoàng, sách dày 400 trang được phóng tác dựa trên cuốn “Kim Van Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân. Kiều Thơ được viết bằng văn vần. Lấy thể thơ “Lục bát” diễn tả toàn truyện. “Kiều Thơ” được Đỗ Hoàng phóng tác dựa trên nguyên bản chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân. Cùng với công trình khảo cứu, chú thích rất công phu, cẩn thận đã tạo cho diện mạo cuốn sách rất nghiêm túc. Từ nguyên bản chữ Hán, Hoàng sáng tác thành 6122 câu thơ lục bát, gấp đôi số lượng thơ mà cụ Nguyễn Du đã phóng tác. Tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân đã có tác giả dịch ra văn xuôi. Sau khi Thi hào Nguyễn Du phóng tác bằng thơ thì có lẽ chưa ai dám mạnh dạn dịch bằng thơ nữa. Đã gần ba thế kỷ đi qua, đến nay sau cụ Nguyễn Du thì Đỗ Hoàng có lẽ là người thứ hai mạnh dạn dịch và phóng tác “Kim Vân Kiều truyện” ra bằng thơ “Lục bát”. Có điều Hoàng thành công là trong cuốn tiểu thuyết thơ của mình là Hoàng đã không rơi vào “Diễn ca”. Cuốn “Kiều Thơ” được chia thành 34 chương. Chương I là “Gia thế Kiều”… Chương 34 là chương kết thúc chương “Đoàn Viên”

  Trong tiểu thuyết “Kiều Thơ” của Đỗ Hoàng đã có sự sáng tạo rất táo bạo mà hợp lý. Kiều không có báo oán, Kiều chỉ báo ân mà thôi. Điều này cũng phù hợp tính nhân đạo, bao dung truyền thống của ông cha ta:
                                   “Kiều rằng bay chết ai màng,
                                     Nhưng vì ân nghĩa trần gian nặng nề
                                     Lần này hết thảy tha về,
                                     Từ nay không được hành nghề bất lương!” 
 
  Thêm nữa đoạn Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến. Trong nguyên bản Kim Vân Kiều truyện và trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì Từ Hải chết đứng giữa trận tiền, thật là oan nghiệt:
“Trơ như đá vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.”
   Nhưng trong Kiều Thơ thì Từ hải bị bắt sống. Từ Hải còn hội thoại với quan Tổng đốc họ Hồ.
(Trích)
Hồ Tôn Hiến nói:
 “ Rằng: Nghe dũng trí hơn người
Lại rành chữ nghĩa một thời bút nghiến,
Đã từng học chữ Thánh hiền
Mà làm thảo khấu cuồng điên thế này?
Từ Hải đáp:
“Lạ gì cái lũ quan dâm,
Miệng hô Thiên tử dao đâm tim người,
Thuyền rồng dỡn sóng xe chơi,
Một phường ăn máu muôn đời dân đen.
Lập công nấp váy kẻ hèn,
Cố kim, sử sách ai khen bao giờ!”
 Tôi không khỏi ngạc nhiên và tán phục Đỗ Hoàng. Đây là sự sáng tạo rất Đỗ Hoàng nhằm hé lộ khoảng kín khiến chúng ta phải suy nghĩ.
    Khi sáng tạo ra Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du vì thời thế, vì hoàn cảnh lịch sử Cụ chưa dịch hết, nay Đỗ hoàng đã có công phu phiên âm Hán Việt dịch ra văn xuối và dịch thơ đặng để chúng ta thêm tường nội dung cua Kim Vân Kiều truyện và  Truyện Kiều.
   Ở nguyên bản tác phẩm Kim Vân Kiều truyện có gần 1 000 câu thơ do Kiều viết 572 câu, Thúc Sinh viết 110 câu, Sở Khanh viết 8 câu, Giác Duyên viết 4 câu và 44 câu của Tống Ngọc. Còn rất nhiều thơ trong Kim Vân Kiều truyện: luận vềbạc mệnh, thơ trên cây, thơ vịnh, thơ thù tạc, thơ viết ở cửa quan… Đỗ Hoàng dã dầy công phu phiên âm Hán việt và dịch ra thơ.Đây là ý tưởng mà cũng là sự thử sức bút lực của anh!
  Tôi không bao giờ có hàm ý sao snhs hai nhà thơđều gốc miêng Trung nước Việt. Họ đã cách nhau gần ba thế kỷ. Sự khác biệt về hoàn cảnh xã hộicũng như sự hạn chế của mỗi thời đại. Song các tác giả có sự tương đồng- họ đều yêu quý tiếng Việt, họ đã có sự đóng góp tích cực và làm phong phú cho tiếng Việt và nhân cách Việt.  Đỗ Hoàng sinh giữa thế kỷ XX và đang sống ở đầu thế kỷ XXI. Anh quê gốc Quảng Bình đã từng đi lính, làm giáo học trong quân đội. Là bộ đội trực tiếp chiến đấu ở chiến trường. Đỗ Hoàng còn là nhà báo, nhà thơ, nghe nói còn là nhà kinh tế nữa…
   Hoàng đi rất nhiều nơi. Cuộc đời làm lính, làm báođã đưa bước chân anh từ địa đầu Tổ quốc đến chót mũi Cà Mau và những hòn đảo xa xôi của đất Việt. Hoàng có sức học thật phong phú. Tiếng Nga một chút, tiếng Pháp một chút, tiếng Anh một chút, Thái, Lào một chút… Riêng Hán ngữ thì thật dồi dào. Hoàng đọc nhiêù. Anh là thi sỹ song cũng gần với giới nghiên cứu phê bình…
   Đỗ Hoàng thuộc nhiều âm tiết và tiếng đại phương cùng với phong tục tập quán từng vùng.
     Trong bài thơ tứ tuyệt “Xuất tái – Ra ải) của Vương Xương Linh thời Đường (Trung Quốc) có câu:
“Đãn sử Long Thanh phi tướng tại,
Bất giao Hồ mã độ Âm Sơn.
Hoàng dịch:
(Nếu có tướng tài như Lý Quảng,
Âm Sơn không có ngựa Hồ rê)
  Chữ “rê” là chà xát – tiếng miền Trung dùng ở hoàn cảnh này làm cho chất lượng bài thơ dịch nâng cao. Đỗ Hoàng đã kết hợp được kiến thức sử và điển tích Trung Hoa và sự vận dựng tiếng đại phương một cách nhuần nhuyễn thật là khéo!

                                                   *
              Kiều Thơ của Đỗ Hoàng đã đem đến cho ta một sự hứng thú và đặc biệt là tác giả đã dày công nghiên cứu, phiên âm Hán Việt,dịch thơ cổ hoặc Đường thi mà bấy lâu chúng ta còn chưa biết
   Công trình Kiều Thơ của Đỗ Hoàng âu cũng là mượn xưa nói nay. Chúng ta sẽ được sáng tỏ khi đọc phần kết.
              Nhưng ngọc còn tì vết nữa là…
    Hơn 6 000 câu thơ lục bát của Kiều Thơ làm sao tránh khỏi những câu còn ở dạng chưa gọt rũa. Diễn giãi đôi chỗ chưa thật cô động
   Không còn nghi ngờ gì nữa! Kiều Thơ là một tác phẩm nghiêm túc. Nó đã chứng minh cho sức sống trường tồn của thể thơ lục bát mà chỉ có dân tộc Việt ta mới có. Nó đóng góp cho ngôn ngữ suốt chiều dài lịch sử đất nước với những phong tục tấp quán với những nhân cách rất Việt Nam.
Hà Nôi tháng 9 năm 2010
N T T