Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HÓA LÀ GIÁ ĐỠ ĐỂ TỒN TẠI, ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN MỘT DÂN TỘC

Nhà văn Đình Kính
Thứ hai ngày 4 tháng 10 năm 2010 5:11 AM
Tiếng nói nhà văn
 

 Văn hóa là gốc mọi sự. Văn hoá là nền tảng đời sống tinh thần của một quốc gia. Văn hoá không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Khi đề cập tới sự Giầu các cụ ta bao giờ cũng “đính kèm” chữ Sang. Sang chính là văn hóa, là cái tâm, là sự lich lãm, cùng hành vi ứng xử. Và sang là tri thức. Để giàu, rất khó, phải đổ trí lực, và mô hôi. Nhưng phấn đấu đạt được sang, khó hơn nhiều. Giàu thì được tôn trọng. Nhưng sang thì được kính nể. Quan niệm của ông bà ta xưa cũng như cách nhìn nhận của xã hội bao giờ cũng đặt chữ Sang song hành, thậm chí được đặt cao hơn chữ giầu. Nghĩa là yếu tố văn hóa rất được tôn trọng và đặt đúng vị trí. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Lịch sử đã chứng minh rằng, một dân tộc muốn tồn tại, và phát triển, phải dựa trên nền móng vững chắc của Văn hóa. Lãnh thổ có thể mất, chính quyền cũng có thể mất, nhưng không mất văn hóa thì dân tộc vẫn còn. Văn hóa chính là chỗ tựa, là giá đỡ để tồn tại, ổn định và phát triển một dân tộc.
Song, hình như ý thức ấy đang bị mỏng, teo tóp dần. Ngày càng nhiều chuyện phi văn hóa cứ ngang nhiên tồn tại. Tồn tại công khai, thậm chí núp dưới vỏ bọc văn hóa. Không bàn đến chuyện “to tát” như tham nhũng, hối lộ; chạy chức chạy quyền; thải chất độc hại ra sông tàn phá môi trường và vân vân, là hệ quả của một “văn hóa lùn”, chỉ nhìn những điều “nho nhỏ” diễn ra hàng giờ đã thấy Văn hóa xuống cấp tới mức nào. Một Thành Tuyên biến thành lo gạch ngay giữa thanh thiên bạch nhật; một bộ phim xây dựng để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, rặt tàu, không mang sắc thái Việt. Rồi ở thành phố H., người ta bỏ ra 120 ký mực làm  hình cụ rùa ( là biểu tượng tâm linh) để khoe, để đoạt “ nhất” và để … chén trong một lễ hội được gọi là văn hóa thể thao và du lịch mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi… Những việc đại loại như vậy nhiều lắm lắm, diễn ra khắp nơi khắp chốn. Gần đây nhất, ngày mồng 1 tháng 10, tại lễ khai mạc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, sau diễn văn, đến phần văn nghệ, bỗng, các quan chức to, rất to, lần lượt nhổn đít bỏ về. Các quan nhỡ nhỡ thấy vậy cũng lục tục đứng lên… Phản cảm vô cùng! Người Việt không tham gia trọn vẹn lễ hội của người Việt, các ông tây bà đầm cớ gì để ngồi lại? Những hàng ghế trang trọng ở trên dành cho các vị tai to mặt lớn, trống trơn. Cũng com lê cà vạt cả đấy mà sao hành xử coi thường nhân dân đến vậy chứ? Chương trình văn nghệ được dàn dựng rất công phu, rất hoành tráng, tốn tiền tỷ, cuối cùng biểu diễn cho một số quân nhạc, rất ít thảo dân và … cụ Lý Công Uẩn xem. Nhìn lên sân khấu, thương các nghệ sỹ quá!
Chỉ trên cơ sở mở rộng biên độ tư duy văn hóa trong nhận thức và trên cơ sở để lại dấu ấn văn hóa của mỗi cá thể trong mỗi nhiệm kỳ; chỉ trên cơ sở của sự giao thoa hợp lý giữa nhận thức văn hóa và hành động văn hóa, mới mong được nể vì, tôn trọng. Hàm lượng văn hóa trong ứng xử ở mỗi cá nhân là thước đo giá trị của năng lực, lòng yêu nước và tự tôn dân tộc. Vong bản, đánh mất mình làm gì có cái để hội nhập đặng phát triển? Nước thịnh hay suy phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa của nước đó, dân tộc đó.
ĐK