Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÁI THĂNG LONG thương Hà Nội ngây ngất nắng, buồn Hà Nội run run heo may

Gia Quan
Thứ năm ngày 23 tháng 9 năm 2010 6:27 AM

@ Thưa nhà thơ Thái Thăng Long, cái bút danh của ông chỉ cần nghe qua đã thấy tình cảm nặng lòng với Hà Nội, vậy công chúng có thể nghe và gửi gắm riêng tư từ tác giả không?
Thái Thăng Long: Tên thật tôi là Thái Gia Trí sinh năm 1950 Canh Dần, mới về hưu. Tôi sinh tại Đội Cấn – Vạn Phúc (ấp 13 trại), thời Lý Trần dòng họ nhà tôi ở đó cho đến nay (không phải là làng Vạn Phúc dệt lụa Hà Đông đâu nhé). Tôi lấy bút danh năm 1969 – năm tôi vào B2, lính đặc công, cho đến hiện nay đã 41 năm. Thời ấy người ta ít nói đến tên xưa của Hà Nội. Như một tiền định – tên bút danh như là tên chính vậy. Tôi không hổ thẹn, khi lấy bút danh đó. Bạn hãy thử đánh lên “google” có đến vài trăm bài thơ, họ lấy từ khi nào, tôi không rõ, dày đặc và cả tiểu sử… như thế là hạnh phúc rồi. Ấy thế mà sự đố kỵ, ganh ghét không bao giờ buông tôi. Bạn có tin không, ở chiến trường đi công tác, đôi khi phải nói quê ở tỉnh khác…. Lúc ra quân 1975 đi học, họ không cho thăng cấp, là anh thượng sĩ quèn. Tiếp quản Sài Gòn đi học, lập gia đình, không xin được một tấc đất, căn nhà, sống nhờ vợ – mà vợ không tần tảo thì tôi đứng đường. Đất, ông bà bố mẹ để lại ở Hà Nội rộng lắm, nhà sáu bảy anh em đều được bố mẹ chia cho. Đến bây giờ cũng không nhận (biết là giá trị) nhưng tôi là người có cá tính mạnh mẽ, lại mủi lòng, thương người bao dung, nên phải vậy. Nói thế tôi cũng là người ngang ngạnh, lặng lẽ, nói thẳng không sợ và không quỵ luỵ ai. Bạn thấy đấy, 42 năm cống hiến, đi chiến trường 7 năm về hưu có 2,5 triệu/ tháng. Vài người bạn làm Vụ trưởng, Thứ trưởng lắc đầu không tin. Không tin thì sổ hưu đây. Danh tiếng là thế, học hành là thế, trí thức quá bèo bọt…
@  Hà Nội những ngày tuổi thơ đọng lại những gì trong anh?
Thái Thăng Long: Đã là quê hương thì cái cảm của người đó khác với người đến cư ngụ. Bởi vì, tuổi thơ là sự gắn kết không dứt và rời xa… nhất là thi sĩ, nhà văn cần phải có nó. Đó là cảm nhận trời cho. Ví như tiếng tàu điện leng keng, phố xưa, tiếng chuông chùa, bãi vắng sông Hồng, Hồ Tây, những dãy phố cổ, hàng cây, mùa lá rụng, những đôi mắt rất đẹp của thiếu nữ, mùa hè bắt ve sầu. Ngày xưa Hà Nội hoang vắng và thưa thớt lắm. Bây giờ chỉ còn lại hàng cây của mình thôi bạn ạ…. Vô số những điều tôi đã nói chỉ còn trong ký ức – cách đây hơn 50 năm làng hoa Ngọc Hà là thế, Nhật Tân là thế, làng Đại Yên, Cống Vị là thế, cái đẹp và thanh tao của Hà Nội giờ bê tông hoá toàn phần…
@ Còn 36 phố phường như thế nào?
Thái Thăng Long: 36 phố phường thay đổi khá nhiều, từ nếp sống đến con người. Phố cũ vẫn vậy, con đường vẫn vậy, nhưng nó được tu sửa trang điểm lại (mặc dù nhiều chủ qua các đời) may mà còn phố cũ – đấy là cái hồn Hà Nội. Đôi khi về đi qua và ngắm. Tôi thấy giữ nguyên và tu sửa lại thì hay lắm. 36 phố phường dù thay đổi nhưng dứt khoát không đào bới bôi phết cho nó nát ra. Chỉ có tôn tạo. Vẻ đẹp Hà Nội là ở đấy!
@ Bây giờ định cư ở Sài Gòn nhiều năm, anh thường nhớ Hà Nội lúc nào nhất?
Thái Thăng Long: Mùa heo may, mua thu, mùa xuân. Đó là cảm giác thú vị nhất khi ở xa. Tôi sống ở Sài Gòn từ sau năm 1975 cho đến nay. Nhưng, khi mùa thu và heo may về thì cảm giác khó diễn tả. Nó hụt hẫng giống như mình trôi trong vô thức – các hình ảnh hiện lên từ ngày xửa ngày xưa…
@ Nếu bất chợt kể một hình ảnh Hà Nội gần gũi trong anh…
Thái Thăng Long: Rất nhiều… nhưng có lẽ tôi rất nhớ cái ngày mùa đông rét giá tháng 12, tôi cùng các bạn rủ nhau đi chơi bãi sông Hồng ở khu An Dương bây giờ. Cả ngày nhìn dòng sông của đời mình, thế là nó ngấm vào mình rất nhiều kỷ niệm. Anh cứ hình dung ra: bãi vắng, lau thưa lạnh giá, cát vàng, sông cạn. 8, 9 tuổi đi chơi như vậy đấy. Thế mà không sao cả. Còn bây giờ, người lớn xa nhà còn không yên…. Hồi nhỏ tôi theo mẹ đi chùa, đi chợ Bưởi. Nghe tụng kinh gõ mõ nơi cửa phật, dự lên đồng của các bà đồng, nghe chầu văn ở đình làng Vạn Phúc, Ngọc Hà…. Đầy ắp những kỷ niệm, tôi chưa thể nói hết…
@ Tính đến nay anh đã viết bao nhiêu bài thơ về Hà Nội?
Thái Thăng Long: Từ từ tập Ám ảnh, Chiều phủ Tây Hồ, Thời gian huyền thoại, Đồng hành thế kỷ, Hà Nội của tôi đã hơn 700 bài thơ. Số lượng viết về Hà Nội chiếm một tỷ lệ khá nhiều, không  đến 100 bài thì cũng gần như thế. Các bài như Chiều phủ Tây Hồ, Yêu Hà Nội, Hà Nội của tôi, Tiếng chày Yên Thái, Hà Nội 36 phố phường, Hồn phố, Chợ Bưởi… công chúng biết nhiều khi nói đến tác giả.
@ Nếu làm một tinh tuyển của Thái Thăng Long về Hà Nội, anh chọn top 10 hay top 5?
Thái Thăng Long: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tinh tuyển thơ về Hà Nội của mình. Tôi cũng không tự nhận là top ten này nọ. Chỉ có viết, và viết sinh ra từ tình yêu, nỗi khát vọng, nỗi đau thì có tất cả. Độc giả và công chúng sẽ thấy. Còn tự  “đánh bóng” trình diễn mình thì tôi chưa bao giờ làm cả. Mọi điều đều tự nhiên. Chúng ta xưa nay làm ngược nên hiện trạng nó vậy anh ạ. Giá trị đích thực thì trường tồn, giá trị giả như gió thoảng qua. Thời gian sẽ có cách sàng lọc cho mọi giá trị…
@ Hà Nội là xứ sở của thi ca. trong nhiều người viết về Hà Nội, anh ấn tượng với ai? Những câu thơ nào?
Thái Thăng Long: Tôi không thuộc hết, nhớ hết, chỉ biết rằng câu thơ “Những phố dài xao xác heo may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng là rơi đầy” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, hay “Ông đồ” của Vũ Đình Liên – hình ảnh ông Đồ luôn hiện diện trong tôi từ ngày thơ trẻ…. Rồi phải kể đến các cụ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan… còn rất nhiều tác giả không thể nào nhớ hết!
@ Bằng trái tim một người con Hà Nội, anh thấy thủ đô có những điểm khuyết điểm cần phát huy khắc phục?
Thái Thăng Long: Mỗi lần về Hà Nội, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui. Rất nhiều điều tôi muốn nói, nhưng tôi chỉ xin nói ngắn gọn: Hà Nội bây giờ thiếu hẳn cái tinh hoa mà bất cứ thủ đô nào trên thế giới cần phải có. Sự tinh hoa thể hiện ở cái tinh tuý của dân tộc đó. Chẳng hạn, mở rộng Hà Nội chỉ mưu cầu về kinh tế, sinh ra lem nhem, nhếch nhác, xô bồ… lối sống thực dụng vô cảm lan tràn, nói ngọng diễn ra ở các cấp lãnh đạo. Sống giả rất nhiều, thu vén, tham lam, đố kỵ… cái ác hiện diện nhiều nơi. Kiến trúc bị phá vỡ. Lòng người xao động. Mọi cái đó đều có căn nguyên. Các cụ xưa đã nói “gieo gì gặt nấy” anh ạ. Gieo hạt giả thì làm sao có mùa màng. Một ngày nào đó, Hà Nội “lột xác” và còn lại cái tinh hoa là hồng phúc cho đất nước. Tôi mong như thế. Thời gian là minh chứng cho tất cả.
@ Xin cám ơn nhà thơ Thái Thăng Long!

GIA QUAN ( thực hiện)