Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI KỶ NIỆM NGHỀ NGHIỆP KHÓ QUÊN VỚI THẦY NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

PGS-TS. Phạm Quang Trung
Thứ tư ngày 18 tháng 8 năm 2010 11:00 PM

 Tôi không có cái may mắn được giáo sư Nguyễn Đình Chú trực tiếp đào tạo, nhưng trong tâm trí thẳm sâu của nhiều người, ông luôn được xem là thế hệ đầu tiên của những người thầy ngành văn mà bất cứ những ai làm công việc liên quan tới văn học – văn chương trưởng thành sau những năm 1960 trong đó có tôi cũng đều phải hàm ơn. Cái sự học, nhất là sự học trong cái nghề đặc biệt như nghề nghiệp của chúng ta mang nhiều nét lạ lắm, thường đi theo nhiều ngả, nhiều cách, đôi khi không ai dám cả quyết là cách nào, ngả nào có thể hoàn toàn chiếm ưu thế cả. Quyết định khi nào cũng nằm trong ý thức nơi người học. Vì chính họ, chứ không ai khác, sẽ chủ động tiếp nhận tư tưởng và tri thức từ nhiều nguồn, nhiều hướng khác nhau, rồi qua sự trải nghiệm và sàng lọc dài lâu của từng cá nhân, rồi dần dà biến thành tài sản tinh thần riêng của mỗi người trong tư cách của một nhà khoa học đích thực.
 Nói tới điều này, lòng tôi luôn trào lên một nỗi tri ân thật khó diễn tả đối với thế hệ những nhà văn học tiền bối trong đó có giáo sư Nguyễn Đình Chú. Tôi nhớ mãi ấn tượng, dầu chỉ là gián tiếp thôi, truyền đến từ cuộc Hội thảo về dạy văn do Bộ Giáo dục phối hợp với Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và Sở Giáo dục Hà Sơn Bình tổ chức vào thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới, cụ thể là vào ngày 23/11/1987. Nói là gián tiếp vì tôi không được tham dự mà chỉ biết tới qua sự phản ánh khá đầy đủ, chi tiết và trung thực của Tạp chí Cửa Việt, cơ quan ngôn luận của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị, số 1/1990. Thời ấy, không khí Đổi mới sôi động lan tràn khắp nơi trên hầu hết mọi lĩnh vực. Đó thật sự là một cơn lốc về tư tưởng, xáo trộn, lật tung hết mọi thứ, kể cả những gì vốn bám sâu trong đầu óc của mỗi người từ ngàn năm nay. Dạy và học văn – một trong những dạng thức hoạt động tinh thần trọng yếu của xã hội cũng bị cuốn vào đến như không thể nào cưỡng nổi. Góp mặt trong cuộc hội thảo lần ấy toàn là những tên tuổi tiêu biểu cho tinh thần đổi mới văn chương – văn học của cả nước. Nào Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh; nào Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp; nào Hồ Ngọc Đại, Văn Tâm…, trong đó tôi thấy có tên ông. Trên 27 tham luận được trình bày. Rồi được trao đổi, tranh luận thật cởi mở. Những ý kiến phần nhiều chân tình và thẳng thắn, mới mẻ và tâm huyết. Tôi đặc biệt lưu ý tới ý kiến của giáo sư Nguyễn Đình Chú trong quan niệm văn chương nhất quán và dứt khoát là phải quan tâm đến số phận con người, nhưng đó phải là con người đa diện và đa dạng. Ông nói nguyên văn: “Mọi hoạt động tinh thần của con người dù mang tính xã hội sâu sắc đến đâu cũng liên quan đến thuộc tính tự nhiên, tính cá thể! Bỏ qua vai trò của trực giác và vô thức là chưa hiểu nghệ thuật. Trực cảm giúp chúng ta tiếp cận chân lý”. Khi đó, sự đề xuất, mà không, phải nói là sự đề cao tính tự nhiên, tính cá thể nơi bản thể của con người ở ông là táo bạo và quả cảm lắm. Lại còn coi trọng vai trò của trực giác, của vô thức trong sáng tạo nghệ thuật với sự khẳng quyết đến không thể nào lay chuyển được. Thêm một lần táo bạo và quả cảm! Thực lòng, ai cũng biết đó là những điều mấu chốt trong tư duy nghệ thuật, rất đúng đắn và rất cần được thấu triệt nếu còn mong muốn loại hoạt động đặc thù như văn chương – văn học đi theo đúng lối, đúng đường. Không chỉ vào lúc này mà còn cho mãi mãi... Nhưng chắc chỉ những người có uy tín khoa học vững vàng như giáo sư Nguyễn Đình Chú mới dám nói, và có thể nói to lên như vậy. Tôi đọc, hiểu và thấm thía cùng ông. Rồi chừng 5 năm sau, trong sự hối thúc bởi nhu cầu đổi mới tư duy văn học vốn được xem là nhân tố quyết định hàng đầu trong đổi mới mọi hoạt động của các nhà văn và các nhà văn học, tôi đã quyết định mở rộng, đào sâu triệt để ý tưởng khai mở từ ông trong bài viết có tên Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người.
Tôi cho rằng giai đoạn cách mạng và kháng chiến kéo dài suốt 30 năm (1945 - 1975) đã tạo nên một mẫu người phổ biến trong cuộc sống và trong văn chương phù hợp với yêu cầu cơ bản của lịch sử là chiến thắng, bằng bất kỳ giá nào, kẻ thù của dân tộc và tiến bộ xã hội. Câu nói của Hồ Chí Minh “Dầu phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết phải giành cho kì được độc lập" đã trở thành quyết tâm và sức mạnh của hàng triệu người Việt Nam. Không phải chúng ta không nhận biết được tính toàn diện của bản chất người, tính đa dạng và phức tạp của quan hệ người. Nhưng để tồn tại và chiến thắng, một số mặt trong bản chất và quan hệ ấy, trên thực tế, đã nổi trội hẳn lên. Đó chủ yếu là con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường. Làm sao có thể khác được! Chiến tranh có quy luật riêng của nó. Muốn vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời chiến, con người cần sống một cách thực tế, không nên quá suy tư và đa cảm, phải giản ước mọi ham muốn, không được mơ hồ về kẻ thù, không được phép nghĩ nhiều tới lợi ích và nguyện vọng riêng tây, và nhất là cần huy động mọi phẩm chất cao đẹp tiềm ẩn trong bản thân mình. Vâng, đó là thực tế có thể ngặt nghèo song không thể khác được. Tuy nhiên, từ sau toàn thắng 1975, tình hình toàn cục trên đại thể đã hoàn toàn đổi khác. Giờ đây, với nhà văn, cuộc sống đã mở ra những triển vọng cao hơn cùng những đòi hỏi lớn hơn. Để đáp ứng những nhu cầu thẩm mĩ mới của công chúng, văn chương cần trở về với đặc trưng vốn có của mình, cần tuân thủ những “quy luật muôn đời” của các kiệt tác trong lịch sử văn chương dân tộc và nhân loại. Đặc biệt, bệnh đơn giản, một chiều trong quan niệm nghệ thuật về con người nên sớm được chấm dứt. Đã đến lúc cần lưu tâm đến tính toàn diện của bản chất người, tính đa dạng của quan hệ người. Cùng với con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người giai cấp, con người cộng đồng và con người phi thường, nhà văn cần coi trọng thêm tới con người siêu việt, con người tâm linh, con người tự nhiên, con người nhân loại, con người cá thể và con người đời thường - những phương diện và những quan hệ mà trước đây do nhu cầu của thời chiến đã không được chú ý một cách thích đáng. Và một thập kỉ văn chương vừa qua, trên thực tế, đã ít nhiều đi theo hướng này. Đó là dấu hiệu thật đáng mừng.
Tôi cũng không quên khẳng định, song hành với sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người là sự thay đổi trong phương thức biểu hiện nghệ thuật về con người. Ở đây hầu như không hề có bất kì một trói buộc nào cả. Nhà văn có quyền sử dụng mọi phương tiện nghệ thuật kể cả ước lệ, tượng trưng, huyền ảo, viễn tưởng... để đạt được mục tiêu sáng  tạo của mình. Nguồn học hỏi có thể từ nhiều phía. Có thể tiếp thu những biện pháp thể hiện của các ngành nghệ thuật khác như thủ pháp đồng biện của điện ảnh, tính tư liệu của báo chí... Cũng có thể tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực từ các trào lưu hiện đại phương Tây như kĩ thuật “dòng ý thức” của Marcel Proust, tư duy huyền thoại của Franz Kafka... Cần tạo nên sự đa dạng về màu sắc thẩm mĩ, sự nhiều chiều về thời gian và không gian, sự đa thanh về giọng điệu và âm hưởng. Từ đó, tôi đi tới lời kết luận với sự khích lệ và mong mỏi có thể xem là da diết: “Rõ ràng, hơn lúc nào hết, chân trời sáng tạo đang rộng mở trước nhà văn với bao dự cảm tốt đẹp. Điều còn lại hết thảy tùy thuộc ở nhân cách, tài năng và sức lao động của người nghệ sĩ. Sự khởi động đã bắt đầu, tín hiệu thành công đang nhấp nháy, nhưng trang viết để đời còn đang ở phía trước thúc giục, mời gọi người cầm bút chúng ta”. Bài viết này của tôi đã nhận được sự chia sẽ rộng rãi của nhiều đồng nghiệp lúc bấy giờ, và sau đó, tôi quyết định đưa vào tập tiểu luận - phê bình văn chương đầu tiên của mình có tựa đề Tiếp cận giá trị văn chương do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1995. Nhờ tập sách duy nhất này, tôi được vinh dự gia nhập Hội Nhà văn vào năm 1997. Có điều, không mấy người biết rằng, bài viết đó cùng nhiều bài viết khác đứng trong nhiều tập sách mang tên tôi vốn xuất phát từ những gợi ý quan trọng của các nhà văn học hàng đầu như giáo sư Nguyễn Đình Chú. Vậy là, công lao của những người thầy như ông đâu có nhỏ! Thế là từ đó, cứ thấy bài viết nào mang tên ông là tôi đều đọc một cách say sưa, nhất là đọc một cách kỹ càng. Nghĩa là đọc có suy ngẫm, có vận dụng, và đặc biệt là có sáng tạo…
Chẳng hạn, bài viết Cần nhìn nhận đúng văn học thời kỳ 1930 – 1945 của ông in trong tập Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học có thể xem là một chuyên san gộp thu từ số 27 đến số 31 ra tháng 7/1989 của Báo Người giáo viên nhân dân. Tôi đặc biệt xúc động bởi những ý nghĩ nồng nhiệt sau của giáo sư Nguyễn Đình Chú: “Phải cảm ơn Thời gian, cảm ơn cái quy luật cộng hưởng nghệ thuật vốn là lạnh lùng nhưng có đủ bản lĩnh sắt đá và khả năng biến chuyển khôn cùng để vượt lên trên mọi hoàn cảnh, mọi thứ ấu trĩ, thô thiển, đơn giản hóa thị hiếu văn chương”. Rồi cả những đoạn văn đầy tinh thần thức tỉnh – điều tối cần thiết đối với những người dạy và học văn khi đó: “Ở đây cũng chưa vội trách các nhà nghiên cứu… Nói riêng trong nhà trường thì một câu nói khi giới thiệu thơ Tố Hữu: ‘Giữa bao ngọn cờ sai lạc, lá cờ anh là lá cờ Đảng’, một đoạn thơ trong bài Người đi tìm hình của nước: ‘Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đới con. / Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn… Lòng ta thành con rối/ Cho cuộc đời giật dây…’ của Chế Lan Viên đã một thời chi phối khá đậm thầy trò trong cách nhìn nhận văn chương ‘tiền chiến’ không cách mạng này”. Tôi, và chắc không chỉ riêng tôi, làm sao quên được hai đề xuất thấu đáo của ông: “1. Phải xử lý đúng mối quan hệ giữa quan điểm chính trị và quan điểm văn chương trong nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn chương; 2. Phải từ một năng lực nhận thức sâu sắc về giá trị nhân bản, về thế giới tâm linh vốn dĩ là rất phong phú, rất kỳ diệu của con người để có năng lực nhận thức và đánh giá các hiện tượng văn chương một cách hợp lý, khoa học hơn”.
Cũng nhờ những ý tưởng mới mẻ và cấp thiết của ông cùng nhiều tác giả khác trong tài liệu kể trên, tôi có thêm nhiều bằng cớ để củng cố và bổ sung nhằm đi tới hoàn thiện nhận thức của bản thân về sự nghiệp Đổi mới văn chương – văn học. Đã rõ là khái niệm đổi mới luôn hàm nghĩa khác biệt – khác biệt với cái cũ kỹ, lỗi thời trước đó. Bởi vậy, đổi mới bao giờ cũng đi cùng với sự vượt thoát khỏi giới hạn của cái cũ, từ tinh thần đến ngoại hiện. Muốn thế, không thể không nhận ra cái cũ ấy ra sao? ở đâu? Rồi thái độ cần có trước cái cũ nên thế nào? Tất phải xảy ra sự đụng độ giữa những quan niệm bị chi phối bởi những cách nhìn khác nhau, kể cả đối nghịch nhau. Chưa khi nào cái thật và cái giả, cái tiến bộ và cái lạc hậu lại va đập mạnh như vậy. Không phải ở đâu mọi cái thật và cái tiến bộ cũng đều tỏ rõ ưu thắng, nhưng khi đó, hầu như chúng luôn giữ ưu thế. Và, thật dễ hiểu khi cái giả, cái lạc hậu thường quanh co, đưa đẩy, lẩn tránh. Cũng cần thấy sự xuất hiện khá sớm trong đời sống văn chương và văn học thời Đổi mới xu thế nhìn nhận lại giá trị một số tác giả, tác phẩm, trào lưu được xem là có vấn đề trước đó. Vào thời ấy, công lý được đề cao hơn, công bằng được quan tâm nhiều hơn, và công tâm luôn được đặt ra và luôn được thử thách. Muốn thế, ngoài lương tri còn đòi hỏi lòng can đảm - can đảm nói thẳng những điều mình tin, và can đảm đấu tranh cho sự thật và lẽ phải cần bảo vệ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều hội thảo, hội nghị văn học mở ra ở khắp trong Nam ngoài Bắc, trên mặt báo cũng như ngoài đời sống. Xem ra, người trong và ngoài giới  đều quan tâm, nhất là đều muốn tỏ bày chủ kiến và thái độ.      
 Thế là, tôi cầm bút viết bài Xu hướng nhìn nhận lại một số hiện tượng văn chương thời kỳ đầu Đổi mới và quyết định lấy sự kiện nêu trên làm trung tâm. Tôi cho rằng, để đánh giá lại một số hiện tượng văn chương trong những giai đoạn trước, nhiều cuộc  hội nghị, hội thảo văn học được tổ chức, thu hút hàng trăm nhà văn, nhà khoa học, nhà quản lý văn nghệ. Tiêu biểu như cuộc Hội thảo về Vũ Trọng Phụng diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6 tháng 12 năm/1987, cuộc Hội thảo về văn chương Tự lực văn đoàn tổ chức ngày 27 tháng 5 năm 1987 tại Hà Nội… Trong không khí đó, nhiều  chuyên luận, chuyên đề, chuyên san đã xuất hiện, có thể kể tới Thơ mới, những bước thăng trầm (1988) của Lê Đình Kỵ, Tự lực văn đoàn – con người  và văn chương (1990) của Phan Cự Đệ. Nổi bật và tập trung hơn cả là tập Nhìn nhận lại một số hiện tượng văn học, chuyên san của Báo Người giáo viên Nhân dân, ra tháng 7 năm 1989. Tôi đánh giá bao quát tài liệu quan trọng này, ở chỗ nhiều hiện tượng văn chương bị coi là có nghi án được bước đầu giải tỏa. Giai đoạn văn chương, có 1930 – 1945; trào lưu văn chương, có Thơ mới và Tự lực văn đoàn; phương pháp sáng tác, có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa; tác giả, có Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thạch Lam, Hồ Dzếnh… Nhiều nhất là các tác phẩm. Thời trước 1945 có: Lửa thiêng, Số đỏ, Vang bóng một thời…; thời Kháng chiến chống thực dân Pháp có: Tây tiến, Bên kia sông Đuống, Màu tím hoa sim…; giai đoạn sau hòa bình  có: Vào đời, Đống rác cũ, Mười năm … Sắc thái, mức độ nhìn nhận, đánh giá có phần khác nhau. Nhiều trường hợp xem xét lại, cũng không ít trường hợp được soi tỏ thêm. Có hiện tượng, ý kiến đánh giá tương đối thống nhất, như văn nghiệp của Thạch Lam hay Vang bóng một thời… Nhưng, thường là những nhận định ngược chiều so với các đánh giá trước đây. Thế rồi, tôi rút ra hai nhận xét cơ bản sau:
- Cảm thụ, thẩm định văn chương không khi nào là công việc dễ dàng, đơn giản. Có nhiều nguyên do khách quan, chủ quan khác nhau chi phối. Nhiều vấn đề văn chương phức tạp, lại diễn ra trong những thời điểm phức tạp, vì vậy, không thể có tiếng nói kết luận cuối cùng. Có điều, những giá trị văn chương đích thực là bất tử. Một lúc nào đó giá trị của chúng có thể bị che lấp, nhưng trước sau gì cũng sẽ tỏa sáng trong lòng bạn đọc ở những thế hệ sau.
- Chẳng ai muốn lầm lạc trong xét đoán văn chương. Những người có trọng trách đối với văn chương dân tộc lại càng cố tránh. Song nhầm lẫn đều rất có thể xảy ra. Những bài học rút ra từ việc giải tỏa những nghi án văn chương, rộng ra là từ việc nhìn nhận mọi giá trị văn chương vào thời kỳ Đổi mới trong thế kỷ XX là hữu ích, nhưng chỉ thật sự hữu ích đối với  những ai thành tâm, thiện chí, lại không rời xa phương châm của người xưa: Học nhi bất tư tắc võng. Có vậy, chúng ta mới mong không đi lại vết xe đổ của những người đi trước.
              Bài viết này sau được in lại trong cuốn Đến từ con chữ của tôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn công bố vào năm 2007. Đó chỉ là một vài duyện nợ nghề nghiệp đáng nhớ nhất của tôi với giáo sư – nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú, người thầy – nhà văn học mà bao thế hệ học trò như tôi phải âm thầm mang ơn. Xin được lưu ý tới chữ âm thầm. Công lao của những nhà sư phạm, những nhà khoa học chân chính phải chăng là vậy: có thể nhiều người không biết hoặc không nhớ, nhưng chính họ góp phần lưu giữ và lưu chuyển những giá trị tinh thần cao đẹp nhất, bền lâu nhất của dân tộc và nhân loại, làm nên cái gọi là lịch sử của tri thức, của tư tưởng, của khoa học… Và của văn chương - văn học, nghề nghiệp thiêng liêng mà chúng ta tự giác hết lòng hết sức đeo đuổi. Cho dầu luôn gặp không ít trở ngại, trở lực ở phía trước và ở chung quanh…
    Đà Lạt, 8/2010