Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI Ý KIẾN VỚI NHÀ VĂN TÔ HOÀNG

Nguyễn Hữu Quý (Đắc Lắc)
Thứ sáu ngày 20 tháng 8 năm 2010 12:37 PM

Nhân đọc bài “Đừng như những chú kiến chạy quàng trong chiếc chảo nóng”, đăng trên trannhuong.com, ngày 18/8/2010.
 
Thực ra, khi viết những dòng này tự mình tôi thấy có thể là “không nên”, vì đây là lĩnh vực hoàn toàn xa lạ đối với tôi, và tất nhiên, về bản thân mình, tôi cũng không muốn thuộc loại người “…những kẻ xấu bụng ngòai giới được thể bôi nhem hình ảnh của các nhà văn chúng ta…” .
Tuy nhiên, có thể cũng là do “duyên số”, bởi vì từ ngày được làm quen với trannhuong.com, cho nên nhiều lúc do “tò mò” đọc các bài viết của các nhà văn, nhà thơ (bởi vì trang trannhuong.com, mà bác Trần Nhương lập ra, có lẽ cũng chủ yếu dành cho những người đồng nghiệp như Bác! Không có lẽ những người không yêu văn chương, không quan tâm đến nền văn học nước nhà họ lại vào trannhuong.com?); vì vậy, sau khi đọc bài đăng của tác giả Tô Hoàng, tôi mạnh dạn góp ý như sau:
1. Trước hết, tôi đồng ý với tác giả Tô Hoàng toàn bộ phần mà tôi trích lại như sau:
“Bằng sự trải nghiệm của bản thân và những quan sát người viết xứ mình, chí ít là của thế hệ các đàn anh tôi và thế hệ tôi, tự dựng tôi cứ đinh ninh tin chắc rằng XÉT VỀ PHẨM GIÁ LÀM NGƯỜI, VỀ TÌNH YÊU VĂN CHƯƠNG, VỀ SỨC LAO ĐỘNG BỀN BỈ, PHI THƯỜNG DÀNH CHO TỪNG TRANG VIẾT không có bất kỳ nhà văn ở bất kỳ xứ sở nào trên thế giới này có thể sánh với các nhà văn Việt nam chúng ta!”
Đúng vậy! thế hệ của bác Tô Hoàng và trước đó, là những nhà văn xứng đáng được trân trọng.
2. Và sau đây mới là phần góp ý riêng của tôi, với tư cách của một người đọc:
a. Qua Đại hội VIII Hội nhà văn vừa rồi, thì chính những nhà văn đã tự nói lên những yếu kém của mình; tôi là người theo dõi từng giờ “tường thuật trực tiếp” trên trannhuong.com; và đến hôm nay, có thể khẳng định rằng, các nhà văn đến Đại hội là để… “bầu”! mà không phải là “mở hội” của những người cầm bút đúng nghĩa!
Tại sao vậy, bời vì, ngay cả đến nhà văn Chu Cẩm Phong, cũng còn bị Đại hội (đồng nghiệp) quên lãng, vậy thì đồng nghiệp với nhau các bác nhà văn mang thứ gì đến Đại hội, đọc tham luận cho ai nghe? (quá trình diễn ra đại hội, mà 90% tham luận “được”… vỗ tay cho ta điều đó!).
Sau đây xin trích lại các nội dung mà nhà văn Bùi Minh Quốc trong bài “Thư ngỏ của nhà văn Bùi Minh Quốc”, đăng trên BauxiteVN, ngày 16/8/2010 như sau:
“… nhà văn Chu Cẩm Phong là nhà văn đầu tiên trong Hội được phong anh hùng với tư cách nhà văn, đây là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn, thế nhưng trong báo cáo của Ban chấp hành khoá VII do Chủ tịch Hữu Thỉnh trình bày tại Đại hội lại không hề có một dòng một chữ nào về sự kiện này. Tại sao lại như vậy?”;
Bùi Minh Quốc viết tiếp: “…ấy vậy mà  giờ đây báo cáo của anh (Hữu Thỉnh-NHQ) đọc tại Đại hội lại không có một dòng một chữ nào nhắc đến sự kiện một nhà văn đầu tiên trong Hội được phong anh hùng với tư cách nhà văn, vậy tấm lòng thực của anh đối với một truyền thống lớn của Hội ta, truyền thống Chiến sĩ - Nghệ sĩ, là thế nào ?”.
Thưa tác giả Tô Hoàng, như thế đấy! cái đáng vinh danh thì các bác chẳng vinh danh(!?); điều đáng học tập lẫn nhau thì các bác lại không (hay là “văn mình, vợ người” nên nó thế!);
Theo tôi, cái may mắn của nền văn học nước nhà hôm nay là còn có… “người chê” đối những người cầm bút các anh! (nếu các nhà văn thực sự cầu thị!). Hỏi rằng, trong số nhà văn hôm nay, có mấy người như Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc…(dám nói lên sự thật và đau với nỗi đau của đất nước, của nhân dân…), và các nhà văn đã ký trong bản THÔNG BÁO để “chuyển từ hội xin tiền nhà nước lâu nay thành hội tự nuôi tự quản”?
b. Với tư cách là một công dân, tôi xin mạnh dạn góp ý là: đa số nhà văn các bác hiện nay đều SỢ SỰ THẬT, và đó chính là nguyên nhân cơ bản để nhân dân coi thường nhà văn hiện nay! Tôi xin lấy ngay chính đoạn nói sau đây của bác Tô Hoàng để chứng minh cho điều này:
“… Còn cả một danh sách rất dài, rất dễ dàng liệt kê như sau: Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu..tiếp nối là những Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Óanh, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ….
Nói đến thứ lao động văn chương của nhà văn xứ ta trong điều kiện “củi tem, gạo phiếu” thời chiến tranh 1964-1975; trong những thắt buộc nghiệt ngã, những điều kiện sống bị dồn đến mép vực của sự sinh tồn vào những năm tháng 1970-1980, cuốn hồi ký “ Những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương” của nhà văn Ma Văn Kháng là một minh chứng sống”.
Đoạn nói trên đây của bác Tô Hoàng cho thấy: chỉ khi nào các nhà văn dám nói lên sự thật, thì nhà văn mới được nhân dân và “chính các nhà văn lớp sau hoặc đồng nghiệp” tôn trọng là vì vậy.
c. Vì “sợ” SỰ THẬT, cho nên văn học hôm nay không có mấy tác phẩm đi vào cuộc sống (vì đơn giản: cuộc sống là sự thật!); nhưng tôi tin, đến một lúc nào đó, văn học nước nhà sẽ tìm lại chính mình, như một thời mà bác Tô Hoàng đã nêu trong bài; nhưng để làm được điều đó, không ai khác, trước hết, là các nhà văn phải “vượt lên chính mình”, và đó cũng là lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút đối với nền văn học nước nhà hôm nay!
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất của đất nước ở thời điểm hiện tại; theo tôi, nếu mới chỉ nhà văn “sợ” sự thật, thì chưa nguy hại cho Đất nước bằng các nhà lập pháp, các nhà nghiên cứu lý luận… SỢ SỰ THẬT; khốn thay, nước nhà hôm nay lại đang diễn ra như vậy!
Lại nữa! sợ sự thật mà im lặng còn chưa nguy hại bằng… nói theo!
Những gì tôi nói ra trên đây, nếu có điều gì không phải… rất mong được bác Tô Hoàng, bác Trần Nhương và bạn đọc của trannhuong.com thông cảm, đại xá!