Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỰ ỨNG CỬ

Dương Đức Quảng
Thứ năm ngày 19 tháng 8 năm 2010 4:56 AM
Lâu lắm, dễ đã hơn mười năm, ngày 14/8/2010 tôi mới có dịp trở lại Bến Tre. Lần này, ngoài công việc tôi đang làm, tôi hẹn với Đình Thu, cán bộ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, một nhà thơ của xứ dừa Bến Tre, bạn của Vũ Hồng và tôi, là sẽ gặp Vũ Hồng, nhà văn của “đất Đồng khởi” vừa tự ứng cử và trúng vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam Khóa 8.
Tôi và Vũ Hồng chưa gặp nhau lần nào, nhưng qua một số bài viết trên báo, nhất là qua mạng vannghesongcuulong và trannhuong.com thì biết về nhau. Qua điện thoại, Vũ Hồng và tôi mấy lần hẹn gặp nhau mà vẫn chưa gặp được.
Gặp Vũ Hồng, ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là anh ăn nói nhỏ nhẹ, có vẻ dễ gần. Trò chuyện cùng anh, tôi thấy anh không phải là người hoạt ngôn và không có những câu nói có vẻ “răn dạy” người đời như một vài nhà văn, nhà thơ mà tôi đã gặp. Có thể ấn tượng đầu tiên của tôi về anh chưa chắc đã đúng, nhưng rõ ràng tiếp xúc với anh lần đầu thấy đã có cảm tình.
 \
Nhà văn Vũ Hồng (bên phải) cùng chủ Blog Đầu Gối Dương Đức Quảng
Gặp Vũ Hồng, từ chuyện tự ứng cử của anh vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, tôi nhớ lại một vài trường hợp tự ứng cử khác mà tôi biết.
Trước hết tôi đánh giá cao những người tự ứng cử vào các chức vụ qua các cuộc bầu cử, dù là “chức to” hoặc “chức nhỏ”. Những người ấy là những người có bản lĩnh và tự tin rất cao, dám đương đầu với thách thức qua từng lá phiếu trong các cuộc bầu cử. Ở các nước chuyện tự ứng cử trong các cuộc bầu cử là chuyện rất bình thường, không phải là chuyện hiếm hoi như ở nước ta. Còn ở ta, rõ ràng chuyện tự ứng cử vẫn là chuyện hiếm. Có lẽ một phần là do chưa có nhiều người đủ bản lĩnh và tự tin để tự ứng cử và phần khác là không khí bầu cử chưa thật tự do, dân chủ nên chưa tạo điều kiện để nhiều người tự ứng cử và tranh cử.
Song, phải nói thẳng một điều rằng việc tự ứng cử mà thành công là việc không phải dễ. Trước hết là ở người tự ứng cử. Không phải ai tự ứng cử cũng đánh giá đúng về mình và về mọi tình huống xảy ra khi mình tự ứng cử. Nhiều người tự ứng cử quá tự tin vào mình mà “không biết mình, biết người”, không nhìn trước nhìn sau để xem mình ứng cử liệu có được mọi người ủng hộ mà bầu cho mình không.
Cách đây gần 30 năm, kỳ Đại hội Đảng lần thứ V tôi biết có vài người tự ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng nhưng tất cả đều không qua được “vòng gửi xe”. Trong số vài người ấy có anh T.L, người thủ trưởng cũ của tôi. Năm 1970, khi anh T.L làm Trưởng Phân xã Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) ở Quảng Bình thì tôi là phóng viên của Phân xã. Anh T.L là một người hiền lành, tốt bụng, được anh em trong Phân xã quý mến. Khi anh nộp đơn ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng trước khi diễn ra Đại hội lần thứ V của Đảng anh là Giám đốc cơ quan Đại diện miền Trung của TTXVN tại Đà Nẵng. Khi biết tin anh tự ứng cử vào Trung ương Đảng phải nói rằng gần như cả cơ quan TTXVN lúc ấy đều bất ngờ, tôi cũng vậy. Là một cán bộ dưới quyền, rất quý trọng anh, nhưng tôi không bao giờ nghĩ anh T.L có thể trở thành một cán bộ lãnh đạo cấp cao, nhất là lại trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Trước hết bởi anh không phải là một người được đánh giá là thông minh, sắc xảo, trình độ văn hóa và chuyên môn của anh rất bình thường. Anh mới chỉ tốt nghiệp cấp 2 phổ thông rồi theo học hệ trung cấp của trường Mỹ thuật Công nghiệp, không phải là một nhà báo có tên tuổi, có tác phẩm báo chí xuất sắc được nhiều người biết đến. Chính vì thế việc tự ứng cử của anh thất bại ngay từ đầu khi đưa ra lấy ý kiến giới thiệu từ Đảng bộ cơ sở. Gần như cả Đảng bộ không có ai bỏ phiếu giới thiệu anh vào Trung ương.
Sau này, có dịp trò chuyện với anh, anh T.L nói với tôi rằng anh đã quá tự tin vào mình và tin vào một điều quy định trong Điều lệ Đảng là đảng viên có quyền tự ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, từ Đảng bộ cơ sở tới Ban chấp hành Trung ương, mà không thấy được sự tín nhiệm và ủng hộ của mọi người đối với anh là quá thấp. Còn mọi người trong cơ quan, nhất là bạn bè thân tình của anh, sau chuyện này đều ái ngại cho anh, thương anh vì sau đó anh có phần buồn. Sau đó vài năm, trước khi mất nỗi buồn đó vẫn không buông tha anh.
Cách đây mấy năm, có một chuyện tự ứng cử đã khiến dư luận trong nước và cả ở nước ngoài ồn ã chưa từng có. Đó là chuyện Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin của nhiệm kỳ Chính phủ 2007-2012. Tôi không quen ông Tiến sĩ này, chỉ đọc qua báo chí được biết ông tốt nghiệp Tiến sĩ luật ở Pháp, là con trai của nhà thơ, Bộ trưởng Cù Huy Cận. Khỏi nói về trình độ văn hóa và chuyên môn của ông, lại thêm, như ông viết trên báo và trả lời đài phát thanh, truyền hình, ông lại là “con nhà nòi”, thừa trí thông minh, người bình thường không thể có được những điều kiện tuyệt vời ấy. Khi nghe tin ông tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, tôi nghĩ bụng dù ông Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ có bằng cấp đến đâu, thông minh tài giỏi đến đâu thì ông cũng khó trở thành Bộ trưởng được. Bởi vì tôi biết, theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ thì Quốc hội bầu Thủ tướng, sau đó Thủ tướng thành lập nội các (Chính phủ) trình ra Quốc hội để Quốc hội phê chuẩn. Có nghĩa rằng ai là Bộ trưởng đều do Thủ tướng chọn rồi trình Quốc hội chứ không phải Quốc hội bầu từng thành viên Chính phủ để có thể tự ứng cử trước Quốc hội được. Tôi cứ tự hỏi, chả lẽ với trình độ Tiến sĩ luật, lại Tiến sĩ luật ở Pháp, bằng xịn chứ không phải là bằng giả mà ông Tiến sĩ này lại không biết điều luật trên? Có lẽ không phải. Chắc là ông thừa biết nhưng vì bản lĩnh quá cao và sự tự tin không mấy người có hoặc vì một lý do nào đấy mà tôi không biết nên ông Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ mới ứng cử chức Bộ trưởng Văn hóa Thông tin và kết quả sau sự tự ứng cử này thì mọi người đều đã biết.
Tôi còn biết một vài trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có cả một người bạn của tôi. Có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã trúng cử, nhưng tỷ lệ trượt của những người tự ứng cử là cao, rất cao. Một trong những nguyên nhân đó là vì người tự ứng cử thì quá tự tin vào trình độ và khả năng của mình trong khi người bỏ phiếu cho họ thì lại không biết hoặc không tin vào trình độ và khả năng đó.
Trở lại trường hợp của Vũ Hồng, tôi thấy đáng mừng vì trong một đại hội có tới mấy trăm đề cử viên, sau này rút xuống còn 30 rồi còn 18 người để bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mà Vũ Hồng, người tự ứng cử trong danh sách còn lại đã trúng cử. Rõ ràng việc tự ứng cử đâu phải lúc nào cũng thất bại. Trong trường hợp này, một khi “biết mình, biết người”, nắm được xu hướng của người bỏ phiếu thì người tự ứng cử cũng có thể “trăm trận trăm thắng” lắm chứ!
Mong sao tự ứng cử sẽ trở thành một việc làm bình thường trong đời sống xã hội, không phải là chuyện “xưa nay hiếm” nữa. Chỉ có điều người tự ứng cử cần “biết mình, biết người” trước khi quyết định ra ứng cử để khỏi rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” mà chẳng ai muốn như đã từng xảy ra.

Nguồn: Blog Đầu Gối,
http://vn.myblo.yahoo.com/dd_quang1945

Ảnh: Nhà báo Dương Đức Quảng và nhà văn Vũ Hồng tại Bến Tre