Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lại Nguyên Ân: ĂN XÔI CHÙA NGỌNG MIỆNG

Phạm Thị Hoài thực hiện
Thứ ba ngày 17 tháng 8 năm 2010 6:31 AM
 
 hspace=12
Nhà văn Lại Nguyên Ân
 

talawas: Hơn 5 năm trước, trong bài “Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự” đăng trên báo Người đại biểu nhân dân, anh đã đề nghị Nhà nước chấm dứt bao cấp cho các hội. Mới đây, trong “Kiến nghị trình Đại hội VIII Hội Nhà văn Việt Nam“, anh lại cùng một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khác đề nghị hội này “chuyển từ hội xin tiền Nhà nước thành hội tự nuôi tự quản”. Quan điểm của anh có được sự ủng hộ của đông đảo các hội viên khác không? Cho đến nay đã có bao nhiêu hội viên tham gia ký kiến nghị?
Lại Nguyên Ân: Thật ra, tôi đã đề cập vấn đề này từ ngay thời đầu Đổi mới, ví dụ những bài: “Cơ chế hành chính quan liêu bao cấp và hoạt động văn hóa văn nghệ” (Nhân dân, 30/01/1988), “Để các tổ chức xã hội không bị quan liêu hóa“ (Nhân dân, 20/01/1989), “Cần một thiết chế văn hóa văn nghệ phù hợp trong nhà nước pháp quyền“ (tạp chí Tuyên truyền, 9/1991); gần lại đây hơn là 2 bài: “Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội” (tham luận tại Viện Văn học tháng 7/2004, tại Hội thảo về phê bình tại Đồ Sơn 2006), “Việc lớn trước mắt: Chuyển các hội văn học nghệ thuật về đời sống dân sự” (Người đại biểu nhân dân, 23/02/2005).
Thời đầu Đổi mới (1986-1992), giới nhà văn nêu ra khá nhiều vấn đề xã hội và văn nghệ, có lẽ vì vậy mà vấn đề trên đây do tôi nêu lên chỉ được một số rất ít người hưởng ứng. Nếu không kể đến những người từng trò chuyện trực tiếp với tôi về đề tài này thì nhà văn Bùi Minh Quốc trong tham luận công bố trước thềm đại hội nhà văn vừa rồi (bài “Tổ quốc và tự do“) hình như là người đầu tiên nhắc đến ý kiến của tôi. Chính cái “chỉ số trích dẫn” khá thảm hại ấy, cũng như số lượng ít ỏi những người tham gia kiến nghị nói trên, đã cho thấy rằng: về chuyện này, giới nhà văn ở Việt Nam nhận biết còn khá… lơ mơ.
.
talawas: Vậy theo anh, bản chất của vấn đề này nên được đặt ra như thế nào?
Lại Nguyên Ân: Vấn đề là trong cơ chế bao cấp (ở Việt Nam từ 1986 trở về trước), các ngành văn hóa nghệ thuật cũng như các ngành kinh tế xã hội đều bị/được nhà nước hóa, tức là đều mang tính quốc doanh; mỗi ngành đều được tổ chức thành một hệ thống duy nhất, tức là về tiềm năng đều mang tính độc quyền.
Sang thời Đổi mới (từ 1990), quá trình “giải bao cấp” được áp dụng trước hết cho các ngành kinh tế: các tổ chức kinh tế tư doanh, dân doanh, của giới đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đều được phép hoạt động; tiếp đó là việc cổ phần hóa (tức là “phi quốc doanh hóa”, hoặc đa dạng hóa về sở hữu) một loạt xí nghiệp kinh tế quốc doanh. Được đẩy mạnh là thế mà thật ra, sau 20 năm, “giải bao cấp” trong các ngành kinh tế vẫn chưa hoàn thành, những bất cập vẫn thường bị các định chế quốc tế thường xuyên nhắc nhở. Còn về văn hóa thì, chỉ đến sau năm 2000, việc “giải bao cấp” mới bắt đầu được đặt ra cho một vài ngành nghệ thuật (cho phép có các tổ chức dân doanh ở các ngành điện ảnh, sân khấu, biểu diễn ca nhạc), nhưng thực chất của công việc này bị người ta gọi chệch đi là “xã hội hóa” (khái niệm này bắt đầu mang hàm nghĩa riêng “thuần túy” Việt Nam từ khi ấy, không còn gì chung với socialization trong khái niệm của thế giới nữa).
Trong thực chất, “giải bao cấp” ở các ngành văn hóa nghệ thuật có một việc rất quan trọng là xử lý các hội văn học nghệ thuật. Các hội này hiện vẫn mang hai thuộc tính kinh tế xã hội thời bao cấp là tính chất nhà nước hóa (là hội quốc doanh) và tính một hệ thống duy nhất (tính độc quyền). Được quyền là đại diện duy nhất cho mỗi ngành văn học nghệ thuật của đất nước, quốc gia, được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho bộ máy hội mình hoạt động, – ấy là hội nhà nước hóa. Dù ban lãnh đạo các hội này là do hội viên bầu ra, nhưng, – như Kornai János đã vạch ra khi ông giải phẫu hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa – “Rốt cuộc thì lãnh đạo tổ chức quần chúng cũng là quan chức hệt như bất kể thành viên nào của bộ máy hay bất kể quan chức nhà nước cấp cao nào.”[1] Đây chính là mã khóa bí kíp “một bước nên quan”, tạo ra sức hấp dẫn và sự tranh đua quyết liệt tại các cuộc bầu cử ở các kỳ đại hội của mỗi hội đoàn, như người ta đã và đang thấy.
Ngoài các hội này, các văn nghệ sĩ là công dân Việt Nam trên đất Việt Nam không được lập các hội khác, – điều ấy cho thấy các hội hiện tại đều là hội độc quyền. Sự tồn tại các hội quốc doanh và độc quyền này không chỉ khiến nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước không được phân chia một cách công bằng (việc nhà nước tài trợ cho văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết hiển nhiên, chỉ có cung cách tài trợ mới là điều cần bàn), mà còn, ‒ do sự tồn tại các hội độc quyền ‒ tước mất quyền tập hợp nhau thành hội của những văn nghệ sĩ khác, vốn không muốn hoặc không thể đứng trong các hội bao cấp duy nhất hiện có. Đấy là vắn tắt về tình trạng các hội quần chúng (trong đó có các hội văn học nghệ thuật) ở thời bao cấp theo mô hình cổ điển của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Từ thời Đổi mới đến hiện nay, trong những khuôn khổ pháp lý đã được xây dựng, trên thực tế, những người viết văn ở Việt Nam đã có thể hành nghề viết văn mà không nhất thiết phải là hội viên Hội Nhà văn. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà thơ Hoàng Hưng là hai ví dụ tôi biết, nhưng đấy không phải trường hợp cá biệt.
Như vậy có thể nói rằng, đối với hoạt động sáng tác và công bố tác phẩm của người viết văn, ở Việt Nam hiện tại, các giới chức của nhà nước đã có khá đủ những khuôn khổ pháp luật để quản lý. Trên thực tế, đã và sẽ ngày càng không quan trọng cái việc các nhà văn, hay là các văn nghệ sĩ nói chung, có hay không đứng chân trong các hội nghề nghiệp.
Ta thử hỏi, hiện tại, nếu có những nhóm nhà văn tập hợp nhau thành một hội hoặc những hội không trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hiện có, thì những hội đó của họ có được nhà nước cho phép hoạt động hay không, có được quyền xin tài trợ từ ngân sách nhà nước, hoặc xin và nhận tài trợ từ các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước hay không? Xét trên hướng cải cách các khuôn khổ pháp chế mở đường cho những tiến bộ về kinh tế xã hội ở Việt Nam thì các câu trả lời là cần phải được phép; nhưng trong thực tế hiện tại ở Việt Nam thì lại chưa được phép, vì vẫn còn một số rào cản.
Những rào cản cuối cùng còn lại, cần nhanh chóng gỡ bỏ, theo tôi, là: 1/ Cần vượt qua tình trạng các hội quốc doanh hiện tại bằng cách cải tổ cơ bản cách phân phối nguồn ngân sách nhà nước hàng năm vẫn dành để tài trợ cho văn hóa văn nghệ (ít nhất là từ bỏ cách đầu tư thông qua những “cai đầu dài” là các hội); 2/ Cần vượt qua tình trạng hội độc quyền hiện tại bằng việc có quy chế về lập hội; cần xem việc lập hội trong giới văn học nghệ thuật cũng ngang bằng với hoạt động đăng ký kinh doanh của những người sản xuất, buôn bán; việc các hội ấy “tụ” hay “tán” là sự tiến triển bình thường của đời sống văn hóa nghệ thuật; có nhiều hội cùng một ngành cạnh tranh nhau, ngành đó càng phát triển tốt.
.
talawas: Rào cản bao cấp về kinh tế thì có thể từng bước gỡ bỏ…?
Lại Nguyên Ân: Thật ra, hồi chưa về hưu (trước 2007) tôi nghe nói, từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã có chủ trương: ngừng cấp kinh phí cho các hội văn học nghệ thuật từ sau năm 2005. Hồi đó phía các ngành liên quan của chính phủ (văn hóa, nội vụ, an ninh) đã họp với giới lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật, trung ương và địa phương, thông báo dự kiến ấy; nhưng giới chức lãnh đạo các hội này (quyền lợi của họ bị động đến trước tiên) phản đối rầm rầm, lại kích động tự ái của một số văn nghệ sĩ để những người ấy lên tiếng kêu ca “theo Đảng theo Nhà nước đến gần trọn đời mà lại sắp bị đuổi ra đường” (!) Thế là giới quản lý nhà nước chùn tay. Sau đấy ít năm, hình như trong giới tuyên huấn lại có những ý kiến muốn tiếp tục bao cấp các hội để giữ vững định hướng! Phía quản lý nhà nước thì phải hàng ngày đối mặt với di sản của cơ chế bao cấp là nhu cầu cấp kinh phí của hàng ngàn hội đoàn (văn học nghệ thuật chỉ là một trong số các ngành có hội đoàn như thế) từ trung ương đến địa phương với số lượng khá lớn cán bộ khung và nhân viên hành chính. Cho nên “giải bao cấp” đối với hệ thống các đoàn thể trong đó có văn nghệ, theo tôi, hiện đang là keo vật giữa các nhánh tuyên huấn và quản lý tài chính; còn giới chức đứng đầu các hội tất nhiên là vẫn đang trì kéo, nhưng vai trò của họ dẫu sao cũng là thụ động.
Theo tôi, chiều hướng của dư luận lành mạnh là nên khuyến khích các loại cơ quan đoàn thể (không thuộc hệ thống cơ quan nhà nước) chuyển sang phạm vi dân sự, hoạt động bằng hội phí của hội viên và các loại tài trợ bên ngoài ngân sách nhà nước; dư luận cũng cần đòi hỏi cải tổ, tính toán lại việc phân chia nguồn tài trợ văn hóa xã hội từ ngân sách, lại cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam lập các quỹ tài trợ cho văn hóa nghệ thuật, kiểu như quỹ Toyota của Nhật, quỹ Ford của Mỹ, v.v… Mặt khác, cần hợp thức hóa quyền được lập hội của từng nhóm văn nghệ sĩ, – đây chỉ là thực thi quyền bình đẳng về lập hội của công dân mà thôi.
.
talawas: Công dân Việt Nam hiện nay đã có thể lập những hội dân sự, không lệ thuộc cả vào sự bao cấp vật chất lẫn bao cấp tinh thần từ Nhà nước, như Hội Tiểu đường, Hội Cờ tướng, Hội Cá cảnh, Hội Cây cảnh… Vì sao nhà văn Việt Nam không thử làm như vậy, một Hội Văn cảnh chẳng hạn, nếu không muốn đứng trong Hội Nhà văn Việt Nam? Hay khả năng này hiện không đặt ra?
Lại Nguyên Ân: Nhiều người trong giới nhà văn làm như thế rồi chứ, chỉ có điều họ đều gọi những tổ chức mình lập ra là “trung tâm” hoặc “công ty”, rồi tham gia kinh doanh sách, văn hóa phẩm, tích cực xin tài trợ từ mọi nguồn có thể, nhận làm những công đoạn nhất định cho các hãng điện ảnh, đài truyền hình, thậm chí ra tạp chí, như tờ Hồn Việt của Trung tâm Quốc học… Có điều, chưa thấy đơn vị nào trong số này tự gọi mình là “hội”. Có lẽ chữ “hội”, mà lại “hội tư nhân” vẫn còn là tín hiệu nhạy cảm chăng?
Vả lại, trong giới văn nghệ, người ta đều hiểu rằng, chỉ khi bạn có khát vọng và có năng lực làm nên một cái gì đó thật mới mẻ, bạn mới hăng hái đứng riêng thành một nhà, lập riêng ra một hội! Tức là bạn phải còn trẻ trung, còn khả năng sáng tạo dồi dào kia! Cũng tức là, nếu bạn không tin rằng mình có thể làm nên chuyện gì đáng kể thì hà tất phải dấn thân rủ nhau lập hội riêng!
.
talawas: Một nhà văn là Lê Xuân Đố, cho rằng “trên thế giới các nhà văn đều được hỗ trợ cho vấn đề sáng tác và đều có ngân sách cụ thể chứ không phải XIN – CHO như Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay” và mong rằng “Nhà nước nên ấn định ngân sách cụ thể giống như Quốc phòng được bao nhiêu, Y tế bao nhiêu… và Văn học sẽ là bao nhiêu”. Dường như phần lớn các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đều cho rằng việc Nhà nước phải nuôi Hội và phải tài trợ cho hội viên là điều đương nhiên. Vì sao? Nếu không là hội viên thì một nhà văn Việt Nam có nghiễm nhiên đòi hỏi như vậy không?
Lại Nguyên Ân: Thông tin về hỗ trợ sáng tác văn học của các nhà nước trên thế giới là điều cần được kiểm chứng. Một đoàn cán bộ nghiên cứu do Ban Tuyên huấn Trung ương (trong đoàn có nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử) cử đi mấy nước châu Âu giữa năm nay trở về cho biết: ở Pháp, Đức chẳng hạn, chỉ các ngành nghệ thuật như múa ba-lê, nhạc giao hưởng, hệ thống bảo tàng,… là được hưởng những khoản tài trợ lớn từ ngân sách; còn viết văn thì không, vì thị trường sách đủ khả năng nuôi sống người viết; ấy là chưa kể những tác giả có sách bán chạy, tương tự các ca sĩ có thu nhập cao, đều phải đóng những khoản thuế khá lớn. Đấy là tình hình ở các nước phát triển.
Tiện thể nói thêm, ai ở xa ở ngoài xin đừng nghĩ rằng thời bao cấp ở Việt Nam, hễ trở thành hội viên Hội Nhà văn là được trả lương! Không có chuyện ấy đâu. Ngay thời ấy, mỗi nhà văn cũng chỉ được hưởng lương với vai trò là cán bộ nhân viên những cơ quan nhất định, ví dụ làm biên tập viên trong các báo, tạp chí; còn việc sáng tác thì tự mỗi người phải thu xếp lấy thời gian; sách in ra, tác giả được hưởng toàn bộ nhuận bút. Tôi nhớ, trong giới đã thử xem trường hợp một người viết nhiều in nhiều hồi ấy là Tô Hoài, thì tính ra, thu nhập bằng nhuận bút mỗi tháng cũng chỉ ngang bằng lương nhân viên 5 (trên dưới 50 đồng/tháng) và kết luận rằng người viết văn thời ấy không thể sống bằng nhuận bút được!
Chuyện tài trợ sáng tác chỉ dăm bảy năm gần đây mới thành chuyện “nóng”, nhưng thực ra, trong toàn bộ khoản tài trợ cho các hội văn học nghệ thuật, khoản hỗ trợ sáng tác cho các hội viên chỉ chiếm phần nhỏ, việc trả lương cán bộ nhân viên, tiền nhà tiền xăng xe, nói chung là tiền cho việc duy trì bộ máy các hội bao giờ cũng chiếm phần nhiều hơn.
Ở thời “hậu bao cấp” hiện nay, quy luật thị trường chi phối đời sống văn học; thu nhập của người viết văn tùy thuộc sức tiêu thụ tác phẩm của mình; nhà văn chuyên nghiệp phải sống được bằng ngòi bút, đó là phương thức chính. Ngoài ra, sự tài trợ hoặc các loại giải thưởng chỉ là phụ.
.
talawas: Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng “với mức nhuận bút quá thấp kém như hiện nay thì không nhà văn chuyên nghiệp nào có thể tồn tại được chứ chưa nói gì đến nuôi con. Vì thế, Nhà nước nên nhanh chóng nâng mức nhuận bút với tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó là sự trả giá đúng cho sáng tạo, cho trí tuệ. Ngày xưa Tự lực Văn đoàn có 8 người nhưng tự nuôi và tạo nên một dòng văn học lớn ở thế kỷ 20. Nhưng bây giờ theo tôi nó lại khác ở chỗ khi đã coi văn hóa là chiến lược và nhà văn là một trong những chủ thể để làm nên văn hóa của một dân tộc thì Nhà nước nên ấn định ngân sách đầu tư cho nhà văn”. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?
Lại Nguyên Ân: “Nhà văn chuyên nghiệp” là gì nếu không phải là người sống bằng nhuận bút thu được từ việc xã hội sử dụng các tác phẩm của mình? Thế nhưng ở Việt Nam đúng là có rất ít nhà văn sống được bằng nhuận bút. Có khá nhiều lý do: công chúng của văn chương giảm sút do xuất hiện các nghệ thuật nghe nhìn, tình trạng vi phạm bản quyền khá trầm trọng, cả các giới kinh doanh văn hóa lẫn giới chức quản lý văn hóa đều hoặc bất lực hoặc thích lợi dụng tình trạng bản quyền bị vi phạm hơn là nỗ lực ngăn chặn, chấn chỉnh… Còn nếu đòi hỏi nhà nước can thiệp vào chế độ nhuận bút, thì giới chức quản lý may ra có thể đưa ra mức “sàn” và mức “trần”, nhưng chưa chắc đã được giới kinh doanh tuân thủ, nhất là nếu các mức “sàn” và “trần” ấy không phù hợp với thực tế kinh doanh của họ. Người kinh doanh phải giữ cân bằng thu chi; việc chi trả nhuận bút không được phá vỡ cân bằng ấy, nếu không muốn sập tiệm. Tóm lại, đây là hiện trạng kinh tế của các hoạt động văn hóa ở Việt Nam; tình trạng này vốn có từ lâu lắm rồi, trước 1945 nhà thơ đã kêu rêu “cơm áo không đùa với khách thơ”, rất nhiều tờ báo văn chương thời ấy từng bị “chết” chỉ vì lỗ vốn… Đây là một hiện trạng chưa thể vượt qua; dân Việt Nam chưa nên tự hào là dân đọc sách nhiều, khi vẫn còn những nhà thơ chuyên nghiệp phải “đi cấy đi cày” – tức là làm các việc khác để lấy tiền “nuôi thơ”,  in các tập thơ văn của mình…
Dẫu sao, quy luật thị trường vẫn có vai trò điều tiết, nó cho biết một thực tế đáng buồn: công chúng Việt Nam chưa cần có (hoặc chưa đủ tiền để nuôi) nhiều nhà văn, nhiều sản phẩm văn chương đến như thế! Người viết văn ở Việt Nam phải biết đến thực tế đó mà hành động.
Nhà nước ở Việt Nam hiện vẫn đang thực hiện tài trợ cho văn hóa nghệ thuật, và nguồn tài trợ này là thiết yếu cho các bảo tàng, cho các bộ môn rất khó lấy thu bù chi như giao hưởng, ba-lê, nhạc dân tộc, v.v…
Sáng tác văn học có cần tài trợ không? Ý kiến của tôi là “không” và “có”. “Không” cho hầu hết những sáng tác khi in ra có thể được công chúng mua đọc, tức là công chúng nuôi được tác giả, (nhiều ít gì cũng coi là nuôi được đi: nhiều tức là khuyến khích theo nghề, ít tức là tín hiệu nên kiếm nghề khác). “Có” cho một số lĩnh vực riêng biệt như sáng tác của nhà văn một số sắc dân thiểu số, hoặc một số công việc sưu tầm biên khảo về di sản văn học quá khứ. Điều cần nhấn mạnh là cung cách tài trợ cần được cải tiến, nhất là phần tài trợ cho sáng tác không nên giao phó cho các hội, càng không nên để cho nó bị biến thành nguồn duy trì bộ máy cồng kềnh của các hội.
Tâm lý của hầu hết người sáng tác là, lúc đòi thêm được dù chỉ vài trăm ngàn đồng nhuận bút thì phấn khích, còn khi được nhận vài triệu tiền tài trợ sáng tác thì lại thắc thỏm như bỗng vướng chút nợ nần! Thảo nào từ xưa đã có câu tục ngữ “Ăn xôi chùa ngọng miệng”!
.
talawas: Người Việt trong giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ này có một thái độ nước đôi rất thú vị đối với Nhà nước. Một mặt người ta vẫn muốn bám vào Nhà nước, coi quốc doanh là chỗ dựa an toàn nhất, lấy chính thống làm nền cho địa vị và uy tín xã hội. Mặt khác, người ta lại không tránh khỏi dè bỉu, coi thường, hoài nghi gần như tất cả những gì thuộc quốc doanh, từ doanh nghiệp quốc doanh đến văn học quốc doanh. Là hội viên một Hội Nhà văn quốc doanh, anh có ở trong tình thế đó không?
Lại Nguyên Ân: Hình như bạn bắt trúng tim đen giới “cựu cán bộ viết văn” rồi đấy! Tôi cũng vậy thôi. Tôi thuộc thế hệ đã gắn phần lớn đời làm việc của mình với cái hội quốc doanh này nên nó đã thành kỷ niệm rồi. Tôi đang tham gia làm sử cho hội này, vì nghĩ rằng, trên thực tế, hoạt động của nó đã làm nên một phần, thậm chí là phần chính (chính thống!), của văn học sử Việt Nam từ 1957 đến nay; hay và dở, có thể hay ít hơn dở, nhưng đã đi vào lịch sử rồi, không sửa được nữa rồi, nhưng cần được ghi lại.
Còn các bạn viết trẻ thì đừng nên theo gót chúng tôi. Xin nói rõ: tôi không khuyên bạn viết trẻ vào hội!
.
talawas: Xin cảm ơn anh Lại Nguyên Ân.
© 2010 Lại Nguyên Ân
© 2010 talawas