Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ THANH TÙNG THỜI LỬA CHÁY KHÁT KHAO

Lời bình của Trần Quốc Minh
Thứ tư ngày 18 tháng 8 năm 2010 5:42 AM
 
   Thời  hoa  đỏ
Dưới mầu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên
Anh mải mê về một mầu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ ngày cũ
Cái say mê của một thời thiếu nữ
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say
Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết  xước của trái tim
Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài  hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.

 THANH TÙNG
 26-3-1973
( Theo Tuyển tập thơ Hải Phòng 1955-1995 N X B Hải Phòng ,
Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng Tháng 5-1995 )
 
Lời bình của Trần Quốc Minh
 

 Nhà thơ Thanh Tùng, tên khai sinh là  Nguyễn Doãn Tùng sinh ngày  7-11-1935 Tại Gia Hòa, Gia lộc, Nam Định. Có thời gian dạy học, sau đó làm công nhân. Nay vào thành phố Hồ Chí Minh sống với con gái. Anh đã  học khóa 5 trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam .Nhà thơ Thanh Tùng đã nổi tiếng ngay từ nhũng bài thơ đầu tiên thời chống Mỹ như : Phố cửa biển, Đỉnh núi, Đôi nạng...
 Đặc biệt cuối cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc  bài Thời hoa đỏ  ra đời. Đây là bài  nổi tiếng thứ hai sau Cuộc chia ly mầu đỏ  của nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Mỹ viết về tình yêu thời đó .
  Đầu năm 1973  Thanh Tùng lấy vợ; chị Thanh Nhàn là người đàn bà nhan sắc Thanh Tùng là lần đò thứ hai  của chị .Đám cưới của anh trong năm hòa bình đầu tiên ở miền Bắc giản dị nhưng thắm tình. Anh Thanh Tùng lấy vợ  muộn (năm 38 tuổi )
 Tôi phải lược qua tiểu sử  của Thanh Tùng để biết rõ sự  ra đời của bài thơ Thời hoa đỏ Sau hôm cưới  anh viết một hơi Thời hoa đỏ so với bản thảo hiện tại hầu như không sửa chũa.Hôm ấy tại nhà anh ở phố Cát Dài  Hải phòng các bạn thơ trầm trồ, thán  phục,khi nghe anh đọc lúc viết  xong dòng cuối .Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh  xuống Hải phòng mang bài thơ về và ngay trong năm1973, bài thơ được giải thơ hay nhất của tạp chí  Văn nghệ quân đội .
 Bài thơ liền mạch ,tình cảm trào dâng, cảm xúc mãnh liêt .Mở đầu bài thơ :
Dưới mầu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên
 Ta thấy gì ở khổ thơ này mầu hoa lửa cháy và tiếng ve sôi,hai động từ mạnh và  một gam mầu chói, gắt . Hai người yêu nhau đi  dọc con đường vắng giữa trưa hè yên tĩnh mà chẳng cho lòng  ta yên. Không có một lời nói nào, chỉ còn ký ức như một đoạn phim quay chậm :
Anh mải mê về một mầu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
 Kỷ niệm của Thời hoa đỏ thơ  mộng quá,thần tiên quá. Em hát câu thơ  ngày cũ với Cái say mê của một thời thiếu nữ . Nhưng Tiếng sóng ở trong lòng (Thơ Thâm Tâm ) đã nổi :
Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ . 
 Những câu thơ tiếp là những nuối tiếc, dại khờ Trong câu thơ của em anh không có mặt- Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết - Anh đâu buồn mà chỉ tiếc - Em không đi hết những ngày đắm say .
 Biểu tượng Hoa đỏ  đi suốt  bài thơ,nó là tuổi trẻ là vết xước trái tim.và kỳ lạ thay
 Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực mầu hoa đỏ
 Cái động, cái tĩnh, cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy đều rực mầu hoa đỏ. Một bài thơ chói chang sắc đỏ  như  Thành  phố hoa  phượng đỏ  lúc hè về .Khát vọng của Thời hoa đỏ  thật  đẹp đẽ:
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa .
 Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng bắt được cái thần  của bài thơ Thanh Tùng làm nên một bài hát nổi  tiếng Thời hoa đỏ. Thế là thơ lặn vào nhạc, nhạc chở thơ đi .