Khởi đầu tập thơ “Điếu thuốc, cây nến và que diêm” (*) của mình, Nguyễn Vân Thiên khiến người đọc mở ra một kênh tôn giáo, tín ngưỡng trong tâm thế tiếp nhận, cho dù nhiều người chỉ có kiến thức về loại đó. Nhưng ngay sau bốn dòng thơ đề từ, với bài đầu tiên trong tập, dăm dấu hỏi lại hiện ra trong tâm thế ấy: Người làm thơ này, liệu có thực một niềm tin tôn giáo trong anh? Hẳn anh ta không phải là người thật sự tin vào Yê-su (Jésus), theo đúng như tín điều về Yê-su, Thiên Chúa giáo và các tôn giáo có chung cội rễ Thánh Kinh thường xuyên rao giảng?
“Điếu thuốc như gã bụi đời ăn chơi tự tử
Cây nến giống nhà tu hành khổ hạnh hi sinh
Cả hai đều tự đốt mình
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu diêm không bật lửa?!”
Que diêm nào trong đề từ ấy? Phải chăng ý nghĩa sẽ khác đi, nếu Nguyễn Vân Thiên viết: “như điếu thuốc, gã bụi đời ăn chơi tự tử / giống cây nến, nhà tu hành khổ hạnh hi sinh… / nếu Thượng Đế, Ma vương không là que diêm bật lửa?!”. Nhưng không phải anh viết về hai loại người đối lập hẳn nhau về ý thức đạo đức và cũng không phải viết về Thượng Đế, đấng siêu linh tối cao, hay quỷ sứ ma vương nào đó chăng? Đúng vậy chăng, với ba hình ảnh “điếu thuốc”, “cây nến”, “que diêm” được anh chọn làm tên tập thơ đồng thời được anh cho in đậm ở đề từ, Nguyễn Vân Thiên xác định rõ, anh chỉ viết về những vật dụng trên bàn làm thơ của chính anh: điếu thuốc lá ngún khói trên chiếc gạt tàn, cây nến đang tỏa sáng, soi xuống những trang bản thảo, và bàn tay anh, chứ không tác nhân siêu hình nào cả, đã đánh diêm, bật lên ngọn lửa, để thắp thuốc và thắp nến? Có điều, phải vậy chăng, anh băn khoăn, nếu lỡ cả bao diêm đều ướt nước, thì anh và tất cả đều chìm trong bóng tối?
Thật ra, đúng hơn, Nguyễn Vân Thiên khi viết bốn dòng đề từ ấy, anh viết về những vật dụng cụ thể là “điếu thuốc”, “cây nến”, “que diêm” trên bàn viết của anh, chỉ vì chúng đã gợi cho anh liên tưởng… Đó là ba ẩn dụ có tính biểu tượng, theo quan niệm của riêng anh, về thiên chức thi sĩ (bật lửa) và “ông ác” (độc dược), “ông thiện” (ánh sáng) của chính đời sống anh, của cõi thế gian này.
Nhưng ngay sau đó, Nguyễn Vân Thiên còn cho người đọc biết, ở một khía cạnh khác, vật dụng góp phần đắc lực vào thiên chức thi sĩ không chỉ là que diêm bé mọn, mà còn là cây đinh không tên tuổi, hay chính xác hơn, là que diêm hay cây đinh thì vẫn là bé mọn, không tên tuổi. Bé mọn, không tên tuổi, nhưng quả là có ích hay gây tác hại, thậm chí có trường hợp, những vật bé mọn, không tên tuổi ấy lại gây tác hại để rồi được tồn tại một cách đầy mỉa mai, phi lí. Bài thơ có tên “Cây đinh” với nội dung đó, anh chọn là bài đầu tiên của tập thơ.
Tuy nhiên, ở bài “Cây đinh” này, tôi tin chắc người đọc sẽ chú ý đến hai chữ “Thánh nhân” anh dùng để gọi Chúa Yê-su. Yê-su đối với Nguyễn Vân Thiên, không phải là Thiên Chúa (Thượng Đế) giáng sinh làm người trần gian, để rao giảng đức tin vào Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Thánh thần và sự cứu rỗi, mà chỉ là con người có phẩm chất vượt trội mọi người chung quanh, trở thành bậc thánh nhân. Thượng đế xuống thế gian làm người và người phàm tốt đẹp đến mức được tôn vinh là thánh, là hai sự thể trái ngược nhau. Đó là cả một vấn đề hết sức nghiêm trọng, đối với tín đồ Thiên Chúa giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành… Với các tín đồ ấy, họ sẽ nghĩ Nguyễn Vân Thiên chỉ là kẻ ngoại đạo, không có đức tin vào giáo điều tối thượng, một giáo điều trên tất cả mọi giáo điều trong tôn giáo của họ.
“Có cây đinh qua tay quỷ dữ
Treo đời Thánh nhân lên thập tự
Lại được tôn thờ cùng với Thánh nhân (!)”
Cũng như thế, anh viết ở bài “Nghi vấn nụ hôn” (sđd., tr. 82):
“Ba mươi đồng có đắt đỏ gì đâu
Giá mạng Thánh nhân và một linh hồn”…
Ở một bài thơ khác, cũng như tôi trước anh khá lâu, từng nhại (vâng, nhại, một cách lễ độ) câu khấn niệm khi làm dấu thánh và trong kinh Sáng danh (“nhân danh Cha, và Con, và Thánh thần, A-men”), anh viết:
“Nhân danh sao và trăng và mặt trời
Quì gối nói yêu em bằng lời Kinh Thánh
Xin một góc tim em ta xây lại thiên đường
Nhân danh thơ và rượu và hương
Xin được gởi nhớ thương vào nước Chúa
Nhân danh cỏ và hoa và bông lúa
Xin được chôn tình mình
trên cánh đồng quê
Bia đá xin đề:
Không tên không tuổi
Mắt nhớ môi mong đồng phụng lập
Mai lưu lạc khắp trời cao đất thấp
Biết chốn tìm về thắp nén hương yêu”.
(Tương tư kinh, sđd., tr. 23)
Đó là cả một điều tối kị, là phạm thượng, là mắc trọng tội, đối với Thiên Chúa giáo…
Những tín đồ Thiên Chúa giáo thuần thành theo quan niệm thời Trung Cổ cũng như không ít ở một số địa phương, quốc gia hiện nay, còn có một giới răn là tuyệt đối không can dự đến những nghi thức, lễ hội, phẩm vật và cả phạm vi cúng tế của các tôn giáo khác, kể cả cúng giỗ cha mẹ, tổ tiên, anh hùng dân tộc, mà theo họ, tất cả đều là tà giáo, dị đoan. Vì thế, thơ Nguyễn Vân Thiên hẳn sẽ bị những tín đồ ấy vứt vào sọt rác, chẳng hạn như bài “Kinh xuân” (sđd., tr. 16-17), cho dù chỉ thể hiện một dịp anh đến viếng chùa Phật giáo bằng tâm thái của một thi sĩ – tình nhân, chứ không phải là đạo hữu, theo cảm hứng “thơm như tình ái của ni cô”, Hàn Mặc Tử từng viết.
Một lần khác, anh viết về “Nụ hôn trong căn nhà ổ chuột” (sđd., tr. 34-35), với cách nói đậm nghi thức lễ cúng Ngày Xá tội vong nhân của Phật giáo dân gian, tuy đó cũng chỉ là cách nói của một người không có niềm tin siêu hình, tín ngưỡng về ngày lễ ấy:
“Đốt thơ cúng tình tháng bảy
Cô hồn khóc đói môi hôn”
Cùng âm hưởng và giọng điệu ấy, anh còn viết “Đám giỗ tình yêu” (sđd., tr. 38):
“Hằng năm anh vẫn nhớ ngày
Thắp hương kỉ niệm chắp tay vái tình
Chết oan tình chắc hiển linh
Thơ xưa đem đọc thay kinh nguyện cầu
Kể từ tình chết chôn sâu
Mộ hồn cỏ nhớ xanh màu đìu hiu
Mây hoàng hôn rớt lệ chiều
Nghiêng tim rót chén thương yêu cúng tình
Nhớ ơn cha mẹ dưỡng sinh
Ba năm tang chế sáng tình cháu con
Kể từ tình khuất bóng non
Hơn mười năm lẻ hồn còn khăn sô”.
Nguyễn Vân Thiên còn vô tình hay hữu ý hé lộ cho người đọc biết, quả thực, anh vốn là đứa con của một gia đình chỉ theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay là Phật giáo:
“Mười năm vin cửa dấu tay mòn
Cha đứng nhìn ngõ khuya xào xạc gió
Thắp mười năm, chân tàn hương còn đó
Đếm từng đêm nguyện cầu,
mẹ khóc nhớ con xa”
(Ngã ba, sđd., tr. 50-51)
Bằng kết cấu đối sánh, Nguyễn Vân Thiên còn biểu hiện hai mặt đối lập, tôn giáo và trần thế:
“Linh mục và chim ăn chung cơm bánh
Chẳng biết là chim theo Đạo hay Đời?
Đang đứng ngẩn ngơ lặng nghe nhạc Thánh
Vụt bay ra đồng, chim nhặt thóc rơi
Linh mục áo dòng đen
Bồ câu lông mượt trắng
Linh mục cầu kinh
Chim vờn giỡn nắng
Linh mục một mình
Chim có đôi”
(Linh mục và chim câu, sđd., tr. 64-65)
Chỉ vì chim bồ câu thích tự do và tình yêu đôi lứa, như những dòng thơ đầu bài, Nguyễn Vân Thiên đã thể hiện! Rồi ở câu kết, hóa ra, tự do chân chính mới là tất cả, chứ không phải là những giáo điều siêu hình chết cứng: Chim bồ câu đã bay xa cuối trời…
Thật ra, Nguyễn Vân Thiên không chỉ làm thơ với những từ ngữ, nghi thức tôn giáo hay bóng dáng giáo đường, chùa chiền, linh mục, ni cô... Anh còn có nhiều bài thơ không vương víu gì đến tôn giáo, chỉ thuần những khía cạnh tình cảm trong trắng thời trai trẻ hay tình bạn thuở thơ dại ở quê nhà, một làng quê Quảng Nam nào đó.
Đọng lại trong tôi về thơ Nguyễn Vân Thiên là mảng thơ bình thường nhưng tinh tế, dễ thương, sau khi trừ đi những bài tương tự, làm nhẹ hẫng đi tập thơ. Tuy nhiên, mảng thơ tôn-giáo-mà-không-tôn-giáo của anh có gì đó gần gũi với mấy tập thơ của tôi, đã được xuất bản từ 1991, 1992, 1993… Tôi cũng nghĩ, có thể tôi đã mang tâm thức của riêng tôi để phóng chiếu vào thơ Nguyễn Vân Thiên, chứ thật ra, Nguyễn Vân Thiên không phải như tôi đang viết về thơ anh. Có điều, dẫu sao văn bản thơ của anh đã xác tín giúp tôi những gì tôi đang viết. Đời sống tâm linh đích thực của anh ư? Quả thật, bẵng đi gần hai mươi năm, tôi không rõ anh hiện nay như thế nào, chỉ biết anh đang là một thành viên trong ban biên tập Tạp chí Người Đương Thời…
Dẫu sao, hi vọng Nguyễn Vân Thiên luôn ý thức về ý nghĩa sống với hai biểu tượng sóng đôi, “điếu thuốc”, hiểu như phần tệ hại trong mỗi con người, bản thân mỗi người tự tiêu phí, tự hủy hoại, thậm chí làm ô nhiễm không khí, và “cây nến”, hiểu như phần tốt đẹp cũng trong mỗi con người, bản thân mỗi người không ngừng tự thắp lên, tự soi sáng, không chỉ cho mình mà cả cho những người xung quanh, cho xã hội, cùng với biểu tượng thứ ba, “que diêm”, hiểu như sát-na bừng thức, bật lên ngọn lửa nội tâm, ngọn lửa sự sống, cảm hứng sáng tạo thi ca. Chúng ta làm ô nhiễm và tự làm ô nhiễm đâu chỉ bằng khói thuốc lá, mà còn bằng khói xăng, bằng âm nhạc cuồng loạn, rượu chè bê tha... Chúng ta cũng thắp sáng chính mình và cõi đời, đâu chỉ bằng ánh nến, mà còn bằng nụ cười thân thiện trước kẻ lỗ mảng, sự kìm nén thất tình, lục dục trong chính mình… Cảm hứng sáng tạo, sáng tạo nên cái đẹp (cái tốt, cái công bằng, cao cả, nhân hậu…) và truyền bá, tỏa sáng cái đẹp đích thực ấy cho đời, đâu chỉ từ que diêm hay những vật dụng đánh lửa hiện đại khác, mà còn là tia chớp của trí tuệ, cảm xúc thiện tâm… Phải chăng đó là thông điệp thi ca Nguyễn Vân Thiên gửi đến chúng ta?
Trần Xuân An
TP.HCM., buổi sáng, ngày 19-8 HB10
__________________________
(*) Nguyễn Vân Thiên, “Điếu thuốc, cây nến và que diêm”, Nxb. Đồng Nai, 1996, 11,5 x 18,5 cm, 82. tr.