Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI LIM CỦA VŨ ĐÌNH MINH

Vũ Bình Lục
Thứ năm ngày 19 tháng 8 năm 2010 10:27 PM
 
HỘI LIM
Của Vũ Đình Minh
 
Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
Nên hội này xem hát chẳng vô tư
Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
Hát đắm say cho đứt ruột gan người
Hát như thể cuộc đời toàn nhàn hạ
Chỉ để yêu, để nhớ, để thương thôi
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi…
    1988
 
Hội Lim Kinh Bắc, một lễ hội nổi tiếng từ lâu đời. Nó thành quen thuộc như một địa chỉ văn hoá, mà là văn hoá cội nguồn. Ở hội Lim thì “đặc sản” là hát Quan Họ. Và quan họ cũng đã trở thành nguồn thơ vô tận cho muôn đời thi sỹ. Vũ Đình Minh viết về quan họ ở một góc nhìn riêng, một cách cảm cũng rất “riêng”:
  “Tôi trót biết đời riêng em trắc trở
  Nên hội này xem hát chẳng vô tư”
Đó là một góc nhìn riêng. Lễ hội, nhất là Hội Lim thì không bao giờ là không đông người cả. Đủ thứ vui chơi. Xem hát, nghe hát Quan Họ, cũng là một thứ chơi thượng thặng, sang, mà dân dã.  Tác giả chỉ chuyên chú vào một thứ chơi là xem hát và nghe hát quan họ. Nhưng “tôi trót biết đời riêng em trắc trở”… thì câu chuyện nghe hát đã nẩy sinh vấn đề, một vấn đề riêng tư, chỉ “em” biết, và “tôi” cũng “trót” biết. Đó chính là duyên cớ để khơi lên cảm xúc, bởi thế “nên hội này xem hát chẳng vô tư”!
 Nhân vật trữ tình “em”, là một diễn viên chuyên nghiệp của “Đoàn Quan Họ Hà Bắc” chăng? Có lẽ cũng không hẳn là như thế! Cũng có thể “Em” là một thôn nữ ở một làng Quan Họ nào đó bên sông Cầu lơ thơ nước chảy chăng? Cũng chưa hẳn là như thế! Nhưng “em” đã là một hình ảnh cụ thể, thành một “định tính”, ít nhất là trong con mắt và trong sự cảm thông chia sẻ của người “xem hát”, nên người xem hát hôm nay chẳng thể nào mà “vô tư” cho được.
 Bốn câu thơ tiếp theo là hình ảnh “em” hát cho người ta nghe, trong đó, có cả “anh” nghe nữa, dẫu rằng có thể là anh đang lẫn vào đâu đó trong đám đông nghe hát và xem hát, mà em cũng vô tình không biết, không hay! Tác giả viết:
  “Nón thúng quai thao em thẹn thò che má
  Hát đắm say cho đứt ruột gan người”…

Thì “em” cũng nón thúng quai thao như những cô gái Quan Họ khác. Và hát đắm đuối, hát mê say, hát cho chòng chành lúng liếng nghiêng ngả mắt ai, hát cho “đứt ruột gan người”! Quả là một giọng hát có hồn, quyến rũ vô biên. Câu “hát đắm say cho đứt ruột gan người” là một câu thơ hay, đặc tả giọng hát. Một thủ pháp khoa trương không mới, nhưng mà hợp lý, tôn vinh tột đỉnh. Tịnh không có sầu có oán gì cả, chỉ rặt những nhàn tản đong đưa rười rượi những nhớ những thương, những yêu chết mệt gió mây liền anh liền chị… Nhưng mà sao “nón thúng quai thao em thẹn thò che má”? Sao không phải là “thẹn thùng” làm duyên? Hoá ra là vì “đời tư em trắc trở” rồi. Em có một cuộc đời riêng ngoài quan họ, ngoài câu hát “nhàn tản” hôm nay, nên mới cảm thấy “thẹn thò”. Chỉ có thể dùng từ “thẹn thò”, mới gợi đúng được tâm trạng nhân vật trữ tình, đầy trắc ẩn, sâu kín, “người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm” (Nguyễn Du)…
 Hai câu cuối, tả nỗi niềm người xem hát:
  “Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón
  Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi”!...

Cuối cùng thì thi nhân đa tình đa cảm cũng không thể nào kìm nén được cảm xúc riêng tư. Anh cầu xin cơn gió lạnh vô tình kia “đừng lật nghiêng vành nón”, cái “nón thúng quai thao” vốn để làm duyên làm dáng, mà với em bây giờ đồng thời là vật dụng che chắn, để em có thể che đi, dấu đi cái sự thẹn thò, cái nỗi đau âm thầm chỉ em biết, và anh cũng vô tình “trót” biết. Hiểu sâu và cảm sâu đến như vậy, nếu không phải là kẻ giàu lòng thương người, sao có được những rung động chân thành, xót xa đến thế!
 “Hội Lim” cô đọng và giản dị ở lời, ở câu. Cấu tứ chặt và tình thơ chân thật, gợi nhiều cảm xúc. Hai nhân vật trữ tình chủ thể, gần mặt mà cách lời. Nhưng có những lời ở ngoài lời, những ý ở ngoài ý, thẳm sâu, khiến người ta phải chạnh lòng nghĩ ngợi.
 Vũ Đình Minh xuất thân là một thầy giáo dạy văn. Anh từng là sinh viên khoa Văn ĐHSP Hà Nội, cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Tô Nhuận Vỹ, Nghiêm Đa Văn, Nguyễn Đình Ảnh…Dạy văn, rồi thành nhà văn nhà thơ, như một sự chuyển hoá tự nhiên, không có gì lạ. Chỉ có một điều không lạ, ấy chính là một chút “thiên lương” (Nguyễn Tuân), là tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, trong sáng và thánh thiện vô cùng! Đó cũng chính là vẻ đẹp của hồn thơ Vũ Đình Minh, ở “Hội Lim”, và ở thơ anh nói chung!
     
     Hà Nội 30-7-2010