Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỪNG NHƯ NHỮNG CHÚ KIẾN CHẠY QUÁNG QUÀNG TRONG CHIẾC CHẢO NÓNG…

Tô Hoàng
Thứ sáu ngày 20 tháng 8 năm 2010 12:37 PM
 
Có mặt đầy đủ trong tất cả các phiên họp trù bị và chính thức của Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 8, tôi đã chứng kiến, đã nghe thấy tất cả những gì diễn ra trong mấy ngày đó. Như một lẽ thường tình, mỗi lần đại hội -lẽ ra, phải là một dịp để giới nhà văn biểu dương với bàn dân thiên hạ công sức lao động đầy sáng tạo, nhiều thách đố của mình cùng với những thành quả đã gặt hái được. Cũng là cơ hội để văn giới bộc bạch tâm tư, tình cảm, những ấp ủ, những trăn trở về những gì đã viết, sẽ viết với bạn đọc thân yêu. Đáng tiếc sao, trước, trong và ngay cả sau Đại hội một số nhà văn đua nhau làm công việc” khỉ tự vặt lông khỉ”: hết bóp méo hình ảnh Đại hội; chê bai BCH cũ, gây nghi ngờ với BCH mới; tiếp tới bới móc, nói xấu nhau…Và những kẻ xấu bụng ngòai giới được thể bôi nhem hình ảnh của các nhà văn chúng ta…
Tôi không biết liệu sẽ xuất hiện một công trình công phu, dày dặn nào không khảo sát xem văn chương nước ta, trình độ tay nghề của nhà văn Việt Nam trội nổi, ngang bằng hay thua kém văn chương và trình độ tay nghề của bè bạn trong khu vực và trên thế giới? Bằng sự trải nghiệm của bản thân và những quan sát người viết xứ mình, chí ít là của thế hệ các đàn anh tôi và thế hệ tôi, tự dựng tôi cứ đinh ninh tin chắc rằng XÉT VỀ PHẨM GIÁ LÀM NGƯỜI, VỀ TÌNH YÊU VĂN CHƯƠNG, VỀ SỨC LAO ĐỘNG BỀN BỈ, PHI THƯỜNG DÀNH CHO TỪNG TRANG VIẾT không có bất kỳ nhà văn ở bất kỳ xứ sở nào trên thế giới này có thể sánh với các nhà văn Việt nam chúng ta!
Có đủ bằng chứng “giấy trăng mực đen” để chứng minh điều này!
Bạn đã đọc chưa, nếu đọc rồi xin đọc lại “ NHẬT KÝ CHIẾN TRANH” của nhà văn- liệt sỹ Chu Cẩm Phong và cuốn hồi ký ra mắt chưa lâu- “ NĂM THÁNG NHỌC NHẰN, NĂM THÁNG NHỚ THƯƠNG” của nhà văn Ma Văn Kháng.
Chu Cẩm Phong trong “ Nhật ký chiến tranh” là hình ảnh tiêu biểu cho cả mấy thế hệ người viết mặc áo lính hoặc trải qua trận mạc trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Viết giữa hai trận pháo bày, viết khi chạy càn, viết khi vừa súyt chết sau một trận pháo kích..Viết trong lúc run chân run tay vì đói gạo, đói muối; trong sự dày vò, hành hạ của bệnh sốt rét. Gác bút một bên, tham gia công tác tuyên truyền, tổ chức chống càn, đi gùi gạo, đi trồng sắn cứu đói; rảnh rỗi một chút liền cầm lấy cây bút. Viết như một nhu cầu không viết không được trước những hy sinh, trước phẩm chất anh hùng của đồng chí, đồng bào mình. Xin nhắc lại một chuyện cũ, chắc hẳn những anh em thuộc thế hệ tôi đều biết. Có một thứ quy định không thành văn, rất nghiệt ngã, một thứ kỷ luật thép như thế này: Dù anh đã có dăm bài thơ, vài ba truyện ngắn đăng trên báo, phát trên đài; xuống cơ sở hoặc đi theo các đơn vị bộ đội chủ lực, chỉ cần một lần anh hỏang hốt rúc hầm trước mọi người, anh hỏang lọan la hét sợ hãi sau một trận bom B.52 hoặc pháo Tân Tây lan thôi, lập tức anh bị tước ngay quyền được viết, được đăng, anh không còn đủ tư chất làm người cầm bút.May sao, suốt mấy chục năm bom đạn ấy, lịch sử văn học Việt nam hiện đại chỉ ghi được một trường hợp nhà văn quy hàng chạy sang phía địch. Người viết trải qua  chiến tranh  đã ã tỏ rõ bản lĩnh sống, sự can trường, đức tin trước mọi thử thách, trước cái sống cái chết. Như đồng bào mình, như những người cầm súng nơi bom rơi đạn nổ. Anh chị em viết văn thời đó có được một diễm phúc mà chắc chắn những thế hệ sau này không thể có được: Đấy là tình yêu lớn, cảm hứng lớn khi biết gắn bó bản thân, trang viết của mình với vận mạng của dân tộc và đất nước; khi cùng vui buồn, sướng khổ với nhân dân; được tắm gội trong chất bi tráng của những năm tháng sống còn của dân tộc. Về thế hệ cầm bút kinh qua lửa đạn, tại Đại hội nhà văn 8 có đại biểu đã nhắc nhở, mới có riêng Chu Cẩm Phong được phong danh hiệu Anh hùng là chưa đủ. Còn cả một danh sách rất dài, rất dễ dàng liệt kê như sau: Nam Cao, Trần Đăng, Thôi Hữu..tiếp nối là những Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Nguyễn Trọng Óanh, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ….
Nói đến thứ lao động văn chương của nhà văn xứ ta trong điều kiện “ củi tem, gạo phiếu” thời chiến tranh 1964-1975; trong những thắt buộc nghiệt ngã, những điều kiện sống bị dồn đến mép vực của sự sinh tồn vào những năm tháng 1970-1980, cuốn hồi ký “ Những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương” của nhà văn Ma Văn Kháng là một minh chứng sống. Có ai đó ngợi khen trong tác phẩm này với bút lực ghê gớm nhà văn Ma văn Kháng đã phục hiện lại chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất bức tranh hiện thực của cả một giai đọan lịch sử. Không, không chỉ là ở chỗ bút lực. Sức mạnh của sự miêu tả hình như nằm ở chỗ chính nhà văn cũng bị nhào đảo, bằm nát, mài tan trong cái máy nghiền cơ chế vô hình và hữu hình thuở đó. Cái ăn vào miệng, nơi chui ra chui vào, những lo toan tằn tiện chắt bóp từng xu từng hào để nuôi con cái, để chạy chữa bệnh tật.. đến cả mùi thiu của miếng thịt ôi, mùi thối khẳn của cống rãnh nhà văn xứ ta được chia đều, hưởng đều rất bình đẳng, ngang phần trăm với những người dưới đáy của xã hội.Cái mà nhà văn được “ưu tiên” hơn những người lao động khốn khổ khác có lẽ là anh chị em cầm bút đã mang lấy nghiệp vào thân để phải hứng chịu những định kiến, lòng đố kỵ, thói ép uổng văn chương phải tuân thủ những quan niệm xuẩn ngốc, cứng ngắc, thiển cận, đầy tính áp đặt đẻ ra bởi những đầu óc không hề biết văn chương, chữ nghĩa là gì. Có thể đọc mấy trăm trang “ Những năm tháng nhọc nhằn, những năm tháng nhớ thương” một hơi, vừa đọc vừa lén lau nước mắt khóc thầm thương tác giả, thương chính mình, thương bố mẹ, vợ con mình.. Đọc xong, để tự hỏi: Sống cơ cực, khốn khổ như thế.. ừ mà sao vẫn nhớ thương? Đọc xong, để tự hỏi: Sống như thế mà sao cứ ngồi vào bàn, viết hết trang này đến trang khác; ra hết cuốn sách này đến cuốn sách khác? Chao ôi, tình yêu của người viết xứ sở Việt nam này dành cho từng trang sách, từng cuốn sách mới phi thường và tội nghiệp làm sao? Sức lao động kiên trì ,bền bỉ; kể cả sự nhẫn nhục, cam chịu của người viết  nén ép tất cả, đặt xuống đít kê làm ghế ngồi tất cả để gằm mặt vào trang giấy, say mê trò chơi với những con chữ mới can trường, quả cảm làm sao?
Vào những năm tháng này, đời sống của nhà văn nước ta có dễ thở hơn. Đấy,  phần nhiều, trông cậy vào sự gồng thuê gánh mướn của con cháu. Vẫn không một nhà văn nào tạm sống nổi bằng nghề viết sách. Thêm vào đó công nghệ Nghe-Nhìn đang nhỡn tiền bóp chết chữ nghĩa. Cặm cụi viết dăm ba tháng, bỏ tiền túi in ra được cuốn sách, đến nơi gặp gỡ trao sách tặng nhau mà dấm dúi, thì thào như đang bán mua bạc giả, hàng bột trắng. Còn những mối đe dọa, những nỗi lo liên quan đến chủ quyền đất nước; đến sự mất trắng cả một quá khứ được gột dựng nên bằng máu xương những người ruột rà, thân thích của chúng ta; tệ nạn ăn cắp, ăn cướp tài sản công biến thành tài sản tư trong công cuộc xã hội hóa, sự phân cách giàu-nghèo, chiếc vòi bạch tuộc của sự tha hóa những chuẩn mực đạo đức xã hội đã bò lan đến giuờng ngủ của từng gia đình…Tất cả đang réo sôi, đang lồng lộn, quẫy đạp đòi biện pháp giải cứu.
Các đồng nghiệp văn chương ơi! Trong chiếc chảo mỗi ngày mỗi nóng lên kia, xin đừng là những chú kiến chạy quáng chạy quàng đụng đầu vào nhau để rồi vọt tăng huyết áp, sửng cồ mà chửi bới, vặt diệc, cắn sé lẫn nhau. Cùng “ một lứa bên trời lận đận” cả thôi…
Sức nóng của ngọn lửa đang hun đốt chúng ta  ở phía dưới đáy chảo cơ mà !  
    T.P Hồ Chí Minh trung tuần tháng 8 năm 2010