Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KẾ SÁCH “ĐIỆU HỔ LY SƠN”

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
Thứ ba ngày 17 tháng 8 năm 2010 3:25 PM
Kế sách "Điệu hổ ly sơn" là kế thứ bẩy trong binh thư. Từ cổ chí kim kẻ cầm quân nào mà khéo dụng kế này thì ắt thắng.
1. Câu chuyện xuất xứ
Ở một bản làng nọ, dân làng đang sống yên bình. Đàn ông vào rừng săn bắn, đàn bà làm nương rẫy và nuôi con. Một ngày kia, tai họa bỗng đâu ập đến. Trong rừng xuất hiện một con hổ dữ. Nương rẫy bị giày xéo, trâu bò trong chuồng bị tha đi trong đêm. Không khí sợ hãi bao trùm lên cả bản làng. Quyết không để hổ dữ có cơ hội hại người, những người đàn ông trong làng tụ họp nhau lại để vào rừng diệt hổ ác. Nhưng một tốp, hai tốp thợ săn đã vào rừng lùng sục mà đành thất bại trở về vì con hổ già rất ranh ma ẩn núp trong rừng rậm khiến họ không thể nào lần ra được dấu vết.
Già làng tụ họp tất cả thợ săn lại để bàn kế diệt hổ. Già làng nói “Con hổ là chúa sơn lâm. Rừng là nhà của nó. Nếu ta vào rừng tìm hổ sẽ không thể thành công. Chi bằng ta dụ nó xuống thung lũng để trừ khử mới thành”. Sáng hôm sau, theo lời già làng, dân làng đào một cái hố sâu dưới gốc cây lớn gần bìa rừng rồi dùng phên thưa che kín miệng hố. Họ chọn một con dê béo trong chuồng rồi đem treo ngược lên cây ngay giữa miệng hố để làm mồi nhử hổ. Xong việc, họ mài sắc tên, lao, cung, kiếm… rồi nấp kín đợi hổ đến.
Không ngoài dự đoán, tiếng kêu suốt ngày đêm của con dê đã thu hút hổ ác. Ngày hôm sau, hổ đã lấp ló ở bìa rừng. Tiếng kêu của con dê càng to hơn vì nó ngửi thấy mùi hổ dữ. Sự sợ hãi của con mồi càng kích thích con thú đi săn. Nó di chuyển nhanh dần rồi lao lên vồ lấy con dê. Chưa kịp chạm đến con mồi, nó đã bị sập bẫy rơi xuống hố sâu. Thế là hết đời hổ dữ, cuộc sống bản làng yên bình như xưa.
Cốt lõi kế sách
Hổ là ông Ba Mươi, là Chúa tể sơn lâm nhưng khi ra khỏi rừng thì hổ cũng chỉ như trâu mà thôi. Anh hùng nhất khoảnh, nếu rời khỏi chỗ đứng sở trường của mình ắt dễ dàng thất bại.
2. Cường Sẹo
Ra trường, tôi về công tác ở phòng điều độ của một công ty vận tải, ngày ấy nghề lái xe, nhất là cánh lái xe tải được trọng vọng và dĩ nhiên là “ăn đủ”. Nhiều “bác tài” còn có đến vài ba cô vợ “khuất núi” (tức là mỗi vợ ở một tỉnh - “nước sông không chạm nước giếng” là chuyện thường ngày “ở huyện”, như nhà văn Nguyễn Khải vẫn hay nói vui như vậy.
Cả đoàn xe có hàng trăm chiếc. Riêng đội xe Kama có 20 mươi xe trọng tải lớn từ 12 đến 20 tấn, loại 20 tấn là xe kéo rơ-mọoc, một chuyến nó chở đến cả núi hàng hóa. Đội Kama nổi tiếng nhất là cha tài xế Cường Sẹo, dáng hắn cao ráo, điển trai nhưng mặt lại mang một vết “thẹo” lớn, trông gớm ghiếc, mất cảm tình. Cường Sẹo rất chịu thương chịu khó “cày”, không quản đường xa, đường xấu lắm ổ trâu, ổ gà… Ngày công “lăn bánh” của Cường Sẹo bao giờ cũng cao nhất đội. Hắn có tật, cứ về đến đội là văng tục chửi như trát phân vào mặt chủ hàng. Nào là thằng cha giám đốc “bên A” kẹt xỉn, đối xử với lái xe chẳng ra cóc khô gì, ngụm nước cũng không có chứ nói đếch gì đến bát mỳ, bát phở “không người lái” (không có thịt)…Cánh tài xế nghe vậy cũng thông cảm và động viên Cường hãy cố gắng, chủ hàng nào cũng thế cả thôi, chúng mình cực như nhau, miễn là có hàng để chở là tốt rồi…
Cương Sẹo sống rất “chặt chẽ”, không cho ai nổi một vê thuốc lào bao giờ, nên còn được mệnh danh là “Cường bửn”, hắn thuộc loại “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nhưng lại là người xây được nhà gạch, đổ mái bằng đầu tiên ở khu tập thể công ty, nên mọi người đều phục hắn sát đất. Làm hùng hục như hắn thì đá cũng phải đổ mồ hôi chứ huống chi là người. Rủi thay, nhà vừa xây xong cũng là lúc Cường Sẹo lăn ra ốm “thập tử, nhất sinh”, nằm bê-xê-lết đúng nửa tháng trời hắn mới được xuất viện.
Cường nghỉ ốm, ông đội trưởng phải điều liền một lúc 3 xe ô tô 12 tấn mới đủ sức thay thế. 3 anh lái xe hoàn thành xong hợp đồng của Cường Sẹo khi trở về mặt mày hớn hở, vui như bắt được của. Họ kháo nhau là chưa bao giờ có ông chủ hàng “bên A” tử tế đến thế, rồi lôi trên thùng xe xuống nào gà, nào gạo, nào củi…anh em văn phòng chúng tôi cũng được một bữa “nhắm” no nê với cánh lái xe. Hỏi ra mới biết, chủ hàng của Cường Sẹo rất “tuyệt vời” – ông là anh hùng lái xe vận tải Trường Sơn. Công ty của ông ấy hàng vừa nhiều, bao gói đúng tiêu chuẩn xuất khẩu nên việc xếp hàng lên xe rất nhanh và an toàn. Chủ hàng lại vô cùng chu đáo với anh em lái xe, lo cho ăn, cho uống “rất chi là đầy đặn”. Ông giám đốc “bên A” tuyên bố: “Phải chăm lo tốt cho các chiến sỹ lái xe để hàng hóa xuất nhanh thì “Đô-la” mới nhanh về nuôi công ty của chúng ta!”.
Té ra, Cường Sẹo ra sức chửi chủ hàng là nhằm mục đích ly gián anh em trong đội để không một ai dám đi vào nơi “khốn nạn” ấy, một mình hắn ung dung xơi “cả giầy lẫn vớ”. Đó chẳng phải là kế sách “Điệu hổ ly sơn” để được độc quyền hưởng lợi đó sao?
3. “Thím đúng”,
Trước Đại hội Nhà văn Việt Nam trên trang Web của Nguyễn Trọng Tạo và Trần Nhương thấy có bài “CUỘC ĐIỆN THOẠI GIỮA NGUYỄN THỊ THU HUỆ VÀ TRẦN ĐĂNG KHOA”
Bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ gửi “Người đưa tin” chăm chỉ và có trách nhiệm như sau:
“… Có quá nhiều chuyện muốn trao đổi với Người đưa tin, vì biết, với trách nhiệm và ý thức xây dựng của mình cho một Đại hội thành công tốt đẹp, tôi đã làm một vài việc nhỏ, liên quan đến người mà tôi quý mến, giống như rất nhiều người đã quý mến. Đấy là chuyện tôi đã trao đổi với “thần đồng” Trần Đăng Khoa.
Những chuyện tôi nghe về anh, quá nhiều. Thực hư thế nào không rõ, chỉ biết, anh hiện đang giữ một chức vụ quan trọng, là nắm nguyên một Kênh phát thanh, kiêm truyền hình của Đài tiếng nói  Việt nam phát sóng trên hệ thống TH Cáp Đài THVN. Có vẻ như công việc quản lý hàng ngày, của một loại hình nghệ thuật đa dạng, cập nhật nhanh gọn, chính xác, mang tính định hướng cao này, không tỉ lệ thuận với tác phong, tố chất thi sĩ của Trần Đăng Khoa. Ai cũng nghĩ thế, vậy mà anh làm đâu vào đấy. Tôi cũng là dân làm truyền hình gần 20 năm, giờ kiêm thêm quản lý nội dung một Kênh truyền hình, nên càng khâm phục anh giỏi. Thế nên khi nghe những chuyện “lình xình” về anh, tôi đã nhắn tin với sự lo lắng: “Em nghe giới báo chí, nhà văn bàn về anh nhiều, toàn chuyện không hay. Em thấy ý anh là sẽ rút khỏi BCH là rất đúng. Không nên vì ở BCH mà đánh mất tên Trần Đăng Khoa bao năm được yêu quý.Em là anh, em sẽ rút. Anh khỏe nhé”
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Đêm thật muộn Trần Đăng Khoa mới gọi lại cho tôi, giọng trầm, buồn. Không hiểu, tôi có ngộ nhận không, khi nghĩ, anh buồn. Anh nói: “Anh sẽ rút, nhưng phải ra Đại hội, người ta đề cử mình, mình mới rút. Giờ đã ai bầu mình đâu mà mình rút.” Ờ mà đúng. Hóa ra thần đồng rất chắc chắn, không lơ tơ phơ như nhiều nhà thơ tài năng khác. Tôi ngậm ngùi “Anh bận thế. Đã nhận trách nhiệm nắm một Kênh phát thanh, truyền hình, cả núi việc, sao ôm thêm việc bên Hội được. Nếu vào Ban chấp hành, rồi làm Phó chủ tịch, anh phải bỏ hết bên Đài mà về quản lý Hội. Không thể kiêm nhiệm, vì phàm cái gì chỉ kiêm nhiệm thì một là mình sẽ như đười ươi giữ ống, không nắm cụ thể chuyện gì đến cùng, nên không quyết chuyện gì đến nơi đến chốn. Còn từ bỏ Đài phát thanh, về ngồi âm u ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, anh có về không. Chắc chắn là không rồi. Nếu để sang, thì cái tên Trần Đăng Khoa là sang nhất. Không có một chức danh nào thay thế nổi.”
Mới gần đây thôi, tôi dự Lễ trao giải những bài hát viết về đề tài Nông thôn, rất tự hào thấy mấy nhà thơ nhà văn của chúng ta được vinh danh từ Bộ NN&PTNT, có Phó thủ tướng, có Bộ trưởng Cao Đức Phát trao bằng. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Nguyễn Phan Hách, nhà thơ Lê Huy Mậu… Thần đồng TĐK lên sân khấu, nhận hoa treo quanh cổ, ôm bằng khen cho Hạt gạo làng ta. Khi nhóm các bé nhảy tưng tưng trên sân khấu Nhà hát Lớn, hát “Hạt gạo làng ta có bão tháng bảy có mưa tháng ba…” tôi đã ngắm thần đồng rất lâu, cũng là lần đầu tiên tôi thấy hết cảm xúc của anh, mà anh không hề biết, vì mắt anh đang mải dõi lên sân khấu xem lũ trẻ đáng yêu nhảy múa tưng bừng… Ngồi ngay hàng ghế thứ 3, tôi tự nhủ, sao thần đồng lại rẽ ngang sang làm quan ở Hội nhà văn làm gì nhỉ, để rồi người ta nâng lên đặt xuống những câu hứa, những việc anh làm phật lòng người khác. Có vẻ như năm 2005 thần đồng vui vẻ nhậm chức Ủy viên BCH có vẻ là con tính sai chẳng thần đồng tí nào rồi!
Tôi viết những dòng này, gửi người đưa thư, như góp một tiếng “bênh” thần đồng của chúng ta, là chắc chắn anh không tham gia BCH khóa tới nữa đâu. Anh có những kế hoạch riêng, có sự nghiệp trước mặt, “chẳng may” khóa trước tại Hội viên tin cậy, bầu thần đồng vào, thêm cái tính cả nể nên hào hứng nhận thôi. Với một BCH 6 người, ngả bên nào thần đồng cũng mệt, cuối cùng chọn cách ậm ừ cho qua, cho yên cái thân mà làm việc khác, thành ra mang tiếng người hay hứa mà không làm. Thế nên, chúng ta hãy tha cho thần đồng lần này, để anh còn làm việc anh muốn, anh sẽ viết, (biết đâu là hồi ký về 5 năm Hội NV).  Cũng xin các nhà văn hãy để cho thần đồng được yên, là nếu thần đồng có rút, thì Hội viên đừng có cố giữ. Tan đại hội, ai về nhà đấy. Năm năm sau, người còn, người mất, gặp lại nhau, thấy chuyện ngày xưa vớ vẩn thế, sao bỗng ầm ầm như bão giật cấp 14 thế này. Thần đồng mà chẳng may trúng lại BCH khóa 8, là khốn khổ lắm. Đau đớn lắm. Vì con người, có phải cái máy tính đâu mà nạp đủ thứ vào, ổ cứng hết, thêm ổ cứng ngoài nối tiếp để lưu dữ liệu.
Tôi có nói với Trần Đăng Khoa, người đời nhớ anh là nhớ “Hạt gạo làng ta, có hạt phù sa của sông Kinh Thày” chứ chẳng ai nhớ hay quan trọng, anh đã từng là ủy viên BCH khóa này, khóa nọ. Còn nếu, vào BCH để có thật nhiều tiền, hay đi nước ngoài miễn phí, hay có điều kiện mang con cháu họ hàng lên cho ở Hà nội, ban phát những việc lăng nhăng ăn tí lương bao cấp, thì cũng cố mà  vào. Đằng này, nhà anh phố trung tâm, vợ đẹp con khôn, công việc bên Truyền thanh- truyền hình đổi mới từng ngày trong một thế giới phẳng. Anh mà cứ để tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn càng xa, ảnh hưởng ngược đến cơ quan chính anh đang làm, lợi bất cập hại.
Anh nhất trí với tôi. Lại càng nhất trí khi tôi nói “Mẹ em, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, đã từng ở BCH cùng thời chú Hữu Thỉnh, các bác Nguyễn Quang Sáng, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, (tức là chú Thỉnh đã 5 lần là ủy viên Ban chấp hành, và 2 lần làm chủ tịch. Nếu lần 8 này chú làm tiếp sẽ là 6 lần ủy viên BCH, 3 lần Chủ tịch) cũng chẳng ai nhớ. Thiên hạ chỉ nhớ, bà Ngọc Tú viết Đất làng, Buổi sáng, Hạt Mùa sau. Hay Hữu Thỉnh là “ Đường tới thành phố”.  Hữu Mai với “Vùng trời”, “Ông cố vấn” Nguyên Ngọc với “Đất Quảng”, “Rừng xà-nu”…
Anh Khoa giọng trầm buồn “Thím đúng”.
Chúc Người đưa tin sức khỏe, vui vẻ và giữ được phong độ cập nhật thông tin”.
4. Kết cục
Chẳng biết nhà thơ Trần Đăng Khoa có nghe theo nhời “khuyên” của “Thím” Thu Huệ hay không nhưng anh và 11 nhà văn, nhà thơ đáng kính nữa đã quyết định rút khỏi danh sách đề cử vào BCH Hội nhà văn khóa 8, mặc dù số phiếu đại hội dành cho họ cao ngất ngưởng. Trong khi đó nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phiếu kém hơn nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng “thím” vẫn không rút khỏi danh sách như đã “ruột gan” với Khoa mà quyết chí ở lại để được đắc cử vào BCH khóa 8 và còn là 1 trong 5 người ngự ở ngôi thượng phẩm: “Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam”.
Thế mới biết kế sách “Điệu hổ ly sơn” vô cùng hữu dụng.
(*) Tranh cổ: Gia Cát - Khổng Minh