Đi đường thường ta hay gặp những điểm dừng. Đi xe lửa thì ga là điểm đến, điểm dừng. Đi ô tô từng chặng đều có điểm dừng, khi là trả khách, khi là để khách xuống ăn uống, vệ sinh trước lúc lại tiếp tục cuộc hành trình. Còn đi ô tô và xe máy trong thành phố, thị xã lại có nhiều điểm dừng khác. Đó là những điểm dừng trước các vạch sơn ở ngã tư, ngã năm mỗi khi có đèn đỏ và điểm dừng trước chắn ngang đường bộ cắt ngang đường sắt mỗi khi có xe lửa đi qua.
Nói thế để thấy ai cũng biết và cũng thấy điểm dừng theo quy định và có ý thức tự giác chấp nhận nó vì lợi ích của mình và của mọi người. Một khi thiếu ý thức chấp hành các quy định về điểm dừng ấy, người vi phạm bị phạt, có khi phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Báo chí từng đưa tin nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm chỉ vì người bị nạn đã vượt thanh chắn đường bộ để qua đường ray khi tầu hoả đến. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng chết người do lái xe ô tô, xe máy không tuân thủ luật giao thông, không chịu dừng lại trước ngã tư, ngã năm khi có đèn đỏ mà cứ cho xe vượt lên, đâm phải xe, người đi đúng phần đường và đúng theo luật của họ. Hậu quả là không chỉ người vi phạm bị tai nạn, nhiều khi chết người, mà còn mang tại hoạ đến cho người khác…
Trong cuộc sống lại có những điểm dừng khác, nhiều khi không có quy định rạch ròi bằng văn bản luật pháp nhưng ai cũng biết. Đó có thể là những quy ước bất thành văn về những điểm dừng trong cách ứng xử giữa con người với nhau trong đời sống xã hội, thường là trong lời ăn tiếng nói giữa chốn đông người. Còn trong lĩnh vực văn chương, báo chí, ai cầm bút cũng đều mong được tự do hành nghề, được tự do sáng tác. Đây đó có người rất dị ứng, thậm chí phản ứng dữ dội đối với các quy định theo kiểu “đèn đỏ” trong sáng tác. Tôi xin không bàn về các quy định đã thành luật pháp trong lĩnh vực này, chẳng hạn về những điều cấm đã được ghi trong Luật Xuất bản, Luật Báo chí, mà chỉ bàn một ý nho nhỏ về việc người cầm bút tự ý thức về những điểm dừng cần thiết mỗi khi ngồi trước trang giấy hay trước máy tính viết bài phê phán một ai đó, một hiện tượng nào đó.
Tôi đọc khá nhiều bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo có tên tuổi trên báo, nhất là báo mạng và blog cá nhân, không chỉ phê phán tiêu cực trong xã hôi, nhất là tệ nạn tham nhũng đang ngày càng trở thành nỗi lo, nỗi bức xúc của mọi người mà còn về nhiều vấn đề khác. Nhiều bài báo đã lên tiếng giúp tôi và cho tôi được chia sẻ những ưu tư và nỗi bức xúc đó. Song, phải thú thực rằng, có những bài viết nêu vấn đề và sự việc hoàn toàn đúng nhưng thái độ của người viết thiếu khách quan, thiếu kiềm chế và điểm dừng cần thiết khi cầm bút và gõ bài trên máy tính nên hiệu quả bài viết mang lại cho người đọc, trong đó có tôi, không nhiều, đôi khi ngược lại bởi cách viết “nói lấy được” ấy. Đấy là chưa kể đến một số bài viết của nhà văn này, nhà báo nọ viết về đồng nghiệp, bạn bè của mình trong thời gian gần đây, trước thềm Đại hội nhà văn Việt Nam vào đầu tháng Tám tới. Tôi có cảm tưởng rằng những người viết ấy quá biết nhưng cố tình không thèm để ý đến những điểm dừng cần thiết trong cách ứng xử văn hoá giữa người với người nên cứ xả láng câu chữ theo kiểu “quá lời, quá chén” trên các trang giấy, trang mang làm cho người đọc, là những người không hề bị đụng chạm tới, cũng bị dị ứng, nói chi đến người được bài viết đề cập đến. Và, biết nói thế nào đây, hay chỉ còn biết thốt lên một câu cảm thán: Buồn thay tình người!