Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG KỂ LẠI

GS Nguyễn Đăng Hưng
Thứ ba ngày 20 tháng 7 năm 2010 6:43 AM

Nhân đọc bài “TÔI HIỂU GÌ VỀ TRUNG QUỐC” của KTS Trần Thanh Vânvspace=12
Từ lâu tôi vốn là người Việt Nam rất có cảm tình với văn hóa đặc biệt với người dân Trung Quốc.
Lúc còn là học sinh trung học tại Sài Gòn cứ có dịp nghỉ học là tôi thuê các tập truyên Tàu về nhà đọc. Đọc ngấu nghiến đến độ say mê: Tây Du, Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng…, chẳng có truyện nào là tôi không đọc. Thời sinh viên tôi lại thích thú với Sử ký Tư Mã Thiên, và các tác giả Trung Hoa hiện đại… Có điều phải nói là tôi lại không bị lôi cuốn bởi các truyền kỳ võ lâm kiểu Kim Dung, thậm chí còn có chút dị ứng là đằng khác…
Là giáo sư trưởng tại Đại học Liège, Bỉ, tôi đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh gốc Trung Quốc sang Bỉ làm luận văn thạc sỹ hay tiến sỹ. Tôi có nhiều bạn bè khoa học người Trung Quốc tại Mỹ, tại Úc, tại Canada, tại Pháp, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông và cả Trung Hoa lục địa. Tôi đã từng là khách quý của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, của các trường Đại học như Nam Kinh, hay Thượng Hải… Thật tình tôi là người bạn thứ thiệt của Trung Quốc
Thế mà trong một chuyến đi làm khoa học, tôi có dịp ngỡ ngàng khám phá trực tiếp về chủ trương bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Tôi bắt đầu dè chừng về Trung Quốc từ đó.

Tôi không nhớ rõ, có lẽ khoảng năm 92, lúc du lịch Trung Quốc khởi sắc trở lại, năm năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn. Tôi đi tham dự Hội Nghị khoa học về ngành nghiên cứu của tôi (tính toán cơ học) được tổ chức tại cố đô Tây An. Hội nghị rất thành công, gần 300 nhà khoa học năm châu tham dự vì năm ấy giá máy may đi Trung Quốc rất rẻ, nhất là Tây An với di tích Binh Mã Dũng (Terra Cotta warriors) của lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng. Ai cũng ưu tiên cho khu lăng mộ và ngay sau đó là ghé qua tham quan Thành bảo, lớn và cổ nhất Trung Quốc ở Tây An. Đoàn chúng tôi đông trên 100 người vào Viện bảo tàng, bắt đầu nghe các hướng dẫn viên giải thích về lịch sử Trung Quốc.

Đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra ý đồ bá quyền của chánh quyền Trung Quốc qua cách giải thích lịch sử địa lý.

Chúng tôi đứng trước một tấm bản đồ lãnh thổ cổ Trung Quốc, thời Tần Thủy Hoàng. Bản đồ vẽ biên giới phía Nam Trung Quốc bao gồm cả Bắc bộ và Bắc Trung bộ của Việt Nam ngày nay. Hướng dẫn viên chỉ phía Nam bản đồ Trung Quốc vào phần đất Việt Nam và hùng hồn giảng giải đại khái:

Đây là những vùng đất của Trung Quốc sau này mất đì vì người Pháp qua xâm chiếm, cùng với các đế quốc khác đến xâu xé, biến Trung Quốc thành một nước bán thuộc địa. Ngày nay Trung Quốc trỗi dậy, thống nhất xã hội chủ nghĩa sẽ dần dần khôi phục lại những vùng lãnh thổ đã mất....

Tôi đứng gần đấy nghe tay hướng dẫn viên vừa chỉ dải đất Việt Nam vừa nói vậy chịu hết nỗi, nhảy vào quạt ngay :

«Xin lỗi ông trình bày địa lý lịch sử không chính xác. Vùng đất này nay có một cái tên trên bản đồ thế giới đó là nước Việt Nam sao ông có thể bỏ qua việc ấy được! Đồng ý là thời Tần Thủy Hoàng vùng này có tên là Giao Chỉ bị nhà Tần đô hộ. Trung quốc đã cai trị vùng này hơn một ngàn năm. Dân tộc này đã bao lần vùng lên chống xâm lược, bao phen thất bại nhưng đến năm 938 là thành công nhờ một vị tướng tài người Việt là Ngô Quyền. Trong lịch sử Việt Nam có nói rõ là Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán Trung Quốc tại một con sông có cái tên lịch sử là Bạch Đằng và quyền tự chủ đã trở về cho dân tộc này. Khi người Pháp sang xâm chiếm Đông Dương, vùng đất này đã có tên là nước Việt Nam, môt nước có văn hiến, có phong tục tập quán khác Trung Quốc. Ông giảng giải sử địa như vậy là xuyên tạc sự thật, gieo rắc ngộ nhận cho khách quốc tế, nhất là cho các bạn trẻ Trung Quốc. Những ngô nhận kiểu này rất có hại cho nền hoà bình thế giới... ».

Tôi vừa dứt lời là một tràng pháo tay của đoàn vang lên làm tay hướng dẫn viên người Trung Quốc á khẩu, bẽ mặt, rối rít xin lỗi...

À ra thế, chính quyền Trung Quốc cố ý tuyên truyền theo hướng bành trướng với ý đồ khôi phục lãnh thổ thời Tần Thủy Hoàng. Mao Trạch Đông đã từng tuyên bố mình còn đứng cao hơn Tần Thủy Hoàng kia mà !

Nhưng nếu đanh thép phản biện đúng lúc, đúng chỗ với lý lẽ xác đáng và trung thực, họ cũng sẽ tiu nghỉu thôi. Họ cần thế giới chung quanh hơn thế giới chung quanh cần họ… Tôi mong sẽ có dịp trở lại vấn đề này…

Năm 2000, sang Việt Nam tham gia Hội Nghị khoa học tương tự do chúng tôi tổ chức, GS AKKAS Nuri (Technical University Ankara) người Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở Tây An hôm ấy còn nhắc lại với tôi chuyện này trên bãi biển Nha Trang vì ông không quên được ấn tượng ngày ấy!

TSKH Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư danh dự thực thụ Đại học Liège, Bỉ.
(Ghi lại ngày 17/1/2009 tại Liège và chỉnh sửa ngày 18/7/2010 tại TP HCM)
 
TNc: sửa lại tên bài
*Bài viết gửi riêng cho Nguyễn Xuân Diện blog.