Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THÔNG CỐNG

Tuệ Nguyên
Thứ hai ngày 19 tháng 7 năm 2010 6:20 AM

Chưa bao giờ loài người lại đứng trước luận đề “tồn tại hay không tồn tại” do những thách đố từ “ông trời” như bây giờ. Một kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu là trái đất có thể quay trở lại kỷ nguyên băng hà! Còn nhẹ ra như Việt Nam cũng có khả năng bị ngập lụt ở nhiều nơi ven biển, khoảng hơn 20 triệu người sẽ phải di rời đi nơi khác và biết đâu đấy lại phải “bồng bế nhau lên ở núi non” cũng nên. Khi đó khu vực chân núi Ba Vì và nhiều vùng núi khác chắc sẽ sầm uất lắm và biết đâu đấy lại chẳng rộ lên câu chuyện “di Đô”! Năm kia những trận mưa kéo dài cũng đã từng biến không ít khu phố Hà Nội thành “ao” và “phơi bày” rõ rệt thêm chất lượng thực sự của những công trình xây dựng. Thôi thì người nói chưa đủ thì trời sẽ vạch mặt chỉ tên. Có thể che được mắt người nhưng làm sao có thể giơ tay che nổi mặt trời!
Ôi, cứ đến mùa mưa thì lại ao ước, mộng mơ về một cái cống thật lớn, thật to, thật dài, thật nhiều nhánh ở Hà Nội như kiểu cái cống ngầm ở Pari đã được miêu tả trong truyện “Những người khốn khổ” được học từ ngày xửa ngày xưa ấy. Hầu như những thành phố lớn ở châu Âu đều nằm bên bờ những con sông lớn và có hệ thống cống ngầm hoành tráng để cho các thế sau không phải lo gì tới chuyện lụt lội. Vài thế kỷ trước, khi đó chắc chưa có công nghệ và máy móc như bây giờ, chắc cũng chưa có những vật liệu xây dựng như bây giờ, chưa có nhiều giáo sư tiến sỹ như bây giờ và cũng chưa giàu có như bây giờ, ấy thế mà những công trình đô thị của người xưa vẫn rất chuẩn về nhiều phương diện, và không ít công trình trở thành những “tác phẩm kiến trúc kinh điển” mà đời sau dù phấn đấu mấy cũng khó vượt. Thành phố Xanh-pê-téc-bua (Nga) vốn được Pie Đại đế chỉ đạo xây dựng từ vùng đầm lầy ven biển sau chuyến thực tế ở Tây Âu dài ngày cũng có thể là một điển hình. Thế mới biết ăn nhau là ở cách tư duy, ở cách nghĩ và tiếp theo là cách làm cùng quyết tâm làm hết mình, đến nơi đến chốn. Thôi thì làm cống rất khó vì nó ở ngầm dưới đất, mắt thường có thấy được đâu, nhưng ngay cái câu chuyện vỉa hè “sờ sờ” ra đấy mà nhiều người cũng ngại không dám nhắc tới nữa. Đã nhiều năm qua, cứ tới khi có một sự kiện nào đấy ở Hà Nội là lại thấy đào đào, bới bới, thay mới, bỏ cũ. Trong khi đó thì vỉa hè ở xứ người có nơi lát tới vài thế kỷ rồi mà chẳng hề hấn gì, cứ “nguyễn y vân” và dùng vẫn tốt.
Thời chiến tranh, rất ít người có điều kiện ra nước ngoài, đi đây đi đó để học thiên hạ. Từ khi “Đổi mới”, “Mở cửa”, theo dõi trên đài báo thấy hàng năm có khá nhiều các đoàn ra công tác nước ngoài, tới cả Âu và Á, tới cả nhiều nước tư bản phát triển để thăm và nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, qui hoạch, xây dựng đô thị v.v. Thế nhưng cho tới năm 2010 rồi mà “cống vẫn chưa thông”, mưa đến là lại ngập. Nếu tính tổng số kinh phí phải chi nhiều năm qua cho các chương trình thăm viếng thì có lẽ cũng lớn lắm ấy chứ và chắc chỉ tiết kiệm một phần lại chẳng giúp được khá nhiều thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những nạn nhân chất độc màu da cam. Người nghèo còn có tương lai, vì còn có cơ may phấn đấu để ngày mai có thể hết nghèo và giàu lên. Còn những nạn nhân này thì vĩnh viễn không có tương lai và những người thân thì heo hắt từng ngày, từng giờ. Không ít những bố mẹ khi ra đi không nhắm nổi mắt vì lo cho những đứa con ngây dại nằm kia. Làm sao để đến dịp 27/7 những vong linh đồng đội của chúng ta từ xa xôi nơi rừng sâu núi thẳm có về thăm Thủ Đô cũng đỡ ngậm ngùi, tủi lạnh? Danh sách “Những việc cần làm ngay” đã quá dài và “thông cống” cho Hà Nội có thể dễ được bình chọn là ưu tiên hàng đầu vì “thông cống” là vấn đề cốt lõi của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị bền vững. Cống thông và sạch vừa là một tiêu chí cơ bản của đô thị văn minh hiện đại, vừa tạo môi trường sống thanh sạch cho tâm tụ, tài phát. Đã tới lúc có thể nên chăng chỉ đưa ra hai chữ “Thông cống” thôi để “đấu thầu” công khai tìm hiền tài thực sự cho Hà Nội khi lễ kỷ niệm “nghìn năm Thăng Long” đang tới gần.
Tuệ Nguyên