Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIỄN CHÂN MỘT NHÀ VĂN VỀ HÀ NỘI

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ tư ngày 21 tháng 7 năm 2010 9:00 AM

_Ghi chép Phạm Ngọc Khảnh_
Vậy là Lê Hoài Nam quyết định chia tay chúng tôi, chia tay thành phố Nam Định về Hà Nội sinh sống. Cuộc thiên di ở tuổi 56 là khá muộn mằn, khó khăn. Để thực hiện được, Lê Hoài Nam phải chấp nhận làm đơn xin về hưu trước tuổi, theo Nghị định 32 của Chính phủ, để ra đi cho nhẹ nhõm.  Lên Hà Nội không còn phải lo gõ cửa cơ quan nào để kiếm việc. Ai hỏi, sao anh làm cuộc chuyển dời muộn màng vậy? Lê Hoài Nam chỉ cười bảo: Thì cũng giống như nhiều người về hưu khác, lên Hà Nội làm Ô sin cho các con thôi mà. Anh trả lời không sai, lên Hà Nội anh chăm sóc hai đứa con, trong đó đứa út vừa trở thành tân sinh viên một trường đại học. Nhưng Lê Hoài Nam khác với một số vị hưu khác ở chỗ, vừa làm Ô sin cho con, vừa tiếp tục viết văn. Tính đến nay Lê Hoài Nam lên Hà Nội mới hơn hai tháng, anh đã viết được ba bài in báo, trong đó có những bài có tiếng vang xa như: Người làm phúc cho những linh hồn bé bỏng (báo Tiền phong cuối tuần), Bá Kiến ngoài đời (báo Văn nghệ công an). Chúng tôi mừng cho anh. Càng mừng chúng tôi càng cảm nhận về cái khoảng trống khó lấp đầy trong nhóm chúng tôi khi Lê Hoài Nam đi khỏi Nam Định.
Còn nhớ cuối năm 1986, khi ấy Lê Hoài Nam vừa tốt nghiệp khóa II khoa Viết văn (trường Viết văn Nguyễn Du) Đại học Văn hóa Hà Nội, anh khoác ba lô trở về đơn vị cũ là Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Hải quân. Khi ấy anh đeo hàm Thượng úy đã được bốn năm. Người ta đang chuẩn bị phong Đại úy cho anh, giao cho anh một cương vị … thì Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam Ninh cử người của Ban tổ chức cùng với lãnh đạo Hội VHNT tỉnh ra tận đơn vị xin anh về với dự tính anh sẽ là người lãnh đạo văn nghệ tỉnh trong thời kỳ mới. Đơn vị không muốn cho anh chuyển ngành nhưng vì “phái đoàn” của Tỉnh ủy đề nghị tha thiết quá, anh đã lựa chọn cầm quyết định chuyển ngành, bỏ lại tất cả mọi thứ, kể cả cái lon Đại úy mà ngày ấy rất giá trị.
Tính đến năm 2009 thì nhà văn Lê Hoài Nam đã chuyển ngành về Nam Định được 22 năm. Trong 22 năm thì có 2 năm anh làm thư ký tòa soạn (nhà văn Chu Văn làm tổng biên tập) tạp chí Văn nghệ tỉnh, 17 năm anh làm Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh. Cái hàm Phó chủ tịch của anh nó “vắt ngang” từ thuở Hà Nam Ninh, sang Nam Hà, rồi Nam Định. Chẳng cần phải so sánh với ai cũng có thể khẳng định anh là một trong những người giữ chân cấp phó lâu nhất ở Nam Định. Làm phó lâu thế, nhưng dường như không nhà tổ chức nào có ý định cho anh lên cấp trưởng. Lê Hoài Nam thì dường như cũng không tranh thủ ai để thăng tiến thêm. Nhưng những vị cấp trưởng của anh thì lại quá “lo xa” chỉ sợ anh tiến lên ngồi vào ghế của mình, nên cứ trước đại hội, các vị lại tìm cách củng cố ghế của mình bằng phương pháp bôi vào mặt Lê Hoài Nam mấy vết nhọ, thậm chí có vị còn “lo xa” đến mức loại anh ra khỏi hội để anh không còn đủ tư cách dự đại hội nữa kia!
Rồi người ta ra quyết định điều anh sang làm cán bộ Chữ thập đỏ, như một kẻ đi tránh nạn. Nghe nói anh thường đi cùng cơ quan xuống huyện, nhưng vào hội nghị chẳng ai biết anh là ai vì chẳng ai giới thiệu. Có hôm ngồi ăn cơm với họ, anh cảm giác người ta nhìn anh như một kẻ qua đường ghé vào ăn ké. Trong hội nghị người ta có thể giới thiệu một vị Chánh văn phòng cơ quan để mọi người vỗ tay nồng nhiệt chào mừng chứ nhất định không bao giờ giới thiệu Lê Hoài Nam, vì bây giờ anh chỉ còn là cán bộ trơn. Người ta càng tránh giới thiệu anh là “nhà văn”, không hiểu sao người ta lại ngại dùng danh từ ấy đến thế, mặc dù anh là nhà văn có tầm có cỡ! Có lẽ đấy cũng là nguyên do Lê Hoài Nam quyết định không thể sống ở Nam Định nữa. Anh có thể chịu khổ, nhưng bị sỉ nhục thì anh không chịu nổi. Chẳng riêng gì anh, người trí thức nào có nhân phẩm, có tự  trọng thì cũng chọn cách ứng xử như anh thôi.
Cái hôm cơ quan hội Chữ thập đỏ tổ chức liên hoan tiễn chân anh về Hà Nội không có ông lãnh đạo tỉnh nào tới dự  (khác hẳn với khi họ đón anh từ Bộ tư lệnh Hải quân về). Lê Hoài Nam không buồn về việc đó lắm. Nhưng chúng tôi, những người bạn anh, vì không thể không chạnh lòng. Với ai thì không rõ chứ với chúng tôi, anh là một nhà văn có tài và có những đóng góp đáng kể với Văn nghệ Nam Định.
Mười bảy năm làm Phó chủ tịch Hội suốt ba nhiệm kỳ, cắm cúi làm việc đầy trách nhiệm của một người quản lý. Ở cương vị Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Hà Nam Ninh, sau này là tạp chí Văn nhân, bằng sự năng động nhạy bén, anh có công chuyển đổi từ cơ chế xuất bản theo chế độ bao cấp, sang tự hạch toán, mở rộng mối quan hệ với bạn đọc xa gần tạo không khí, vị thế mới. Tạp chí đã nối được tình cảm văn chương với không chỉ Hà Nam Ninh mà có lúc còn phát hành tới các địa danh Hà Nội, Hải Phòng. Ngôi trụ sở khang trang mà giới văn nghệ Nam Định đang thụ hưởng hôm nay có được, là có công sức của Lê Hoài Nam rất lớn.
Tào Mạt – tác giả ba tập “Bài ca giữ nước” người của Tổng cục Chính trị được nhà văn Chu Văn “kéo” về  sinh hoạt với Hội Hà Nam Ninh. Lê Hoài Nam – Tào Mạt rất quan tâm tới nhau. Tào Mạt có đứa con “quẫy quậy” có những đêm Lê Hoài Nam cùng Tào Mạt đi khắp thành phố tìm đưa được cháu về. Với Nam Cao, từ chỗ gia đình ở trên một gác xép chật chội, Lê Hoài Nam đã đích thân “gõ cửa” nhiều nhà lãnh đạo Tỉnh để có được căn nhà ở phố Nguyễn Du bây giờ. Chị Trần Thị Hồng – con gái cả nhà văn Nam Cao, chắc không bao giờ quên được tấm lòng ấy của Lê Hoài Nam. Với Nguyễn Bính, mảnh đất ngôi nhà Nguyễn Bính ở Thiện Vịnh đã bán cho người cháu ngoại. Lê Hoài Nam phải “gỡ” mãi với huyện, cấp đất cho người cháu chuyển dời, để có được mảnh đất xây dựng ngôi nhà lưu niệm và phần mộ Nguyễn Bính hôm nay. Mười bảy năm ấy, Lê Hoài Nam cùng Chu Văn, Vũ Quốc Ái, Phạm Trọng Thanh, Kim Ngọc Diệu và nhiều văn nghệ sĩ khác, bồi dưỡng cho bao thế hệ cầm bút trưởng thành. Các cơ quan Đài truyền hình Việt Nam, báo Hoa học trò, báo Nhi đồng,… các cơ quan trong Tỉnh như Tỉnh đoàn thanh niên, Sở Giáo dục & Đào tạo với Hội VHNT Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định. Nơi đây, Lê Hoài Nam làm quản lý thực sự trở thành một địa chỉ thân yêu, đầm ấm và tin cậy cho những người cầm bút, nhất là lớp trẻ. Phong Điệp, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Phương Liên, Nguyễn Mai Hồng, Nguyễn Kim Anh … đều bắt đầu được người ta biết đến từ cái lò Hội VHNT tỉnh. Họ không bao giờ quên mảnh đất nơi gieo mầm ươm giống văn chương, để bây giờ nở hoa kết trái.
Bấy nhiêu năm cả lúc bình yên cũng như từng trong sóng gió dù bận rộn với công việc quản lý Hội, Lê Hoài Nam luôn thể hiện là một cây bút tâm huyết với nghề; một loạt tác phẩm của anh ra đời: 4 tiểu thuyết, 4 tập truyện ngắn, 2 tập bút ký, và 4 tác phẩm dựng phim… được bạn đọc xa gần đón nhận. Lê Hoài Nam tỏ ra bút lực còn sung sức lắm; đang ở độ chín của một đời văn. Và nếu tôi không lầm thì những vấn đề hệ trọng, bức bối, dồn nén đang rất cần trải nghiệm ra những áng văn chương mà Lê Hoài Nam thể hiện càng gần về sau càng trĩu nặng…
Cuộc đời Lê Hoài Nam luôn bị xô đẩy, thác ghềnh, đến những năm gần đây thì thực sự bị xô ngã… Phần vì sự đố kỵ, ganh ghét, chức tước lợi quyền; phần vì – đây là nguyên nhân chính, là sự hẹp hòi của những người lãnh đạo tỉnh Nam Định, tôi quả quyết nói như vậy! Cho dù trong hội nghị nào họ cũng nói leo lẻo “Thiên tài là nguyên khí quốc gia”! Họ học vẹt lời ông cha thì dễ, còn họ có làm theo không, chỉ xem họ đối xử với Lê Hoài Nam là rõ. Cái vụ Lê Hoài Nam bị “trùm chăn đánh”, đánh mà bịt miệng không cho kêu, chúng tôi đã lên tiếng. Sau đại hội VI Hội VHNT tỉnh Nam ĐỊnh, tôi đã có hẳn 1 bài điều trần đăng trên báo Văn nghệ trẻ cho cả nước cùng hay biết, cùng với 13 bài của các tác giả khác. Nhưng tất cả đã chìm vào im lặng, một phương pháp “hiệu quả” của những nhà cầm quyền Nam Định xưa nay vẫn áp dụng. Hôm nay nhân chia tay với Lê Hoài Nam buộc tôi phải gợi lại đôi chút để bạn bè cùng thương cảm cho anh…
Bây giờ Lê Hoài Nam đã yên vị bên các con trong ngôi nhà 45m2 của anh ở Hà Nội. Ngòi bút anh chừng như đang rất xung mãn. Ở xa nhưng anh vẫn nhớ bạn bè Nam Định, ngày nào cũng gọi về. Nói nhiều chuyện Hà Nội. Có cơ quan mời anh đến làm việc, trả lương theo chế độ hợp đồng. Họ nhìn ra khả năng của anh. Nhưng anh cám ơn và từ chối, anh muốn tập trung vào công việc sáng tác văn chương. Cũng là phải làm công thì phải múa, làm chúa thì phải hát, làm nhà văn thì phải viết thôi. Ngay như cái hội văn nghệ sinh ra là giúp cho các nhà văn nghệ sỹ làm ra tác phẩm, không làm được việc đó các Hội văn nghệ không có lý do tồn tại. Không làm được việc đó mà cố tình tồn tại thì nó như là một tổ chức hành chính dị dạng, quan liêu đến độ quái gở mà thôi.
Khi chúng tôi hỏi Lê Hoài Nam rằng, bây giờ ở Hà Nội, mỗi khi nghĩ về Nam Định cảm giác của anh thế nào? Lê Hoài nam chỉ nói, thì cũng như bao người xa quê, cái gì đáng nhớ thì nhớ, cái gì đáng quên thì cần phải quên, mà thôi.
Tuy Lê Hoài Nam không nói ra, nhưng tôi biết, chuyện những kẻ trùm chăn bịt miệng hại anh rất khó mà nguôi ngoai trong anh. Anh rất cần một lời xin lỗi từ phía họ. Nhưng tôi biết điều đó sẽ không bao giờ diễn ra. Vì cái phông văn hóa của họ chỉ đến thế./.
PNK