Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỀ THI ĐÁNH ĐỐ

Hà Khải Hưng
Thứ hai ngày 19 tháng 7 năm 2010 10:45 PM
 
Mặc dù đề thi đại học môn Ngữ văn khối D năm nay được một số chuyên gia đánh giá là hay, là “vừa sức” các em, song thú thật khi được một thí sinh cho xem bản đề, tôi không khỏi băn khoăn trước câu III- mà lại là câu có thang điểm nhiều nhất (tới 5 điểm; trong khi hai câu đầu cộng lại cũng chỉ 5 điểm ). Đó là câu: “Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau:

Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor -ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta ròng ròng
máu chảy
(Đàn ghi ta của Lor-ca - Thanh Thảo, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.164-165)”.

Là một người làm thơ, cũng là người yêu thích thơ Lorca, tôi thừa nhận trích đoạn trên của nhà thơ Thanh Thảo khá khơi gợi. Tuy nhiên, phải nói ngay rằng, ý tưởng của tác giả trong đoạn thơ trên không hề dễ nắm bắt. Phải là người thật hiểu  Lorca, hiểu những tình tiết cụ thể nào đó liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông may ra mới hiểu được phần nào sự gửi gắm quá “kín đáo” của tác giả Thanh Thảo. Ấy là chưa kể, bản thân Thanh Thảo, trong một bài trả lời phỏng vấn được tải trên trang web Văn  học và học văn ngày 13-11-2008 cũng đã thành thực thực tâm sự rằng, ở bài “Đàn ghi ta của Lor-ca”, mối quan tâm chính của ông “chỉ là một hình ảnh gợi mở, một âm hưởng hay một nhịp điệu mơ hồ nào từ đâu đó, chứ tuyệt nhiên không có một “vấn đề” nào cả! Anh có hỏi tôi có gửi lời tri âm hay ký thác nào vào bài thơ ấy không, tôi xin trả lời rất thật là tôi không biết”.  
Trở lại với nội dung bài thơ. Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của thí sinh lớp 12. Làm sao các em có thể hiểu “Tây Ban Nha/ hát nghêu ngao...” là thế nào?; “tiếng ghi ta nâu/ bầu trời cô gái ấy” là thế nào? Sách giáo khoa chú thích “cô gái ấy” là: “Ở đây có thể chỉ An-na Ma-ri-a, người yêu của Lor-ca. Sau cái chết của Lor-ca, An-na Ma-ri-a ở vậy, không một lần lên xe hoa”. Giải thích gì mà lại “có thể”. Không biết đích xác thì thôi chứ? Tất nhiên, với thơ, ta không thể lúc nào cũng đòi hỏi mọi sự phải rành mạch như hai cộng hai là bốn, song chí ít thì cũng đừng để phải giải thích nhiều quá, nhất là nói thêm quá nhiều những điều không có trong văn bản. Điều này là tối kị đối với học sinh.
Tôi đã được xem phần đáp án - thang điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Theo đó, ở câu hỏi trên, đáp án chia nhỏ ra 2 phần, là phần “Về nội dung” và phần “Về đặc điểm nghệ thuật”. Phần “Về nội dung” tất tật đều nói những đặc điểm liên quan đến Lor-ca (Lor-ca “là người nghệ sĩ tài hoa, yêu tự do, lãng du mà đơn độc”; tiếng đàn của Lor-ca “là tâm hồn, là vẻ đẹp nghệ thuật của Lor-ca”...). Phần này có thang điểm là 3,5 song không hề có gì liên quan đến câu hỏi “Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ”. Kể cũng dễ hiểu thôi, với một đoạn thơ “mênh mang” như trên, để có một ý niệm gì cụ thể (nếu không phải là tán loăng quăng ngoài văn bản), quả là rất khó.
Để minh chứng cho điều này, tôi đã xem bài “Gợi ý giải môn Văn khối D kỳ thi Đại học 2010” trên báo điện tử Dân trí của TS Đinh Phan Cẩm Vân và nhận thấy, hầu hết những gì TS Cẩm Vân gợi ý đều là những suy đoán ngoài văn bản (và chưa chắc đã phải là ý của nhà thơ Thanh Thảo). Ví như với câu “trên yên ngựa mỏi mòn”, TS Cẩm Vân cho rằng “gợi lên hình ảnh người nghệ sĩ dân gian của bộ tộc Bô-hê-miêng (Di gan) sống lang thang du mục”, còn hình ảnh “đàn ghi ta”, “tiếng đàn” là “tượng trưng cho nghệ thuật thơ ca của đất nước Tây Ban Nha”. Chao ôi, sao “tiếng đàn” lại là “tượng trưng cho nghệ thuật thơ ca” mà không phải âm nhạc cơ chứ? Thật là... bình loạn, không sợ ai đánh thuế!
Tiến sĩ còn hiểu như thế, không biết thí sinh còn hiểu ra đến đâu!
Đề thi môn Ngữ văn đại học khối D năm nay, cụ thể là câu III đang nói ở đây, theo tôi là một sự “đánh đố” - không chỉ với các thí sinh!    
Nguồn: Văn nghệ Công an (số 132, phát hành ngày 19-7-2010)