(Nhân hội thảo về thày Hoàng Ngọc Hiến)
Năm nay thày Hoàng Ngọc Hiến tròn 80 tuổi tây, tức 81 tuổi ta. Ông sinh năm Canh Ngọ (1930).
Tôi được biết thày Hoàng Ngọc Hiến vào năm 1980, ngay sau khi ông đọc bài tham luận nổi tiếng về “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” tại một Hội nghị quan trọng tổng kết 35 năm văn học cách mạng. Thế mà đã 30 năm. Khái niệm “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” nhanh chóng trở thành một khái niệm mới đột xuất và độc đáo góp phần chỉ rõ bản chất của một chặng đường văn học hiện đại Việt Nam. Nó cũng nhanh chóng trở thành một khái niệm mang tính “nhạy cảm”. Sau bài tham luận này, theo như chỗ tôi được biết, Hoàng Ngọc Hiến dường như ít nhiều bị “xa lánh”, “lạnh nhạt”, thậm chí bị “bế ngôn”(!). Chúng ta dễ hiểu điều này trong đêm trước của Đổi Mới.
Khi đó tôi đang công tác tại khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc. Tôi thấy thày tôi là Phạm Luận tỏ ra rất trầm tư. Tôi hỏi thì thày tôi không nói gì, chỉ bảo: “Mình muốn mời Hoàng Ngọc Hiến lên thuyết trình, ông đi giúp mình”. Khi đó tôi chưa thể hình dung hết vấn đề. Mãi sau này mới hay, hành động mời Hoàng Ngọc Hiến lên Thái Nguyên thuyết trình về văn học là một hành động hết sức dũng cảm, bày tỏ thái độ đồng tình và bênh vực quan điểm của thày Hoàng Ngọc Hiến một cách kín đáo. Tuy nhiên, tôi biết việc này cũng bị “dị nghị” đây đó.
Thế là thày trò tôi bắt tay vào việc. Ở nhà, thày tôi lo chuyện thủ tục với khoa, với trường về việc mời một cách “chính danh” để có cử toạ, khán thính giả “chính danh” và nhất là để có ít thù lao cho chuyến đi của thày Hoàng Ngọc Hiến. Điều này quan trọng lắm vì thời ấy đói khổ thế nào thì ai chả biết. Tôi đạp cái xe cà tàng ra ga Quan Triều lên tàu đi Hà Nội, tìm đến nhà thày Hoàng Ngọc Hiến tại Bùi Thị Xuân, trình bày dự định và mong muốn của thày tôi. Tôi thấy Hoàng Ngọc Hiến tỏ ra rất xúc động. Ông không chút cân nhắc, nhanh chóng “xin phép” vợ và thu xếp lên đường ngay. Tôi đèo thày Hoàng Ngọc Hiến trên cái xe cà tàng ra ga Hàng Cỏ lên tàu. Chúng tôi đi từ trưa, nhưng cũng phải 9 – 10 giờ tối mới tới Thái Nguyên. Lại cái xe cà tàng chở hai chú cháu tôi (khi đó tôi gọi thày Hoàng Ngọc Hiến là chú) về Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Leo lên nhà của thày tôi trên lưng chừng một quả đồi sau trường, thì chúng tôi thấy thày tôi vẫn đau đáu ngồi chờ.
Thày Hoàng Ngọc Hiến ở Thái Nguyên 3 – 4 ngày gì đó. Để tiết kiệm, mọi chuyện ăn nghỉ của ông đều do cô Loan, vợ thày tôi lo toan, ngay tại nhà thày tôi, một ngôi nhà lá cũ chênh vênh giữa lưng đồi, nhằm để dành chút thù lao ít ỏi làm quà cho Hoàng Ngọc Hiến, thày tôi bảo thế.
Ở Thái Nguyên, thày Hoàng Ngọc Hiến say sưa nói cho cán bộ khoa Ngữ văn về những vấn đề mới của lý luận văn học, của văn học hiện đại Việt Nam. Các cán bộ đến dự khán rất đông và rất háo hức. Phần vì danh tiếng Hoàng Ngọc Hiến, nhưng phần quan trọng vì tò mò ông “Phải Đạo”. Thời ấy việc thuyết trình, diễn giảng là cách duy nhất để tiếp xúc, giao lưu vơí các nhà nghiên cứu. Nhưng tôi nhớ hình như không nói gì về “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Chuyện này chỉ nói khi có mấy thày trò chúng tôi. Những vấn đề thày Hoàng Ngọc Hiến trình bày đầy tâm huyết và thuyết phục. Tiếc rằng tuy hứng thú, nhưng tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu, vì tôi chuyên nghiên cứu về cổ trung đại.
Sau mấy ngày “thư giãn” ở Thái Nguyên, tôi lại được thày tôi sai tiễn thày Hoàng Ngọc Hiến trên cái xe cà tàng lên tàu tại ga Quan Triều về Hà Nội. Chỉ khác chuyến về này có phần cồng kềnh. Ngoài mấy lạng chè móc câu của thày tôi tặng, thì đi cùng với tôi và thày Hoàng Ngọc Hiến là một bộ bàn ghế uống nước cải tiến bằng gỗ ép. Chả là, tôi bảo với thày tôi rằng nhà của ông Hoàng Ngọc Hiến chẳng có lấy bộ bàn ghế uống nước như của thày (tôi không có thì đã đành!). Thế là thày tôi, dành toàn bộ số tiền thù lao thuyết trình khoa học ít ỏi của thày Hoàng Ngọc Hiến, phụ thêm một tí, nhờ người mua bằng được một bộ bàn ghế uống nước cải tiến nho nhỏ bằng gỗ tạp pha gỗ ép giống như của thày tôi. Nhất cử lưỡng tiện, coi như tiền thù lao mà cũng coi như quà. Thế mà lên tàu, tôi vẫn còn phải xuất trình hoá đơn với nhân viên nhà tàu và phòng thuế mới được cho đi. Đến ga Hà Nội, tôi thuê một chiếc xích lô để chở bộ bàn ghế và tháp tùng Hoàng Ngọc Hiến về nhà.
Sau này, tôi mới biết thày tôi và thày Hoàng Ngọc Hiến rất thân nhau. Hai người cùng tuổi Canh Ngọ. Hai người cùng có những tư tưởng, tình cảm và khí chất có nhiều sự gặp gỡ. Có thể gọi họ là tri âm tri kỷ của nhau. Chuyện chẳng có gì. Chẳng biết bộ bàn ghế gỗ ép đó thọ được bao năm? Và chẳng biết thày tôi và thày Hoàng Ngọc Hiến còn nhớ chuyện này không? Nhưng với tôi, đây là một kỷ niệm không thể quên. Không thể quên vì nó giúp tôi hiểu thế nào là tình bạn, là tình người trong hoạn nạn, là tri âm tri kỷ. Hai người thày, hai tính cách, hai số phận, một người sôi nổi danh tiếng lẫy lừng, một người âm thầm lặng lẽ trên một góc núi. Trong tôi, tình bạn của họ thật vĩ đại.
Sau này, nhiều lần gặp thày Hoàng Ngọc Hiến, khi ở nhà thày tôi, khi ở những nơi này nơi khác, khi trong các hội nghị, hội thảo, nhưng không bao giờ tôi có thể quên được lần gặp gỡ đầu tiên ấy.
NPH
Ảnh: Từ phải sang trái: Hoàng Ngọc Hiến, Inrasara, Inrahani, Nguyễn Phạm Hùng tại “Toạ đàm Không gian văn hoá Chăm