Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phỏng vấn ngược VỀ MỘT CĂN BỆNH XÃ HỘI MỚI: NÓI ĐẠI, QUÊN VÀ PHÁN

Công Dân
Thứ ba ngày 20 tháng 7 năm 2010 4:33 PM

TNc: Lâu nay chỉ có nhà báo mới làm việc phỏng vấn vì nghề nghiệp nó vậy. Lần này lại là một cuộc phỏng vấn ngược của một công dân với một nhà báo về một căn bệnh chưa đến mức nhức nhối nhưng chứa đựng những điều không hay cho xã hội: bệnh nói đại, nói cho thích khẩu, giả vờ quên và phán đại, không cần chú ý tới hậu quả của những điều đó. Chúng tôi đăng toàn văn cuộc phỏng vấn này để bạn đọc tham khảo.
 
Công Dân: Thưa nhà báo Huy Thịnh kính mến, bạn đọc biết về ông như một nhà báo lâu năm, có nhiều bài PV sắc sảo về nhiều vấn đề của đời sống, nhất là những chuyện diễn ra ở Hà Nội. Xin ông vui lòng cho phép tôi với tư cách là một công dân được PV ông về tất cả những gì tôi muốn hỏi và cũng xin ông vui lòng trả lời hết các câu hỏi của tôi, không né tránh, không từ chối những câu hỏi khó.
Huy Thịnh: Rất vui lòng trả lời ông nhưng phải xem câu hỏi là thế nào, có vi phạm những điều cấm kỵ không đã chứ.
CD: Vâng, chắc sẽ không có câu nào vi phạm Luật đâu vì tôi cũng nắm được chút ít tri thức về luật, nhất là Luật Báo chí. Câu hỏi đầu tiên hơi “xược”. Có phải các nhà báo rất ít khi đọc của nhau nhưng lại rất hay phán về nhau không?
HT: Tôi chưa bao giờ làm cái việc điều tra xã hội học nên không biết số người đó chiếm bao nhiêu % nhưng tôi đảm bảo có chuyện đó. Đó là điều dở nhưng không phải mọi nhà báo đều hành xử như thế. Tôi có anh bạn là một nhà khoa học cũng cho biết có chuyện ấy trong giới của anh ta. Tôi khẳng định: dù là ai nhưng đã hành xử như vậy thì không phải là người làm nghề chân chính.
CD: Tôi còn biết có không ít người viết báo chuyên “xào” tin tức của nhau rồi “phán đại”. Tôi có anh bạn than thở rằng mình chưa hề gặp PV có tên là X. mà báo đăng cả một bài PV anh ta. Tất nhiên những thêm thắt mang lại nhiều điều bất lợi nhưng vì thấm nhuần tư tưởng “đối với báo chí phải kính trọng, lễ phép” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” kẻo cái nảy sảy cái ung.
HT: Anh bạn ông dại chứ vào tay tôi thì tôi kiện cả tờ báo lẫn PV đấy chứ. Luật ghi thế mà.
CD: Thôi ông ạ. Chỗ này đúng là “một điều nhịn chín điều lành”, làm to ra thì chả biết sẽ thế nào. “Chờ được vạ thì má đã sưng”, cùng lắm báo chí các ông chỉ đăng mỗi mầu  ngắn “nói lại cho rõ”. Tôi chưa thấy tờ báo nào đăng sai về người ta cả trang, khi cải chính viết dài như trước, đăng đúng ở trang ấy như luật quy định đâu. Ai dại gì làm thế hả ông?
HT: Quả có thế. Nhưng cũng do cá cả sai lẫn đúng nên khi nói lại, người ta đăng ngắn thế thôi..
CD: Vì thế mà rất nhiều người, trong đó có tôi, rất ngại gặp nhà báo. Tránh được họ là tốt, nhất là khi mình chỉ muốn yên ổn.
HT: Đó là chuyện vừa buồn, vừa thiệt cho báo giới và cho cả xã hội vì báo giới sẽ thiếu tư liệu để thông tin còn xã hội thì không nhận được những thông tin cần nhận. Nhưng có nhiều bài báo hay, được giải mà chỉ toàn chê thôi, phải thế không?
CD: Vâng, ông nói đúng và dân chúng tôi rất mong có nhiều bài báo như vậy. Những bài báo thông tin chính xác, kịp thời, phân tích sắc sảo, thể hiện rõ ràng thái độ công dân tích cực được chúng tôi đón nhận như cánh tay nối dài của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương.
HT: Làm báo là một nghề nguy hiểm, ông có biết điều đó không? Tôi nói nguy hiểm theo nghĩa đen của từ này. Máu đổ, thương tích, bị đe doạ, gây khó dễ… Ông đã bao giờ rơi vào một trong những tình trạng ấy chưa?
CD: Tôi có làm báo đâu mà rơi vào tình trạng của các ông. Nhưng xin đừng cường điệu chuyện này. Có bao nhiêu người hành nghề và có bao nhiêu người bị rơi vào tình trạng đó? Nói gì thì nói, người gian vẫn sợ người ngay. Các ông cũng cần dựa vào dân như những ngày kháng chiến ấy. Các ông là người của đảng, nếu biết dựa vào dân, chiến đấu vì dân thì sẽ được dân ủng hộ. Nếu có gặp trục trặc hoặc hy sinh vì dân thì đó là sự hy sinh vì nghĩa cả. Bác đã chẳng dạy các ông là những chiến sĩ trên mặt trận là gì? Có phải  phải ai cũng được tôn vinh là chiến sĩ đâu.
HT: Nói thì hay lắm, nhưng phải vào cuộc thực sự cơ. Bao nhiêu công sức, trí tuệ, trăn trở, vật vã… mới có cơ sở để viết nên những bài báo hay. Rồi còn tài năng và cả cơ may nữa. Nhà báo Thái Duy đến dự đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua miền Nam hơi muộn, những điển hình nổi trội có người khai thác hết rồi. Người ta giới thiệu cho ông gặp chị Phan Thị Quyên vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi lúc đó chưa nổi lắm. Cơ may ấy cộng với tài năng của ông mà chúng ta có Sống như Anh đấy.
CD: Tôi vừa đồng ý với ông, vừa không. Đồng ý ở chỗ tôi bái phục những nhà báo  không  coi việc viết cái gì, in cái gì là chuyện của cá nhân mình mà là trách nhiệm công dân với xã hội. Vì thế khi đứng trước trang giấy, họ đã quên cá nhân mình đi, vượt lên trên cái tôi của mình, hướng tới lợi ích của xã hội, của cộng đồng, họ viết không vì danh, vì lợi. Đó là những nhà báo chân chính. Trong giới các ông không ít người có tài năng, thậm chí rất tài, nhưng đã bị cái cá nhân, tư lợi lấn át mất cả trách nhiệm công dân, thậm chí lương tâm người cầm bút, viết những bài báo gây nên những oan khuất cho người khác, làm hại cho xã hội. Họ quên mất lời dạy của Bác Hồ là trước khi đặt bút viết cần suy nghĩ kỹ rằng mình “viết cho ai, viết để làm gì?”. Những bài báo thông tin sai lệch, động cơ thấp hèn thì đem lại lợi ích cho ai? Ông có đồng ý với tôi không?
HT:Ông đúng hoàn toàn. Giới chúng tôi cũng đang tìm cách xoá bỏ những điều ông vừa nói bằng nhiều cách. Và tôi tin sẽ có ngày chúng ta làm được việc ấy.
CD: Vâng, ta có quyền hy vọng. Không hy vọng thì sống sao được. Tôi cũng nói thế thôi chứ việc này khó lắm. Các ông viết bài nhưng in cái gì, in thế nào… lại do ông Tổng Biên tập vì ông ta phân công ông viết bài, duyệt bài ông viết, trả lương cho ông… ông làm trái ý ông ta thế nào được? Nhưng giá báo in sai, cứ “đè” ông Tổng Biên tập ra mà phạt chứ đừng lấy tiền của báo nộp phạt thì mới có tác dụng.
HT: (Cười) Mọi việc phải tuân theo luật. Tuỳ tiện thế nào được?
CD: Thì tôi cứ nói thế, ông cứ coi như ý kiến của một công dân. Khi nào có điều kiện, ông tấu lên trên. Trên thấy đúng thì sửa, không thì cũng biết thêm  người dân nghĩ gì. Ông nghĩ thế nào về bệnh thích nói đại, phán đại đang khá ồn ào trên các phương tiện thông tin gần đây?
HT:Tôi chưa rõ ý ông lắm, xin cụ thể hơn.
CD: Những chuyện đang gây ồn ào như làm đường sắt cao tốc, cho nước ngoài thuê rừng, lễ hội, giáo dục nước nhà tốt hay xấu, chuyện kỷ niệm 1000 năm, chơi games tốt hay xấu v.v… 
HT: Có chứ vì đó là chuyện của cả xã hội, chuyện mọi nhà. Như cánh báo chí chúng tôi thì đó là những tin “nóng”
CD: Ý tôi là ông có tin vào một số lời “phán đại” của một số vị ở diễn đàn này hay khác không?
HT: “Phán đại” tự nó đã hàm chứa sự chê bai rồi. Ông cho rằng người ta “phán đại” nhưng người khác lại không nghĩ như vậy thì sao?
CD: Ông có lý, nhưng tôi hỏi ông mấy việc này, ông cứ nói thẳng ý của mình ra, đừng lòng vòng nhé. Ví như người ta bảo chất lượng giáo dục đi xuống nhưng ông Thứ trưởng Giáo dục bảo không, ông ấy đưa ra những con số chứng minh ngược lại. Ông Bộ trưởng nói sau 3 năm chất lượng giáo dục sẽ chuyển biến vì ông ấy đã tìm ra những quy luật để thoát khỏi những yếu kém rồi. Ông nghĩ thế nào?
HT: Tôi không nghiên cứu về giáo dục mà các ông ấy là những chuyên gia hàng đầu về giáo dục của cả nước. Phải tin vào các ông ấy chứ? Hay tin vào ông và tôi?
CD: Cái chết người là ở chỗ này đây. Các ông ấy là chuyên gia mà đi “nói đại”. Tôi với ông không là chuyên gia nhưng có những chuyện không cần đến chuyên gia cũng biết là đúng hay sai. Các ông ấy đang nói với ai đây? Là dân nhưng tôi biết, thời tôi và ông đi học, năm nào tôi cũng đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, có năm đi thi miền Bắc, bỏ chương trình mấy chục năm rồi mà giờ vẫn còn giải được toán cấp 2, vẫn không quên kiến thức phổ thông mà mỗi lớp chúng ta chỉ có 3, 4 người đạt loại giỏi. Giờ lớp con tôi có 54 đứa, 48 đứa giỏi, 3 đứa tiên tiến mà chúng nó giỏi thế nào, tôi biết vì tôi cũng làm nghề dạy học. Không phải chỉ có trò ngồi nhầm lớp, thầy cũng đứng nhầm chỗ và cán bộ quản lý giáo dục cũng ngồi nhầm ghế không ít đâu. Hơn 400 trường đại học và cao đẳng mà không có nổi dăm trường đứng ngang hàng với khu vực thì tự hào cái nỗi gì? Ông Bộ trưởng còn nói đại là hơn 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Nghe mà ngao ngán. Người làm nghề đem đồ giả ra khoe để bào chữa cho mình đã là có tội rồi lại còn bắt cả xã hội tin vào những chuyện dối trá ấy thì không thể được. Cơ sở như thế, học trò như thế, thầy bà như thế mà hứa sau 3 năm sẽ thay đổi chất lượng giáo dục do đã tìm ra quy luật? Sao không để ông ta tiếp tục làm Bộ trưởng để đẩy giáo dục nước nhà lên mà lại để người khác làm và “đến hẹn lại lên”, trong kỳ họp Quốc hội sau, vị Bộ trưởng mới lại ca bài ca cũ?
HT: Ông cứ làm như tôi là người chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nước nhà. Ta chuyển đề tài khác đi.
CD: Xin lỗi ông vì tôi bức xúc quá. Nhà quản lý mà cứ nói đại, hứa đại, phán tuỳ hứng mà không chú ý đến hậu quả xã hội là không được. Mà không nên để những chuyện không hay này trở thành phổ biến, phải không ông?
HT: Cái gì tồn tại đều có cái lý của nó. Các chính khách, chuyên gia nêu ra là có lý của họ. Họ có trách nhiệm và có thẩm quyền nói về những chuyện họ đang quản lý mà ông
CD: Tôi chẳng biết lý thuyết cao siêu gì mà chỉ có cái lý sự kiểu dân gian thế này: có một trăm người nêu cái lý của mình, trong đó chỉ có một cái đúng nhất. Các ông bà có địa vị, thân phận xã hội cần ặn nói thận trọng hơn. Làm sao chúng tôi biết được có bao nhiêu tỉnh đã cho người nước ngoài thuê rừng, bao nhiêu ha rừng đầu nguồn, phòng hộ, gắn với chuyện an ninh, quốc phòng? Vậy mà ông to này nói thế này, ông lớn kia nói thế khác, chúng tôi biết tin ai? Nguy là ở chỗ đó. Đất nước này, tương lai chúng tôi và con cháu chúng tôi, chúng tôi giao cho các vị cai quản và chúng tôi làm, nộp thuế để trả lương cho các vị. Vậy mà các vị điều hành như vậy à? Ai mà chả hiểu việc không thể cho hàng xóm nhìn vào chuyện riêng nhà mình, thế mà chuyện cơ mật của đất nước lại cho người nước khác ngó vào và lý sự là không quan trọng? Nói thế, ai tin được?  Làm đường sắt cao tốc là chuyện lớn, thế mà có vị được quyền quyết lại phán “phải làm vì chỉ số IQ của dân ta cao”! Tôi quyết không bao giờ ủng hộ cho những vị như thế ra gánh vác việc nước vì trí tuệ, tầm nhìn thế, quyết những vấn đề lớn của đất nước sao được?Nạn chơi games nguy hại là thế mà có vị lãnh đạo phụ trách ngành nói như không là “chơi lành mạnh cũng chả sao, cha con tôi vẫn chơi”. Các vị tôi vừa nêu ra ấy đã đặt mình ra ngoài xã hội, ngoài đám đông mà “phán đại” rồi. Là nhà báo, sao ông không phê phán những quan điểm sai ấy?
HT:Tôi chia sẻ những lo lắng của ông. Nhưng, ông đi hơi xa dự định là phỏng vấn tôi kia mà. Báo giới vừa thông tin, vừa phân tích đánh giá đấy chứ. Chúng tôi không phán xét, đó là việc của toà án, tôi cũng không phán xét, tuy có quan điểm của tôi
CD: Tôi không tán thành cách nghĩ ấy. Thấy chưa đúng thì phải phân tích, làm sáng tỏ những căn nguyên của nó. Có điều cần làm việc công tâm, khoa học. Báo chí không phải quan toà, không phán quyết những cần tỏ thái độ. Tôi bất ngờ khi thấy có một nhà khoa học nói là chúng ta không nên ném tiền tỷ vào mấy cuộc nói chuyện, mấy đêm biểu diễn nghệ thuật để kỷ niệm 1000 năm vì những chuyện đó vô bổ và hình như những nhà tổ chức chỉ nghĩ được có thế thôi. Nói thế là không coi thiên hạ ra gì vì không ai cạn nghĩ đến mức chỉ làm có mấy việc ấy để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà khoa học mà thờ ơ với các vấn đề của xã hội như thế thì tác động đến xã hội cách nào đây? Có ông còn phán là “giới quan chức cả nước đi cầu lợi và nhân dân cả nước đi đánh quả” khi thấy người ta đến các lễ hội đông hơn mức bình thường. Sao lại có thể ăn nói hàm hồ đến thế? cứ có danh là ông nọ bà kia là được quyền ăn nói theo kiểu ấy à?
HT: Ông đi hỏi họ chứ tôi có là họ đâu mà biết họ nói thế là có ý gì. Nhưng đúng là hàm hồ thật. Có lẽ họ vì bức xúc mà nói thế chăng?
CD: Cái gì cũng cần có cái lý của nó. Bức xúc vì xã hội hay vì cá nhân cũng cần phải xem xét. Trước khi phán hãy nhớ đến vai trò của mình, tới hậu quả của những hành động cá nhân vì mình là các đấng, bậc rồi, không còn là dân thường nữa. Có ông tự cho mình là “túi khôn”, việc gì cũng “dạy khôn” cho nơi này, nơi khác, người ta làm không như mình nghĩ là chê bai mà đôi khi rõ vớ vẩn. Tôi hãi những ông ấy lắm
HT: Ông có vẻ “bênh” chính quyền nhỉ và bức xúc với mấy ông khoa học thế? Có lý do gì riêng không?
CD: Hoàn toàn không. Tôi không dám xúc phạm giới khoa học mà chỉ muốn nói tới một số người nói năng theo kiểu “phán đại”, bốc đồng thôi. Giới khoa học nước nhà bao năm nay đều thể hiện lòng yêu nước, thái độ công dân tích cực bằng các công trình và sự hy sinh thầm lặng của mình. Có kể cả ngày cũng không hết chuyện. Tôi chỉ bức xúc trước hiện tượng có một số vị khi đã thành danh rồi, cho mình cái quyền phán mà không suy nghĩ. Ông nghĩ sao khi có người khuyên nông dân nuôi ốc bươu vàng, nuôi chuột nước để “xoá đói giảm nghè” và để làm giàu vì “làm giàu dễ lắm”. Có vị nếu định làm gì mà không hỏi ý kiến thì sẽ “lên bờ xuống ruộng” với họ còn nếu đến xin họ tư vấn, chỉ dẫn thì sẽ êm xuôi cả. Có vị còn mắc bệnh “hay quên”, cùng một vấn đề nhưng ở hội nghị này thì phán thế này, đến hội nghị khác lại nói ngược lại. Khi người trong cuộc chìa các tài liệu ra cho biết là ông ta đã nói ngược thì nhận được câu trả lời rất cao đạo “nhận thức là một quá trình, trước nghĩ khác, bây giờ khác” hoặc chỉ gọn lỏn là “quên”. Ông bảo thế thì biết xoay sở thế nào đây?
HT: Những chuyện như ông nói chắc chỉ là hy hữu chứ nếu nhiều thì…nguy quá.
CD: Không ít đâu. Vì thế tôi muốn ông cảnh báo cho xã hội căn bệnh nguy hiểm này. Nó như dịch tả, như axit ấy, sẽ gây ra những hậu hoạ không lường. Tôi hy vọng ông sẽ “đánh” căn bệnh này thật mạnh vào để gióp phần làm lành mạnh xã hội. Ông có đồng ý với tôi không?
HT: Vâng, rất đồng ý. Chuyện đã dài, xin dừng ở đây.
Công Dân