Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ VỀ “TẬP QUYỀN” VÀ “ĐỘC QUYỀN”

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 5 tháng 6 năm 2010 11:35 AM

     Quyền lực chỉ phát huy sức mạnh khi đảm bảo sự thống nhất và tập trung trên nền tảng dân chủ thực sự. Dưới phục tùng trên, địa phương phục tùng trung ương. Chủ thể quyền lực quyết định kế sách chiến lược. Chủ thể quyền lực nắm cái chính để chi phối cái phụ. Nắm tổng thể để chi phối tiểu tiết. Nắm khái quát để chi phối cụ thể. Nắm lâu dài để chi phối trước mắt...
     Tập quyền nhưng không độc quyền. Tập quyền thịnh. Độc quyền suy. Biên giới giữa tập quyền và độc quyền rất mỏng manh. Bởi thế phải có chế tài định rõ cho việc quản lý, vận hành quyền lực. Tập quyền thu hút sức mạnh cộng đồng và xã hội. Độc quyền ngược lại. Hơn thế còn gây sự phản kháng chống đối mà hậu họa khôn lường. Độc quyền không chỉ phụ thuộc bởi chủ thể quyền lực, mà ở cả những cấp dưới quyền. Khi cấp dưới tự hạ mình xuống, thu nhỏ mình lại, hèn đi trước cấp trên là điều kiện để cấp trên sinh độc quyền. Nhà tư tưởng Marat (người Pháp) có câu nói nổi tiếng: “Người ta lớn bởi vì mình quỳ xuống”.
      Võ Tắc Thiên, nữ Hoàng đế duy nhất của lịch sử phong kiến Trung Hoa là bài học về tập quyền và độc quyền. Năm 660, khi Đường Cao Tông chính thức uỷ quyền nhiếp chính , Võ Tắc Thiên đã tiến hành hàng loạt biện pháp tập quyền và phát huy tối đa các yếu tố tích cực của cơ chế ấy. Ở ngôi vị cao nhất bà tỏ rõ trách nhiệm với đất nước, bằng trí thông minh tuyệt vời, sự hiểu biết sâu rộng, đúc kết kinh nghiệm trong lịch sử và các bậc tiền bối, làm việc cần mẫn, bản lĩnh sắt thép và tính quyết đoán bà đã quy tụ được trí tuệ và sức mạnh toàn xã hội đưa quốc gia tới phồn thịnh. Nhưng sau khi đã thâu tóm trọn quyền lực tự xưng Hoàng đế (năm 690), từ tập quyền bà chuyển sang độc quyền, từ minh quân bà trở thành bạo chúa, coi quyền lực thuộc sở hữu, biến nó thành công cụ phục vụ mục đích cá nhân. Bà ta lập ra và trực tiếp nắm “Viện cơ mật”. Thâu tóm và xử lý tất cả đơn từ mật báo không hề có cơ chế giám sát. 21 năm thống trị, 75 lần bà thay Tể tướng (Thủ tướng), trong đó 19 người bị giết, 22 bị lưu đầy, có người chỉ được 9 ngày đã bị truất, bình quân mỗi Tể tướng nhiệm kỳ chỉ được hơn ba tháng. Độc quyền đến mức chức quan Tư thái học sĩ thôi mà muốn xin nghỉ về thăm nhà phải dâng biểu, Nữ hoàng phê chuẩn mới được phép. Bà ta quyết định luật pháp, coi bộ máy quyền lực là của mình, coi tất cả cấp dưới đều là thần quan riêng, là đầy tớ, coi người dân như nô lệ. Độc quyền đã khiến triều đình thối nát, quốc gia suy vong, lòng người oán hận. Và tất nhiên độc quyền dẫn tới phản quyền. Năm 705, Tể tướng Trương Giản Chi đứng đầu cuộc nổi dậy được mọi người hưởng ứng. Võ Tắc Thiên bị bắt nhốt và chết thê thảm trong ngục tối.
      Đó là bài học cảnh báo cho bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào ở mọi thời đại dám coi thường dân chủ hướng tới độc quyền
.