“Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối” Đó không chỉ là mơ ước riêng của nhạc sĩ Văn Cao ở bài hát Suối Mơ, mà còn là mong muốn đầu đời của nhà văn hoá Hữu Ngọc khi ông đang học trường Bưởi: được dạy học ở một trường miền núi, sinh sống giữa những người dân chất phác, và có thể định cư ở đó, lấy một cô gái núi…Đây không chỉ là mơ ước lãng mạn của một số thanh niên tiểu tư sản thành thị thời ấy, mà còn là sự khao khát cuộc sống trong lành, xa chốn phồn tạp, tiếng là văn minh Âu hoá mà xen kẽ không ít chuyện lố lăng…Mơ ước của hai ông không đạt lại có người khác đạt được, đó là chàng thanh niên Trần Văn Lễ, sau làm thơ lấy bút danh Trần Lê Văn…
Những tư liệu văn học sau đây do tôi lẩy ra từ phần hồi ký của Nhà thơ Trần Lê Văn nhan đề Những chặng đời - những chặng thơ ( 200/ 568 trang trong cuốn sách cùng tên- NXB Hội nhà văn quý IV – 2008 do Vân Long biên soạn). Cuốn sách dầy và in quá ít (500 bản) là nguyên cớ tôi thấy mình có trách nhiệm đọc và chọn hộ bạn đọc những gì cần biết về đời sống văn nghệ, hành trạng, cá tính một số nhà văn từ đầu Cách mạng tháng Tám 1945…
Hẳn Trần Lê Văn cũng chung ước muốn đầu đời với hai bạn văn cùng thế hệ kể trên, nên ta bắt gặp sự thoả nguyện ngay ở bài thơ Trưa rừng
của ông: Cương buông, người mải theo trang sách/ Ngựa hóa con thuyền lững thững trôi…Ngựa đều đều nhịp bơi trong mộng/ Chợt vấp chân vào vũng nước sa/ Làm tan hội bướm đang soi bóng/ Tung giữa đường trưa muôn cánh hoa…Đó là bài thơ thuộc lứa quả chín muộn của Thơ Mới trước khi Thơ Việt bước vào dòng thác Cách Mạng, là phút thư giãn của nhà giáo 21 tuổi Trần Lê Văn vừa ở vùng xuôi lên dạy học. Nơi đó là bản Chiềng Ly
(có nghĩa vùng đất đẹp) của xứ Thái Thuận Châu, Sơn La. Nơi có một bông hoa rừng thực sự đem lòng yêu chàng rồi trở thành người bạn đời lý tưởng, nguồn cảm hứng dào dạt để sau chàng có thể viết mãi về vùng Tây Bắc. Cuộc hạnh ngộ này may thay, trùng thời điểm với cuộc hạnh ngộ lớn ông gặp ở phong trào Cách Mạng để từ thày hiệu trưởng, ông trở thành vị Ủy viên giáo dục đầu tiên của tỉnh Sơn La.
Vốn tính hóm hỉnh nên bên cạnh cuộc đời nhiều gian truân, Trần Lê Văn luôn nhớ lại những kỷ niệm vui như nụ cười điểm trên lộ trình đường xa, nắng gắt: Ông làm gia sư cho một gia đình Thái, khi dạy cô học trò tiếng Pháp đến động từ aimer (yêu), thày phải quy ước với trò Je t aime (tôi yêu em) là cái bàn khiến bà mẹ Thái cứ thắc mắc sao con gái mình chậm hiểu, sao tiếng Pháp cứ hay nhắc chuyện bàn với ghế ?
Kỷ niệm một năm Ngày Độc Lập ở vuờn hoa Nam Định: “ Sau khi nghe một diễn giả nói về tinh thần đoàn kết các dân tộc, ban tổ chức giới thiệu “một đại biểu dân tộcThái lên phát biểu ý kiến”, vợ tôi mặc trang phục Thái, nói tiếng Thái, tôi được phân công làm “phiên dịch viên” cũng là chuyện không dễ có! Ông có duyên với bà con dân tộc nên sau đó được điều về Hà Nội dạy văn sử địa ở trường Nha dân tộc thiểu số ở Hà Nội, học viên nhiều dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, Mèo…Đặc biệt sau khi giảng bằng tiếng Kinh, ông lại phải dịch ra tiếng Pháp cho học viên Tây Nguyên vì những anh em này hồi ấy chỉ biết tiếng địa phương và tiếng Pháp.
Chuỗi ngày hoạt động của văn nghệ sĩ (qua ống kính Trần Lê Văn) ở Liên Khu III thời kháng chiến chống Pháp có thể là sử liệu bổ sung cho Hội nhà văn. Tôi lại khoái đọc những tư liệu “dã sử ” về những nhà văn “nửa đường đứt gánh”. Thí dụ mấy cộng tác viên báo Công Dân lúc ấy như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…Vũ Hoàng Chương rời thành phố Nam Định xuống tạm trú ở Hành Thiện, Xuân Trường. Ông này hay làm thơ chữ Hán và thơ nôm luật Đường khiến các cụ cổ học phải tấm tắc khen ngợi, chịu tài, không ngờ một anh đỗ tú tài Tây về môn toán học lại giỏi thơ cổ truyền đến thế! Thơ ông có khí vị rất cổ mà lại trúng một giải thưởng khá cao: Mở cánh phên lữ điếm/ Một mình say bước ra/ Mài bút gỉ làm kiếm/ Múa vụn tơ trăng ngà/ Ngâm rụng sao Thái Bạch/ Mấy vần kháng chiến ca. “Anh trọ ở nhà một ông bán cháo gà…Tối tối, Vũ ngồi làm thơ, ngâm thơ, bên vợ và con chó cảnh... Gần nửa đêm, chủ nhân bưng lên cho vợ chồng nhà thơ một bát cháo gà nóng hổi, thơm lừng, rồi ông ngồi nghe thơ. Vợ chồng nhà thơ thì thưởng thức cháo, ông hàng cháo thì thưởng thức thơ. Âu cũng là tình tri âm, tri kỷ! … Vũ ăn mặc kiểu xưa: khăn đóng, áo dài… Trên đường chạy giặc, anh đi trước, chị đi sau, tay chị xách cái túi có tập bản thảo hay tác phẩm đã in của anh, trong đó có nhiều bài thơ tình anh viết cho người khác”.
Còn Đinh Hùng thường ở Chợ Đại, anh có bài thơ ca ngợi cô gái nổi danh trong Đại hội diễn tập: Có nàng du kích miền duyên hải/ Đẹp giữa thao trường như cỏ hoa mà nhà thơ Xuân Diệu đã viết bài nói vui là nàng du kích Đinh Hùng tả trong thơ là “nàng Kiều đi lính”.
Báo Công Dân, một tờ báo địa phương ít tiếng tăm, ai ngờ lại là nơi tụ họp nhiều tài năng đa dạng như vậy! Đặc biệt nó lại là nơi nhen nhóm tình bạn cả đời của đôi bạn Quang Dũng - Trần Lê Văn: “...có một người về sau trở thành bạn chí thiết của tôi. Anh là Quang Dũng, nguyên đại đội trưởng đoàn quân Tây Tiến và tác giả bài thơ cùng tên đã đi vào lịch sử văn học. Quang Dũng đẹp trai, có vóc dáng một Từ Hải vừa hiên ngang vừa đa tình. Anh yêu rừng mà cũng yêu biển. Khi báo Công Dân chuyển từ Hải Hậu xuống Kiên Hành ở bờ biển, anh cùng đi với chúng tôi, coi như một chuyến ngao du.”.
Quang Dũng cũng tham gia dạy học ở trường Tống Duy Tân (gần Rừng Thông thụộc huyện Đông Sơn, Thanh Hoá, lại phải dạy môn vạn vật. Đêm nào anh cũng phải giở các loại sách vạn vật bằng tiếng Pháp, tiếng ta ra nghiên cứu để soạn bài. Vất vả quá! Quang Dũng tức mình nghĩ một định nghĩa để gây cuời: “Vạn vật là…vật nhau một vạn lần”. Anh cũng có “máu” nhà giáo, vì ngày trước cũng học sư phạm, nhưng cái ông giáo nghệ sĩ ấy có đứng yên trên bục giảng được lâu đâu! Theo Trần Lê Văn, NXB Minh Đức của Trần Thiếu Bảo cũng sơ tán về Quán Giắt hoạt động, có in cho Quang Dũng một cuốn có thể gọi là truyện vừa Mùa hoa gạo, vì in riêng thành tập trên giấy dó, trông đẹp mắt , đọc hấp dẫn.
Có những cảnh gian khổ độc đáo mà các nhà tiểu thuyết hẳn cũng khó tưởng tượng ra. Nhưng khi gian khổ qua đi, chúng lại thành kỷ niệm đặc sắc không thể nào quên với gia đình, bè bạn. Mùa nước lũ năm 1950 phá vỡ đê con sông Bưởi ở Hòa Bình, nước tràn vào phía bắc Thanh Hóa rất nhanh, nhanh hơn cả bước chân của giặc. Trần Lê Văn đưa vợ con chạy ra chùa làng ở giữa cánh đồng, ngỡ chùa ở trên mô đất cao, may ra thoát nạn. Nào ngờ nước cứ lên cao dần. Từ gốc cây cau đến thân cau rồi ngập hết cả thân cau, chỉ còn phất phơ chùm lá. Bệ sư tụng kinh ngập hết, đành phải leo lên bệ thờ Phật (chắc Phật cũng xá tội!). Bệ thờ Phật thành nơi thổi nấu. Gian nan nào chỉ có thế! Nhưng Trần Lê Văn có đặc tính là ông luôn đan xen nụ cười trong cả những hoàn cảnh khó khăn nhất. Xin hãy đọc vài đoạn văn vừa chạy lụt vừa đỡ đẻ của ông: “Bệ thờ đã chật hẹp mà đôi vợ chồng cán bộ cạnh đó cứ hục hặc với nhau. Anh chồng cục cằn chẳng biết tức giận điều gì, thỉnh thoảng lại đấm vợ thùm thụp. Bé Nguyệt Thanh của tôi thì lấy làm thích vì lần đầu tiên được ngồi với các vị Thần, Phật như thế, cứ vuốt chòm râu bạc của ông Thổ địa mà cười nói: “Giống y như râu của ông ở nhà!”… Từ chập tối, vợ tôi bắt đầu trở dạ và đau mỗi lúc một dữ. Vị sư nữ (tất nhiên là chưa sinh đẻ bao giờ) bảo tôi xuống nhà thờ Tổ vác lên một cánh cửa, kê thật cao để làm giường cho sản phụ, lại cùng tôi khuân những tấm phên lên, quây quanh “cái giường đẻ” để chắn gió. Tuy đau dữ, nhưng vợ tôi vẫn sắp xếp đâu vào đấy những thứ cần thiết như chậu tắm cho trẻ sơ sinh, bông băng, tã lót… và hướng dẫn tôi cách đỡ đẻ. Tôi nấu sẵn nồi nước ngồi chờ ”.
Chắc hiếm có nhà văn nào đi “thực tế” để viết được những dòng cảm nhận này về chính đứa con của mình: “Đỡ con nhỏ từ trong bào thai ra ánh sáng của “đuốc Tuệ”, tôi mới hiểu đôi chữ sinh nở ông bà ta đặt ra thật là hay! Thai nhi lọt lòng có sức gì từ bên trong đẩy ra, gợi liên tưởng một bông hoa nở. Cái sinh vật bé xíu ấy “oa oa như khóc như cười” ra làm kiếp người, có thể có đôi chút vui thú, nhưng chắc chắn không ít trầm luân!”.
Đang lo gạo hết tiền không trên” hoang đảo ”, thì thật may: “Một chiếc bè nứa tròng trành trên mặt nước tiến vào cửa chùa, mấy lão tín nữ đem gạo đến cung cấp cho chúng tôi, không hiểu sao họ lại biết có sản phụ sinh con ở chùa! Nhưng ngạc nhiên nữa là sau các lão tín nữ, có một chiếc thuyền do một cán bộ văn hoá địa phương chèo đến, trên thuyền có nhà văn Nguyễn Tuân. Ông ở Việt Bắc xuống quan hệ với Hội Văn nghệ địa phương, biết tin vợ chồng một anh làm thơ chạy lụt, đang sống kiểu Lỗ Bình Sơn (Robíson), bèn đến vấn an và cho chút quà. “Lộc bất khả hưởng tận” chúng tôi chia một phần cho vợ chồng anh cán bộ hay bất hòa với nhau. Sáng hôm ấy, anh ta không đấm vợ nữa”.
Một đọan văn mà đủ hỉ, nộ, ai, lạc, cõi sinh cõi tử, kề bên thiên tai là bóng dáng địch họa, tình người, tình văn nghệ, cả sự sạn sỏi trong đời sống như chuyện anh cán bộ hay đấm vợ cho bửc tranh thêm phần đa sắc và hiện thực!
Sự nghiệp giáo dục của nhà thơ Trần Lê Văn còn kéo dài thêm vài năm sau hòa bình 1954 ở Hà Nội. Các nhà thơ Vũ Quần Phương và Trúc Thông đều đã học ông thời gian này!
Tôi nhận thấy vẻ đẹp của văn hồi ký cũng như thơ của Trần Lê Văn, ông viết bằng cái Tâm của mình hơn là cái Tài. Đó là sự chân thực, chân thành trước cuộc sống, nhìn cái tốt với sự tri ân, nhìn cái xấu độ lượng và hài hước…