Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MẸ TÔI

Đào Phương Liên
Chủ nhật ngày 6 tháng 6 năm 2010 7:27 AM
TNc: Tôi đang trên Yên Bái cùng anh Nguyễn Tiến Lộc, Vũ Thành Chung đi ăn cỗ cưới con Ngọc Bái và thăm bạn bè ở đây. Sáng nay nhận được bài viết của Đào Phương Liên ái nữ của nhà thơ Lê Đạt bèn nhanh chóng cho lên trang chủ. Xin giới thiệu với các bạn bài viết về người Vợ Nhân Văn này.

Bố tôi, nhà thơ Lê Đạt, chủ trương CHỮ NGẮN-TÌNH DÀI-NGHĨA NẶNG nhưng tôi lại không ưng chỉ vì muốn đọc truyện của bố. Và thế là trong một lần trò chuyện với bố vào đầu năm 2008, tôi gạ: “ Sao bố không viết tiểu thuyết?”. Bố tôi nghiêm túc lắc đầu:” Viết tiểu thuyết mất nhiều thời gian lắm mà bố thì không có nhiều...”. Tôi, đứa con ngu ngốc của Người, đang theo đuổi cái nghề viết càng dài càng tốt nhưng cảm thấy bất lực liền “dân chủ” một cách lếu láo hỏi lại:” Bố không có nhiều thời gian hay đoản hơi?”. “ Bố còn nhiều dự định mà quỹ thời gian còn ít quá”.  Tôi ngơ ngác thật sự: “ Thời gian? Sao lại ít?”. “ Thì bố 80 rồi còn gì. Nếu trời còn cho sống, bố sẽ viết một cái dài hơi”.”Tiểu thuyết hả bố? Về cái gì vậy?”- tôi bộp chộp hỏi. “ Không, dạng truyện ký: VỢ NHÂN VĂN. Khoảng 300 trang”.
Có lẽ đây là dự án cuối cùng ám ảnh bố tôi.
Và giờ đây tôi chấp bút. Tôi không có tham vọng viết thay bố mà chỉ muốn làm chút gì đó để bố tôi nhẹ lòng nơi thế giới bên kia.
...Ô, con của Thúy thúy đây à? Mẹ cháu đẹp lắm đấy”. Đó là tất cả những gì mọi người nói khi biết tôi là con của mẹ. Dĩ nhiên đứa con nào cũng thấy mẹ mình đẹp nhưng đẹp khiến mọi người phải trầm trồ khen ngợi thì...Không! Tôi không thấy mẹ đẹp vì một suy nghĩ đơn giản: nếu mẹ đẹp thì tôi cũng đẹp vì tôi là con mẹ nhưng chẳng ai khen tôi cả!
Nhà văn Chu Lai cũng hay làm tôi “tủi thân” vì luôn khoe trước mặt mọi người:” Mẹ Liên đẹp lắm. Ngay từ hồi năm, sáu tuổi, anh đã mê mẹ em rồi. Anh không dám gặp lại cụ vì sợ mất hình ảnh một cô thôn nữ đẹp dịu dàng trong sáng, hay hát, hay cười”. (Mẹ tôi, trẻ nhất đoàn kịch, nên kiêm luôn vai phụ trách con các liền anh, liền chị sân khấu trong đó có Chu Lai, Nguyễn Đình Chính...)
Mẹ tôi là diễn viên của đoàn kịch nói Trung Ương, tài sắc với nhiều vai diễn, luôn gây ấn tượng trong các cuộc lưu diễn phục vụ các chiến dịch trước năm 1954, đặc biệt là vai cô Tươi, trong Nắng Nghĩa Lộ, chị Hòa trong vở kịch dài đầu tiên của sân khấu Việt Nam viết về cải cách, giảm tô của soạn giả Học Phi, năm 1953. Tôi nghe nhiều cô chú kể, các chiến sĩ trước khi đi chiến dịch , nếu được văn công phục vụ, bao giờ cũng đòi được xem  Hồng Linh múa ( cô Hồng Linh là vợ nhà báo Trần Đĩnh, phóng viên báo SỰ THẬT, hồi đầu cách mạng. Nguyên phóng viên báo NHÂN DÂN. Người chấp bút cuốn hồi ký nổi tiếng BẤT KHUẤT của Nguyễn Đức Thuận) và Thúy Thúy diễn. Những ngày đầu hòa bình, khi đoàn kịch diễn phục vụ khối văn phòng chính phủ, tổng bí thư T.C xoa đầu cô diễn viên 15,16 tuổi” Có phải người dân tộc không mà a lúi giống thế”. Còn anh em trong văn phòng cứ xôn xao hỏi thăm...
Cuộc đời mẹ tôi có lẽ sẽ thăng hoa, sẽ đẹp mãi nếu không có một bước ngoặt. Đó là ngày nhà văn N.Đ.T đưa mẹ tôi đến nhờ nhà thơ Lê Đạt trông nom, trước khi đi Liên Xô. Không biết họ nói với nhau những gì nhưng lọt tới tai mẹ tôi là:” Tao đã nói với bên Quán Sứ-cơ quan mẹ tôi- họ nói T còn trẻ quá, chờ mấy năm nữa. Tao đi Liên Xô về là vừa”. Và thực lòng mẹ tôi cũng không hiểu gì vì quá trẻ, quá thơ ngây.
Bố tôi liền giới thiệu với các chú em họ của bố, đang độ tuổi “ nhất quỷ, nhì ma”sống ở Hà Nội: “ Đây là cô em kết nghĩa”.
Những chàng thanh niên Hà Nội, ngang bằng tuổi mẹ tôi lúc đó, con nhà giàu, em họ của bố tôi cũng sửng sốt vì sắc đẹp dịu dàng của “cô em kết nghĩa”. Các chú hay nhốt bố tôi vào phòng, cù cho đến khi bố tôi phải đọc thơ và kể về “ cô em kết nghĩa” hoặc lấy cớ đến thăm bố tôi ở Quán Sứ để được ngắm mẹ tôi.
Một hôm, bố tôi bảo với “ cô em kết nghĩa”: “ lấy tôi mới là mới!”
Bố tôi “mới” thật. Lấy mẹ tôi rồi, bố tôi vẫn quan niệm: “ tụi mình không cần thuê nhà. Hàng tuần gặp nhau như thế này là được rồi”.
Rồi cái “ mới”của bố khiến mẹ tôi,một diễn viên so-lit của đoàn, đang ở mức lương khá cao bị mất gần như hết. Mẹ tôi bị đánh tụt hai bậc lương, bị lôi ra kiểm điểm, đấu tố hàng ngày, xem có ăn phải bả phản động của bố tôi không. (Hồi hòa bình về, mẹ tôi  hưởng lương bậc 5 thì bác Thế Lữ cao nhất đoàn hưởng bậc 7). Không những thế mẹ tôi bị cắt hết vai, chỉ được nhận những vai không ai có thể đóng được và phải làm thêm kịch vụ như nhân viên hậu đài: ( khuân vác đồ, chuẩn bị cho đêm diễn, cũng như thu dọn sau khi kết thúc). Mẹ tôi vốn chịu thương chịu khó nên không lấy thế làm điều. Mẹ còn cảm động vì không bị đuổi, vẫn được làm công việc yêu thích.
Năm 1957, mẹ tôi sinh con đầu lòng cũng là lúc bố tôi bị đấu. Mẹ đã tích cóp chơi họ để đúng thời gian đó có một khoản tiền nuôi con, trả tiền nhà nhưng ông trưởng đoàn M.L , một nghệ sĩ lớn chuyên đóng vai lãnh tụ (sau khi bác Can Trường qua đời), lợi dụng hoàn cảnh đã quỵt bát họ đó, và trả cho mẹ tôi bức ảnh chụp mẹ tôi trong một vai diễn(!). Sinh con được 15 ngày, vì không có tiền trả tiền nhà, mẹ tôi bị đuổi ra đường. Rồi nỗi lo lắng cho bố tôi đã làm mẹ tôi nước mắt nhiều hơn sữa, mẹ bế chị tôi ở nhờ mỗi nhà một ít. Thời gian đó, vợ chồng bác Dần cũng cưu mang mẹ tôi nhưng hai bác cũng rất hoàn cảnh lại thêm chị tôi không đủ sữa ăn, quấy khóc nhiều nên mẹ tôi hay bế chị tôi lang thang ngoài đường.
Rồi mẹ tôi cũng thuê được nhà. Và khi biết tôi cung là con gái , Mẹ khóc ngay trên bàn đẻ. Không phải vì nỗi thất vọng mà vì sợ... sợ những đứa con gái cũng truân chuyên như mẹ. Mẹ quay cuồng với đồng lương eo hẹp để nuôi bố con tôi. Có lẽ nỗi  vất vả về vật chất đó không thấm vào đâu so với nỗi cô đơn kèm sợ hãi mà mẹ tôi phải gánh chịu. Tuy vậy mẹ vẫn đẹp. Bằng chứng là mẹ luôn phải chống lại những sàm sỡ của các đồng nghiệp nam, những đấu tố của các bạn diễn khác, dẫu nơi thanh thiên bạch nhật họ không dám cả nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi sợ và giữ mình đến nỗi trên ô tô, luôn ngồi thẳng người, mớm ở mép ghế, tay bám lưng ghế đằng trước trong các chuyến lưu diễn và ...ngay cả đến bây giờ.
Để cĩ nghị lực sống , để có đủ nghị lực nuôi chị em tôi , để chống lại những dan hắt của các đồng nghiệp, dẫu “ cứ mỗi ngày mới bắt đầu,mẹ lại muốn độn thổ hoặc lao đầu xuống đất” nhưng mẹ vẫn lên gác Nguyễn Bỉnh Khiêm, vươn tay tập thể dục. ( Nguyễn Bỉnh Khiêm là tập thể của nhà hát Kịch)
 Rồi mẹ có bầu em tôi. Đó là thời điểm chuyên gia LX sang dựng vở PLATON vai chính ( kíp 1) được giao cho mẹ. Mẹ tôi sợ bị kỷ luật, sợ vỡ kế hoạch của đoàn nên ra sức ép bụng, ra sức nhảy và tranh làm những việc nặng nhọc... nhưng đứa con út của bố mẹ tôi vẫn bướng bỉnh lớn lên.
Dẫu “ được” dạy nhiều bài học vì trót là vợ của bố tôi nhưng mẹ tôi vẫn không “khôn”. Mẹ vẫn là chính mẹ trong những suy nghĩ phải trái chứ không chịu uốn mình nói theo số đông.
Tôi nhớ năm 1974, sau một giờ học văn ở lớp 9, tôi đem về nhà thắc mắc:” Phương pháp sáng tác xã hội chủ nghĩa: Không tô hồng, không bôi đen là thế nào hả mẹ?”. Tôi hỏi bố, bố im lặng, lảng đi . Mẹ trả lời thay: ” Mẹ không biết có đúng không nhưng mẹ kể con nghe chuyện này. Trong một cuộc họp đấu cuốn VÀO ĐỜI của nhà văn Hà Minh Tuân, mọi người đều nói đây là cuốn sách bôi đen chế độ, rằng hòa bình rồi bây giờ chỉ có toàn những quả cà chua hồng thôi. Mẹ liền bảo trong một thúng cà chua, thế nào cũng có những quả xanh, quả xấu. Ta phải lựa những quả xấu, quả nẫu ăn trước, rồi mới ăn đến những quả chín hồng và đợi những quả xanh chín. Trưởng đoàn M.L chỉ mặt mẹ: “Đồ ăn phải đũa phản động.  Nó, trên là Lê Đạt , dưới đít là H.C.M ” trong tiếng đồng thanh mắng mỏ của mọi người rằng xã hội tốt đẹp rồi chỉ còn những quả cà chua chín hồng thôi”. Mẹ trầm ngâm nói tiếp: “ Nói đến cái xấu, cái đen tối để tránh, để sửa cho tốt hơn cũng đúng chứ sao?”.
Tôi lớn lên trong những lời mẹ trách cứ bố mà không hiểu:” ông đừng có cười nói to như thế” hoặc:” May mà ở Việt Nam chứ ở Liên Xô hay Trung quốc thì bố mày đã bị treo cổ rồi”. Bố trách mẹ :” Cô chỉ vớ vẩn”. Tôi cũng thấy chẳng ai bị treo cổ vì cái tội cười to, nói to cả nên về hùa với bố. Chúng tôi còn bênh bố vì bố không bao giờ đánh, mắng chúng tôi. Mẹ thì bảo:”bố chị khôn, toàn đổ tiếng ác cho tôi”.
Tôi không thấy mẹ đẹp lắm như lời mọi người vì...cuộc đời lam lũ của mẹ. Mẹ không phi dê, không son phấn, không quần là áo lượt như các bác Giáng Hương, bác Trúc Quỳnh hay như cô Phạm Thành, cô Bích Châu, cô Nguyệt Anh... Những cô bác diễn viên cùng đoàn với mẹ.
Mẹ chỉ có hai bộ quần áo mà mỗi lần giặt mẹ chỉ dám nắm nắm vì sợ rách, giũ nhẹ cho phẳng rồi đem lên phơi.
Mẹ có mớ tóc dài tết bím đôi trông như nữ sinh nhưng rồi một hôm mẹ về với mái tóc tự cắt ngắn, lởm chởm. Đứa con háu đói là tôi bám ngay lấy mẹ hỏi:” Sao mẹ lại cắt? Sao mẹ không mang tóc về đổi kẹo kéo?”. Tôi đâu biết mẹ đã đem bán mớ tóc dài để lo thuốc thang cho bố tôi, lúc đó bị viêm gan B.
Lúc bé tôi không thấy nhà tôi nghèo, khổ lắm có lẽ vì quá ngây thơ. Tôi ngạc nhiên lắm khi nghe chú Trần Đĩnh, người bạn đã cho bố tôi cảm giác số nhiều trong con đường đi tìm BÓNG CHỮ nói trong ngày giỗ đầu bố tôi:” ngày xưa, thấy cảnh nhà cháu ăn cơm, chú thương lắm”. Tôi ngây ngô hỏi lại :” Sao lại thương ạ?” “Thì mỗi mình lương mẹ mà phải nuôi bố, ba đứa cháu và ông nội nữa”. Tôi đâu biết uẩn khúc ấy. Tôi chỉ thấy mẹ đi nhặt săm lốp người ta vứt đi đem về đun nấu. Những muội đen của cao su bám đầy bếp, bám đầy tay chân mẹ, chui cả vào mũi, mắt mẹ và để lại hậu quả tật bệnh cho mẹ đến tận bay giờ. Mẹ còn chui xuống hầm tăng sê để bắt gián vỗ béo con gà đẻ trứng cho mấy bố con. Mẹ luôn tranh thủ đi chợ vào lúc chiều muộn hy vọng mua được những đồ ế thừa. Mẹ đi xin nước gạo để nuôi lợn...tay chân mẹ lúc nào cũng nứt nẻ trầy xước đen đúa đến mức mẹ nói với bố trong một bữa cơm khi chúng tôi còn nhỏ:” Em không dám ôm hôn các con vì sợ làm chúng đau”. Bố có lẽ không  dám hiểu, thở dài:”Cô chỉ vớ vẩn”. Và chúng tôi, lẽ dĩ nhiên càng thấy...vớ vẩn.
Hồi bé, tôi hay phải xếp hàng mua thực phẩm. Bao giờ xuất thịt cũng là thịt thủ, thịt dọi còn nếu xương thì mua xương cục hay khúc dưới của chân giò để được nhân đôi vì cả nhà trông vào mỗi xuất phiếu của mẹ. ( Và khi tôi 28 tuổi ,lần đầu tiên phải đi chợ cho gia đình riêng, đã đứng ngẩn ra khi được hỏi mua thịt vai hay thịt thăn . Quả thực tôi không biết nên vờ sành sỏi : “ Xem thăn. Xem vai nào” Và từ trong sâu thẳm ký ức,hiện ra câu hỏi:” Sao hồi bé mình không thấy những loại thịt này nhỉ ?). Mẹ tôi hầm kỹ để có thể ăn hết, không vứt đi thứ gì.
Nhưng vào bữa mẹ chỉ nhẩn nha miếng cháy, rồi ăn lại những miếng xương chị em tôi bỏ lại. Một phần nghe mẹ dặn không được phí phạm, một phần cảm giác đói luôn đeo bám nên tôi nhằn kỹ lắm. Tôi khoe với mẹ:” Con nhằn kỹ lắm. Không còn gì nữa đâu”.” Ư, mẹ bị liệt một bên mặt. Nhai để tập thể dục”. Tôi vô tư không biết mẹ không còn gì để ăn!
Còn bố tôi?. Hình như bao sâu sắc quyết liệt bố dành cho ĐƯỜNG CHỮ. Mặc cảm mình là người gây ra tất cả những nỗi khổ đau này khiến bố tôi trở thành người đơn giản và nhiều phần ngây thơ.
Trong cuốn KÝ VÀO XXI mà bố tôi hy vọng xuất bản có lời đề từ lịch sử quýt làm, cam chịu. Nhưng tôi nghĩ rằng dù có viết như thế, nhưng tận trong sâu thẳm bố tôi không muốn tin, không chịu tin. 
Đầu những năm 60, sau khi đi”thực tế” về, bố tôi vẫn nhiều hy vọng lắm. Và khi thấy mẹ tôi bị rơi vào hoàn cảnh bị kỳ thị hơn cả “ con hủi”. Nghĩa là việc thì vẫn phải làm, ai giao cái gì cũng phải làm nhưng quyền lợi hầu như không được hưởng, không ai dám chơi, tiền, tiêu chuẩn thanh sắc bị cắt xén thường xuyên, bố tôi bực lắm Và con người ngay thẳng đến mức hồn nhiên, tự tin tìm đến những người lãnh đạo của mẹ mà mới đây còn là bạn, là cấp dưới của bố...
Bố trở về... bất lực, và giấu nỗi đau mình là tai họa cho người vợ trẻ như con đà điểu, luôn chúi đầu vào trong cát, bố buông một câu xanh rờn:” Tại cô! Tại cô không khéo!”Mẹ tôi tủi thân :”Tại ông, tại cái MỚI của ông” “ tôi có làm gì sai đâu nào? Việc của tôi, liên quan gì đến cô?”.  Và như để sát thêm muối vào nỗi đau của mình, của vợ, bố lại nhắc đến một đồng nghiệp khác của mẹ :” Đấy như T.M đấy. Vẫn xinh đẹp. Vẫn có vai”. Bố tôi có biết không nhỉ, nếu có được điều đó, mẹ tôi sẽ phải bỏ bố tôi, sẽ phải “hy sinh vì nghệ thuật”!!! Và vì không bỏ bố tôi hay chỉ vờ bỏ bố tôi, theo nhiều gợi ý, như nhiều người vợ khác trong hoàn cảnh đó, nên ai cũng bảo mẹ tôi điên. Mà có lẽ nếu điên thật mẹ tôi sẽ sung sương hơn nhiều!
Mẹ tôi đã không từ bỏ hạnh phúc cũng như nỗi bất hạnh mà mình đã chọn. Mẹ tôi chịu đựng nỗi bất công đó cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, cho đến ngày ông giám đốc trưởng đoàn gợi ý mẹ về hưu vói hứa hẹn tăng hai bậc lương. Vậy là sau hơn 20 năm sống chết với từng vai diễn, mẹ tôi được trở về với mức lương bậc 5 nhưng bậc cao nhất trong ngành sân khấu đã lên đến 11 rồi.
Ngày bố tôi được vinh danh, bác Lệ Thanh, người đã từng tuyển mẹ tôi vào đoàn nói:” Thúy làm đơn đi. Chị bảo lãnh cho em được truy lĩnh huân chương”.” Đời còn chả tiếc, tiếc gì cái huân chương hả chị?”. Oi lời một người điên, mẹ tôi!
Và bây giờ, khi tôi đang viết những dòng này - tháng 7 năm 2009 - khi ĐOÀN KỊCH NÓI TRUNG ƯƠNG, người anh cả đỏ của nganh sân khấu sắp bị xóa sổ. Mọi người bắt tay vào viết lịch sử sân khấu, lịch sử đoàn, nhưng người ta cũng tìm cánh quên mẹ tôi. Vai cô Tươi trong NẮNG NGHĨA LỘ, một trong những vai diễn đầu tiên của mẹ, của sân khấu Việt Nam, đứng tên người khác, người vào đoàn sau mẹ tôi nhiều tháng...
Oi lịch sử!