Trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả, Hà Nội trong mắt ai là bộ phim tài liệu có vấn đề. Khi gợi lại câu chuyện một thời, tác giả của những thước phim đó - đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy - còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ.
LTS: Ngay từ khi ra đời, vào đầu những năm 1980, bộ phim tài liệu Hà Nội trong mắt ai (đạo diễn Trần Văn Thủy) đã trở thành sự kiện gây chú ý trong đời sống văn hóa - nghệ thuật vào đêm trước Đổi mới. Tác phẩm không chỉ gây chấn động dư luận lúc bấy giờ về tính ẩn dụ, mức độ hấp dẫn và góc nhìn trực diện về những vấn đề nóng bỏng của xã hội, mà còn vì những sóng gió liên tiếp mà nó và người làm nên nó vấp phải.
Hà Nội trong mắt ai đã bị cấm chiếu, cho đến khi được đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem và nhận xét. Vị Nguyên thủ khi đó đó đã truyền đạt mệnh lệnh: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện ra cái gì sai thì sửa sau. Đó là vào ngày chiều 18/10/1983.
Câu chuyện Thủ tướng giải cứu Hà Nội trong mắt ai được Tuần Việt Nam dẫn lại sau đây, qua bài viết tương đối khái quát, chân thực của tác giả Trần Ngọc Kha, in lần đầu trên báo Phát luật nhân kỷ niệm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sau đó nhiều báo khác đăng lại. Tuy vậy, sự việc liên quan đến bộ phim không phải đã dừng lại ở đó. Những sóng gió vẫn tiếp tục đến mà vì nhiều lý do khác nhau bài viết vừa nêu chưa chạm đến....
Sau mệnh lệnh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hà Nội trong mắt ai, chỉ một thời gian ngắn sau, bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy lại bị cấm chiếu một cách nghiệt ngã.
Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa - ông Thủy chua chát kể: Kể cả điều kiện làm việc cho đến miếng cơm manh áo, tất tật. Vợ mình bảo mình điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn. Đồng nghiệp bảy rưỡi, tám giờ sáng tề tựu ở cơ quan lo cho ông Trần Văn Thủy... đã bị bắt hay chưa!.
Đề cập đến câu chuyện cũ mà ý nghĩa và bài học từ nó còn nguyên giá trị, nhất là trong thờI điểm này, đạo diễn Trần Văn Thủy kể thêm những thông thông tin mới sau khi Hà Nội trong mắt ai được Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp:
Sau buổi xem phim ngày 18/10/1983 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tưởng rằng mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái, nhưng Hà Nội trong mắt ai chỉ được chiếu tưng bừng trong Nam, ngoài Bắc vài ba tháng thì không được chiếu nữa. Trong thời gian này tôi có lệnh gọi lên để gặp ông Lê Đức Thọ tại nhà nghỉ riêng của ông Thọ ở Nghi Tàm để tường trình.
Tiếp đó, bộ phim có buổi chiếu (mà tôi cũng không nghĩ rằng đó là cuối cùng) tại Văn phòng Trung ương Đảng cho ông Trường Chinh xem. Trong buổi chiếu đó có ông Lê Xuân Đồng (Phó ban tuyên huấn - người theo chỉ thị của cấp trên cực lực phản đối bộ phim này), ông Đặng Xuân Kỳ (Viện trưởng Viện Triết học - một người rất nhiệt thành ủng hộ bộ phim này). Điều tôi không tưởng tượng được đã xảy ra liền sau đó, bộ phim đã phim tuyệt đối không được chiếu nữa, với lý do sau lưng bô phim này là một lực lượng chính trị.
Sau Đại hội Đảng VI, đầu năm 1987, rất nhiều vấn đề của đất nước đã được xem xét lại với khẩu hiệu Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và phản ánh đúng sự thật. Với văn học - nghệ thuật, đã từng có những câu như Cởi trói cho văn ngệ sĩ, Không uốn cong ngòi bút, Tự cứu mình trước khi trời cứu....
Trong xu thế đó, vào tháng 5/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp xem bộ phim Hà Nội trong mắt ai và gặp tôi. Ông hỏi: Bộ phim chỉ có thế này thôi à?. Tôi đáp: Vâng, thưa Tổng Bí thư, Bộ phim chỉ có thế thôi.... Ông nói tiếp: Chỉ thế này thôi, tại sao lại cấm?, không biết là câu hỏi hay lời tự vấn. Tất cả im lặng.
Theo chỉ thị của Tổng Bí thư, Ban Văn hóa - Văn nghệ lúc đó đã triệu tập một buổi chiếu Hà Nội trong mắ ai cho tất cả những người có liên quan, có trách nhiệm về quản lý văn hóa - văn nghệ, tổng thư ký các hội văn học - nghệ thuật xem. Xem xong mọi người được quy định bỏ phiếu Thuận hay Chống. Và trong không khí đổi mới ấy, 100% người xem đã bỏ phiếu Thuận.
Ngày 25/9, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản truyền đạt ý kiến của Ban Bí thư, chỉ thị Ban Tuyên huấn, Bộ Văn hóa phổ biến rộng rãi bộ phim này.
Tại Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 3/1988, một bộ phim từng được coi là chống Đảng, dạy Đảng cầm quyền ,kêu gọi mọi người xuống đường đã được nhận liền một lúc 4 giải thưởng cao nhất: Bông sen vàng cho phim tài liệu, Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.... (Bùi Dũng ghi)
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần, xem lại những thước phim, càng thấy rõ hơn giá trị về tư liệu, lịch sử và chiều sâu ý nghĩa mà bộ phim hàm chứa. Và sau đây là phần đầu trong nỗi đoạn trường của câu chuyện về một thời Hà Nội trong mắt ai.
-------------
Nhớ một thời Hà Nội trong mắt ai
Trong ký ức của nhiều thế hệ độc giả, Hà Nội trong mắt ai là bộ phim có vấn đề. Hồi đó, nhờ người bạn có bố công tác ở Bộ Nội vụ mà chúng tôi được xem phim. Từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ, đó là cảm xúc của tôi sau khi xem phim. Sao mà không ngạc nhiên, sửng sốt khi được xem bộ phim lạ như vậy? Sao mà không bái phục, ngưỡng mộ khi những ngưòi làm phim đã nói lên những điều ngay thẳng lại hay đến vậy? Đi đâu cũng thấy xôn xao, bàn tán về bộ phim, nhưng mọi người đều chung một câu hỏi: Tại sao nó bị cấm(?)...
Thực ra, lúc đó không có bất kỳ một văn bản nào cấm lưu hành bộ phim này. Thế nhưng, chỉ vài ba tháng kể từ khi phim được phát hành, không nơi nào còn dám công chiếu cũng như không ai dám công khai xem bộ phim. Còn đạo diễn Trần Văn Thuỷ rơi vào cảnh bị cô lập, đến mức có lần nghệ sĩ PH (nay là cố nghệ sỹ) đã hỏi thẳng: Ơ! Cậu chưa bị bắt à?!
Chuyện đã hơn một phần tư thế kỷ. Ông Thủy không những thoát khỏi hoàn cảnh khó nói mà giờ đã là Nghệ sĩ nhân dân. Hầu hết những người có duyên nợ, ân oán với bộ phim đã đi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, với ông Thủy, dường như mọi việc vẫn chưa qua. Có cái gì như nghèn nghẹn nơi ông khi nhớ lại chuyện này. Và có cái gì như ngài ngại nơi những người có trách nhiệm khi buộc phải nhắc đến chuyện này. Có lẽ bởi thế mà phải đến 5 lần gọi điện tôi đều nhận được câu trả lời: Chuyện ấy qua lâu rồi. Tôi không muốn gợi lại nữa. Đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông, rất may hôm ấy cái điệp khúc kia không lặp lại.
... Ngày ấy, ông Thủy nhận được kịch bản phim Hà Nội năm cửa ô viết về du lịch Hà Nội, về phố cũ phố mới với chùa chiền lăng tẩm, khéo tay hay làm... Nhìn lại thực tế cuộc sống, ông thấy mất mát quá nhiều. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Hà Nội khó khăn lắm, người dân phải ăn hạt bo bo.
Mình thấy kịch bản này không thể làm được. Nếu làm phim này lúc ấy thì chỉ có đóng mà thôi, lấy đâu ra quần chùng, áo dài... - ông kể vậy.
Kịch bản phim liên quan nhiều đến lịch sử, phải tìm sách đọc, đi điều tra, ví dụ như đoạn: Ngôi nhà 80 - 82 phố Hàng Gai, nếu đang đi giữa cái nắng choáng ngợp của phố phường mà ta bước chân vào ngôi nhà cổ này, có những cái gác xép cửa lùa, có tiếng chim gù trên mái ngói thì lòng ta tĩnh lại.
Kịch bản viết thế, nhưng đi thực tế chỉ thấy một bên là cửa hiệu thêu, một bên là trụ sở HTX. Ông hỏi chủ nhà: Cái nhà này sửa lại từ bao giờ?, vì nom nó chẳng có gì khác biệt với những nhà cửa, phố xá, cửa hàng cửa hiệu khác. Ông đọc cho chủ nhà nghe đoạn kịch bản này. Ông chủ nhà hỏi lại: Người viết cái này bao nhiêu tuổi?. Ông đáp: Cỡ bằng tuổi cháu. Chủ nhà bèn khẳng định: Thế thì anh ấy chép ở đâu ra ấy chứ. Năm 1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bọn Tây ở bên kia, bọn tôi ở bên này, hai bên bắn nhau chí chết thì cái nhà nó đã thế này rồi, làm gì có cảnh như anh ấy viết trong đó.
Đến Ô Quan Chưởng tìm văn bia của Tổng đốc Hoàng Diệu, gặp ông Nguyễn Vinh Phúc, gặp cụ Trần Huy Bá ông mới bừng tỉnh ra một điều: Những giá trị tinh thần của dân tộc thì tồn tại vĩnh cửu. Thế thì thôi, đừng làm cái đẹp về mặt cảnh quan khi nó không còn, không có nữa. Hãy tìm đến những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào - Đạo diễn Trần Văn Thủy rút ra sau những đắn đo suy tính.
Vào cái thời điểm đầu những năm 80 của thế kỷ trước, những điều này cần thiết biết bao! Xót xa với hiện thực của đời sống dân chúng thế nào, trọng dụng nhân tài ra làm sao?... Ông đã liệt kê ra giấy như vậy sau khi đã dày công đọc sách, điều tra.
Quan niệm của ông là làm phim tài liệu không chỉ đúng và đủ như chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học. Muốn người xem tiêu hoá được thì phim phải hay. Bởi thế nhiều tích chuyện hay trong sử sách đã được ông đưa vào phim, như chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức quan sách nhiễu dân lành; chuyện vua Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn ra sao... Chuyện Nguyễn Huệ sau khi đại thắng quân Xiêm trên sông Rạch Gầm-Xoài Mút đã vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng - ông vua già mất quyền đã lâu - như thế nào? Khi vào điện rồng vị tướng Tây Sơn vẫn đeo kiếm khiến quần thần nhà Lê sợ xanh mặt, chỉ riêng quan lễ tân Phương Đình Pháp dám góp ý. Nguyễn Huệ trừng mắt nhìn Phương Đình Pháp nhưng viên quan này vẫn điềm nhiên, cuối cùng người anh hùng áo vải đã tháo kiếm rồi mới bước lên điện.
Chuyện chỉ có thế nhưng ông Thủy nhận thấy rằng: Trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ dưới dám nói những điều ngay thẳng, còn bề trên biết nghe theo lẽ phải.
Hay là chuyện bức tượng ở Chùa Bộc (Hà Nội) bây giờ vẫn lưu giữ, trên đầu tượng có đề chữ Tâm. Trước đây nhiều nhà nghiên cứu đều chịu, không biết tượng tạc ai. Về sau cụ Trần Huy Bá mới đặt giấy bản sau bức tượng rồi dùng than củi trà lên, mới hiện ra dòng chữ: Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng. Tức là, đúng vào cái năm Gia Long truy diệt tất cả những gì liên quan đến nhà Tây Sơn thì dân chúng Thăng Long vẫn dựng tượng Quang Trung... Rồi cả những chuyện tại sao Nguyễn Siêu lại cho dựng Tháp Bút bên Hồ Gươm? Tại sao Tổng đốc Hoàng Diệu lại cho đặt tấm bia kia ở Ô Quan Chưởng?... Hà Nội trong mắt ai đã ra đời và tập hợp những câu chuyện như thế!
Ông Thủy kể rằng: Ngay từ lần đầu chiếu phim để trình duyệt, Ban giám đốc Xưởng phim Tài liệu khoa học trung ương đã thấy có gì đó không ổn. Mời những người có trọng trách trong lĩnh vực tư tưởng văn hoá xem, họ kết luận ngay rằng phim có vấn đề!
Cuối cùng giám đốc xưởng phim Lý Thái Bảo nói với ông Thủy rằng bộ phim không được chiếu! Thực ra, theo ông Thủy, là do có một vài người xem phim xong tự vơ vào vì họ ... giật mình.
Hà Nội trong mắt ai có không ít chi tiết khiến nhiều người hiểu lầm. Như là đoạn nói về Bà Huyện Thanh Quan vào miền Trung, nơi chồng bà làm Tri huyện. Một hôm ông Huyện đi vắng, bà nhận được đơn của một người tên là Nguyễn Thị Đào xin được cải giá vì chồng đi lính thú (đóng ở biên ải) lâu ngày.
Nhớ cảnh Tây Hồ, thương cảm cho người phụ nữ xa chồng, bà đã mạnh dạn phê vào đơn: Phó cho con Nguyễn Thị Đào/ Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai.... Thế là cô Đào được đi bước nữa, nhưng chẳng bao lâu sau chồng cô trở về và phát đơn kiện. Hậu quả là ông Huyện bị mất chức. Và lời bình của phim rằng: Thế mới biết cái máu me văn nghệ dính vào việc quan trường gây ra nhiều sự rắc rối là thế! (!)...
Hay là đoạn nói về vua Lê Thánh Tông dựng đình Quản Văn, trong có đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan. Phim liên tưởng: Giá như thời Lê mạt cũng có một cái trống như vậy thì dân chúng ở đây sẽ phải đinh tai nhức óc! Toàn là nói việc người xưa trị nước yên dân. Nhưng không may cho ông Thủy, có người lại nói chuyện xưa sao nó lại giống hiện thực (bấy giờ) đến thế?!
Của đáng tội phim cũng có vài đoạn theo kiểu nhân chuyện xưa nói việc nay, như nói về triều vua Lê Thánh Tông: Trong 38 năm vị vua này cầm quyền, đất nước thịnh trị. Vua đã cho xây dựng bộ luật Hồng Đức, thành lập hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng bia Văn Miếu... Hiếm có vị vua nào làm được nhiều việc lớn như thế. Vậy mà khi điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao sinh ra vua Lê Thánh Tông, bị xiêu vẹo rồi đổ nát, người ta đã dọn đi để lấy chỗ làm trụ sở UBND phường! Lẽ nào điều đó không đáng nói hay sao?
Ông Thuỷ nhớ lại: Có lần bộ phim đã được chiếu đi chiếu lại tới bốn lượt trong một buổi sáng tại Quân uỷ Trung ương - một chuyện lạ chưa từng có. Về sau Uỷ ban Khoa học xã hội đã phải tổ chức một cuộc toạ đàm nghiên cứu bộ phim, có các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán Nôm cùng tham gia. Không đại biểu nào có thể tìm ra bất kỳ một sai sót nào của phim.
Ông Thủy tâm sự: Phim có nhắc về quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi gốc người làng Nhị Khê (Hà Tây) nhưng sinh thành ở Hà Nội. Ông suốt đời mang nặng tâm huyết cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của người dân: Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ/ Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân.
Ông cùng Trần Nguyên Hãn từng nếm mật năm gai suốt 10 năm trời phò Lê Lợi, nhưng khi lên ngôi vị vua này đã nghi kỵ cận thần, phế truất cả Nguyễn Trãi, Phạm Văn Sảo và Trần Nguyên Hãn.
Khi đã tống giam Nguyễn Trãi vào ngục rồi Lê Lợi còn hỏi ông nên viết quốc nhạc như thế nào? Nguyễn Trãi bình thản mà rằng: Thưa bệ hạ, thương yêu dân chúng thì hãy làm những việc nhân đức. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy. Đừng vì giận ai mà phản bội. Đó là cái gốc trường tồn nhất của quốc nhạc!...
Sau khi xem phim, một nhà nghiên cứu lịch sử của Học viện Nguyễn Ái Quốc quê Thanh Hoá phản đối ông Thủy ầm ầm, rằng Lê Lợi chúng tôi chưa bao giờ được miêu tả như thế!. Người ta tranh cãi rất dữ, rằng phim ám chỉ ông này, ám chỉ ông kia. Và thế là từ đấy, không ai dám nhắc đến việc tiếp tục cho chiếu bộ phim này nữa...
***
So với những sự kiện văn hóa văn nghệ diễn ra trước thời kỳ đổi mới như loạt bài viết về khoán 10, khoán 100, phóng sự Cái đêm ấy đêm gì?, tiểu thuyết Cù lao Chàm... hay hàng loạt vở kịch chấn động dư luận của Lưu Quang Vũ thì xét về mốc thời gian, Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy đi trước thời đại hơn cả...
Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa - ông Thủy chua chát kể lại: Kể cả điều kiện làm việc cho đến miếng cơm manh áo, tất tật. Vợ mình bảo mình điên, bạn bè cũng nói vậy, nhưng khổ nhất là sự cô đơn. Đồng nghiệp bảy rưỡi, tám giờ sáng tề tựu ở cơ quan chỉ để xem mình... đã bị bắt chưa!.
Nhiều năm sau này, có tờ báo phỏng vấn trong những năm Hà Nội trong mắt ai bị cấm, ông làm gì?, ông Thủy trả lời rằng: Trong quãng thời gian nhàn tản không có việc làm này, tôi đã đến những nơi mình từng đến quay phim để chiêm nghiệm, suy ngẫm. Và tôi thường thắp hương lên bàn thờ nhà mình mà khấn rằng: Thưa các bậc tiên tổ, con có tội tình gì không?...
Vì sao bộ phim không được chiếu? Xin các anh chỉ bảo cho những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi sửa - Ông khẩn khoản kêu. Ban giám đốc Xí nghiệp (XN) kính chuyển nguyện vọng này lên những người cầm cân nảy mực. Họ đồng ý cho sửa bộ phim, nhưng khi hỏi cần sửa chỗ nào thì một người thốt lên: Bộ phim này sai đến mức không thể sửa được(!).
Cùng kíp làm phim có Lưu Hà, con trai ông Lưu Xuân Thư, Phó giám đốc XN phim Tài liệu khoa học Trung ương lúc bấy giờ. Đây là bộ phim đầu tay anh bấm máy, đồng thời là bài thi tốt nghiệp trường SKĐA. Ông Thủy xui Hà đề nghị nhà trường tổ chức chiếu phim này ở Cung Thiếu nhi để báo cáo tốt nghiệp. Danh sách mời ngoài giáo viên của trường có các học giả, nhà nghiên cứu, lãnh đạo nhiều Cục, Vụ, Viện... Cung Thiếu nhi là điểm chiếu phim sang nhất Hà Nội lúc ấy với hơn 500 chỗ, màn ảnh cực trắng, ánh sáng cực mạnh. Ơn trời, kế họach được chấp thuận! Khán giả đến chật cứng các hàng ghế, reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp.
Sau buổi chiếu, lãnh đạo XN đốc hỏi ông Thuỷ: Bây giờ ý cậu thế nào?. Ông đáp: Bộ phim này ra đời không chỉ bởi cá nhân tôi mà còn do cả tập thể, của cả XN. Nếu phim hay, được khen ngợi thì là công chung, nhưng tại sao phim có vấn đề thì cả 100 roi các anh đánh cả vào tôi?.
Họ thành thật: Cậu nói phải! Nhưng bây giờ sửa thế nào?. Ông Thuỷ nói: Sửa thế nào là chuỵện của các anh. Bác Hồ dạy phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Ít nhất thì các anh cũng phải chiếu cho anh chị em trong XN, rồi chiếu cho XN phim truyện, Cục Điện ảnh, Xưởng phim quân đội, cho các hội văn học, nghệ thuật để người ta góp ý. Ban giám đốc lên danh sách khách mời...
Xem xong, nhiều người thốt lên: Sao cái phim như thế này lại định cấm kia chứ?. Không ai, kể cả các vị bên Viện Triết hay Viện Sử, Viện Hán Nôm..., có thể tìm ra bất cứ sai sót nào. Nhưng vẫn có lệnh bất thành văn từ đâu đó: Không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào!. Đó là vào giữa năm 1983. Ông Thủy bắt đầu hết hy vọng...
Bỗng một hôm, ông Nguyễn Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) gọi điện đến XN, đề nghị mang phim Hà Nội trong mắt ai lên chiếu. Ông Bùi Đình Hạc (mới được bổ nhiệm Giám đốc thay ông Lý Thái Bảo) trả lời: Đã có lệnh của cấp trên là không được chiếu!.
Ngày 15-10-1983, Văn phòng HĐBT lại gọi xuống. Ông Hạc lại từ chối với lý do: Phim đang được cắt ra để sửa. Nhưng từ đầu dây bên kia, giọng ông Dũng đĩnh đạc vang lên: Chúng tôi biết phim ấy có thể chiếu được hay không chiếu được, nhưng đây là chỉ thị của Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng!.
Kế hoạch chiếu phim Hà Nội trong mắt ai cho Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng xem được ấn định lúc 3 giờ chiều ngày 18-10-1983. Ông Thuỷ đề nghị đi cùng, giám đốc Hạc bảo: Đi sao được. Vào đấy phải qua cổng đỏ, người ta điểm danh đấy!. Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính cái tai của tôi xem Bác nói gì. Còn nếu có điều gì không phải thì chắc là Bác cũng thương mà chỉ bảo cho thôi.
Thế nhưng ông Hạc vẫn không đồng ý. Gần đến giờ hẹn, ông Thủy lẻn lên con Lada trắng của cơ quan, bụng bảo dạ: Ngày xưa khẩu hiệu ở chiến trường là nắm lấy thắt lưng địch mà đánh, giờ tôi cũng phải nắm lấy thắt lưng anh thôi... Kể đến đây, ông Thuỷ bật cười. Nụ cười đầu tiên tôi được chứng kiến đã xóa tan những ưu tư trên gương mặt ông...
Đến nước ấy ông Hạc đành chấp thuận. Xe lăn bánh, đến Văn phòng HĐBT, bảo vệ từ chốt gác hỏi vọng ra: Xe nào đấy? - Xe xưởng phim vào chiếu cho bác Đồng xem đây!. Ông Thuỷ bê 5 hộp phim vào phòng khách.
Có người ra thông báo: Bác đang tiếp Phó chủ tịch HĐBT Liên Xô A-li-ep. Các anh chờ một lát. Bỗng dưng ông Thuỷ thấy lo lo... Gần 30 phút sau bác Đồng đến. Ông Thủy kể: Vừa trông thấy chúng tôi, Bác đã bảo: Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu khó quá thì tôi không phiền các đồng chí nữa. Dù sao Bác đã phải chờ ngót nửa tháng kể từ lúc yêu cầu xem bộ phim....
Linh tính mách bảo ông Thủy rằng ông đang gặp may. Ông vòng tay, nói: Xin phép Bác cho cháu được thay mặt anh em trong đoàn làm phim bày tỏ lòng biết ơn Bác, vì việc nước bận như vậy mà Bác vẫn bớt chút thì giờ.... Nói đến đây ông Thuỷ nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. Cháu ngồi xuống đây! Cháu ngồi xuống đây!. Nghe giọng nói ân cần của Bác, ông Thuỷ bình tâm trở lại nhưng vẫn chưa dám ngồi. Bác cầm tay kéo ông Thuỷ ngồi xuống bên phải mình, bên trái là Giám đốc Bùi Đình Hạc...
Khi phim hết, đèn bật sáng, Bác vẫn ngồi lặng lẽ, đầu hơi cúi, tay đặt lên trán. Những người có mặt trong phòng cũng im lặng, nghe rõ tiếng quạt trần quay lạch phạch trên đầu, tiếng chú cún con nô đùa quanh chân bác.
Một lát sau Bác hỏi: Những ai đã được xem phim này và họ nói những gì?. Ông Hạc trình bày: Thưa đồng chí! Đây là bộ phim được các đồng chí có trách nhiệm đánh giá là có vấn đề, mượn xưa để nói nay. Bộ phim đã không cùng Đảng giải quyết những khó khăn hiện tại mà nuối tiếc quá khứ phong kiến và gieo rắc vào quần chúng đảng viên những bi quan, hoài nghi và tiêu cực....
Trong lúc ông Hạc nói, ông Thuỷ như ngồi trên đống lửa, cứ nhấp nha nhấp nhổm đến mức ông Dũng phải vít vai mấy lần... Cuối cùng, ông Hạc chốt: Thưa đồng chí! Những người có trách nhiệm kết luận rằng tác giả bộ phim không phải là một nghệ sĩ cách mạng...
Bác quay sang hỏi ông Thuỷ: Cháu có ý kiến gì không?. Ông Thuỷ đứng lên thưa: Thưa bác! Nếu bộ phim này có gì sai lầm thì đó là do lực bất tòng tâm chứ bụng dạ chúng cháu không nghĩ thế. Khi chúng cháu đến mộ bà Đoàn Thị Điểm thì thực sự chỗ đó là một đống rác. Chúng cháu phải thuê người dọn mất nửa ngày, rồi xin nước vôi quét lên bia mộ của bà, mượn một số chậu cảnh bày xung quanh rồi mới quay phim, để khỏi mang tội bất hiếu với tiền nhân....
Linh cảm mách bảo với ông Thuỷ rằng, trong cơn bão tố cuồng phong đang trải qua, ông đã tìm được một chốn an lành để trú ngụ, đó là sự bao dung, che chở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Cuối cùng, Bác nói: Tôi cũng không nghĩ sự thể lại quan trọng đến mức này. Rồi Bác phân tích đoạn phim về Nguyễn Trãi là chuyện có thật trong lịch sử và nói về thân phận của Nguyễn Trãi chứ không chủ ý nói về Lê Lợi. Từng đoạn khác cũng được bác phân tích cặn kẽ...
Tôi thật sự kinh ngạc về trí nhớ tuyệt vời của Bác. Bác chỉ xem phim có một lần trong khi trăm công nghìn việc đang chờ đợi - ông Thủy trầm trồ kể tiếp: Bác kết luận: Ý kiến thứ nhất của tôi là: Nếu đã là anh em văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ nhau. Các anh mà không bênh vực cho nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt. Chiếu ngay lập tức! Nếu phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa.
Bác còn dặn dò ông Thuỷ: Khi nào cần cứ gặp bác. Cháu phải tìm mọi cách mà chủ động liên lạc với bác...
Không biết có phải vì bức xúc trước số phận của bộ phim hay không mà tại buổi khai mạc Đại hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Cung Thiếu nhi chỉ 2 ngày sau khi xem phim Hà Nội trong mắt ai, Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng đã có bài phát biểu hơn 1 giờ đồng hồ trước hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc.
Bác nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: Đừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!.
Hẳn những người có mặt tại buổi lễ còn nhớ mãi hình ảnh đầy ấn tượng khi Bác hướng về phía Chủ tịch đoàn Đại hội mà rằng: Tôi lạy các anh! Tôi xin các anh! Khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi. Cả hội trường lập tức vỡ oà bởi những tràng vỗ tay. Ai nấy đều hiểu Bác đang nói gì.
Với đạo diễn Trần Văn Thuỷ, có lẽ hôm ấy là một ngày hạnh phúc đến tột độ... Kể đến đây, ông không kìm được nỗi xúc động: Một phần thưởng tâm linh, vô cùng cao quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác trong đời đã đến với tôi - Ông nói trong nước mắt giàn giụa...
Từ đó, bộ phim bắt đầu được công chiếu rộng khắp cho mọi tầng lớp nhân dân xem. Hàng tuần liền rạp Tháng Tám và nhiều rạp khác ở Hà Nội chiếu phim này tới 3 ca/ngày, vậy mà ca nào khán giả cũng xếp hàng mua vé đông nghịt.
Nếu như ngày ấy mà có Ghi-nét Việt Nam thì phim này chắc chắn lập kỷ lục về phim tài liệu ăn khách nhất. Bộ phim đã tạo nên một cơn sốt khán giả, điều chưa từng xảy ra đối với phim tài liệu nội, bởi từ trước đến lúc bấy giờ phim tài liệu chỉ được chiếu chùa, chiếu kèm phim truyện. (Theo Trần Ngọc Kha - Hà Nội Mới)