PVD: Gần đây, nhà thơ Đỗ Hoàng là người Quảng Bình có nhắc tới Nguyền Tư Thoan, tôi đã đặt hàng anh một bài viết thông tin về nhân vật huyền thoại này? Anh đã kịp thời đáp ứng. Mong rằng những ai sống gần gùi biết ít nhiều về nhân vật huyền thoại Nguyễn Tư Thoan, cung cấp để chúng ta cùng nhớ lại một thời gian khó và hiểm nguy không chủ đối với cả dân tộc mà cả đối với từng số phận con người…
Ông ta là một chính trị gia cấp tỉnh thuộc loại giỏi. Phong trào Quảng Bình hai giỏi (sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi) do ông phát động đề xướng và đốc chiến thực hành thành công. Ông đã dựng được ngọn cớ nông nghiệp Hợp tác xã Đại Phong đứng đầu miền Bắc thời ấy cũng là một kỳ tích.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ VI, người ta bầu ông Cổ Kim Thành làm Bí thư, còn ông Thoan được điều ra Hà Nội làm chuyên viên 6 thuộc Bộ Nông nghiệp.
Thời ấy những người dân Quảng Bình nghê đồn đại Nguyễn Tư Thoan làm gián điệp cho Mỹ nguỵ chuồn sâu leo cao để cướp chính quyền bị bắt đi tù rồi.
Đến bây giờ moị người cũng chỉ biết vậy. Ai cũng tin thế là đúng. Bởi vì có những tên luồn sâu leo cao to gấp mấy lần Nguyễn Tư Thoan mà cũng bị hạ bệ, bị đi tù, ông Thoan ăn nhằm gì!
Hồi Báo Dân (Bình Trị Thiên) tôi hay được nghe anh Phan Văn Khuyến , Phó tổng Biên tập báo một thời làm báo Quảng Bình kể về Nguyễn tư Thoan với sự cảm phục. Anh không nói gì về đời tư chỉ kể rằng Nguyễn Tư Thoan đi đầu gương mẫu, không sợ khó khăn, gian khổ, máy bay bắn phá nhưng vẫn cầm đuốc xông lên hàng trước để hàng vạn quần chúng theo sau. Vì báo Đảng gần cận với Bí thư Tỉnh uỷ nên anh Khuyến cũng được nhiều lần nghe Nguyễn Tư Thoan tâm sự. Anh Khuyễn kể: - Ông Thoan nói: - Mình cũng da thịt như mọi người, mình cũng sợ bom đạn, nhưng Bí thư mà sợ bom đạn thì hô hào quần chúng sao được, nhất là những người thuộc cấp. Mình phải lên gân cốt cho họ, nói họ mới nghe, làm họ mới phục!
Trong chiến đấu ông rất gương mẫu, dũng cảm, trong sản xuất ông Thoan cũng rất quyết đoán. Đồng ruộng Quảng Trạch không có nước quanh năm hạn hán, ông dẫn tất cả cán bộ của Ty Thuỷ lợi Quảng Bình lên Rào Nan chọn đoạn sông hẹp nhất ra lệnh đổ đất đá ngăn đập lấy nước tưới ruộng.
Kỹ sư thuỷ lợi, Trưởng Ty Thuỷ lợi xanh mắt mèo không dám can ngăn Bí thư tỉnh uỷ. Tất cả phải tuân lệnh. Thế mà đến hôm nay đập vẫn vững chắc, đồng ruộng Quảng Trạch luôn luôn có nước tưới, dân muôn năm ấm no.
Anh Phan Văn Khuyến đã viết hẳn một bài báo dài in trên báo Văn nghệ trong năm nay (2010) khen ngợi Bí thư Nguyễn Tư Thoan, đề nghị phong thưởng công trạng, lập đền thờ cho ông!
Một lần viết lịch sử giao thông Việt Nam tôi được cử vào viết lịch sử giao thông Quảng Bình. Tôi làm việc với ông Lại Văn Ly nguyên Trưởng ty giao thông Quảng Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình trong những năm ông Thoan làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Sau công việc rỗi rãi tôi hỏi ông:
- Nguyễn Tư Thoan có phải gián điệp cài cắm leo cao không anh?
Ông Lại Văn Ly trả lời nghiêm túc:
- Không phải anh ạ. Ông ta có thời đi làm cảnh sát (phòng nhì - mật thám) của Pháp. Sau khi Nhật nhảy vào Đông Dương, Pháp thua ông ta đi làm cảnh sát của Nhật. Hai việc này ông ta không khai trong lý lịch.
- Thế là hạ tầng công tác? – Tôi hỏi
- Đúng thế! - Ông Ly trả lời.
- Trong thời gian ông Thoan làm Bí thư có sai phạm gì không? – Tôi tiếp
- Không! Rất quyết đoán, năng động, thông minh nhưng độc đoán , quyền hành nên cấp dưới không thích - Ông Ly cho biết thêm.
Việc phát hiện hai chuyện trên theo dân gian là như thế này.
Một lần ông Nguyễn Tư Thoan ra dự đại hội Đảng, ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn. Ở dưới có đại biểu người trong Nam từng bị ông tra tấn, giam cầm thời ông làm mật thám Pháp phát hiện ra. Ông ta liền làm việc với với tổ chức Đảng và biết đúng kể tra tấn ông ta là Nguyễn Tư Thoan (sau đổi ra Tư) đang đương chức Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình.
Mới gần đây khi viết hồi ký cho ông Mai Văn Bộ, nguyên cán bộ Uỷ ban Kiêm tra Đảng Trung ương tôi có hỏi chuyện ông Thoan, Ông Bộ cho biết thêm: - Khi ông Thoan ra làm chuyên viên Bộ Nông nghiệp có mấy lần đến gửi khiếu nại lên UBKT Đảng. Ông Bộ thụ lý việc ông Thoan (Ông Bộ thời trước chống Pháp đã làm đến Bí thư huyện uỷ một huyện ở Thanh Hoá) khuyên ông Thoan: - Đảng cho anh về hưu sớm là được rồi, anh vẫn là lão thành Cách mạng. Anh kiện nữa là anh mất sạch. Ông Thoan im lặng ra về.
Ở đời người phò thịnh chứ không ai phò suy. Thời ông Thoan nhiều kẻ xu nịnh, tâng bốc, ngay văn nghệ Quảng Bình nhiều số cũng in thơ ông. Ông gửi bài gì cũng in, viết chưa hay thì có biên tập sửa chữa lại cho đăng. Tôi nhớ ông Thoan có viết: “ Tôi tưởng vần thơ tôi đã cạn/ Tám tháng rồi tôi lại làm thơ/ Để ca ngợi quê hương Quảng Bình mình đẹp lắm/ Đẹp từ mỗi tên làng, tên núi, tên sông”
Con ông lấy gái đẹp đã đành, cháu ông để ý đến cô nào là không một cô gái làng nào từ chối mà còn tình nguyện hiến dâng nữa. Đúng là một người làm quan cả họ được nhờ.
Thời ông đương chức ông về làng Hoa Thuỷ thuộc huyện Lệ Thuỷ quê ông cho xây mộ bố mẹ to đùng, to đoàng gấp nhiều lần cái trụ sở Tỉnh uỷ sơ tán. Ông đề vào bia mộ “Đời đời nhớ ơn công lao cha mẹ”.
Việc ấy dân tình kêu than một thời.
Nhưng khi ông bị nghi là gián điệp và bị cách chức Bí thư Tỉnh uỷ thì sao?
Một lần triển lãm ảnh Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, sau khi ông Thoan mất chức, người ta đã cắt ảnh ông đi bên Bác Hồ. Ông đến xem triển lãm thấy vậy ông bỏ về luôn.
Cái nhà ông ở trên Cộn sau khu làm việc của Tỉnh uỷ Quảng Bình những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi thấy đúng là căn nhà cấp bốn lợp ngói nâu đã xỉn màu.
Những lần đi ngang qua đó, tôi thấy một ông lão ngồi nhổ cỏ đầu gối qua mép tai, trông rất thê thảm.
Nhiều người chỉ: - Ông Thoan Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình đó!
Sau đó ông chết không một tiếng tăm.
Đời chính trị nó cũng... bạc thật !
Đ.H.
Hà Nội 6 tháng 6 năm 2010