Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thư ngỏ gửi anh Nguyễn Hữu Quý (Đắc Lắc)

Hà Sĩ Phu
Thứ sáu ngày 4 tháng 6 năm 2010 1:21 PM

Thư ngỏ gửi anh Nguyễn Hữu Quý
Tôi tuy đang bị cắt điện thoại và đường Internet nhưng bạn bè đã đem cho đọc thư chia sẻ của anh, và tôi gửi thư hồi âm được, nhờ đi vòng qua trang Web của bác Trần Nhương.
Thật là đường đời muôn vạn nẻo, trong thế giới phẳng ngày nay, chặn đường nhau đâu có dễ như thời các cụ Nhân văn? Điều ấy khiến tôi miên man nghĩ về những con đường.
Đường thẳng không phải đường ngắn nhất. Giả sử ta gửi thư thẳng cho nhau qua bưu điện chưa chắc đã tới, mà lâu, đường vòng qua mấy người bạn thế này lại nhanh hơn, chuột vi tính nhanh hơn tàu cao tốc.
Đường thẳng cũng không phải đường ngắn nhất nối ước vọng với sự thành công. Đấy bạn xem, thiếu cái gì mà quyết giành ngay cái đó nhiều khi là hạ sách. Cụ Phan Tây Hồ đau lòng vì Dân quyền không có nhưng không chủ trương cướp chính quyền ngay, vì biết nếu giành được vội vàng mà dân trí còn ngu ngơ có khi lại thành tai vạ. Nhân chuyện dự án tầu cao tốc phiêu lưu bà con mình đã nhắc lại lời khuyên “dục tốc bất đạt” !
Trong bài khai bút về xã hội ( Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ ) chủ yếu tôi nói về những con đường chống lại mục đích, chọn cách làm sai thì muốn đến điểm A lại tuột sang điểm B. Giống như mình đang ở Huế, muốn đến Hà Nội nhưng lại chèo nhầm sang con tàu trên đường ray đi thành phố HCM thì người lái tàu có tốt bụng và tài giỏi mấy cũng không lái cho anh ra Hà nội được...Mà mọi con đường là ở dưới chân, để ta chọn, ta đi, tắc thì ta chọn đường khác, đội con đường lên đầu làm gì cho khổ? Tư duy của tôi thường nôm na thế chứ kinh viện gì đâu...
Vẫn biết đường là do con người đi mà thành, đi nhiều thì quen đường, mà sao đường đời càng đi càng thấy mới, thấy lạ, đi mãi không cùng...Chỉ riêng một con đường YÊU NƯỚC thôi cũng đủ cuốn hút tư duy của ta, đáng đi cả đời không mỏi, vì từ đấy phát sinh mọi thứ. Lên nhầm đường ray thì yêu nước thành mất nước.
Tôi ít thuộc thơ mà nhập tâm mấy câu này của Tố Hữu:
                   Lại kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
                   Trái tim lầm chỗ để trên đầu (lại chuyện đội trên đầu_HSP)
                   Nỏ thần vô ý trao tay giặc
                   Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu
(Biển bây giờ nếu thuộc đường lưỡi bò, đắm xuống đấy thì khó mà mò lên được)                
Anh có nhắc câu nói bất hủ về lòng yêu nước của Bác Hồ năm mới 30 tuổi ( có thể gọi đấy là giai đoạn Bác trẻ, như giai đoạn Mác trẻ vậy) : Một người yêu nước không sợ gì hết, và nhất thiết không được sợ gì ! . Không sợ gì đã là đáng quý, nhưng nhất thiết không “được” sợ gì mới là chí khí tuyệt vời. Muốn giành chữ “quyền” cho dân cho nước thì tự mình phải truất một quyền (rất chính đáng) của mình là quyền được sợ. Mình cấm mình không được sợ, mà cấm được mình như thế dễ có mấy người? Tự tri giả ANH, tự thắng giả HÙNG vậy!
Bạn  có nhắc đến cái bút danh Hà Sĩ Phu. Đã có lần tôi phải thanh minh với bạn bè : chữ HÀ là họ Hà có chữ nhân bên chữ khả, là từ nghi vấn (thế nào là sĩ phu, ai là sĩ phu, sĩ phu ở đâu, có cần sĩ phu không...), chứ không dám nhận chữ Hà là sông như Bắc Hà, Hà nội. Nhưng biết bạn bè cần có một danh hiệu như thế nên tôi không dám cãi đó thôi.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Hữu Quý đã gửi lời chia sẻ. Nếu có thì giờ, trân trọng mời các bạn nhảy qua tường lửa quá bộ tới thăm “tệ xá” tại hasiphu.com      .   
Và rất cảm ơn nhà văn Trần Nhương đã dành cho chúng tôi mấy phút vàng ngọc.
   Đà Lạt – ngày Tết thiếu nhi 1/6/2010
   HSP