Ngày xưa, đũa được vót bằng tre, vót thủ công, nghĩa là dùng tay và dao để vót. Do vậy mà chả chiếc đũa nào giống chiếc đũa nào: Cái dài hơn một tý, cái béo hơn một tẹo, cái có mắt ở đuôi, cái có đầu mặt ở trên, hoặc ở giữa (gọi là mắt hay đầu mặt cũng đều do cái đốt tre mà ra cả). Cho nên, một chiếc đũa đơn lẻ, rất khác với những chiếc đũa khác trong cùng một nắm đũa; và cái câu ngụ ngôn “Vơ đũa cả nắm” đã được ra đời từ lẽ đó! Cũng bởi lẽ mọi chiếc đũa đều không hoàn toàn như nhau, nên trước kia, mỗi khi ngồi vào ăn cơm, người ta phải có công đoạn so đũa, tức là lựa những chiếc đũa có kích thước tương tự nhau, ghép thành từng đôi (Ca dao: “Như đôi đũa lệch, so sao cho bằng”!).
Bây giờ thì thời thế đã khác, ngay ở nông thôn cũng ít còn gia đình nào dùng đũa tre tự vót nữa. Thời đại công nghiệp hóa, đũa được sản xuất theo dây chuyền, bằng gỗ và bằng inốc, chiếc nào chiếc ấy bằng đầu bằng đuôi, đều tăm tắp, giống nhau còn hơn những giọt nước nữa! Chắc rằng cái câu vơ đũa cả nắm đã đến lúc hết thời, đã đến lúc xếp nó vào loại từ cổ, vào bảo tàng – đương nhiên là bảo tàng ngôn ngữ rồi! Với loại đũa công nghiệp này, thì cả nắm, chứ cả chục nắm, cả trăm nắm, thậm chí tới cả nghìn nắm… nếu một khi nó cùng được sản xuất bởi một nhà sản xuất, và sản xuất cùng một xêri, thì có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng: Chiếc đũa nào cũng giống hệt chiếc đũa nào trong tất cả mọi chi tiết! Bữa ăn bây giờ không còn phải so đũa nữa, mà chỉ cần chia từng đôi một cho thực khách!
Và như vậy, dẫn đến một hệ quả là, cái câu so đũa chọn cột cờ, cũng mất hết ý nghĩa luôn, bởi làm gì còn có chiếc đũa nào cao hơn chiếc đũa nào nữa, mà so, mà chọn?
Cá mè là loại cá rẻ tiền nhất trong các loại cá, trong mọi thời đại! Các bà nội trợ là những người giúp ta kiểm chứng thông tin này. Nhưng tại sao lại một lứa? Cá là giống đẻ từng lứa nhiều con, không đẻ mỗi lượt một, hai con như người và một số động vật khác. Một lứa thì chắc chắn là các con cá đều bằng nhau, không bằng nhau tuyệt đối thì cũng con tám lạng, con nửa cân, chứ không thể khác! Thế nhưng tại sao người đời lại chỉ nói “Cá mè một lứa”, mà không nói cá chép một lứa, cá chim một lứa, cá quả một lứa…
Việc này thì lại phải hỏi các bà nội trợ thôi! Và đây là lời giải thích của bà xã tôi: Thứ nhất là bởi cá nào đẻ cùng lứa, cũng bằng nhau, nhưng chỉ có cá mè là bằng nhau hơn cả. Thứ hai, mè là loại cá rẻ tiền, có mùi tanh, rất khó chế biến. Cá càng bé (gọi là “cá mè ranh” càng tanh). Cho nên đã là mè cùng một lứa, nhất lại là lứa cá mè ranh thì đừng có chọn nữa, con nào cũng tanh như con nào mà thôi .(Thế thì hẳn là chả con nào còn chê con nào tanh nữa? Chê thế còn quá hơn cả chuyện “chó chê mèo lắm lông”, “khỉ chê mèo dài đuôi”! Hoặc cũng có thể nói khác đi một chút: Chả còn chú mè nào dám vỗ ngực nói “Ta đây ít tanh hơn lũ các ngươi”).
Không biết cách giải thích ấy của bà xã tôi, một bà lão đã ngoại lục thập xuân, liệu có chính xác? Còn tôi, với loại cá mè tôi chỉ thích ăn độc món riêu do bà xã tôi nấu mà thôi. Các món khác, tanh lắm, dù bà có chọn lứa cá to, tôi cũng chịu, không thể ăn được. Có trót ăn, nuốt vào trong bụng rồi, vẫn thấy tanh!
Gọi tên đầy đủ là cụ Khốttabít. Cụ là một nhân vật huyền thoại trong một bộ phim hài nổi tiếng của Liên Xô cũ, đã từng công chiếu rộng rãi ở Việt Nam ta một thời. Cụ có nhiều hành động ngộ nghĩnh như: Đến một sân bóng đá, thấy mấy chục cầu thủ tranh nhau một quả bóng, rất là vất vả, thế là cụ hóa phép ném xuống sân hai mươi mốt quả nữa, vừa đủ cho mỗi cầu thủ một quả! Cụ đúng là mẫu người mà người đời thường hay đùa gọi là “cám để trên vung”, là “chập mạch”, là “hỏng con IC” (International Circuit – mạch tổ hợp)… Trẻ con thế kỷ trước thường hay hát: “Cụ già Khốttabít ăn mít… ị ra dưa, ăn dừa ị ra táo, ăn cháo ị ra cơm!”.
Ấy vậy mà có một thời, trong câu chuyện của con cháu, kể cả ở nhà cũng như ở nơi công sở, hễ cứ nhắc đến các bậc bố, mẹ thì thể nào cũng dùng tới cụm từ “cụ Khốt” nhà mình, ”cụ Khốt” nhà đằng ấy! Nhưng các cụ nhà họ làm gì có cái tài biến hóa tài tình của nhân vật Khốttabít? Có cái tài ấy thì nông dân nước Nam ta chắc chắn có phận nhờ rồi. Này nhé, nếu như năm nào đó người nhà nông trồng dừa để xuất khẩu, không may giá thu mua dừa tụt xuống thấp quá, không đủ trang trải tiền giống má, phân bón... Trong khi đó, giá táo lại lên cao ngất ngưởng. Thế thì chỉ cần có lời với các cụ Khốt, mời cụ xơi thật nhiều dừa cho… Thế là tất cả số dừa đó sẽ biến thành táo, hết sức là thơm ngon! Nạn ép giá của con buôn sẽ chấm dứt, đời sống nông dân được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng lớn! Chả hộ nào còn nghèo đói nữa, vì nhà nào chả có một đến hai, thậm chí có nhà còn có đến bốn, năm cụ Khốt nữa ấy chứ?
Nhưng cái chính của vấn đề là ở chỗ, khi con cháu gọi những bậc tiền bối của mình là các cụ Khốt, thì từ đó hoàn toàn không mang ý nghĩa ca tụng cái tài thần thông biến hóa, mà chỉ muốn dùng cái hình ảnh hâm hâm, chập chập của nhân vật điện ảnh này để miêu tả cha mẹ mình mà thôi! Một cách nói rõ ràng nhằm chê bai, mà lại có vẻ vui nhộn, nên cả người nói, người bị nói, lẫn người nghe, đều cười thoải mái! Thử tưởng tượng, nếu con cháu ta không dùng những từ ấy, mà lại nói trắng ra trước mặt mình, là “mấy cụ nhà này hâm không chịu nổi!”, thì thử hỏi, có cụ nào chịu đựng nổi không? Phải không, kính thưa các cụ Khốt!
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Tác giả Nguyễn Thị Lan đã vịnh đôi đũa bằng bốn câu thơ dí dỏm thế này:
Đã từng nếm trải đắng cay/ Đã từng dự cuộc tỉnh, say ở đời/ Giống nhau từ thuở thiếu thời/ Trọng người ngay thẳng, ghét người cong queo. (Tạp chí Thế giới trong ta tặng Giải nhất).