Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LAN MAN CHUYỆN CHỮ NGHĨA Ở THÁI BìNH

Trọng Nghĩa
Thứ ba ngày 6 tháng 4 năm 2010 7:38 PM
 
Chắc hẳn từ thuở chữ viết còn chưa có thì thơ – ca dao đã là người bạn  tri âm tri kỷ với con người. Thơ luôn là một mạch nguồn tinh diệu, một phương thức tinh hoa giúp cho con người giao hòa với thiên nhiên trời đất. Thơ - một biểu hiện cao vào bậc nhất mang phẩm chất, tâm tình dân tộc.
Việt Nam là dân tộc của thơ ca! Thơ luôn song hành, trang trải muôn nỗi vui buồn với con người trong mọi hoàn cảnh, từ xây dựng đất nước đến đánh giặc giữ nước. Bởi những lẽ thiết yếu và xương máu đó Nhà nước ta đã lấy ngày Rằm tháng Giêng – Ngày nhà thơ Hồ Chí Minh viết bài thơ Nguyên tiêu làm ngày Quốc Lễ Thơ. Đến nay đã qua 8 lần Ngày Thơ Việt được long trọng tổ chức trên khắp miền Tổ quốc. Ở cấp Nhà nước, Hội Nhà văn đứng ra tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, năm nào cũng có các vị lãnh đạo trong Bộ chính trị, thành ủy Hà Nội đến dự và đánh trống khai mạc. Ở các địa phương khác cũng thế, Ngày Thơ luôn được tổ chức tưng bừng, náo nhiệt. Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh… Ngày Thơ năm nay cũng được tổ chức rất trọng thể, có mặt đông đủ các đại diện Thường vụ và lãnh đạo hàng đầu các Ban ngành trong tỉnh và hơn thế, họ còn mời các nhà thơ, nhac sỹ phổ nhạc cho thơ, nhà thư pháp tên tuổi ở Trung ương và các tỉnh bạn về dự. Như tại Ninh Bình, thơ còn được đưa lên kiệu rước diễu hành qua những phố chính rồi mới đón về nơi đại lễ. Thật là một nghi lễ đầy tình cảm tôn vinh thơ…
Ngày Thơ năm nay ở Thái Bình được tổ chức ra sao?
      Thái Bình những năm đầu tổ chức Ngày Thơ thường cũng có cấp lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính quyền tỉnh tham dự. Có năm đồng chí Bí thư tỉnh ủy tới. Năm nay Ngày Thơ được tổ chức trang trọng tại Trường Đại học Y Thái Bình. Các cây bút văn, thơ, nhạc, họa và sinh viên đến khá đông vui, đáng tiếc là không có vị đại diện Thường vụ tỉnh và lãnh đạo hàng đầu các Ban ngành trong tỉnh đến dự. Đây là một sự khiếm khuyết rất khó giải thích! 
      Nhân nói chuyện chữ nghĩa, nhiều người dân Thái Bình dịp Tết Nguyên Đán không khỏi day dứt liên hệ tới sự việc khác, là việc chữ Hán trong chiếc ấn đền Trần. Chuyện về chiếc ấn trong lễ khai ấn cực kỳ quan trọng này đang là đề tài bàn luận của dư luận báo chí. Cũng chuyện chữ nghĩa, trước lễ hội đền Trần, tỉnh đã chỉ đạo, động viên anh chị em hội viên Hội VHNT mở trại sáng tác về đề tài nhà Trần trên đất Thái Bình. Các tác giả văn, thơ, nhạc, mỹ thuật đã nhiệt tình tham gia và đã có đóng góp một số tác phẩm có giá trị về nghệ thuật và tư liệu quý. Hội VHNT lên kế hoạch in 1000 cuốn, tỉnh đã phê duyệt nhưng rồi lại thôi không cho kinh phí in sách nữa. Khi các đoàn TW về tham dự lễ hội đền Trần họ cần tư liệu làm chương trình thì tỉnh không có. Cuối cùng ông Chủ tịch Hội VHNT đã phải “mượn” cuốn sách Long Hưng đất phát nghiệp Vương Triều Trần của một hội viên tự sưu tầm, nghiên cứu và bỏ tiền túi ra in, làm sách tặng. Trong khi chi phí cho lễ hội đền Trần khá tốn kém như riêng màn múa hát sử thi đã tiêu trên 1 tỷ đồng, vậy nếu có chi vài chục triệu in một tập sách tư liệu có giá trị thì nào thấm tháp gì, sao lại không?
Thái Bình là tỉnh thuần nông, tài nguyên, thắng cảnh đều nghèo chính vì thế, nên chăng phải biết tận dụng mọi nguồn vốn, mọi tiềm năng để mà phát triển.  Tôi nghĩ đất Long Hưng nơi phát tích, khởi nghiệp của một triều đại hiển hách bậc nhất, nơi có các ngôi mộ Thái tổ Trần Thừa, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hiển Tông, nơi sinh ra bậc thánh nhân Hưng Đạo Đại Vương -  một trong 10 vị tướng tài ba nhất thế giới, với một đia danh lừng lẫy thế, nếu chúng ta biết cách quảng bá những hình ảnh đó qua sách báo, mạng Itơnet, biết đâu ngành công nghiệp không khói của Thái Bình chẳng khởi sắc.
Mới hay, trọng chữ mà không tường “mặt chữ” lại thành ra phụ chữ. Còn xem nhẹ chữ thì lẽ tất nhiên là một khiếm khuyết lớn!
 
***********************
ĐỊA CHỈ: Đặng Thành Văn
số nhà 09, tổ 11, phường Trần Lãm
thành phố Thái Bình.
ĐT: 0363740498