Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ NGUYỄN ĐỖ: THƠ GIÚP TÔI KHÔNG TỰ TỬ KHI KHỐN KHÓ

Văn Bảy thực hiện
Thứ tư ngày 7 tháng 4 năm 2010 6:41 PM
Năm 2008, tạp chí thơ uy tín Coldfront đã bình chọn tuyển thơ Việt đương đại Black Dog, Black Night (Chó mựcSe, đêm đen), NXB Milkweed Editions, do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover tuyển chọn và dịch, là tuyển thơ dịch xuất sắc nhất năm 2008 của Mỹ. Mới đây, tác phẩm Beyond the Court (Rời xa triều đình), Nguyễn Đỗ và Paul Hoover tuyển dịch 150 bài thơ của Nguyễn Trãi, do Counterpath Press xuất bản, 2010, đang được bán trên mạng và nhận được khá nhiều phản hồi hoan nghênh.
 
Nguyễn Đỗ sinh năm 1959 ở Hà Tĩnh , là nhà thơ, nhà báo và dịch giả. Trong 10 năm đến Mỹ (từ 1999), anh đã gần như nỏ toàn bộ thời gian của mình để dịch thơ Việt ra tiếng Anh. Cùng với Paul Hoover, anh là đồng chủ biên và dịch nhiều tác phẩm của nhà thơ Việt Nam ra tiếng Anh, đã, đang và sẽ xuất bản. Cùng nhà thơ Hoàng Hưng, anh là đồng tuyển chọn và dịch  cuốn Tuyển Thơ Allen Ginsberg ra tiếng Việt, sẽ xuất bản trong năm nay. Cùng Nguyễn Duy, anh và Paul Hoover chọn dịch tuyển thơ Nguyễn Trãi song ngữ Việt-Anh in trên giấy ảnh khổ lớn, Về Côn Sơn, Văn Hóa Sài Gòn vừa xuất bản, 2010). Ngoài ra 11 tác phẩm đã xuất bản, thơ Nguyễn Đỗ cũng xuất  hiện trên nhiều tạp chí thơ tại Mỹ và thế giới. Năm 2005, anh được tặng thưởng của Quỹ Thơ Ca Thành Phố New York do có công đóng góp cho thơ ca thế giới. Hiện nay Nguyễn Đỗ sống ở San Francisco, chuẩn bị xuất bản tập thơ cá nhân New Darkness, NXB Milkweed Editions, 2010. 

• Thưa anh, có kiến cho rằng vì chọn lựa việc sang Mỹ  học tiếng Anh, để làm thơ, dịch thơ  Việt nên… gia đình anh tan nát? Xin lỗi phải hỏi câu quá đời tư này, từ lý do nào khiến anh có quyết định mạnh mẽ như vậy?
- Tôi là nhà thơ chứ không là thánh hay là nhà cách mạng để hy sinh gia đình cho vì bất kì lí do gì. Thế nhưng đi Mỹ để học tiếng Anh để làm thơ, dịch thơ với tôi lúc đó gần như là một lối thoát duy nhất, phiêu lưu nhưng mà đủ lãng mạn có thể có cho một dạng nhà thơ như tôi. Và cứ ngoái lại phía sau đi, nếu tôi không đi Mỹ thì giờ này thơ tôi và một số nhà thơ khác chắc chắn vẫn chầu rìa, chả ai thèm để ý chứ đừng nói chuyện dịch sang bất cứ ngôn ngữ nào, dẫu chỉ là…Lào! Và nữa, bao giờ, và ai,  như tôi suốt 30 năm sẽ cõng cuốn Toàn tập Nguyễn Trãi đi khắp thế giới rồi một ngày dịch thơ ông sang tiếng Anh?
• Trong quá trình chạm chân vào nước Mỹ và văn chương tiếng Anh, giữa việc “tu luyện” tiếng Anh cho bản thân với việc làm thơ và dịch thơ Việt ra tiếng Anh, anh nghĩ việc nào là hệ trọng nhất?
- Không có việc gì là hệ trọng nhất, vì đơn giản đó là một chu trình, một điều kiện bắt buộc để tồn tại. Tiếng Anh để trả giá khi đi chợ, để phân bua với cảnh sát nếu bị bắt, để bảo vệ mình nếu phải ra tòa và nhất là kiếm việc làm. Và rồi tiếng Anh để tự ngắm nghía chính mình hiện ra, an ủi rằng mình vẫn tồn tại trong một môi sinh ngôn ngữ thơ ca xa lạ.
Tất thảy là một vòng xích định mệnh. Nên nhớ, ra đời tôi là một đứa trẻ nghèo khổ, gày gò ốm yếu. Tôi chỉ cảm thấy mạnh mẽ, được bảo đảm và đầy kiêu hãnh khi làm thơ và có bài thơ mang tên mình trên một cột báo hàng tỉnh miền Trung Việt Nam. Còn bây giờ cái tên ấy xuất hiện trên một tờ báo Mỹ, cái cảm giác có vẻ huyễn hoặc ấy đã giúp tôi không tự tử những khi khốn khó nhất.
• Sau một số tuyển thơ Việt được giới thiệu với độc giả Mỹ, anh nghĩ thách thức lớn nhất của việc giới thiệu thơ Việt vào trong văn chương tiếng Anh là gì?
- Sau tuyển thơ Việt Nam đương đại, Black Dog, Black Night, và Beyond the Court Gate, cùng với hai dự án thơ đang tiến hành khác, thì thách thức nhất của việc dịch thơ Việt là không còn thơ hay để dịch. Đây là một sự thực, cách đây không lâu khi trả lời phỏng vấn báo Phụ Nữ Thủ Đô, tôi cũng nói một ý liên quan đến điều đó. Phóng viên hỏi đại ý: Khó khăn nhất của anh khi dịch thơ sang tiếng Anh là gì; tôi nói “ là phải dịch thơ dở”. Nói một cách khác, khi thơ Việt còn có thơ hay, thì nó sẽ không là thách thức cho bất cứ ai,  nó sẽ có mặt trên thế giới không cần xin suất dịch của hội nào, của ai, và kể cả… Nguyễn Đỗ!
• Vậy thì có không hố ngăn cách về mỹ cảm, về tư duy, về hình tượng… trong suy nghĩ của các nhà thơ Việt và nhà thơ Mỹ?
- Có một cái hố cực lớn cho không chỉ thơ Việt mà nghệ thuật Việt đó là cấu trúc tổng thể. Nghệ thuật Việt manh mún không có những cấu trúc triết học tổng thể. Thơ Việt hầu hết chỉ có những xúc cảm chi tiết, có câu, mà không có những xúc cảm phổ quát. Hoặc ngược lại một số nhà thơ tìm cách phô bày ý niệm triết học thì ái oăm thay nó hoặc là triết lý vặt nhô ra khâng khấc, xúc cảm sống sượng.
Một điều nữa là, một đời sống xã hội khác, xúc cảm nghệ thuật sẽ khác và đa dạng hơn.
• Với cá nhân anh, dịch thơ cổ điển và đương đại, cái nào khó hơn?
- Câu này một ý tôi đã trả lời ở trên, rằng cái khó nhất là thơ dở, còn mỗi dạng thơ có cái khó riêng. Ví dụ cổ điển như Nguyễn Trãi,  nhưng từ trước đến giờ bản tiếng Việt nhà thơ Việt đọc chả thấy thơ ông hay ở đâu thì làm sao dịch. Thơ hiện đại hay như Đặng Đình Hưng thậm chí nhiều nhà thơ còn không gọi là thơ, thì dịch cái gì? Nhân nói đến điều này tôi xin đề cập đến một bất cập khác trong thơ cổ điển Việt là chúng ta đã dịch từ Hán hay Nôm sang tiếng Việt quá dở. Thầy giáo, sinh viên , người đọc phải liên tục dịch từ dạng tiếng Việt này sang tiếng Việt khác. Ví dụ thơ Nguyễn Trãi, bản chữ Nôm đuợc dịch: “ Rỗi hóng mát thủa ngày trường/ hòe lục đùn đùn tán rợp giuơng/ thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ hồng liên trì đã tĩn mùi hương”, đọc thế này ai mà hiểu được, lại phải chú thích, lại dịch nữa. Vì toàn những âm thanh tối ngóm: ngày trường, hòe lục, thức đỏ, tĩn..” thơ Việt ơi là tiếng Việt, hỏi thế làm sao thấy thơ Nguyễn Trãi hay mà chỉ thấy yêu nước của Nguyễn Trãi là hay trong Bình Ngô Đại Cáo mà thôi!
• Anh thẳng thắn nói ra tất cả những điều này, có phải vì anh đang ở Mỹ?
- Tôi làm thơ hay dịch thơ là tình yêu, nhu cầu tự thân tự nguyện chứ không vì ai và cho ai , và chả ai “đặt hàng” cho tôi cả. Chính vì thế cũng như câu hỏi đầu tiên, tôi muốn trả lời thêm rằng, không ai đặt hàng cho tôi đói khổ hay để tan nát gia đình!
• Xin hỏi thêm, lúc trước anh có tiết lộ việc dịch Tổng tập thơ Việt Nam, nó sẽ gồm bao nhiêu nhà thơ, bài thơ và khi nào xong?
- Vâng đây là kế hoạch 5 năm của tôi và nhà thơ Paul Hoover, sẽ bao gồm toàn bộ tinh hoa thơ Việt, từ thơ dân gian (đặc biệt thơ Hồ Xuân Hương sẽ được coi là thơ dân gian theo quan niệm của tôi) đến thơ cổ điển, thơ hiện đại và đương đại. Công trình này đang ở giai đoạn sưu tầm tư liệu. Bên cạnh đó, tôi cùng nhà nghiên cứu Phật giáo, tiến sỹ Elise DeVido ở đại học New York làm một dự án cực kì thú vị, tuyển tập thơ Phật giáo. Hiện nay tôi đã dịch được vài chục bài thơ thiền thời kì sơ khai Phật giáo Việt Nam. Những sáng tác quan trọng nhất của tuyển thơ này cùng với tuyển thơ đương đại sẽ được sử dụng vào tổng tập thơ Việt. Một công ba bốn việc!
 
(Theo Thể Thao & Văn Hoá cuối tuần số 14 (139) 2-8/4/2010