Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẰM MÌNH TRONG NHỚ ĐỂ QUÊN

Chử Thu Hằng
Thứ năm ngày 8 tháng 4 năm 2010 7:15 AM
Một sự tình cờ cho tôi được đọc tiểu thuyết Suối Quên của nhà văn, nhà thơ Trương Hữu Lợi. Không dám bình luận hay nhận xét gì về cuốn sách của ông, tôi chỉ ghi lại ở đây vài suy nghĩ khi đọc xong cuốn tiểu thuyết.
Ngay từ cái tên sách đã làm tôi suy nghĩ. Tại sao lại quên, trong khi hằng ngày báo, đài, tivi cứ ra rả nhắc mình phải nhớ. Nhớ quá khứ để tự hào. Nhớ ơn những người có công với đất nước. Nhớ nghĩa vụ của một kẻ làm người trong trời đất này… Vâng, đã sinh ra làm người, biết bao điều ta không được phép quên. Vậy mà, các nhân vật của tiểu thuyết lại quên cả tên tuổi của mình, chỉ còn là những cái tên ước lệ: Hành Khất, Thiếu Phụ, Dị Nhân, Kình Ngư, Mắt Hiếng… để đại diện cho bao kiếp người trên mảnh đất lầm than này. Và những vùng đất, núi sông, những nhân vật của tiểu thuyết cũng được tác giả đặt vào một không gian văn học rất lạ. như phủ rất nhiều sương khói của lãng quên. Nhưng, gánh nặng của quá khứ, những đau đáu của một thời, của một kiếp người chỉ đợi một ánh chớp nhằng lên, xé toạc những mụ mị của trí nhớ để hiện về.
Xuyên suốt tác phẩm là những trăn trở của Hành Khất, người đã từng là Hoàng- con út một thày lang thất thế, đã từng là một giáo sư , nhưng giờ đây, anh chỉ là một con người với “… nỗi bất an, nỗi cô đơn, nỗi khao khát khẳng định bản thân của chính Hoàng. Hoàng lơ mơ nhận biết con người mình khá phức tạp, bi kịch của một tri thức bị quá nhiều đức tin chi phối. Hoàng phải vật vã nhận chân ý nghĩa đích thực của kiếp người.” (t. 201).
Hành trình đi tìm “ chân ý nghĩa đích thực của kiếp người.” (t. 201) đó đã đưa chúng ta cùng nhân vật trở về nông thôn thuở trước. Một nông thôn bị giặc chiếm với những đoàn người bế bồng con cái tản cư trong đêm, những đồng ruộng lởm chởm gốc rạ, chập chờn ánh lửa ma trơi. Nơi nạn đói đã làm vợi đi nửa làng, một mạng người chỉ đáng giá bốn chinh, với những người dân “có bao phẩm chất tốt đẹp, nhưng cũng có lắm thói hư tật xấu. Họ chỉ tốt với nhau khi đối mặt với thiên tai, địch họa. Lúc yên bình thì đua tranh, kèn cựa, hãm hại lẫn nhau.” (t.225)
Đỉnh điểm của sự phản kháng, bứt phá khỏi sự tù túng chốn làng quê của nhân vật là hành động “châm lửa đốt nhà ra đi, nguyền không bao giờ trở lại” (t. 140). Nhưng, quê hương dù đói nghèo vẫn là sợi dây neo giữ lòng người bền vững nhất. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”. Hai năm sau, Hoàng lại đưa vợ con trở về để đau cùng nỗi đau của quê hương đang bị chiếm đóng: “…xe cam nhông, xe bọc thép chạy rầm rầm. Tàu chiến giặc chạy xình xịch dọc sông Huyết Huệ. Đạn pháo, đạn moc-chi-ê bắn vu vơ vào làng. Ban ngày, xe lội nước quần đảo khắp các cánh đồng. Đất ruộng mùa ngập úng, mùa khô hạn hoang hóa.” (t.145). Trong kí ức của Hoàng, trận càn năm ấy vẫn như vừa hôm qua. Những toán lính xộc vào làng giết người, hãm hiếp, tiếng kêu khóc, tiếng súng, tiếng mìn, rền vang khắp làng.
Nhân vật của chúng ta cũng không đứng ngoài cuộc đấu tranh của toàn dân để giải phóng quê hương. “…vào Mặt trận, Hoàng hoạt động bí mật ở xã. Thi thoảng ban đêm tranh thủ về ngủ bên vợ, con.” (t. 147). Trận càn năm ấy, vợ Hoàng suýt nữa bị Tây đen hãm hiếp, để đứa con máu mủ sinh ra cũng mang mặc cảm bởi những lời đồn đại độc địa đến mức phải bỏ đi biệt tích. Vợ anh cũng vì đau đớn mà bỏ đi. Gia đình Hoàng tan đàn xẻ nghé. Cuộc đời đun dẩy Hoàng từ một trí thức trở thành Hành Khất, để đi tìm vợ con, cũng là đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình.
Bằng trái tim nhạy cảm của một trí thức, anh từng nói :
“- Tôi muốn mưa thật to. Mưa ngày này qua ngày khác. Một cơn đại hồng thủy cuốn sạch mọi rác rưởi. Ai tham lam, ích kỉ chìm nghỉm. Ai lương thiện, siêng năng thì nổi lên và neo đậu lại mảnh đất trù phú này. Một mùa màng mới tinh, những hạt giống chắc mẩy, không nhiễm sâu bệnh.” (t.225)
Và “sẽ có đại hồng thủy. Đó là hiểm họa mà cũng có thể là mầm phúc.” (t.225)
Trong lịch sử, Kinh Thánh của phương Tây cũng như trong kho tàng truyện cổ, loài người cũng từng ước mơ có những trận đại hồng thủy như vậy. Những trận đại hồng thủy thanh lọc cái tốt và cái xấu. Khi đó, mỗi con người phải tự tẩy rửa chính mình để có thể tồn tại, hòa nhập cùng một thế giới mới đã được gột rửa sạch sẽ.
Hành Khất ước mơ lập tượng đài Nỗi đau một thuở để ghi lại, nhắc nhở mọi người nhớ mãi quá khứ đau thương của dân tộc. Nhưng, suy cho cùng “Mổ xẻ quá khứ là không cần thiết. Cái gì quên được thì nên quên. Đánh bóng quá khứ rùm beng cũng chẳng ích gì.” (t.234)
Và có thật cần thiết không, nếu “Cư dân ở đây biết lãng quên những chuyện tầm phào để sống bình yên, thanh thản. Tượng đài của thầy không chỉ lạc lõng mà còn khuấy đảo lòng người, làm lòng người nhiễu loạn.” (t.234)
Hành trình đi tìm “ chân ý nghĩa đích thực của kiếp người.” (t. 201) đó còn mở ra cho Hành Khất những góc độ mới của cuộc sống. Nền văn minh lúa nước của người Việt, với những con người mang trong mình “…những điều vụn vặt, những khiếm khuyết bẩm sinh của cư dân nông nghiệp. Tính tự ái, tính do dự, nửa vời và cả lòng ganh ghét, đố kị.” (t.179) đó là chỗ cho những tập tục, đạo giáo mị dân phát triển: “…ta du nhập đủ thứ tín ngưỡng. Đạo nào cũng huênh hoang thiên kinh vạn quyển. Kinh kệ rối rắm chỉ tổ lòe bịp dân chúng. Bọn phù thủy núp bóng thánh thần, mượn kinh sách hành dân, vơ vét tiền bạc, đất đai làm giàu cho bản thân. Bọn quan tham và bọn thầy cúng rởm câu kết, dựa dẫm lẫn nhau.” (t. 252). Rồi anh chợt “… ngộ ra rằng, sống càng giản dị, tự nhiên như cỏ cây, hoa lá thì càng dễ cảm nhận hạnh phúc.” (t. 114)
Trong một buổi hầu đồng “…anh thấy lòng mình thanh thản vô cùng. Anh thấy mình với các đấng linh thiêng sao gần gũi như không còn khoảng cách. Anh chợt nhận ra vẻ mầu nhiệm, sức quyến rũ của tín ngưỡng dân gian. Anh đang ngồi giữa không gian tâm linh trong trẻo với khát khao hướng thiện, hướng tới hạnh phúc bình dị của người lao động cần cù.” (t. 174) Anh đã hiểu ra một điều giản dị “ Xứ mình còn trường tồn qua bao thăng trầm, thiên tai, giặc giã chính là nhờ bản chất cần cù , nhẫn nại, tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau của hàng triệu triệu người dân lương thiện. Rất nhiều thứ tôn giáo như phao cứu sinh nổi lềnh bềnh cho dân chúng bám víu vào mà bơi qua bể trầm luân.” (t. 169)
Nơi Hành Khất tìm lại được vợ con, tìm được ý nghĩa của đời mình dường như là một đạo mới, đạo Quên, bên bờ suối Quên, trong chùa Quên. “ Chùa không cần tượng, không cần hoành phi, câu đối, võng lọng, cờ quạt, ban bệ. Ta gọi là chùa Quên. Không cần kinh sách gì. Ai vào chùa chỉ cần nói: “ Lạy trời, lạy đất, cho con tắm suối Quên”. Quên mọi thù hận, mọi khổ đau tự khắc tâm tính ta thanh thản, hạnh phúc.” (t. 254)
Hạnh phúc của con người, gần gũi nhất, đó là mái ấm gia đình. Vậy mà quá nửa cuộc đời, anh mới hiểu ra
“…gia đình là tất cả với kiếp người. Ngày còn trẻ tôi nghĩ, gia đình như xiềng xích làm ta ích kỉ và yếu hèn. Nay thì tôi hiểu cha mẹ, vợ con là bờ bến của mỗi người.” ( t.223)
Hạnh phúc của con người, còn được hiểu như là sự thăng hoa của tình yêu. Bao nhiêu người đã cố tìm cách định nghĩa tình yêu. Tôi gặp ở đây một định nghĩa thú vị
“- Tình yêu như món hàng xa xỉ. Nó được lòng tốt, đức hi sinh và tâm hồn mộng mơ của mỗi người thêu dệt nên. Ai không có đức hi sinh, không lương thiện, không mộng mơ thì chẳng biết tình yêu là gì.” (t.218)
Hành Khất , dẫu anh muốn Quên, nhưng lòng anh vẫn còn trăn trở thật nhiều với cuộc sống, với những suy tư của anh về thực trạng nền giáo dục nước nhà, về tương lai lớp trẻ trong những thông điệp mà anh gửi gắm trong tác phẩm này.
“…sách giáo khoa viết rằng: nước ta rừng vàng, biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu thẳng cánh cò bay. Nước ta là tấm gương cho cả thế giới noi theo. Họ nói thế cũng không sai. Họ muốn thổi vào hồn trẻ thơ niềm tự tôn dân tộc. Nhưng cũng cần nói với các em rằng, chúng ta là nước nghèo, rất lạc hậu. Muốn thoát ra khỏi cái màng nhện kia, thoát ra khỏi tấm lưới bùng nhùng khó khăn kia, thì ta phải học, phải lao động cật lực và phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau.” (t. 241)
“ …có bằng cấp, có học vấn, có kinh nghiệm.
- Những thứ đó chỉ là cái ngọn. Cái gốc của người thầy là đức dày, là tâm hồn thanh thản, tin yêu cuộc đời thì mới trồng người được. Giáo dục xứ mình hỏng từ gốc. Thày không ra hồn thầy thì sao có trò giỏi được.” (t. 223)
“- Nếu mình nghèo hèn, tụt hậu thì cứ nhận mình là ăn mày để mà gắng gỏi, việc gì phải sĩ, lúc nào cũng vỗ ngực tự hào.” (t. 233)
Những trăn trở, suy tư, yêu thương và trách nhiệm với cuộc sống thấm đẫm trong từng trang viết. Tôi hiểu, “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” mà. “ Sinh ra trên đời đã khó. Làm một con người lương thiện trong thời buổi nhiễu nhương này còn khó hơn.” (t. 258)
Vậy đó, đằm mình trong Suối Quên, nhưng sao lòng lại nhớ. Tôi muốn đặt câu thơ của nhà thơ Đặng Vương Hưng vào đây để kết thúc bài viết này
 HỌC QUÊN, ĐỂ NHỚ CHO NHIỀU.
 
HN ngày 5 tháng 4 năm 2010
Chử Thu Hằng