Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI NGƯỜI THÁCH THỨC CHÍNH MÌNH(*)

Phạm Thuận Thành
Thứ ba ngày 6 tháng 4 năm 2010 5:25 AM
My
 
     Là bạn đồng môn từ thời Lục quân 1, cách nay ngót ba chục năm, nên tôi theo dõi khá sát “nghiệp thơ” của Nguyễn Anh Nông, hiện đang là nhà biên kịch của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Từ Bàn tay lá cỏ (tập 1 xuất bản năm 1993, tập 2 xuất bản năm 1995) đến tập gần đây nhất là trường ca Trường Sơn (NXB Văn học-2009), tổng cộng Nguyễn Anh Nông đã có 6 tập thơ riêng, tập sau luôn là sự vượt lên tập trước về nội dung và thi pháp. Mới đây lại được đọc tập thơ nghìn bài của anh, chủ yếu là thơ 3 câu như một thể nghiệm Việt hóa  thể thơ Haicu của Nhật. Cũng là một dấu mốc cách tân nữa của Nguyễn Anh Nông.
   Đọc một hơi nghìn bài thơ 3 câu được đánh số thứ tự răm rắp, như kiểu bạn bè lâu ngày gặp nhau thì phải “ trăm phần trăm” chén thứ nhất. Đọc lại lần nữa lai lai nhâm nhi để tận hưởng cái lạ, cái hay, để thấy được và cái chưa được trong từng “món thơ” bạn mời. Và chia sẻ cái ý tự thách thức chính mình của tác giả.
   Cái được thứ nhất là sự cách tân thể thơ Haicu. Tiếng Nhật đa âm tiết, ba câu nhưng yêu cầu câu đầu và câu ba gồm 5 âm, câu hai 7 âm, chuyển sang tiếng Việt tương ứng với 5 chữ và 7 chữ: Gã nông dân rất hay/Bụng to, đầu to và miệng rộng/Nuốt chửng cả trời sao (bài 1). Nguyễn Anh Nông làm theo hướng căn cứ theo âm này vài trăm bài. Sau đó anh căn cứ vào câu có khi chỉ là một từ, vậy tiếng Việt có khi chỉ là một từ (từ đơn hoặc từ kép) và anh cũng làm theo hướng căn cứ vào từ vái trăm bài: Bơ phờ/Hoa cuối vụ/Bão tan (bài số 913). Lại có một số bài anh mở rộng số câu lên vượt ra khỏi ngưỡng ba câu, không gò bó vào hình thức nữa. Một sự cách tân nữa là mở rộng phạm vi đề tài, đưa đời sống đa dạng vào đầy ắp trong tác phẩm của mình. Ngũ trụ Haicu đều là sư, các vị làm thơ ắt là đầy chất thiền do môi trường sống, và thường gắn với thiên nhiên, phong cảnh cũng do môi trường sống khuôn ra. Vậy thể thơ Haicu đâu chỉ dành riêng cho các nhà sư và đâu phải chất thiền, chất phong cảnh là đặc điểm riêng của thể loại này, mà phải nói rằng chất thiền và chất phong cảnh là đặc điểm riêng của ngũ trụ Haicu thôi.
   Cái được thứ hai là Nguyễn Anh Nông đã vận dụng triệt để văn học dân gian vào thể thơ ngắn. Đó là chất trữ tình, chất dự báo, chất hài hước dí dỏm, chất đúc kết kinh nghiệm và cả chất đồng dao nữa. Vận dụng chứ không phải là làm theo. Bởi vì đây là làm thơ chứ không phải làm ca dao tục ngữ hay làm đồng dao.
   Cái được thứ ba cũng là yếu tố chính để Nguyễn Anh Nông khẳng định bản lĩnh nhà thơ của mình, đó là chất thơ, chất khái quát trong bài thơ dù chỉ là thơ ngắn ba câu. Yếu tố này tạo nên hiệu quả thẩm mĩ, hiệu quả nghệ thuật và sự dư ba ám ảnh người đọc. Hãy ngắm lại gã nông dân ki kĩ một chút xem. Cái gã này hay lắm, hay ở cái chí thôn Ngưu Đẩu, nuốt cả trời sao. Thế nhưng cái hình ảnh bụng to, đầu to, miệng rộng nó bất thường, nó đưa về hình ảnh của người suy dinh dưỡng, cả đời suy dinh dưỡng, đói khát, khổ sở, phải ăn toàn những thứ giời ơi để cầm hơi. Hay ở thế nói mát, nói bóng, nói ngược. Và chất nhân văn đã bộc lộ ra. Và đó chính là chất thơ khái quát về người nông dân. Nguyễn Anh Nông viết về làng quê cũng rất ấn tượng. Không phải anh chỉ viết mà còn vẽ và đặc tả: Mái đình cong vầng trăng/Cánh hạc bay ngang tầm tay với/Bì bõm chiều sương giăng (46). Cảm xúc lịch sử, ý thức dân tộc cũng sâu sắc qua ít chữ thôi, và dòng chảy lịch sử cứ chảy tràn ra khỏi trang viết mà làm ướt, làm sạch người đọc: Khuê Văn Các trang văn/Chảy lấp lánh ngàn năm lịch sử/Chảy trong hồn nhân gian (82). Một điều đáng chú ý nữa là chất hóm, chất hài lấp lánh trang thơ. Giúp người đọc cả nghìn bài vẫn thấy thú vị. Đó chính là sự tinh tế của người viết làm chủ nguồn quặng chữ: Yêu quê hương hồn nhiên/Chỉ quê mình mới đẹp mới xinh/Xứ người toàn... đồ đểu (20). Hài đấy mà vẫn đầy tính giáo dục không đưa người ta vào chủ nghĩa tự nhiên hay cục bộ địa phương.
   Nhưng cái mạnh nhất vẫn là những bài thơ viết về các góc cạnh tâm tư tình cảm con người. Nghĩ về chum vại hứng nước mưa gốc cau làng quê mà viết ra thơ: Đầy chum đầy ché/ Mấy buồn vui sóng sánh hôm mai/Đong nỗi nhớ vơi đầy năm tháng (905). Nghĩ về thời gánh vã bỏng vai việc đồng áng cũng viết ra thơ: Gánh buồn vui xốn xang/Bước năm tháng kĩu cà kĩu kịt/Rơi vãi không hề ít (926). Hai câu đầu nghiêm túc và đượm buồn, nhưng câu thứ ba chuyển ý bất ngờ làm cho bài thơ sáng lên chất hóm. Lại có lối tư duy dĩ độc trị độc trong thơ, thế nhưng càng ngẫm càng thấy hợp lí và hay độc đáo, có lẽ chỉ tư duy thơ mới có: Mang tuyết trắng nước Nga/Sưởi mùa đông Hà Nội đêm nay/Ý nghĩ ngùn ngụt cháy (201). Hà Nội đêm nay lạnh giá nhưng so với xứ tuyết trắng thì cái lạnh giá này có thấm tháp gì, bõ bèn gì. Viết về người con gái đẹp và sự đỏng đảnh nhân duyên: Trăng lưỡi liềm/Loáng thoáng em treo giấc mộng vàng/Tít mù xa mùa hứa râm ran (906). Bởi vì anh ngắm người đẹp bằng cả sự dung tục: Da diết nồng nàn/Ánh mắt em ủ mầm hi vọng/Anh khát khao độc chiếm… (907). Và khi thu phục được rồi thì: Vạm vỡ ngực trai cày/Xới tung đất đai hoang dại em/Gieo hạt mầm trăm năm (61).
   Tuy nhiên, bên cạnh những cái được vẫn còn nhiều cái cần tỉnh táo, cầu thị. Bùng nổ sáng tạo là sự thăng hoa “trời cho” đôi khi rất hiếm hoi, vẫn cần sự tĩnh lặng suy ngẫm, trau chuốt. Thơ cần thật tinh. Nếu bình tâm suy ngẫm và suy ngẫm thì chất thơ trong mỗi bài thơ hẳn sẽ lấp lánh hơn.Và nghìn bài thơ sẽ là một bữa tiệc nhiều món ngon hấp dẫn, chứ không phải một mâm cỗ “tú hụ” những món lạ nhưng…khó xơi!
 
(*) Nguồn: Bài viết này đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần số 744(1023) ra ngày 4-4-2010

Địa chỉ tác giả:
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
2413.782.355 -  0168.5300.803
MAIl:
anbinhthanh@gmail.com