Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VŨ BẰNG - CÁC TÁC PHẨM MỚI TÌM THẤY

Việt Quế - Lại Nguyên Ân
Thứ ba ngày 6 tháng 4 năm 2010 3:54 PM

Phóng viên VIỆT QUÊ, báo ‘Tuổi trẻ’ Tp. HCM
Phỏng vấn nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân

1. Thưa ông, việc công bố những tác phẩm mới tìm thấy của Vũ Bằng có ý nghĩa như thế nào?
 
L.N.A. – Tôi muốn đưa tới người đọc những tác phẩm của Vũ Bằng mà ngay cả những bạn đọc yêu giọng văn riêng của nhà văn này cũng còn chưa biết; tôi cũng muốn nhân đây nhắc nhở các đồng nghiệp ở hai giới, nghiên cứu và xuất bản: giới nghiên cứu văn học và sử học, –  về việc tìm tài liệu liên quan đến mỗi nhân vật, mỗi tác gia, gắng đừng quên nguồn tài liệu nào; giới xuất bản, – về việc thực hiện các bộ sách gọi là “tuyển tập” hoặc “toàn tập”, gắng đề ra yêu cầu bao quát toàn bộ đối với các nhóm biên soạn vốn đang muốn làm theo hướng vơ bèo vạt tép, ăn xổi ở thì, biến những bộ sách có nhan đề sang trọng to tát thành những bộ sách tạp nham, không dùng được!

2. Vũ Bằng - qua cuốn sách này, là một người viết báo, làm việc cho một nhật báo (Trung Bắc tân văn), nhưng có thể thấy chưa có sự tách bạch, hay xác định một phong cách báo chí, mà thường là ‘nửa văn nửa báo’. Từ trường hợp này, ông nhìn nhận gì về báo chí VN thời đó?
 
L.N.A. – Ở một chú thích dưới chân trang của phần Lời dẫn ở đầu sách ‘Các tác phẩm mới tìm thấy’ của Vũ Bằng, tôi có nêu một nhận xét riêng, cho rằng, trong sự phát triển của văn học và báo chí ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, nghề báo thường gắn khá chặt với nghề văn. Thời gian ấy, sự cộng tác của hai giới cầm bút ấy là cực kỳ cần thiết để cùng tạo dựng ngôn ngữ viết (literary language) cho cộng đồng người Việt ở thời hiện đại. Báo chí Việt Nam ra đời với sự phổ cập chữ Quốc ngữ (= tiếng Việt ghi bằng âm la-tinh), tiếp đó nó đồng hành với việc phổ cập kiểu trường học Pháp-Việt (loại hình trường phổ thông ‘song ngữ’ dạy cả bằng chữ Pháp lẫn chữ Quốc ngữ), rồi tiếp đó nữa, nó đồng hành với nền văn chương Quốc ngữ xuất hiện và vận hành theo hướng hiện đại hóa (mà các thể loại chính là kịch nói, thơ mới, văn tiểu thuyết, văn phê bình).
Việc thông tin bình luận thời sự chính trị trong hoàn cảnh chế độ thực dân không phải là ưu thế của hầu hết nhà báo người Việt. Số đông người cầm bút tập trung vào lĩnh vực văn hóa, văn chương (riêng văn chương còn là thứ ‘bất ly thân’ của những cây bút xuất thân nho gia); trên nền cảnh báo chí đương thời, họ không chỉ làm nên một cuộc “cách mạng thi ca” gây chấn động dư luận, mà còn lặng lẽ và đều đặn đưa vào công chúng những lối văn kể chuyện, văn tiểu phẩm, văn hoạt kê, v.v… vốn chưa phổ biến ở xã hội ta trước đó; trong khi ấy, nhiều lối văn lối thơ rất xưa cũ cũng tìm được “đất sống” trên báo chí đương thời.
Các chủ báo những năm ấy tự thấy sống được, tồn tại được là nhờ các nhà văn viết báo. Chủ báo (cơ quan chủ quản, nhà kinh doanh) trao toàn quyền cho chủ bút; chủ bút điều hành tờ báo theo năng lực, theo tầm mức các mối quan hệ và theo thị hiếu của mình. Vì thế không lạ gì việc tờ báo mang nhãn ‘Phụ nữ’ (‘Phụ nữ tân văn’ ở Sài Gòn) lại có thể trở thành diễn đàn cho những tên tuổi lớn đương thời như Trần Trọng Kim, Phan Văn Trường, Đạm Phương, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.v… về những vấn đề lớn như: thái độ nên có đối với ‘Vấn đề phụ nữ’ trong xã hội hiện tại, giá trị và các vấn đề của di sản Nho giáo, hoặc câu hỏi ở xứ ta đã có hay chưa có nền ‘quốc học’? Một ví dụ nhỏ nhưng đáng nhớ nữa là hầu hết các trang quảng cáo của báo chí Sài Gòn hồi những năm 1930s đều ‘dẫn dụ’ người đọc bằng feuilleton  (tức là các đoạn truyện vừa truyện dài đăng đều kỳ) đặt ở 1/3 đầu hoặc chân trang, 2/3 trang còn lại đăng các quảng cáo: tờ báo hy vọng vì người đọc ham đọc truyện nên cũng để mắt tới các nội dung quảng cáo! Không ít nhà văn được các báo mời làm chủ bút chỉ để dành quyền đăng tải đều kỳ (feuilleton) các truyện dài của ông ta.
Theo tôi quan sát, chỉ từ giữa đến cuối thế kỷ XX ở Việt Nam, nghề văn và nghề báo mới tách rời nhau theo hướng chuyên môn hóa, tức là bên cạnh loại chính là báo chí xã hội chính trị, còn có các loại hình báo chí chuyên ngành trong đó có báo chí văn học. Tuy vậy, nhìn chung, báo chí vẫn là một trong những kênh tồn tại của văn học; đời sống văn học vẫn diễn ra và vẫn được thông tin bởi các phương tiện truyền thông như báo giấy, báo nói (truyền thanh), báo hình (truyền hình), báo mạng (internet).
 

3. Như ông nói, qua những trang viết của Vũ Bằng (trong cuốn này) các biến cố xã hội (VN và thế giới) năm 1945-1946 hiện ra thật rõ nét, điều ít tìm thấy ở các nhà văn VN đương thời. Điều này là do duyên may (công việc làm báo của Vũ Bằng) hay nhờ bản lĩnh?
 
L.N.A. – Tôi nghĩ, do cả hai: bản lĩnh và duyên may. Khi Vũ Bằng ngồi ghế chủ bút một tuần báo nào đấy, dường như ông luôn nghĩ người đọc hiện đang cần biết những gì? trên toàn thế giới và tại xứ mình đang xảy ra những chuyện gì? Vậy là ông tìm cách đặt bài người này người kia hoặc tự mình đi phỏng vấn, tự tay viết hoặc dịch từ nguồn tin bên ngoài, v.v… Trong sưu tập này bạn không thể thấy những việc ở tòa soạn, ví dụ điều mà nhà văn Kim Lân hồi sinh thời đã kể với tôi: biết Kim Lân khi ấy sống ở nông thôn (Chợ Dầu, Bắc Ninh), Vũ Bằng khuyên ông nên viết về các chuyện phong tục làng quê, vì vậy ông đã có được một mảng truyện khá, về sau ông sẽ đi tiếp mạch này để đạt tới những trang của ‘Làng’  hay ‘Vợ nhặt’. Các năm 1945-46 ở Hà Nội cũng có không ít nhà văn làm việc trong các tòa báo, nhưng có thể hoặc vì sự thờ ơ hoặc vì sự cực đoan nên có quá ít người để lại cho hậu thế được những trang ghi thời sự tương đối rõ người rõ việc như Vũ Bằng. Nhiều chục năm trước đây, các nhà giáo biên soạn sách đốt đuốc đi tìm, chỉ thấy được 2 dấu vết ‘chứng nhân thời đại’: bài tùy bút của Nam Cao trên tờ ‘Tiên phong’ của Hội Văn hóa cứu quốc và bài tùy bút của Nguyễn Tuân trên tờ ‘Văn mới’.  Bây giờ, với sưu tập này, chúng ta biết thêm trên 10 bài của Vũ Bằng ghi chuyện thời sự 1945-46. Điều này cho thấy sự nhạy bén với thời sự chính trị ở cây bút nhà văn là một lợi thế riêng mà nhà báo bình thường rất khó sánh kịp.
 
4. Vũ Bằng là một cây bút sắc sảo, hóm hỉnh, có sức ảnh hưởng; thế nhưng trong công việc làm báo (viết báo) nhiều khi cũng mắc vào những ấu trĩ, câu khách (như bài viết về ma-cà-rồng). Ông nghĩ gì về điều đó? Về công việc viết báo của cánh nhà văn hiện nay?

L.N.A. – Sự ấu trĩ hay xu hướng câu khách là điều mà báo chí thông tục rất khó tránh. Xin nhớ cho rằng làm nhà báo thông tin thì rất khó vượt lên trên thời đại; thời trước 1945 và cả thời nay nữa, báo chí (mà không chỉ các tờ bị gọi là ‘lá cải’) Đông Tây đều đầy rẫy các chuyện dị đoan lạ tai hấp dẫn người đọc. Ngoài mọi việc khác, báo chí còn là nơi thỏa mãn thói ‘ngồi lê đôi mách’, ‘buôn dưa lê’ của người đời; những trang ‘dật sự’ xưa kia hay ‘chuyện lạ’, ‘chuyện vui’ lấp chỗ trống ở báo in ngày nay, vẫn còn “đất sống” là vì thế. Vấn đề là trình độ văn hóa, tư duy khoa học, óc hoài nghi, v.v… sẽ giúp nhà báo quyết định đặt bút diễn đạt các việc nghe thấy từ xa hay từ gần ấy như thế nào. Ở chỗ này, mọi sự tùy thuộc bàn tay của chủ bút (tổng biên tập). Nhưng tôi xin lưu ý rằng, ngay khi có vẻ như sa đà vào các ‘lề thói người đời’ như vậy, một cây bút tầm cỡ vẫn biết cách ghi lại cho đời sau những nét hoặc cả tin thơ ngây hoặc tín cẩn mù quáng của con người thời mình xứ mình. Nụ cười kín đáo của Vũ Bằng ẩn sau các trang chuyện dị đoan do tay ông viết, cho thấy điều đó.
Cánh nhà văn nước ta từ những năm 1990s, sau mấy thập niên hơi tỏ ra xa cách báo chí, lại trở về sự mặn mà vốn có trước kia với nghề này. Một số đông người viết trẻ hiểu ra sự tách bạch về nghề nghiệp, đã định rõ con đường riêng: hoặc lấy nghề báo làm nghề chính, hoặc lấy viết văn làm nghề chính, và can dự báo chí từ sự tự đinh hướng ấy của mỗi người. Một số ít người cầm bút lớn tuổi hơn, đã là nhà văn chuyên nghiệp, trở lại hoạt động báo chí như cách thức của một nhà hoạt động văn hóa lên tiếng trước các vấn nạn xã hội bức xúc. Đó là dấu hiệu tốt của ý thức công dân ở giới nhà văn. Ngoài ra, với tư cách người từng trải nhiều chuyện đời chuyện người, ngòi bút viết báo của nhà văn lớn tuổi vẫn cần cho nhu cầu đa dạng của nhiều loại người đọc.

5. Trong thời gian sắp tới, ông có góp thêm điều gì mới nữa về di sản của nhà văn Vũ Bằng nói riêng, các nhà văn ‘tiền chiến’ nói chung?

L.N.A. – Tôi không tự xem mình là một chuyên gia về Vũ Bằng, nên xin nhường công việc thường xuyên về tác gia này cho các nhà ‘Bằng học’; nhân đây chỉ xin mách rằng nhân vật Vũ Bằng và tác gia Vũ Bằng còn ẩn trong mình khá nhiều điều chưa được làm rõ; chuyện Vũ Bằng làm báo “Lửa sống”  hồi 1954 ở Hải Phòng trước khi di cư vào Nam, hiện chưa được nhà nghiên cứu nào tiếp cận, mà điều này chính Vũ Bằng đã nói đến trong hồi ký ’40 năm nói láo’  rồi, vấn đề là cần những tiếp cận phân tích; hoặc chuyện Vũ Bằng làm chủ bút tờ ‘Trung Việt tân văn’  ở Hà Nội trong năm 1946, tờ này lấy danh nghĩa đám thương gia Hoa kiều và sĩ quan Tàu Tưởng, có những tin tức đưa nhanh có lợi cho Chính phủ lâm thời VNDCCH, lại có những lời dường như không tán thành sự ‘bè phái’ của nhóm Văn hóa cứu quốc; tất nhiên các bạn văn như Nam Cao hồi ấy chỉ thấy đây là chuyện ông bạn cũ làm văn kiêm nhà buôn bỗng nhiên “vớ được ông má chín nào đó bèn ra một tờ báo và chửi vung lên…”. Tờ ‘Trung Việt tân văn’  này cũng như tờ ‘Lửa sống’ nói trên vẫn còn giữ gần đủ trong Thư viện quốc gia ở Hà Nội, chưa thấy nhà nghiên cứu sử học hay văn học nào tiếp cận… Tác phẩm của Vũ Bằng, kể cả trong 2 bộ sách gọi là ‘Tuyển tập’ và ‘Toàn tập’  cộng với những công bố mới trong sưu tập này của tôi, vẫn còn thiếu hụt nhiều. Công việc tìm tòi đầy đủ về một nhân vật kiêm tác gia như Vũ Bằng cần đến một nhóm chuyên gia chứ không phải chỉ vài ba tay tài tử. 
Về di sản của các nhà văn tiền chiến, có lẽ tôi vẫn tiếp tục làm với di sản của hai tên tuổi: Phan Khôi (1887-1959) và Vũ Trọng Phụng (1912-39).
Cũng dịp đầu xuân 2010 này, Nxb. Tri Thức cho ra mắt được tập ‘Tác phẩm đăng báo 1932’ cuả Phan Khôi do tôi sưu tầm và biên soạn; Nxb. Hội Nhà Văn cũng tổ chức biên soạn và in cho tôi cuốn sơ tuyển ‘Phê bình tiểu luận’ như là món quà cho một người nghỉ hưu sau 30 năm liên tục làm công việc biên tập tại cơ quan xuất bản này của Hội nhà văn VN. Đó là vài tin vui nhỏ cho công việc cầm bút mà tôi đã, đang và hầu như sẽ gắn bó suốt đời.
30/3/2010
Lại Nguyên Ân
● Đã đăng ‘Tuổi trẻ’