Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Nguyễn Bình Phương: Không thể tẩy xóa lịch sử giữ nước

Lam Điền
Chủ nhật ngày 1 tháng 2 năm 2015 9:28 PM

NVTPHCM- Nhà văn Nguyễn Bình Phương trong tiểu thuyết Mình và họ không chỉ lột tả tâm trạng người lính trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mà phơi bày cả một vùng cư dân biên địa đều trở thành chứng nhân lịch sử.

Mặc dù hoàn thành từ năm 2010, đến nay Mình và họ mới được NXB Trẻ ấn hành chính thức.

* Năm 2010, trên tờ Văn Nghệ Trẻ, nhà văn Bảo Ninh với “một chút buồn cho bản thân” có “bóng gió” nói đến một tuyệt tác của một nhà văn đàn em “không già không trẻ”... Giờ thì tác giả của Nỗi buồn chiến tranh khẳng định “sách lúc đó chưa được xuất bản nhưng ai cũng biết là tôi nói tới Mình và họ của Nguyễn Bình Phương”. Còn lúc đó, đọc bài đó, anh nghĩ gì?

- Hơi vui, vì tôi nghĩ nhà văn Bảo Ninh là người cũng khó tính, thậm chí là kiêu ngạo trong nghề, ông ấy khen thì chắc là bản thảo ấy của mình cũng ổn. Nhưng thú thật là tôi cũng hơi... ngượng, vì tôi chưa quen với những lời khen.

* Đọc tiểu thuyết Mình và họ, thấy cuộc sống của cư dân vùng biên giới phía Bắc hiện ra khốc liệt hào sảng mà cũng đau thương quá. Điều gì gây cảm hứng cho anh để anh bắt tay viết tiểu thuyết về đề tài này? Anh đã thu thập tư liệu từ những nguồn nào?

- Tôi có một quãng tuổi thơ dài dặc gắn với núi rừng phía Bắc, sau đó lại có thời gian công tác trên mạn biên giới, và sau này vẫn thường xuyên theo bạn bè đi chơi trên đó nên cũng có chút hiểu biết và tình cảm với vùng đất này.

Điều gì gây cảm hứng cho tôi ư? Thật khó mà trả lời cho rạch ròi. Không rõ các nhà văn khác thế nào, riêng tôi thì trước khi viết, mọi thứ cứ lờ mờ, mang máng, cứ quẩn quanh trong đầu rồi một lúc nào đó nó bật ra và mình bắt tay vào cày xới, thế thôi. Tôi đi nhiều, nghe nhiều, đọc cũng... tàm tạm và các tư liệu ấy là thành quả của mỗi nguồn một tí, hóng hớt một tí, đọc một tí, thấy một tí và hình dung một tí.

* Nếu theo dõi các không gian truyện từ những bộ tiểu thuyết trước đây kiểu Một thời ngang dọc, Lửa hận rừng xanh, thì Mình và họ có không gian hiện đại với chiếc điện thoại di động và máy bộ đàm, nhưng những góc tối trong cuộc sống như phỉ, cướp, các đường dây tội phạm... thì vẫn còn đâu đó...

- Chỉ bằng cảm nhận thì tôi thấy về căn bản, con người ở vùng cao ít biến chuyển, có thì chỉ là một bộ phận nho nhỏ, còn lại vẫn cứ hoang hoang, chân chất thế. Nhiều chuyến đi, vượt qua cả chặng dài ngoắt ngoéo, chênh vênh, lên đỉnh ngó xuống, tôi phải tự thú nhận rằng ở vùng cao, thay đổi thật chẳng dễ chút nào.

Tôi có ấn tượng với cái đoạn miêu tả ba người thợ săn đứng ven đường trong đêm, khi ấy tôi viết đại khái rằng đứng ven đường, giữa ánh sáng chiếu vào, họ là thợ săn, nhưng lùi vào bóng tối, họ là phỉ. Con người là thế, mấp mé giữa các ranh giới mà “ranh giới nào cũng hiểm nguy” cả. Đấy là lời một nhân vật trong cuốn sách này của tôi đã nói thế.

* Thú thật là có cảm giác “người đọc phải làm việc nhiều” khi theo dõi mạch truyện bởi cách viết trùng điệp nhiều tuyến truyện cùng phát triển như trong Mình và họ với các chuyến đi lên đi xuống được đan xen. Anh có chịu ảnh hưởng của ai trong kỹ thuật viết như thế này, hay anh cố tình sáng tạo ra một kiểu viết độc đáo để... tìm tri kỷ?

- Tôi nghĩ về căn bản, kỹ thuật viết của tôi ở các cuốn vẫn thế, các tuyến vẫn song song với nhau, như Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kỳ thủy... Có khác là ở chỗ các cuốn trước ít có sự di chuyển, còn cuốn này thì bản chất là di chuyển, luôn luôn di chuyển lên xuống và tôi cố gắng viết như một dạng du ký với các chi tiết cũng cố gắng tỏ ra... thật hơn cho khớp với tính chất đó. Tóm lại là một kẻ ảo kể một câu chuyện cực thật.

* Mình và họ hé mở về đề tài cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nhưng cũng cho thấy sự khốc liệt thời ấy và cả cái bóng chiến tranh ám ảnh day dứt thời hậu chiến. Anh có cho rằng đề tài này cần được viết tiếp?

- Tác phẩm này của tôi đúng là chỉ hé mở, chứ trọng tâm chưa hẳn là đổ dồn về chủ đề ấy. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đã có người viết, thậm chí nhiều người là đằng khác, và sẽ còn nhiều nhà văn nữa quan tâm để viết tiếp. Điều ấy là hiển nhiên vì đây cũng chỉ là một chủ đề như bao chủ đề khác, bởi sự kiện đã xảy ra và đã là một phần không thể tẩy xóa của lịch sử giữ nước. Vấn đề ở chỗ cách khai thác, cách xử lý và mục đích của mỗi nhà văn khi viết về chủ đề này thế nào mới là quan trọng.


Nhà văn Bảo Ninh: Còn trên cả hay!

Bản thảo tiểu thuyết Mình và họ tôi được tác giả đưa cho đọc đã khá lâu rồi. Nó hay quá chừng đối với tôi. Nhưng mãi không thấy được xuất bản. Không phải sách của mình mà thấy buồn bực. Bây giờ sách ra, trước tiên ngẫm thấy ân hận là mình đã vội nghĩ không phải về các “ông” xuất bản nước mình.

Theo cách đọc đã thành nếp quen và cố nhiên là cũ kỹ của mình, với tôi, văn học VN sau năm 1985, hạng nhất, ngoài các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp như Không có vua, Thương nhớ đồng quê, Những bài học nông thôn, Sang sông... là các tiểu thuyết Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn và Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu, kế nữa là Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng. Rồi thì dừng lại.

Không phải là trong hơn chục năm qua không xuất hiện những tác phẩm hay, thậm chí rất hay, tuy nhiên vẫn thấy chưa cuốn nào, chưa một ai tới được tầm của các tác phẩm và tác giả kể trên. Cho tới bây giờ thì đã có cuốn này - Mình và họ của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Cố nhiên đấy là tôi nghĩ thế, người đọc khác nghĩ khác.

Mình và họ là người bên mình với người bên kia biên giới, là người dương người âm, là người còn kẻ mất... Và là một trong những bi kịch lớn nhất của đất nước, bắt đầu từ năm 1979, hoặc đúng hơn là từ ngàn xưa. Không dày, không đồ sộ, nhưng cô đọng và sâu sắc. Là một tiểu thuyết rất không dễ đọc đối với tôi, nó thách thức lối đọc văn học xưa giờ tôi vẫn quen, song trang này tiếp trang khác, trường đoạn này qua trường đoạn khác, Mình và họ hoàn toàn chế ngự tôi.

LAM ĐIỀN/TUỔI TRẺ