Hát cửa đình ( còn gọi là Hát thờ) có lịch sử ra đời và phát triển tới hàng nghìn năm, là hình thức cổ điển nhất của hát ca trù gồm cả hát và múa chỉ diễn ra ở cửa đình. Đó là loại hình nghệ thuật ca trù đầu tiên bước lên sân khấu chuyên nghiệp trước khi ca trù được đưa đến các quán, các nhà hát ở đô thị vào cuối thế kỉ 19. Nghệ thuật Hát cửa đình không bao giờ trình diễn tại quán hoặc nhà hát. Hát quán chỉ có hai người là đào nương và kép đàn. Hát cửa đình có tới 14 thể cách do đội ngũ đông đảo các kép đàn và đào nương tham gia bằng các màn trình diễn múa và hát. Ở đình làng mỗi kì lễ hội, hát cửa đình là màn nghi lễ mở đầu, sau đó tuồng chèo mới được biểu diễn.
Hơn nửa thế kỉ qua, hát cửa đình bị quên lãng, đã biến mất khỏi đời sống làng quê trong những dịp lễ hội truyền thống. Chính vì vậy câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đã cố gắng hết mình tìm thầy học hỏi, nhằm phục dựng một phần không gian nghệ thuật độc đáo, phong phú và vô cùng quý giá này . Và họ đã tìm đến nghệ nhân hát cửa đình là cụ Nguyễn Phú Đẹ ở xã Dân Chủ, huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương. Ở tuổi 92, với cây đàn đáy, ngón nghề điêu luyện và giọng hát sang sảng, tròn vành rõ chữ , nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ chỉ trong vòng 4 tháng đã truyền dạy cấp tốc cho học trò của mình đầy đủ những trình thức của nghề hát cửa đình. Khoảng thời gian đó quả là quá dài đối với sức khỏe người thầy đã ở tuổi 92 và quá ngắn đối với những học trò ham học hỏi. Các học trò đã học bằng cách ghi âm, ghi hình lại những gì thầy đã dạy rồi về phổ biến lại cho những người không có điều kiện đến học trực tiếp. Và cuối cùng, các học trò đã được thầy lưu bút cho mấy chữ “ chưa trọn vẹn lắm nhưng cũng đã tạm ổn, mười phần thì cũng được tám chín phần rồi”. Thầy còn dặn “ phải học 5 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm mới thành nghề vì nó rất khó, không có “nút” nào cả, phải học thường xuyên liên tục, miệng nói tay làm, nếu ngừng là… tịt ngay. Không giữ được hát cửa đình là mất gốc của ca trù”.
Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghề hát cửa đình. Cha của nghệ nhân nguyên là một quản giáp từng quản lí phục vụ vài chục cửa đình. Sử sách còn ghi lại, vào thời nhà Lý, hát cửa đình diễn ra nhộn nhịp đến mức nhà vua phải đặt ra một chức quan gọi là quản giáp (sau này gọi là giáo phường) để quản lí việc biểu diễn của các phường hát. Mẹ của cụ là một đào ngự ( đào nương được vua Nguyễn vời vào cung để hát mừng thọ). Một nghề cha truyền con nối như thế nhưng cụ đã phải bỏ cầm đàn để làm nông tới hơn nửa thế kỉ do quan niệm và cái nhìn khắc nghiệt của xã hội một thời. Ông Vũ Trọng Hiền Hiền ở Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Đến cuối năm nay, chúng tôi bỗng giật mình khi biết rằng cụ là người kép đàn duy nhất của thế kỉ 20 hiện còn sống đã từng đi hát cửa đình. Trình thức hát cửa đình mà cụ truyền dạy là một mặt cắt lớp cuối cùng khoảng giữa thế kỉ 20”.
Chiều ngày 14-1-2015, tại đình Hàng Kênh thành phố Hải Phòng, câu lạc bộ ca trù Hải Phòng đã tổ chức phục dựng không gian hát cửa đình của người Việt, với sự có mặt của các khách mời là đại diện của các cơ quan ban ngành ở Trung ương và địa phương. Câu lạc bộ đã trình diễn đủ 14 thể cách hát cửa đình với 5 lớp diễn, trong đó có 9 thể cách đã học được từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ. Đây xem như một “báo cáo chuyên đề” được dư luận quan tâm. Tham gia buổi biểu diễn, có nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên cùng các ca nương kép đàn tiêu biểu của câu lạc bộ ca trù Hải Phòng. Sau hơn 3 giờ trình diễn, buổi phục dựng không gian hát cửa đình đã thành công tốt đẹp. Để có được kết quả này, câu lạc bộ đã phải tự túc hầu như toàn bộ kinh phí từ việc học tập, đi lại, chăm lo sức khỏe thầy đến những chi phí cho dàn dựng… Mong muốn của họ là chương trình này sẽ được phổ biến rộng rãi trên cả nước, để hát cửa đình được sống dậy trong các lễ hội truyền thống của các địa phương chứ không chỉ bó hẹp trong không gian đình Hàng Kênh một vài buổi rồi sẽ “chết lại từ đầu”. Năm 2009 hát ca trù của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Không biết những nỗ lực của CLB ca trù Hải Phòng rồi đây có được các cơ quan chức năng quan tâm nhìn nhận một cách nghiêm túc và hỗ trợ thích đáng hay không, hay chỉ là những lời hứa hẹn chót lưỡi đầu môi. Rồi những nghệ nhân hát ca trù, hát cửa đình dù có yêu nghề đến mấy cũng phải nuốt nước mắt giải nghệ, tìm việc khác để làm vì miếng cơm manh áo !