Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bán một bài thơ được đóng thuế 10 triệu đồng

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ hai ngày 9 tháng 2 năm 2015 8:51 AM

Tap bút
(Tặng ông Hoàng Văn Cận)

Bài :”Nhà thơ Hữu Loan - sừng sứng một cốt cách Thi nhân” của nhà văn Việt Nguyễn (báo Nghệ Thuật Mới - phụ trương báo Người Hà Nội), phần tiểu sử của nhà thơ Hữu Loan được viết như sau:
“Sinh ngày 2/4/1916 ở Ngọc Linh, Nga Sơn, Thanh Hoá, thời trẻ Hữu Loan tốt nghiệp tú tài, nhưng chỉ ở nhà dạy học tư kiếm sống rồi tham gia cách mạng năm 1936, hoạt động phong trào mặt trận Bình dân, tham gia Việt Minh ở thi xã Thanh Hoá. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ chức Phó chủ tịch Uỷ ban Khởi nghĩa huyện Nga Sơn, uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thanh Hoá, kiêm trưởng ty bốn ty: Giáo dục, Thông tin, Công chính, Thương chính. Sau đó ông tham gia phục vụ trong quân đội, làm chủ bút báo Chiến Sỹ của Sư đoàn 304 ở Liên khu Bốn. Sau 1954, Hữu Loan về công tác ở tạp chí Văn nghệ một thời gian ngắn rồi bỏ về sống ở Nga Sơn làm nghề thợ đá, nuôi một đàn con tới mười người…”
Đối chiếu phần tiểu sử này với bản kỷ yếu của nhà thơ Hữu Loan in trong Bộ Tổng tập: “Nhà văn quân đội - kỷ yếu và tác phẩm”, thì có hai điểm khác nhau. Điểm khác thứ nhất Tổng tập ghi: “,,,thuở nhỏ Hữu Loan học thành chung…”, chứ không phải là tú tài. Điểm khác thứ hai, Tổng tập ghi: “Sau năm 1954, ông công tác tại báo Văn nghệ một thời gian, rồi trở về sống ở Nga Sơn, Thanh Hoá”. Nếu đúng như vậy thì Hữu Loan làm ở báo Văn nghệ chứ không phải là ở tạp chí Văn nghệ.
Vậy, văn bản náo là đúng sự thật đây?...
Cũng trong bài báo này, nhà văn Việt Nguyễn đã viết: “Ngày 19/3/2010, trên đường vào Thanh Hoá viếng nhà thơ Hữu Loan, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể với ông rằng: ” Cách đây hơn 20 năm, ông cùng đoàn nhà văn của báo Văn nghệ vào làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá để khôi phục sổ lương hưu cho nhà thơ Hữu Loan sau nhiều năm bị gián đoạn bởi những nghi vấn văn chương liên quan đến vụ Nhân văn – Giai phẩm giai đoàn trước đây. Năm 1989, sau ba mươi lăm năm không được nhận lương Nhà nước. Cầm sổ truy lĩnh lương hưu trên tay, ông già 73 tuổi Hữu Loan rưng rưng…”.
Cũng là để giải đáp câu hỏi: Vì sao đang làm ở cơ quan báo, Hữu Loan lại bỏ về quê sinh sống? Nhưng đã có đến ba người và ba lời giải đáp khác nhau.
Lời giải đáp thứ nhất của bộ Tổng tập là lờ đi. Cho nên bản kỷ yếu của nhà thơ Hữu Loan, Tổng tập không giải thích vì sao đang công tác ở báo Văn nghệ ông lại trở về quê sinh sống? Chắc Ban tuyển chọn Tổng tập phòng xa sự nguy hiểm, phiền phức có thể xẩy ra, cho nên không động chạm đến vụ Nhân văn - Giai phẩm. Song, chính cái sự phớt lờ đó lại rơi vào tình trạng giấu đầu hở đuôi. Vì làm gí có chuyện một nhà thơ lớn, một nhà cách mạng lão thành như Hữu Loan đang cống hiến tài năng và công sức của mình cho cách mạng và nhân dân, mà tự nhiên lại bỏ cơ quan về quê sinh sống. Do vậy mà người đọc không tin bản kỷ yếu đó hoàn toàn đúng là sự thật.
Lời giải đáp thứ hai của nhà thơ Hữu Thỉnh, xem ra cũng không phải là sự thật. Vì nếu chỉ bị nghi ngờ mà Hữu Loan đã tự ý bỏ về quê, thì chẳng những ông bị kỷ luật, và rất có thể còn bị truy tố ra Toà nữa kia. Vì ông đã vi phạm bộ luật Lao Động của Nhà nước. Chứ làm gì có chuyện một người suốt 35 năm chẳng làm gì cho cơ quan Nhà nước mà lại được phục hồi và truy lĩnh lương hưu.
Người thứ ba là tác giả Việt Nguyễn, ông đã viết “Hữu Loan là nhà thơ rất cảm khái, vì không bằng lòng với cách làm “Văn nghệ” của một số người, ông bỏ công việc báo về quê làm nông phu “chân lấm tay bùn” cho nhẹ đầu”.Vậy lời giải đáp nào là sự thật đây?...
Không tin những lời giải thích đó, tôi mở máy tinh hỏi Google và được biết:
“Trong thời gian 1956 – 1957 ông (Hữu Loan) tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm, do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Năm 1958, Nhân văn – Giai phẩm bị dập tắt, nhà thơ Hữu Loan phải vào trại cải tạo vài năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương. Cuối đời ông về sống tại quê nhà.
Ông nổi tiếng với bài thơ “Mầu tím hoa sim” trong kháng chiến chống Pháp. Có nguồn tin cho rằng, do nội dung bài thơ nặng về tình cảm và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý quân dân, nên ông bị giaỉ ngũ…”.
Nếu những thông tin đó là sự thật, và chắc là đúng, vì nó hợp lý hơn. Vậy thì không phải Hữu Loan vô cớ bỏ cơ quan về quê, mà là ông bị bắt vì đã tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Không rõ ông bị bắt năm nào. Chỉ biết sau khi được tha ông bị đưa về quê quản chế, hàng tháng phải đem sổ đến trình diện công an. Mấy chú công an trẻ thấy một ông già hiền lành, dễ mến, khi đi công tác qua nhà ông, thấy nhà cửa tuyềnh toàng, xiêu vẹo bèn hỏi: “Sao bác không làm lại nhà?”. Ông bảo: “Tao đang bận làm người còn chưa xong, thì giờ đâu mà làm nhà!”.
*
* *
Năm 1958, vụ án Nhân văn – Giai phẩm xẩy ra, nhiều văn nghệ sĩ tham gia phong trào này đã bị bắt, như: Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Thuỵ An…Ông Nguyễn Hữu Đang bị bắt tháng 4 – 1958. Tại phiên toà ngày 21/1/
1960, xử ông và bà Lưu Thị Yên (tưc nữ nhà văn Thuỵ An), xử kín. Ông Nguyễn Hữu Đang bị kết tội là “phá hoại chính trị”. Còn nhà văn Thuỵ An tuy không viết một chữ nào cho Nhân văn – Giai phẩm, nhưng bà không tham gia kháng chiến chông Pháp. Sau Hiệp định Geneve, Pháp rút quân về nước, bà An không di cư vào Nam, nên bị nghi là gián điệp cài lại. Nhưng chẳng có bằng chứng gì. Bị thẩm vấn quá nhiều, bà An không chịu đựng được. Cuối cùng bà phải nhận tội là “địch trong Nhân văn”. Vào tù bà An đã tự chọc mù một mắt của mình. Năm 1973, sau mười lăm năm ngồi tù, bà Thuỵ An được tha cùng với ông Nguyến Hữu Đang. Bà vào Nam đi tu ở chùa Quảng Hưng, rồi qua đời năm 1989.
Ra tù, ông Nguyễn Hữu Đang được đưa về Thái Bình, quê hương ông để quản chế gần 20 năm. Hàng tháng ông phải đến công an trình diện, đi đâu xa phải xin phép. Có lần ông sang Nam Định thăm người thân, không xin phép, nên bị bắt giam bốn tháng…
Cũng trên trang mạng này có bài bà Thuỵ Khuê phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Đang. Xin trích:
- Thưa ông, ông được về trong trường hợp nào? Ông Nguyễn Hữu Đang trả lời:
- Không phải hết hạn mà về đâu chị ạ. Cũng không phải Nhà nước khoan hồng. Tôi đươc về là ở trong diện “Đại xá chính trị phạm của Hiệp đinh Paris”. Bên miền Nam người ta cũng đại xá chính trị phạm…Năm 1990, tôi được hưởng lương hưu hạn chế, thực chất chỉ là một thứ trợ cấp thôi. Và tôi được cấp một gian nhà. Đúng ra là được thuê, chứ không phải là được cấp không. Cả đời tôi chưa bao giờ có nhà, bây giờ được thuê để ở cũng rất mừng rồi…”.
Và cũng tại trang mạng này còn một chuyện nữa, rất độc đáo và đầy tính bi hài là: Một ông tên là Vũ Đình Lân, hay Lâu gì đó ở Bộ Nông – Lâm bị nghi là người đã cho ông Nguyễn Hữu Đang chiếc áo len, khi ông Đang còn ở trong tù. Thế là ông Lân bị bắt giam bẩy năm sau mới được tha!
Năm 1986, sau Đại hội sáu, đổi mới, mở cửa các nhà văn trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm, trước đây bị treo bút, bị xoá tên hội viên, bị đi lao động cải tạo, thì nay đều được phục hồi hội tịch, được quyền sáng tác và xuất bản. Ai có nhiều thành tích thì được giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Người bị đi tù như ông Nguyễn Hữu Đang cũng được minh oan, được phục hồi danh dự. Nhưng rất đáng tiếc là các cơ quan pháp luật không mở phiên toà xét xử lại vụ án Nhân văn – Giai phẩm như vừa đây đã mở phiên toà xét xử lại vụ án Nguyễn Thanh Chấn, bắc Giang. Ông Chấn bị đi tù oan mười năm đã được Toà án công khái xin lỗi trên các phương tiện thông tin đại chúng, và được bồi thương thiệt hại. Còn các văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn cũng bị đi tù oan thì chẳng được ai xin lỗi, và cũng chẳng được bồi thường thiệt hại đồng nào!
Và, bởi vì việc phục hồi quyền lợi cho các văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân văn đã tiến hành một cachs lặng lẽ, không được các báo, đài đưa tin. Dân chúng chỉ được biết thông tin qua dư luận, cho nên vừa có điều đúng, vừa có điều sai. Họ được Nhà nước trợ cấp xã hội, thì lại bảo là “được truy lĩnh lương hưu”. Được thuê nhà thì lại bảo là “được cấp nhà”! Thậm chí, rất có thể vì thiếu thông tin, hay nhận được thông tin sai lệch, cho nên năm 2007, nhà văn Nguyễn Hữu Đang qua đời, tại tang lễ ông, vị đại diện chính quyền địa phương khi đọc điếu văn vẫn không quên chuyện cũ, đã phê phán : “Ông Nguyễn Hữu Đang đã phạm sai lầm, tham gia Nhân văn - Giai phẩm…”.
Vậy thử hỏi ông đại diện chính quyền địa phương, và các nhà văn ngoài cuộc, không dính dáng gì đến vụ án Nhân văn - Giai phẩm, các vị có biết Đảng và Nhà nước đã xoá cái án ấy cho họ rồi không? Chắc là có. Vậy vì sao các vị vẫn né tránh, úp úp, mở mở không dám công khai minh bạch thông tin? Trong “Bình ngô đại cáo” có một câu, đại ý: “Được vua Lê tha, bọn Vương Thông, Mã Anh về đến nước vẫn ngực đập, chân run”. Mượn cái ý ấy để giải đáp câu hỏi trên kia, tôi trộm nghĩ: “Các nhà văn ngoài cuộc, không dính dáng gì đến vụ án Nhân văn - Giai phẩm, trông thấy đồng nghiệp của mình bị xử lý oan uổng và nặng nề như vậy, cho nên sau ba mươi lăm năm, thậm chí hơn nửa thế kỷ sau, một số nhà văn cũng vẫn…chưa thôi trống ngực!”.
*
* *
Xin được trở lại với chuyện nhà thơ Hữu Loan. Khi bị đưa về Nga Sơn quản chế, ông nói với vợ: “Thôi thì bà và các con chịu khổ, để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu, xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được”. Bà vợ nhà thơ cấy hai sào ruộng. Nhà mười hai miệng ăn. Bà phải làm bánh đem ra chợ bán. Hai người con trai lớn của ông bà, đêm nào cũng phải thức dậy từ ba giờ sáng, kéo xe cải tiến lên núi chở hai xe đá xuống bến sông, bốc lên thuyền cho khách hàng, rồi mới về ăn sáng, đi học.
Trong bài “Nhà thơ Hữu Loan - sừng sững một cốt cách Thi nhân “, nhà văn Việt Nguyễn viết: “Năm 1988, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhà thơ Hữu Loan bắt đầu “tái xuất giang hồ”, và trong chuyến “hành phương Nam” năm ấy…”.
Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ định nghĩa giang hồ là: “Sông và hồ (nói khái quát), dùng để chỉ cách sống nay đây mai đó một cách tự do, phóng túng. Khách giáng hồ. Vui thú giang hồ. Gái gíang hồ. Ả gíang hồ”.
Cuộc sống giang hồ nay đây mai đó tuy không bị coi là xấu, nhưng có lẽ đó chỉ là quan niệm về cách sống của một số người thời quá vãng. Chứ bây giờ trong thực tế xã hội cách sống đó thường là của bọn đao búa, xã hội đen. Như bái: “Những điều chưa biết về vụ án Năm Cam” (của nhóm phóng viên thời sự báo Nghệ Thật Mới, số 16, tháng 12 – 2014) đã có hàng chục lần đề cập đến chuyện “giang hồ”, nhưng đều với ý nghĩa xấu cả. Xin lược trích:
- “…Năm Cam đều cầu cứu Phạm Xuân Hiếu, tức Hiếu trọc, là trùm giang hồ Quận Bốn…”.
- “…danh tiếng của Năm Cam trong giới giáng hồ đáo búa ở TP Hồ Chí Minh”.
Còn từ “tái xuất”, từ điển định nghĩa: “Xuất khẩu ra nước ngoài những hàng hoá đã nhập khẩu từ nước ngoài mà không gia công chế biến gì ở trong nước, hoặc hàng hoá nhập lậu từ nước ngoài tịch thu được”.
Vậy nhà thơ Hữu Loan từ khi về Nga Sơn quản chế (không rõ thời gian bao lâu), đến ngày được phục hồi quyền lợi vừa đúng 35 năm. Suốt thời gian đó ông chỉ ở Nga Sơn đáo đá và hái củi để mưu sinh, đi đâu xa phải xin phép công an. Ông có nay đây mai đó bao giờ đâu mà bảo là “giang hồ”? Mà đã không giang hồ, thì sao lại có chuyện “tái xuất giang hồ” được?
Bài thơ “Mầu tím hoa sim” của Hữu Loan, hình như lần đầu tiên được Nguyễn Bính in trên báo “Trăm Hoa”, do nhà thơ làm chủ nhiệm. Nhưng báo chỉ ra được mấy số thì bị đình bản, và bài thơ ấy cũng bị coi là một thứ nấm độc hại, nguy hiểm cấm không được đọc, không được tàng trữ và lưu hành. Nhưng vì bài thơ quá hay, cho nên như có “phép thần” đã nhanh chóng lan truyền đến tay người đọc, không chỉ ở miền Bắc, mà còn vượt qua Giới tuyến vào Nam, và được bạn đọc miền Nam nhiệt liệt ngợi khen. Rồi cũng chính vì “Mầu tím hoa sim” là một cột mốc, là dấu son của nền thơ ca cách mạng, đồng thời cũng do quý trọng tài năng và nhân cách của tác giả, cho nên năm 2004, Công ty ViTekVTB đã mua bản quyền bài thơ ấy với giá 100 triệu đồng.
Số tiền đó đối với nhiều người, kể cả người giầu cũng là số tiền lớn, Nhưng một đời thơ cộng với tài năng thiên phú, và cộng cả với cái chết vô cùng thương tâm của người vợ trẻ nữa mới làm nên bài thơ ấy, Cho nên số tiền đó lại trở thành nhỏ bé. Nhưng mười triệu đồng nhà thơ phải đóng thuế thu nhập, thì quả là một số tiền không hề nhỏ chút nào. Trái lại đó là một số tiền lớn. Đáng lẽ cơ quan thuế không nên thu số tiền đó. Vì bản thân và gia đình nhà thơ đã phải chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi rồi. Vả lại cũng còn vì một lý do nữa rất tế nhị, rất nhậy cảm là: Bài thơ đó trước đây đã bị coi là một thứ nấm độc nguy hiểm, cấm không được tàng trữ, lưu hành và sử dụng. Tác giả đã bị bắt đi cải tạo. Bây giờ tự nhiên bài thơ được “giải độc” và bán được tiền thì cơ quan Nhà nước lại tận thu. Hay các nhà chức trách cho rằng người dân “được đóng thuế” cho Nhà nước là điều vinh dự. Cho nên họ cho nhà thơ cũng được hưởng cái vinh dự ấy?./.
TP Uông Bí, ngày 2/12/2014
Tạ Hữu Đỉnh