Từ trước đến nay, qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết rằng khi bản thân có sai sót hay cấp dưới của mình có sai phạm, hoặc có vấn đề nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách, các quan chức Nhật Bản thường nhanh chóng lên tiếng xin lỗi (có thể kèm theo là từ chức).
Tiếp xúc với các du khách, sinh viên Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy xin lỗi là câu nói cửa miệng của họ một khi họ thấy mình có lỗi với người khác, hay có điều gì họ làm phiền ta dù lỗi đó phần lớn do khách quan như đến trễ một cuộc hẹn 5 phút do kẹt xe hay xe bị sự cố.
Thế nhưng, một công dân Nhật Bản xin lỗi vì để nhân dân phải lo lắng cho số phận của một người trong gia đình mình vì bị quân khủng bố bắt cóc thì tôi nghĩ chắc chỉ có ở Nhật Bản.
Câu xin lỗi này của một ông bố Nhật Bản cùng với những lời xin lỗi công chúng của các quan chức Nhật Bản mà ta thường thấy thể hiện cả một nền văn hóa Nhật Bản, tạo ra đẳng cấp, tầm vóc của một dân tộc.
Viết đến đây, tôi thấy khó hiểu về văn hóa xin lỗi ở nước mình khi dân phải lên tiếng yêu cầu quan chức xin lỗi hay cấp trên chỉ đạo cấp dưới phải xin lỗi dân.
Thật vậy, không ít trường hợp cán bộ các cơ quan chức năng tắc trách gây phiền hà cho dân, thay vì chủ động xin lỗi thì họ làm lơ đến mức dân bức xúc lên tiếng yêu cầu phải xin lỗi.
Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30.8.2014 viết: Hàng trăm người dân ở chung cư 584 (quận Tân Phú, TP.HCM) đang rất bức xúc trước những hạng mục xây sai phép công nhiên tồn tại trong nhiều năm qua, vì điều này đã xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của họ...
Bức xúc dồn bức xúc, người dân đã gửi đơn đến Giám đốc Sở Xây dựng yêu cầu xử lý rốt ráo sai phạm xây dựng và kiểm tra, kỷ luật các quan chức thuộc Sở làm sai, thiếu trách nhiệm hay tiêu cực (nếu có) và phải công khai cho dân.
Cư dân còn yêu cầu ông Giám đốc Sở Xây dựng công khai xin lỗi, vì tình trạng ấy đã làm cho người dân rất mệt mỏi, căng thẳng kéo dài suốt bao năm.
Bên cạnh việc dân yêu cầu xin lỗi thì có nhiều quan chức xử lý công việc sai gây thiệt hại cho dân, chậm xin lỗi hay không xin lỗi nên cấp trên phải chỉ đạo xin lỗi dân! Thiệt hết biết!
Chẳng hạn, UBND Quận 1 đã có các sai sót khi đề xuất UBND TP điều chỉnh giá bồi thường năm 2007 cho toàn dự án đầu tư khu 1Bis-1Kep (Q.1 TP.HCM ) nên sau đó Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã giao Chánh thanh tra TP chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận 1 tiếp đại diện các hộ dân để công khai xin lỗi về các sai sót này (Báo Tuổi Trẻ ngày 4.11.2014).
Và đến chuyện này thì tôi không hiểu nổi: người tù oan hơn 10 năm Nguyễn Thanh Chấn từng làm nóng diễn đàn cao nhất là Quốc Hội và chấn động lương tâm xã hội, cũng phải làm đơn yêu cầu Tòa Án nhân dân tối cao xin lỗi ??? ( theo VTC 19.4.2014).
Xin lỗi là hành vi của sự tự nhận thức, rất cần tinh thần tự giác và phải xuất phát từ sự thành tâm của người làm sai.
Không nên để dân yêu cầu cán bộ phải xin lỗi, cũng không nên để cấp trên bắt phải xin lỗi và càng không nên xem đơn yêu cầu xin lỗi là một thủ tục để được xin lỗi!
Nguyễn Thiện