Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ CHI - ANH TÔI

Nguyễn Huệ Chi
Thứ tư ngày 8 tháng 7 năm 2009 7:14 AM
 
(Những câu chuyện bên lề của một học giả) 
 
Theo ý kiến của giới nghiên cứu dân tộc học trong nước và nhiều nhà dân tộc học nước ngoài, Nguyễn Từ Chi là một trong số rất ít tên tuổi được xếp ở hàng đầu của ngành dân tộc học Việt Nam mà công trình để lại, tuy không nhiều và không có gì đồ sộ, nhưng còn có sức khơi mở lâu dài, về thực tiễn và lý thuyết cũng như về phương pháp luận. Tích cực kế thừa nhà Mường học nổi tiếng Jeanne Cusinier, nhưng không lặp lại mọi thao tác trên con đường của người đi trước, ông đã vươn tới những đóng góp bổ sung mới mẻ so với Cusinier. Vũ trụ luận người Mường của ông, được viết bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp, vốn nâng cấp từ một tiểu luận in trên báo, chung quy chỉ chưa đầy 100 trang, vậy mà đến nay vẫn khiến nhiều bạn đọc say mê thích thú, bởi không ít phát hiện bất ngờ mà nó chứa đựng. Công trình bất hủ ấy không chỉ dẫn dắt ta đi qua 12 đêm lễ tang cổ truyền của người Mường tuần tự, tỷ mỉ, dựa trên các bản tang ca được làm sống lại chủ yếu bằng phương pháp vấn thoại hồi cố; nó còn giúp ta hình dung một cách thật sinh động con đường dằng dặc, vòng vèo, đưa tiễn các tinh linh người chết, qua đó hiện dần lên quan niệm vũ trụ ba tầng, bốn thế giới nhìn theo trục dọc, với rất nhiều khuếch đại thu nhỏ hoặc đảo ngược kỳ lạ trong cấu trúc giữa các “cõi sống và cõi chết” ấy, và mối liên kết giữa hai xã hội mường ma và mường người nhìn theo trục ngang - mà ma là xạ ảnh “âm tính” của cá nhân con người, của một tộc người cùng cội nguồn với người Việt, mà về cảm quan hữu thức còn bóc tách ra được những nét tinh ròng, chưa bị pha tạp hoặc ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc. Cạp váy Mường cũng chỉ 100 trang, nhưng nhìn trong tư duy liên kết với các loại môtip hình học và môtip động vật của hoa văn Thái, Tày, hoa văn Bhanar, Djarai và xa hơn đến cả hoa văn Trống Đồng Đông Sơn, lại là một bức tranh tổng thể về ký ức văn hóa mang nét đặc trưng của cả một vùng rộng lớn trên lãnh thổ Việt Nam, khai triển từ thoáng đến rậm, từ dải đến ô vuông xếp chéo cho đến ngôi sao tám cánh, và di chuyển ngược chiều kim đồng hồ, được in dấu, bảo lưu và khúc xạ qua nhiều thời đại, nó tạo nên hồi âm của một bản sắc đã khá ổn định, đi suốt chiều sâu lịch sử hàng mấy nghìn năm. Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ cũng viết bằng song ngữ Việt Pháp và cũng chẳng dày hơn hai cuốn trên, là một khung quy chiếu mẫu mực về mọi mối quan hệ xã hội phức tạp chằng chéo của nền kinh tế tiểu nông dân tộc Kinh, xoay quanh một chuỗi vận hành quanh co, không ngừng tái sinh, lộn kiếp đầu thai như trong truyện cổ, của quá trình tư hữu hóa ruộng đất dưới các hình thức khác nhau, được định vị từ nhiều bình diện, trên nhiều môi trường địa lý, và bằng nhiều lát cắt lịch sử từ quá khứ cho đến hiện tại, nhờ đấy người khác có thể dựa vào để mở rộng, soi chiếu cho vô số mô hình cụ thể riêng rẽ ở các cơ tầng, vùng miền khu biệt của xã thôn Việt Nam. V.v... Có thể nói Nguyễn Từ Chi đã vận dụng được một kiến thức uyên bác trong một bút pháp thuần khiết, biểu cảm, rất giàu so sánh và liên tưởng, nhằm trình bày những hiện tượng dân tộc-nhân loại học bác tạp nhất dưới một hình thức thật giản dị, khiến cho những điều ông gợi lên hàm chứa nhiều lời giải sâu sắc mà không hề đóng cứng, cũng không rơi vào sáo ngữ từ chương. Văn ông có cái ma lực của những chân lý luôn luôn dưới hình thức ẩn tàng, như những giả thuyết làm việc, làm người ta ngạc nhiên, và bị cuốn hút. Gần đây, trong dịp sang dự một hội nghị quốc tế ở Hà Nội, ghé thăm Bảo tàng Dân tộc học, Tổng thống Pháp J. Chirac đã đánh giá Nguyễn Từ Chi cùng Nguyễn Văn Huyên là hai nhà dân tộc học được học giả Pháp kính nể.
Với tư cách một người em con chú con bác, từng nhiều năm có chung một không gian tâm tưởng là ngôi nhà Chi gia trang và Mộng Thương thư trai, tôi muốn nói nhiều về quãng đời trai trẻ của ông, khi ông là một chàng vệ quốc đoàn dạn dày sương gió trở về, nằm trong phòng sách gia đình thoáng đãng, mát dịu bóng cây nhãn cổ thụ và mùi ổi rụng đưa vào ngọt nẫu, tập cho chúng tôi những ca khúc trữ tình: “Mời anh vệ quốc, dừng chân bên quán. Từ miền chiến chinh bụi đường nhuốm tấm áo nâu...”. Tôi cũng muốn nói đến những ngày hội họp anh em hiếm có ở Hà Nội sau này, những đêm 30 tết, chúng tôi - tôi, Du Chi em trai tôi và ông - ngồi bên một chai rượu trắng, một đĩa dưa hành và một chiếc bánh chưng, trong căn phòng rất nhỏ và luộm thuộm của Du Chi bên nách Bảo tàng Mỹ thuật, nghe ông say sưa kể chuyện hoặc bàn giải về Đông Tây kim cổ, nhất là những chuyện kỳ thú của Phi Châu, không phải dưới giọng đại ngôn của kẻ đi xa về tán gẫu mà dưới con mắt rạch ròi của một đầu óc trắc nghiệm cụ thể, quên mất cả tiếng pháo giao thừa, cho đến sáng bạch mà người nói vẫn chưa muốn dứt và người nghe vẫn còn thòm thèm. Tôi lại cũng muốn nói về một cuộc bảo vệ luận án Phó tiến sĩ mà ông trong vai Ủy viên thư ký Hội đồng giám khảo, còn tôi là khách tham dự, ở đấy một cuộc đấu tranh giữa phủ quyết và khẳng định đã gay gắt nổ ra - giữa hai thái cực ấy ông hiện lên một cách khiêm nhường nhưng nhân cách khoa học vẫn lừng lững, và bên cạnh chuyện khoa học còn là cái cách xử thế rất mực bao dung, nhân từ. Tôi còn muốn nói nhiều đến tấm lòng nhân ái có thể nói là “bất khả giải” của ông đối với người vợ ông gặp bên trời Phi, không thuộc loại sắc nước hương trời, và cũng không thuộc hàng con nhà danh giáo, nhưng lại có cái gì đấy làm cho ông thương cảm, và từ thương cảm đã bỏ hết tâm huyết, sức lực, tiền tài, vượt qua “ba biển” và “bốn núi” , kể cả xã hội và gia đình, để đưa chị về sum họp với mình bằng được. Và tôi lại còn muốn nói đến những trắc trở tưởng không bao giờ vượt nổi của Từ Chi khi ông được Giáo sư Georges Condominas mời đích danh sang Pháp trình bày kết quả nghiên cứu về người Mường vào khoảng gần cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX. Bao nhiêu người trong giới khoa học xã hội đã được an toàn “qua cửa khẩu Nội Bài” nhưng dưới con mắt các vị làm công tác tổ chức, tên ông cứ “đọng” lại  như một nghi vấn. Giấy mời hết hạn ông vẫn dửng dưng chẳng nói năng gì. Thế rồi một sự tình cờ hình như có dính dáng đến nhu cầu xuất ngoại của một quan chức. Đã chiếu cố đến ngoại lệ này thì sao có thể từ chối một người có giấy mời đến lần thứ hai, lại có cả thư từ bên Pháp gửi thẳng sang cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu tìm hiểu duyên cớ? Ông bước lên máy bay mà vẫn không tin ở số phận của mình... Về mặt tính cách, tôi còn rất muốn nói đến cái tính “khái” đôi khi quá mức đến thành “xẵng” của Từ Chi, không phải không làm nhiều người gần ông khó chịu. Chính tôi một lần đã phải “chịu trận” khi ông sùng sục nổi giận vô duyên cớ trước một lời khen nồng nhiệt của mình về một gương “người tốt việc tốt” nào đấy mà ông biết đích chỉ là “chuyện hão” còn tôi thì ở tuổi ngây thơ nên chưa biết gì. Ngay người bạn đồng lứa Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn cũng vì khuyên ông nên bớt “bi quan” trước câu nói hài hước chua chát của ông: “Nous sommes ratés” (chúng ta đều là đồ bỏ) mà bị ông mắng té tát, sau này G. Condominas biết chuyện, cố gắng hòa giải trong một lần đi điều tra điền dã chung với hai người, dù thế ông vẫn không chấp nhận xóa “khoảng cách” cho đến tận lúc nhắm mắt. Ngoài ra, một chuyện mà tôi càng rất muốn nói, bởi để mãi trong lòng cứ thấy nặng trĩu, dẫu nói ra vẫn có chỗ không đành, ấy là chuyện viếng thăm ông vào cái đêm trước hôm ông vĩnh viễn ra đi. Lúc bấy giờ ông đã suy kiệt lắm, nhưng đầu óc chắc còn hết sức tỉnh táo, biểu hiện ở đôi mắt nhìn người khác long lanh sắc sảo đến khó quên. Miệng ông bị xâu một ống nylon từ máy chạy ốc-xy chuyền vào cho ông thở, nhưng nghe nói ông cứ muốn rứt ra vì vướng víu nên buộc lòng người ta phải buộc hai tay lại. Trong tình cảnh thảm đạm đó tôi không biết làm gì hơn đành cứ đứng lặng nhìn ông. Bỗng ông đưa mắt cho tôi. Tôi ghé sát lại gần, cúi hẳn xuống, nghe những âm thanh lào thào bật ra không rõ ràng vì vướng cái ống trong cổ họng. Hỏi đi hỏi lại cũng không hiểu ông định nói gì nên tôi không biết trả lời ra sao, thì lại thấy đôi mắt ông nhìn mình khẩn thiết, hai cánh tay cứ rục rịch cựa quậy. Tôi lại ghé xuống và cũng nghe những tiếng mắc nghẹn vào cái dụng cụ y tế. Ba lần liên tiếp mà tôi không sao hiểu nổi, đành đứng đực ra bất lực, còn ông thì nhìn tôi tỏ ý rất oán hận. Và rồi chuyện không hay đã xẩy ra lập tức. Hóa ra ông chỉ muốn... đi ngoài. Mọi người tất bật dọn dẹp, riêng tôi thì vừa thương vừa buồn, đành ra về, bên tai còn nghe tiếng vợ ông, một người phụ nữ quá chất phác, cất lên khá to khi chào từ giã - từng lời như tiếng con dao gại vào tim mà chắc ông cũng nghe rõ không kém gì tôi: “Chú ạ, Bác sĩ nói chỉ đến chiều ngày kia là cùng”.
Thế nhưng trong bấy nhiêu điều muốn nói về ông, có một điều gần như chưa ai nói mà theo tôi, có thể giúp hé mở một phương diện khác lạ của con người Nguyễn Từ Chi: ông là một người sớm nhạy cảm với những bế tắc của con đường nghiên cứu khoa học xã hội chính thống ở Việt Nam. Sự nhạy cảm này bắt nguồn từ một năng khiếu cũng khá đặc biệt, ấy là nhận thức tỉnh táo của ông về mọi chuyển động âm thầm của thời cuộc, hay đúng hơn là một nhãn quan minh mẫn về chính trị. Kể từ năm 1963, sau hai năm làm chuyên gia giáo dục và mải mê điền dã dân tộc học ở Guinée và một số nước trên hai bờ con sông Niger của châu Phi, trên đường trở về ghé qua Moskva khoảng một tuần lễ, khi gặp lại người thân, ông đã có một nhận xét khiến nhiều người trong gia đình sửng sốt: “Mô hình xã hội chủ nghĩa xem ra không ổn rồi, vì nó sans humanité (không “người”)”. Vào thời điểm 1963, khi ai nấy còn chưa hết xuýt xoa uống dư vị nồng say của câu thơ Tố Hữu:
                            Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng.
                            Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng,
                            Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau,
                            Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu...
 
chúng tôi đâu có thể hiểu nổi khía cạnh nghiêm chỉnh trong nhận xét có vẻ hơi bồng bột của người anh của mình, thậm chí còn hoài nghi cả trí tuệ sắc bén của ông, cho rằng nó tư biện. Đáp lại chúng tôi, ông không tranh cãi, nhưng kể từ đấy, ông đã âm thầm chọn cho mình một hình thức nghiên cứu “nghiệp dư”, “tay trái” (thoát khỏi hệ thống quản lý của nhà nước) và một lối sống mà như Giáo sư Phan Ngọc sau này đã nói - con người ngoài lề.
Trong những năm 60 của thế kỷ XX, khi chúng ta vồ vập với Trung Quốc, ông giữ thái độ lặng lẽ, ít luận bàn, chỉ đôi khi điểm xuyết vài câu tưng tửng: “Đừng thấy họ hảo hảo, cung cấp cho mình nào lương khô, nào bánh mỳ mà tưởng bở. Một lúc nào đó họ quay ngoắt một cái, cho nếm “trái đắng” là mình khắc biết”. Bấy giờ, ngoài xã hội thì “Bên ni biên giới là nhà/ Bên kia biên giới cũng là anh em” (thơ Chế Lan Viên) nên cố nhiên trong gia đình cũng chưa ai thức nhận được “thông điệp” của ông. Mãi đến năm 1974, tin tức về vụ đánh chiếm Hoàng Sa thì thào vọng đến, ông thân tôi - Nguyễn Đổng Chi - được giao đi tìm tài liệu Hoàng Sa trong thư tịch cổ trình lên Tổng cục Chính trị, và sau đó ròng rã nhiều tháng trời tham gia khảo sát đường biên giới phía Tây và phía Bắc đất nước, khi về có nói nhỏ với tôi: “Lời anh Từ ngẫm lại thế mà thiêng”. Rồi tiếp đến những chuyện động trời ở biên giới Việt-Hoa năm 1979... Câu nói ngày nào của người anh càng được chứng thực rành rành.
Nhưng nhận định về Trung Quốc của ông chưa dừng ở đấy. Một hôm nhân gặp Từ Chi trong một cuộc họp của Ủy ban Khoa học xã hội, hai anh em kéo nhau vào một quán cà phê Hoa kiều tại một phố nhỏ im vắng trên đường Trần Xuân Soạn, được bà chủ tiếp đón ân cần và chu đáo, qua cách pha cà phê tỷ mỉ rưới một lần nước sôi cho cà phê nở hết ra rồi mới rót đầy nước vào, để nước lọc qua lớp cà phê chảy xuống càng chậm càng tốt, sau đó cất ngay phin cà phê khi những giọt đặc sánh vừa vặn rơi xuống ly đúng cữ, cuối cùng đưa một thìa đường điệu nghệ khuấy thật tan sao cho cà phê nổi bọt vàng óng, lại không ngọt quá đối với khách... Thấy tôi cứ tắc lưỡi so sánh với cung cách làm ăn chểnh mảng, mặt nặng mày dày ở các cửa hàng mậu dịch, ông trầm ngâm nhấm nháp giọt cà phê rồi bỗng thốt lên từng lời rất khẽ tuồng như là những suy ngẫm đang chất chứa trong lòng, không ăn nhập gì vào câu chuyện trước mắt: “Ông Huệ này (trong gia đình chúng tôi thường gọi tên nhau bằng một chữ giữa)! Đằng sau bức bình phong sơn vẽ tráng lệ của hai cánh cửa Đại Hán thâm nghiêm là cả một thế giới kinh hoàng mà ở bên này biên giới chúng ta không thể hình dung nổi đâu - vì họ “kín cổng” đã đành, ngay các bậc kỳ lão nhà mình cũng không bao giờ muốn cho con dân tận mắt nhìn thấy, cốt cho cái hình ảnh déifié (được thần thánh hóa) của “ông anh Hai” khỏi désacré (bị giải thiêng). Cho nên đừng có dại dột mơ làm như Trung Quốc, mơ một thứ phép tắc Trung Hoa nề nếp quy củ vốn đánh đổi bằng máu xương bao nhiêu triệu người thuở nào đến nay mới tạo nên được. Về mặt này thì ông Hồ dù sao cũng cao tay hơn mấy ông Bộ chính trị khác như Trường Chinh một tầm. Hãy cứ chấp nhận sự “nhộm nhoạm” của xứ sở mình, nó là làng xã đấy nhưng còn dễ thở đôi chút để anh trí thức loại nhờ nhờ chơi trò ú tim thay vì phải đi cải tạo”. Cho đến năm 1990 bạn bè rỉ tai nhau về vụ Thiên An môn, rồi năm 2001, được đọc hồi ký của Lý Chí Thỏa - Bác sĩ riêng của Mao - trên đất Mỹ, tôi mới thảng thốt nhìn ra bộ mặt thật của Đại cách mạng văn hóa do một tay phù phép của vị Hoàng đế “thiên triều” hiện đại, và bấy giờ ngẫm lại mới thật thấm thía lời ngụ ý sâu xa của Từ Chi hồi nào.
Trở lại chuyện Việt Nam. Khi quân đội nước ta tiến thốc sang Campuchia và đóng chốt luôn tại đấy, trong phạm vi thân mật gia đình ông là người đầu tiên nêu thắc mắc: “Đánh một đòn để phòng trước thế bị tạt sườn, ai cũng hiểu điều ấy. Nhưng đánh xong không rút thì rất khó giải thích. Thế cái gọi là nguyên tắc tôn trọng quyền dân tộc tự quyết để đâu? Hay chỉ nói mà chơi?”. Về sau chúng tôi mới được nghe tin Đảng Cộng sản Nhật Bản và nhà báo, nhà nghiên cứu Việt học người Pháp nổi tiếng Boudarel cũng có ý kiến tương tự ý kiến của Từ Chi.
Đấy chính là những năm cuối thập niên 70 bước sang đầu 80, đất nước đã ở vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Hào khí giúp bạn đuổi sạch bóng “quỷ đỏ” chưa thấy rạng rỡ trên mặt một ai nhưng nỗi ưu tư vì túng thiếu thì đã trông thấy. Còn nhớ ngày ngày chúng tôi cho con cái ra cửa hàng lương thực đặt gạch xếp hàng rồng rắn dài dặc để mua cho được mấy ký gạo độn với bo bo, tối về họp mặt vài anh em trong khu nhà tập thể nghe đi nghe lại hai băng nhạc Sơn ca 7 (Trịnh Công Sơn) và Sơn ca 9 (tiền chiến), đắm trong giọng ca mê hồn của Khánh Ly, Lệ Thu... mà lòng buồn rũ, tưởng nhớ đến những ngày kháng chiến chống Pháp đẹp đẽ xa xưa và giấc mơ không có thật của mình: “Ngày nào ta phá tan đồn nó đi, Sẽ thấy bên đường trở về, Áo dài đùa trong nắng hè...”.  Trong khi đó, các cuộc vận động cải cách nông thôn bùng lên lại xẹp xuống, hết phong trào “lúa năm tấn” của Thái Bình (mà vẫn không đủ nguyên liệu cung cấp cho “nhà máy xay cháo”- nhà máy xay xát gạo giữa trung tâm thị xã được nhân dân gọi chệch để chế giễu), đến phong trào “xếp đặt lại giang sơn” của huyện Quỳnh Lưu với lời tuyên bố hùng hồn của ông Bí thư huyện ủy: “Một mo cơm một quả cà đi xây chủ nghĩa cộng sản”. Mấy anh em Viện Văn học cùng với nhà thơ Viện trưởng Hoàng Trung Thông về tìm hiểu tình hình “nông thôn thay đổi cách làm ăn” ở Nghệ An. Bí thư tỉnh ủy Trương Kiện đón tiếp, giọng vẫn đầy nhiệt huyết, nhưng đi đến đâu cũng thấy rộ lên chuyện công trình thủy lợi Vách Bắc và cống Hiệp Hòa đổ ụp, câu đối, thơ ca dân gian truyền nhau râm ran: “Một thằng thọt chen chân vào nhà đỏ/Trăm dân lành vùi xác dưới bùn đen”... Cũng dịp ấy, có hôm nhân trò chuyện với một người em rể - nhà giáo Trần Doãn Hoài, ông cười tủm tỉm: “Đây là ván bài cuối cùng của Lê Duẩn, rồi chú xem”. Quả nhiên là ván bài cuối cùng, bởi sau đó tình thế đã bức xúc đến nỗi “khoán chui” của Kim Ngọc bất chấp mọi cấm cản cứ được loan truyền, tiếp đấy ít lâu nữa không khí “đổi mới” bắt đầu nóng lên.
Do công tác điều tra dân tộc học, sau ngày đất nước thống nhất, Từ Chi có theo anh chị em trong ngành đi điền dã Tây Nguyên một đôi lần, tuy phạm vi quan tâm chính của ông là người Mường. Theo Giáo sư Phạm Đức Dương, trong một chuyến thám sát khá lâu ở mấy tỉnh cao nguyên miền Trung cách đây ngót 25 năm, ông và nhiều nhà khoa học đã được Nguyễn Từ Chi nêu ba điều dự báo nghiêm chỉnh: 1. Rừng Tây Nguyên sẽ sớm bị phá trụi theo cách làm ăn của người Việt vốn là cư dân đồng bằng châu thổ, dựa trên phương thức canh tác cổ truyền là khai thác gỗ quý và các loại lâm thổ sản mà không mấy quan tâm đến bảo vệ rừng; 2. Người Việt lên Tây Nguyên ngày càng đông (78-80%) đã và sẽ chiếm hết những vùng đất thuận lợi của người Thượng, đẩy bà con dân tộc vào những lũng sâu tận đáy rừng. Đấy là nguy cơ tiềm tàng của những xung đột Kinh-Thượng thường trực nén sâu trong tâm tư người dân tộc, hễ có điều kiện là thế nào cũng bùng nổ; 3. Việc phát động “phong trào chống mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới” vô tình đẩy đức tin “Thần-Giàng” và đời sống tâm linh ra khỏi cuộc sống người Thượng, trong khi cán bộ miền xuôi “nói nhiều mà làm được quá ít”, khiến “nghe theo Đảng cái tai nó no nhưng cái bụng nó đói”, cộng thêm với cách ứng xử áp đặt làm đồng bào cảm thấy bị coi khinh, thế tất mảnh đất tâm linh bị hụt hẫng, trống chỗ, trước sau cũng bị đạo Tin Lành thế chân. “Ba cảnh báo quan trọng đó đều không được các cơ quan Đảng, Nhà nước có trách nhiệm từ trung ương đến địa phương quan tâm xử lý, hoặc xử lý vụng về, non nớt, thiếu cơ sở khoa học. Đến nay những cảnh báo trên đã thành hiện thực, gây nên sự xáo động bất lợi về mọi mặt làm chúng ta đau đầu, bối rối và đang tìm mọi cách để “ngăn chặn”! Thật đáng tiếc cho những đề xuất khoa học từ rất sớm của Giáo sư Từ Chi!”(1).
Cũng đề tài này, khi trao đổi với họa sĩ Trần Duy, một trong những “tên tuổi” của Nhóm Nhân văn-Giai phẩm, chơi thân với Từ Chi từ ngày còn ở Huế và đã từng cùng Từ Chi vẽ ảnh cụ Hồ làm tài liệu tuyên truyền trong Cách mạng tháng Tám (ông hé lộ cho biết Từ Chi rất có năng khiếu hội họa, nhiều ký họa của anh thật xuất thần), cũng là người lo thu xếp kiếm nhà cho Từ ở phố Nguyễn Thượng Hiền sau khi Từ tìm cách đưa được chị Tuất vợ anh từ Guinée về Hà Nội, lại có người con gái vốn rất quý mến chú Từ nên lo lắng chạy vạy thuốc thang săn sóc bệnh hắc lào của chú đến khi lành hẳn mà không hề ngại... “bẩn”, và cũng là người có bức chân dung Từ Chi đứng xuôi tay vào hàng danh tác, ông thừa nhận Từ Chi băn khoăn về vấn đề người Thượng đã từ lâu lắm, nhiều năm trước ngày vào Tây Nguyên với Phạm Đức Dương. Mà điều then chốt khiến ông băn khoăn là không thể trộn lẫn giản đơn các nền văn hóa. Dấu ấn riêng ở từng dân tộc là cái bùa thiêng từ xưa đã găm chặt vào tâm thức họ, và đối với nhiều tộc người, cái bùa ấy rõ nét hơn hẳn người Kinh. Cách xử sự đánh đồng thô bạo của tộc người chủ thể ỷ thế mình bây giờ ranh khôn hơn, chỉ là cách hành xử vô văn hóa đối với văn hóa, sớm muộn thế nào cũng gây nên đổ vỡ.
Nghe tôi tò mò gợi hỏi về người bạn thân đã khuất, trong ngôn ngữ dè dặt của một họa sĩ lão thành chỉ muốn yên thân vẽ tranh phong cảnh, sẵn sàng vứt hết quá khứ của mình từng là một “anh hùng” đánh trường bay Gia Lâm cùng Hoàng Minh Chính, cũng từng là một cán bộ phiên dịch xuất sắc trên Mặt trận đường số 4 hàng ngày kề cận “con hùm xám” Đặng Văn Việt, ông Trần Duy thổ lộ thêm vài điều: vụ án Nhân văn-Giai phẩm là chuyện của Ban Tuyên giáo trung ương do một mình Tố Hữu xếp đặt, cụ Hồ không can dự, công an đứng phía sau nhưng cũng không trực tiếp tham gia xử lý ngoài mấy người bị gán tội danh liên quan đến “địch” phải ra hầu tòa và đi tù. Bản thân ông có làm đơn lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bị Trưởng tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên giáo Võ Hồng Cương trịch thượng gọi đến mắng “sao dám khiếu nại vượt cấp?” (Võ Hồng Cương đang nằm trên võng không thèm ngoảnh lại mà hỏi luôn câu ấy), nhưng rồi cũng được chuyển về cho Nguyễn Bắc Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cai quản, và nhờ cái tâm của ông Bắc nên đã không phải ngừng cọ một thời gian nào. Còn Từ Chi thì chẳng hề né tránh mà vẫn đi lại chơi bời với với ông, trong thời điểm lắm bất trắc khoảng 60-70 là chuyện không dễ vì có thể gây nên “đại họa”. Tuy nhiên, khi bàn đến những gì Nhóm Nhân văn-Giai phẩm đã làm thì Từ luôn tỏ ý cười giễu: “Các ông đòi tự do sáng tác là nhầm mất rồi. Trên mảnh đất bằng bàn tay như Việt Nam án ngữ bởi anh khổng lồ chuyên chế phương Bắc lại kẹp giữa núi và biển mà có món hàng xa xỉ phẩm gọi là dân chủ thì tôi tự tử ngay lập tức”. Câu nói này Từ đã nhắc lại gần như nguyên xi với đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy trong lần gặp nhau cuối 1989 đầu 1990 ở quán Monge, Paris.
Có một điều thú vị là trong cách trình bày quan điểm của ông, bất kỳ với ai, ít khi Từ Chi tỏ vẻ ta đây quan trọng. Trao đổi với Giáo sư Trần Quốc Vượng lần nào cũng vậy, thường ông vẫn điểm một lời “bông phèng” vào hồi kết: “Tôi nói tầm bậy tầm bạ, ông đừng có tin”; nhưng chính Giáo sư Vượng thì lại rất tin ở cụ Từ, và nhiều kiến giải bất chợt lóe sáng nơi cụ thấm ngay vào Vượng đã biến thành những luận điểm lớp lang, hệ thống. Cũng với kiểu nửa đùa nửa thật như thế, Từ Chi từng bảo tôi, ông ngờ Hồ Chí Minh không phải là một phái viên (député) của Quốc tế Cộng sản mà là một tình báo viên (agent de renseignements) của tổ chức này thì đúng hơn. Tự đứng ra thành lập các Đảng Cộng sản ở Đông nam Á là sáng kiến của Hồ nhằm xác định uy tín và bản lĩnh chứ chưa chắc Quốc tế đã giao cho ngay từ đầu. Ông kể lại giai thoại được giới sử học truyền miệng nhau từ rất sớm, rằng khi Hồ về nước, ra mắt trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, có người đã dám bóng gió hỏi đến giấy giới thiệu của Quốc tế cộng sản là thứ chứng chỉ vật bất ly thân, thì Hồ điềm nhiên trả lời: “Đồng chí phải biết nguyên tắc hoạt động bí mật là thế nào chứ. Để giấy trong mình làm sao thoát được lưới kiểm soát của kẻ địch vây bủa người cách mạng chúng ta ở khắp mọi nơi, trùng trùng điệp điệp?”. Thế là không ai chất vấn gì nữa, cuộc “kiểm tra lý lịch” coi như chấm dứt yên ổn. Và ông kể thêm một chuyện thực mà mình có dịp tận mắt chứng kiến: trong một lần Hồ Chí Minh đưa một vị khách người Pháp đến thăm Bảo tàng Cách mạng (Từ được mời làm người giới thiệu bằng tiếng Pháp với khách), khi bước vào một gian phòng có treo ảnh Hà Huy Tập rất trang trọng, Hồ chậm rãi đi theo nghe mọi lời dẫn giải không xen vào một câu nào. Nhưng xem xong, ra gần đến cửa, ông ngoảnh lại tươi cười, chỉ vào ảnh Hà Huy Tập bảo với các nhân viên đang đứng trong phòng ngóng ra phía Bác: “Các cháu có biết không, chú này từng chỉ trích Bác ra trò đấy”. Thế rồi Bác tỉnh bơ, vui vẻ theo chân ông khách đi sang phòng khác. Bản năng “thoát hiểm” trong mọi tình thế và cái cách để lộ thông tin lấp lửng như của Hồ - không kể phong độ thung dung, ứng biến thông thái và cư xử hóm hỉnh, truyền cảm rất nhập vai, có sức chinh phục người khác như một thiên bẩm - theo Từ, bên cạnh một nhân cách văn hóa, là phẩm chất cốt yếu của một tình báo viên. Nhân câu chuyện Từ kể, tôi liền cố gặng, ông có nghĩ cụ Hồ là mác-xít thứ thiệt hay không, ông đáp ngay không chút chần chừ: “Không biết thiệt hay giả nhưng mác-xít là cái chắc. Thời ấy không mác-xít mới là lạ. Chỉ có điều, Hồ học chủ nghĩa Mác chắp vá, chỉ những phần hữu dụng cho mình thì mới học, khác với loại được đào tạo “thuộc bài” theo giáo trình abc của Staline như Trần Phú, nên không rơi vào cứng nhắc, và chắc vẫn không mất cái lương năng nhà nho của người bố - cảm nhận sự vật bằng tâm - trong khi Trần Phú vốn xuất thân trường Pháp-Việt, đã quen đầu óc duy lý, khá nguy hiểm vì nhìn thực tế Việt Nam theo tư duy anh cộng sản Tây. Chính vì thế Hồ không phân loại giai cấp xã hội ở Việt Nam sách vở kiểu Trần Phú mà phân loại gần với thực tiễn hơn, nhờ những ấn tượng ăn sâu vào tiềm thức từ hồi còn ở quê nhà. Cái ấy vô hình trung như một nội lực thỉnh thoảng cựa cưỡng giáo điều Staline. Có lẽ nói Hồ là phần tử nationnaliste (dân tộc chủ nghĩa) cũng không sai”.
Kể lại những hồi ức trên đây về Từ Chi, tôi không muốn bạn đọc hình dung người anh của mình như một nhân vật có khả năng tiên tri của một ông thầy bói hay một nhà ngoại cảm. Ông là người bình thường, rất bình thường như mọi người khác. Ông cũng có thích xem bói, thích tử vi, thích bấm độn; vì thích và tin vào những thứ ấy mà khi được mời cùng Đặng Nghiêm Vạn sang Pháp lần thứ hai để dự một cuộc hội thảo quan trọng nhân triển lãm về dân tộc học Đông Dương cuối năm 1994 với tư cách codirecteur (đồng chủ trì), ông đã nhất quyết bỏ chiếc vé khứ hồi mà không nuối tiếc, bởi trước ngày khởi hành tình cờ được anh bạn YN - vốn là một chàng trai nổi tiếng đoán vận mệnh trúng phóc nhờ sống chung với một vị Đạt lai trong 5 năm làm Phó tiến sĩ ở Đông Âu - vừa từ làng quê Tây Nguyên ra Hà Nội ghé thăm và bói cho một quẻ rằng mệnh của ông... có đi không về(2). Nhưng về những phán đoán thời cuộc mà tôi đã nói thì không liên quan gì đến phương diện sống riêng tư có vẻ tầm phào ấy. Trái lại ở đây ông tỏ rõ cái tri giác tinh tường của một người nhìn trước mọi sự và nhìn mọi sự với một xác tín khác người. Chính vì cái nhìn có tiên lượng rất xa như thế nên ông phải chịu nhiều tai vạ, mặc dù đã rất khéo giấu mình dưới lốt “bụi đời” - ăn mặc nhếch nhác, tóc tai bù xù... để người khác bớt đặt vào “tầm ngắm”. Trong cuộc đời nghiên cứu, ông từng bị các cơ quan “tuyên văn giáo huấn” gọi là trường phái tư sản, chỉ nghiên cứu những thứ vụn vặt, hình thức vô bổ như “cạp váy Mường” mà không đi vào những đề tài xã hội thời sự có ích lợi cho việc tuyên truyền đường lối quan điểm của Đảng. Vì thế, để có thể công bố được công trình tâm huyết, ông đã phải dùng phương thức “carnaval” hay “đeo mặt nạ”, đổi nhan đề từ Cạp váy Mường sang Hoa văn Mường (1978), lại phải đem hết các luận chứng so sánh với kiến giải của học giả phương Tây “ém” xuống phần chú thích. Mãi về sau khi sách được Hội Khoa học lịch sử tái bản nhằm mừng 70 năm ngày sinh của ông, mặc dù đã rất yếu, ông vẫn kỳ công ngày đêm khôi phục lại bản thảo cũ. Nhưng đã trễ, sách ra thì Từ Chi vừa mất, không kịp nhìn thấy diện mạo đứa con tinh thần đúng như mong ước của mình.
Ông cũng từng phải xê dịch hết từ cơ quan này đến cơ quan khác, mỗi lần xê dịch đều là một “sự cố” dính dáng đến chủ kiến học thuật của ông, và do không muốn phải thay đổi chủ kiến, ông chấp nhận ra đi, nghĩa là phải hy sinh. Tôi chỉ xin dẫn một trường hợp mà tôi biết rõ nhất, ấy là cái lần vào năm 1972, ông đang công tác tại Viện Dân tộc học. Năm đó cả Ủy ban Khoa học xã hội phải đi sơ tán lên Hà Bắc để tránh đợt không kích trở lại của Mỹ. Một hôm, nhân thì giờ rỗi rãi, Viện Dân tộc học nẩy ra ý mời ông thuyết trình về một học thuyết của phương Tây, một học thuyết nào đó đang thuộc loại “thời thượng” mà ai cũng biết ông rất sành vì có điều kiện ra nước ngoài, lại rất chịu đọc, còn người khác thì tuy có nghe đồn nhưng hoàn cảnh trong nước không làm sao được tiếp xúc với tài liệu. Ông chọn đề tài là thuyết cấu trúc của Lévi-Strauss. Ông nói quá hấp dẫn nên hết ngày thứ nhất lại nói thêm ngày thứ hai, hết ngày thứ hai lại phải kéo sang ngày thứ ba. Nhưng cuối ngày thứ ba thì “sự cố” xấy ra. Ông ĐL, Bí thư Đảng ủy Ủy ban Khoa học xã hội từ Hà Nội bỗng lên chỗ sơ tán thăm anh em. Thấy mọi người tụ tập đi nghe Từ Chi giảng khiến cho viện nào viện ấy vắng ngắt, ông Bí thư hơi ngạc nhiên, bèn dò hỏi. Và khi biết chuyện thì ông nổi trận lôi đình. Chao ôi! Đang đánh Mỹ mà đi tuyên truyền học thuật tư sản. Thật là chuyện tày trời. Ông cho đình ngay cuộc nói chuyện, bắt lãnh đạo Viện Dân tộc học phải “báo cáo”, và mời Từ Chi lên cho ông gặp. Anh tôi đã im lặng, không phản ứng gì nhưng từ chối cuộc gặp, ngay sau đó làm đơn xin đi cơ quan khác. Nhờ người bạn liên tài Cao Huy Đỉnh thu xếp nên ông về Viện Mỹ thuật, được ít lâu không chịu nổi phong cách độc đoán của ông thủ trưởng Viện ấy, lại phải nhờ đến Cao Huy Đỉnh để chuyển sang Hội Văn nghệ dân gian, rồi ít lâu nữa chuyển dịch một lần thứ ba sang làm biên tập viên tạp chí Văn hóa nghệ thuật của Bộ Văn hóa, nơi dừng chân cuối cùng của ông.
Đọc nhiều truyện truyền kỳ của Trung Quốc và Việt Nam, tôi thường hình dung Nguyễn Từ Chi như một loại hình nhân vật “tàng tàng” khá quen thuộc trong môi trường huyền thoại của xã hội phương Đông, loại người lưỡng phân nửa ăn mày nửa đạo sĩ, nửa tục nửa tiên, có hành tung khó hiểu, nhiều lúc như trẻ con (nhưng mấy ai đã ăn đứt được cái “túi khôn” trong bấy nhiêu hành vi tưởng là trẻ con ấy); có ngôn ngữ lạ lùng, ngỡ nói quàng mà kỳ thực hàm chứa sự nhìn xa thấy rộng, sâu sắc tuyệt vời. Có những điều ông tâm sự với tôi, đến nay tôi đang chiêm nghiệm mà chưa dám thổ lộ cùng ai, tuy vậy trong lòng vẫn thắc thỏm chờ thời điểm “phát sáng” của những ý tưởng nén trong ngôn từ súc tích của ông mà tôi tin là chân lý.
Phải nói, tạng người của Từ Chi, tư chất mềm mỏng/cứng cỏi song hành ở ông, ít nhiều hình như có bắt nguồn từ trong gia đình, pha trộn cả với cái “gàn” của xứ Nghệ. Bố ông, Nguyễn Kinh Chi, một Bác sĩ có tiếng của miền Trung, là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và Thứ trưởng Bộ Y tế hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, từng có viễn kiến chặt rừng cây quinquina ở Lâm Đồng đem ra khu IV ngay từ cuối năm 1945 để dự phòng làm thuốc quinine chữa sốt rét cho bộ đội, cũng như cho di chuyển an toàn Bệnh viện hiện đại nhất của Huế ra Nghệ An trước khi Pháp đánh vào Thừa Thiên, lại có công xây dựng Xưởng dụng cụ y tế ở Liên khu IV, làm ra ống tiêm và máy dập thuốc viên, việc vô cùng khó khăn thời đó. Vào năm 1953, gặp phong trào cải cách ruộng đất, xử bắn bà Nguyễn Thị Năm, ông viết đơn xin ra Đảng (khi vào Đảng năm 1946 ông không hề chủ động xin, và mấy lần từ chối, đã được bố tôi kể rõ trong bài Văn tế sống anh trai nhân ngày sinh nhật anh 85 tuổi). Không được chấp nhận, ông lại viết đơn năm lần bảy lượt xin từ chức Thứ trưởng, lấy cớ mẹ già vừa mất, gia đình lâm cảnh khó khăn muốn trở về Nghệ - Tĩnh giúp đỡ vợ con, cuối cùng được đồng ý. Cũng vậy, chú ruột Nguyễn Từ Chi, năm 1978 được sự ủy thác của Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn đứng ra xây dựng Viện nghiên cứu Hán Nôm do ông làm Viện trưởng. Nhưng khi Viện vừa bắt đầu rõ dần mặt mũi với những dự án có tầm xa rộng (1981), đứng trước cái mâu thuẫn nan giải giữa việc cơ quan vừa phải êm thắm những “bùng nhùng” trong Chi bộ vừa phải khởi động công việc chuyên môn, giữa việc ưu tiên cho quyền lợi của một số Đảng viên có uy thế mà học thuật kém cỏi và yêu cầu phải đào tạo, bổ nhiệm một đội ngũ có thực chất, bảo đảm sự sống còn của chuyên ngành, thấy mình lực bất tòng tâm, ông đã lặng lẽ làm đơn xin rút chức Viện trưởng rồi đổi sang làm một chuyên viên của Viện Văn hóa dân gian. Quá trình hình thành nên cốt cách của Từ Chi như ông đã có - một hình bóng thấp thoáng xa gần của kiểu người Bùi Giáng giữa miền Bắc xã hội chủ nghĩa - xét cho cùng âu cũng có cơ duyên, cội rễ, chứ không phải ngẫu nhiên.
Năm nay, đúng 80 năm ngày sinh (17-XII-1925) và mười năm ngày mất (15-X-1995) của Nguyễn Từ Chi, tuy là một người em thúc bá song đối với ngành dân tộc học thì lại là một người “ngoại đạo”, tôi không thể nói gì nhiều về thành tựu nghiên cứu của ông, đành xin kể đôi ba chuyện bên lề của nhà học giả, có lẽ cũng không đến nỗi quá dông dài vô bổ. Bởi trong cuộc đời dầu may mắn hay bất hạnh, nhà học giả nào cũng phải lựa chọn một tư cách công dân để hành nghề. Và xét cho cùng, cái cách thể hiện mình trong tư cách công dân mà anh chọn lựa, trong cuộc sống thường ngày, ngay từ sớm đã góp phần quyết định thao tác căn cơ của anh trong học thuật. Từ Chi đúng là một con người như vậy.
                                                                                                  30-VI-2005
 
 
(1) Xem Phạm Đức Dương. Nguyễn Đức Từ Chi (1925-1995)- một nhà nhân học xuất sắc. Bài viết năm 2003, in trong cuốn Những cuộc đời những trang thơ nhằm kỷ niệm 50 năm thành lập Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia; Nxb. Khoa học xã hội, 2003. Đoạn trích trên đây trong bản in đã được viết gọn lại. Chúng tôi dẫn theo bản vi tính tác giả tặng gia đình Nguyễn Chi.
(2) Theo một số người kể lại, sau 5 năm học ngoại cảm nghiệp dư với vị Đạt lai, YN đã đạt đến cấp thứ ba trong Tây Tạng giáo. YN cho biết nguồn gốc của Tây Tạng giáo vốn là từ nước Thục xưa, nơi từng có Gia Cát Lượng rất giỏi phép thuật kỳ bí phò giúp Lưu Bị thời Tam quốc. Cũng theo nhiều người kể lại, ngay trong hôm bói cho Từ Chi, YN cũng đã đoán rất trúng quang cảnh nhà ở của một người bạn gái có mặt tại đấy, rằng trước nhà chị có một đống đá, và trước khi làm nhà, chị từng chặt đi một cây mọc lên giữa nhà. YN cũng hỏi một người bạn khác rằng tại sao anh lại thờ tổ tiên trên nhà xí, hóa ra anh này vừa cho phá bỏ nhà xí cũ để cơi nới thành gian phòng thờ. Sau buổi gặp gỡ, không chỉ Từ Chi mà rất nhiều người đều kinh phục.

© Copyright Nguyễn Huệ Chi