Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ BÁO PHẠM KHẮC LÃM: CÔNG DANH NHƯ PHÙ VÂN

Dương Đức Quảng
Thứ sáu ngày 10 tháng 7 năm 2009 5:29 AM

Ông thuộc hạng nhà báo VIP, được nguyên thủ biết tên, người dân biết mặt; từng nhiều năm đứng đầu một cơ quan báo chí lớn cả nước, nay đang là Tổng Biên tập tờ tạp chí Việt Mỹ thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
 
Nửa thế kỷ gắn bó với nghề báo, ông có biết bao kỷ niệm vui buồn. Bây giờ, ở tuổi 80 nhìn lại, ông bảo sinh ư nghệ, tử ư nghệ, nếu sang thế giới bên kia được chọn lại nghề, ông sẽ tiếp tục chọn nghề báo! Ông là Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam.
Thuộc nhóm nhà báo thân quen, từng nhiều lần bia bọt cùng ông, thế mà gọi điện xin gặp, lần nào tôi cũng không gặp được. Lúc thì ông đang ở nước ngoài, lúc mình vừa vào TP Hồ Chí Minh, lúc lại đang họp! Một buổi sáng giữa tháng 6/2009 tôi mới được ông hẹn tới nhà riêng ở cuối phố Tràng Thi, Hà Nội và dành trọn cả buổi để trò chuyện cùng tôi về những kỷ niệm vui buồn trong nửa thế kỷ làm báo của ông.
 
Suýt nữa thì thành… kỹ sư luyện kim!
 
Ông Phạm Khắc Lãm sinh ngày 1/11/1930, năm nay bước vào tuổi 80. Ông là con trai cả của cụ Phạm Khắc Hoè, Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại trước đây, tác giả của cuốn hồi ký nổi tiếng Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc và là anh trai của Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành, một người nổi tiếng không kém mà làng báo nhiều người biết tên, biết mặt!
Mười lăm tuổi, Phạm Khắc Lãm đang học đệ nhị chuyên khoa ở Trường Trung học Khải Định, Huế, thì Cách mạng Tháng 8/1945 bùng nổ. Anh hăng hái tham gia tổ chức học sinh cứu quốc ở Huế, là một trong những nhân vật nòng cốt đứng ra thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong và Liên đoàn học sinh Thuận Hoá sau ngày cách mạng thành công.
Khi cựu hoàng Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cụ Phạm Khắc Hoè ra Hà Nội cùng cựu hoàng Bảo Đại. Cụ đưa Phạm Khắc Lãm cùng một người con trai nữa theo. Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì hai ngày sau cụ Phạm Khắc Hoè bị giặc Pháp bắt vào Hoả Lò, rồi bị đưa vào Sài Gòn giam lỏng.
Trước đó, Bảo Đại nhận nhiệm vụ Chính phủ giao sang Trung Quốc đã đào nhiệm, ở lại Hồng Kông. Đầu năm 1947, Phạm Khắc Lãm bắt được liên lạc với cách mạng, ra ngoại thành Hà Nội nhận nhiệm vụ trong Đội thanh niên Công an quận 6.
Giữa năm 1947, cụ Phạm Khắc Hoè thoát khỏi sự chăm sóc của giặc Pháp, lên chiến khu Việt Bắc, hai anh em Phạm Khắc Lãm theo cha lên chiến khu. Phạm Khắc Lãm gia nhập quân đội, được điều về công tác tại Phòng Bí thư Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tư lệnh, nhiều năm làm thư ký của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Giữa năm 1953, Phạm Khắc Lãm cùng một số người được chọn đi học nước ngoài. Ông được chọn sang Trung Quốc, sau một năm học chuyên tu ngoại ngữ ở Quế Lâm, được phân về Học viện gang thép Bắc Kinh học ngành Luyện kim. Nếu không có sự thay đổi bất ngờ thì có lẽ bây giờ ông đã là một kỹ sư luyện kim lão luyện!
Đó là một lần ra thăm Sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, tình cờ biết được chủ trương chọn một số người đi học báo chí, Phạm Khắc Lãm xin chuyển ngành học. Và thế là ông trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của Việt Nam học Đại học Báo chí ở Trung Quốc; từ đó gắn bó cả đời mình với nghề cầm bút.
 
Một cuốc xích lô không phải trả tiền
 
Cuối năm 1959, tốt nghiệp Học viện Báo chí Bắc Kinh về nước, ông Phạm Khắc Lãm được phân công về làm chuyên viên của Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương. Tháng 4/1960, bài báo trình làng đầu tiên của ông được đăng trên tờ tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng sản) có tên: Đế quốc Mỹ và hoà bình.
Bài báo đó cùng nhiều bài báo khác của ông sau này được tập hợp lại và in trong tập sách Đế quốc Mỹ trong chiến tranh Việt Nam - một cách nhìn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2005. Nếu kể từ khi có bài báo đó đến nay, ông đã trải qua nửa thế kỷ làm báo, còn kể từ ngày ông bước chân vào học ngành Báo chí và có bài báo viết bằng tiếng Trung Quốc đầu tiên trước khi tốt nghiệp, thì thời gian làm báo của ông đã là 56 năm!
Nửa thế kỷ gắn bó với nghề báo, ông Phạm Khắc Lãm có nhiều niềm vui và cũng có không ít nỗi buồn. Đầu năm 1988, đang là Vụ truởng Vụ tuyên truyền quốc tế của Ban Tuyên giáo Trung ương, ông bất ngờ được điều về làm Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam sau một sự cố ở Đài mà ông không tiện kể với tôi.
Tuy khá quen thuộc với nghề báo viết, nhưng ông lại chưa từng trải qua nghề báo hình. Vì thế khi nhận nhiệm vụ ở Đài Truyền hình Việt Nam trong bối cảnh nói trên, ông gặp không ít khó khăn. Trong buổi làm việc đầu tiên với các cán bộ chủ chốt của Đài, ông thành thật nói, ông chẳng có võ gì khi về nhận nhiệm vụ tại Giảng Võ này, chỉ mong mọi người đoàn kết và làm tốt nhiệm vụ của mình.
Những năm ông Phạm Khắc Lãm làm Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, là những năm đất nước đi vào bước ngoặt của công cuộc đổi mới. Nhiều khó khăn, biến động không chỉ diễn ra ở Đài Truyền hình mà còn diễn ra cả trong nước và trên thế giới.
Trong nước, chế độ tập trung, quan liêu bao cấp kéo dài dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Trên thế giới, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ, tác động mạnh mẽ đến người dân trong nước, trong đó có những người làm báo vốn là những người rất nhạy cảm trước thời cuộc…
 
Trong những năm tháng ấy, ông Phạm Khắc Lãm không chỉ là người học được nhiều bài học sâu sắc trong nghề báo hình, mà còn là người lãnh đạo chủ chốt đã cùng tập thể cán bộ phóng viên, công nhân viên của đài giữ vững ổn định hoạt động của đài truyền hình quốc gia, từng bước đổi mới các chương trình phát sóng và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để Đài Truyền hình Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại.
Ông là người chủ trương đổi mới trong sự kế thừa các hoạt động của đài, như tên một bài viết của ông trong một cuộc hội thảo. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng, ra thêm bản tin trong nước và quốc tế, mở thêm nhiều tiết mục mới… được nhiều người hoan nghênh.
Ý tưởng của ông về lập các kênh phát sóng chương trình riêng, như chương trình khoa giáo (VTV2), chương trình thể thao, giải trí (VTV3), chương trình đối ngoại (VTV4)… sau này không những trở thành hiện thực mà còn phát triển mỗi ngày một phong phú hơn. Ông bảo có nhiều việc thời ông làm Tổng Giám giám đốc chưa nghĩ ra hoặc không làm được thì Đài Truyền hình Việt Nam hiện nay đã làm được và làm tốt hơn.
Trong sáu năm làm Tổng Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, ông Phạm Khắc Lãm cũng phải trải qua không ít sóng gió trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi, không chỉ gặt hái toàn niềm vui.
Đầu năm 1994, ông rời Đài Truyền hình Việt Nam sang nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài. Hôm chia tay anh chị em cán bộ của Đài sau đêm Liên hoan Truyền hình toàn quốc tháng 1/1994 tại TP Hồ Chí Minh, ông ứng khẩu đọc bốn câu thơ: Công danh như phù vân/ Phú quý tựa lông hồng/ Giữa bạn bè đồng nghiệp/ Quý nhất ở tấm lòng.
Rời khỏi Đài truyền hình Việt Nam, song nghiệp làm báo vẫn níu lấy ông. Ngoài chức vụ Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Phạm Khắc Lãm còn là Tổng Biên tập tạp chí Nghe Nhìn Việt Nam, từ 1994 đến 1999, khi ông về hưu.
Về hưu, ông tiếp tục tham gia công việc của làng báo, là một trong những người sáng lập tờ báo Khuyến học của Hội Khuyến học Việt Nam và tờ tạp chí Nhịp cầu của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (nay là Nhịp cầu đầu tư) và hiện là Tổng Biên tập tờ tạp chí Việt Mỹ của Hội hữu nghị Việt Mỹ thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam.
Trò chuyện cùng tôi, ông kể một chuyện vui, cũng là một kỷ niệm thú vị mà nghề làm báo đã mang lại cho ông, nhiều năm rồi ông vẫn không quên. Năm ấy, khi ông đã rời khỏi Đài Truyền hình Việt Nam và đã về hưu, một lần có việc lên phố Đội Cấn, ông gọi một chiếc xe xích lô, như thói quen mỗi khi cần đi đâu đều đi xe buýt, xe xích lô hoặc xe ôm. Đến nơi, xuống xe, ông lấy ví trả tiền, nhưng ông lái xe xích lô nhất định không nhận. Ông nói với ông Lãm:
- Bác chả biết em, nhưng em thì biết bác. Em biết bác trước đây là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam. Một lần xem ti-vi  quay Đài Truyền hình tổ chức cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh, em thấy bác phát biểu và đọc bài thơ Cảm ơn anh, đồng chí cựu chiến binh làm em nhớ mãi. Em cũng là một cựu chiến binh, hôm nay gặp bác, bác cho em không nhận tiền, coi như là một lời cảm ơn của em, một cựu chiến binh, đối với bác!
Ông bảo, niềm vui ấy quý hơn tiền bạc, nếu không làm báo, không làm truyền hình dễ gì ông có được!
Cậu Lãm và bốn câu thơ mừng thọ Đại tướng
Trong những năm kháng chiến chống Pháp ông Phạm Khắc Lãm có thời gian khá dài công tác ở Phòng Bí thư của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyễn Giáp. Trong sáu năm giúp việc Đại tướng, từ năm 1947 đến giữa năm 1953, ông được Đại tướng coi như một người em trong gia đình.
Đến nay, những kỷ niệm về Đại tướng ông còn lưu giữ, không chỉ là những hình ảnh và kỷ vật rất quý mà còn là những câu chuyện cảm động, đầy ắp tình anh em, thầy trò trong trái tim và trí nhớ của ông.
Trong những kỷ vật ấy, có tấm ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp nghiêng, rất đẹp mà Đại tướng tặng ông. Bức ảnh ấy chụp Đại tướng đội mũ cát đính sao, mặc quân phục, áo có cầu vai, trong là áo sơ-mi trắng, thắt caravat Đại tướng tặng ông Phạm Khắc Lãm trước ngày ông Lãm chia tay với người anh, người thủ trưởng kính mến của mình để ra nước ngoài học tập. Đằng sau tấm ảnh đó, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp viết: Thân tặng cậu Lãm. Chúc học chuyên môn giỏi và chú ý tự rèn luyện về chính trị. Anh. Văn, 21/5/1953.
Ngày 25/8/2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thượng thọ 90. Ông Phạm Khắc Lãm cùng một số anh em, đồng chí, là những người từng phục vụ Đại tướng qua các thời kỳ quây quần bên Đại tướng, chúc thọ Ông.
Trong không khí ấm cúng như trong một gia đình, ông Phạm Khắc Lãm đọc bốn câu thơ mới làm để kính tặng Đại tướng: Tuổi thọ bắc ngang hai thế kỷ/ Chiến công trải dọc dãy Trường Sơn/ Suốt đời thanh thản người quân tử/ Trước sau chung thuỷ tấm lòng son. Ông bảo đọc xong bốn câu thơ đó ông cứ nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.
Nửa thế kỷ gắn bó với nghề báo, ở tuổi bát thập rồi mà ông Phạm Khắc Lãm vẫn còn cầm bút. Không chỉ là tác giả của Thư Tổng biên tập mỗi số xuất bản tờ tạp chí Việt Mỹ suốt mấy năm qua, ông còn là tác giả của nhiều bài viết trên các báo xuất bản hàng ngày, hàng tuần ở Hà Nội và cả ở TP Hồ Chí Minh. Những bài báo của ông, như Lợi ích và lợi nhuận, Mánh này không chỉ có sân Gôn (Golf)… ông viết gần đây vẫn mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hàng ngày mà không dễ gì người cầm bút nào cũng có được
Nguồn CAND cuối tháng