Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI THẤU ĐƯỢC "CÕI VĂN"

Văn Giá
Thứ năm ngày 9 tháng 7 năm 2009 2:56 PM

      Hoài Thanh (1909 - 1982) là nhà phê bình hàng đầu văn học Việt Nam hiện đại, và là người nổi tiếng bởi sự uyên bác, tinh tế trong thẩm định giá trị tư tưởng - nghệ thuật của tác phẩm văn học. Ông bắt đầu sự nghiệp từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 với tác phẩm Thi nhân Việt Nam. Từ ngày tham gia cách mạng, ông đã đem tài năng và tâm huyết của mình để tham gia xây dựng nền văn học mới. Ông từng được cử giữ nhiều cương vị quan trọng trong quản lý, lãnh đạo văn học - nghệ thuật, và từ những đóng góp của mình, ông đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2000. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hoài Thanh, xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Văn Giá bàn về một phương diện tài năng của Hoài Thanh trong khi đi tìm giá trị đích thực của tác phẩm văn học.   

 
      Lâu nay, nghĩ về Hoài Thanh, tôi cứ băn khoăn với một câu hỏi: thực chất điều gì đã làm cho văn ông có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc? Mà văn ở đây lại là văn phê bình. Với văn sáng tác, những tác phẩm văn chương có thể dễ cắt nghĩa hơn. Quả là một câu hỏi không dễ trả lời. Theo tôi, sở dĩ văn ông có được cái sức sống ấy là bởi ở những phần tinh hoa nhất, các trang viết của ông đã minh chứng thuyết phục một điều: ông đã hiểu được một cách thông suốt văn là gì, hay nói cách khác, ông đã đi thấu vào được “cõi văn”.
 
      Văn là gì? Một câu hỏi ngỡ như đã được giải quyết từ lâu. Nhưng hễ trong những quãng thời gian có sự chuyển động của văn học, bằng một cách  rất tự nhiên, câu hỏi này lại được đặt ra. Trên thực tế, có những người viết văn, viết phê bình văn học, khi đọc mới đầu thấy lạ, thấy tân kỳ, thấy chữ nghĩa rổn rảng, nhưng bình tâm lại thấy người viết không hiểu văn là gì. Chính vì không hiểu nên mới cố khoe chữ, khoe kiến thức cóp nhặt, viết rắc rối phức tạp, và cứ tưởng cái rắc rối phức tạp là cái sâu sắc. Tình trạng nhầm tưởng cái phức tạp thành cái sâu sắc đang là một căn bệnh của phê bình hôm nay.
 
      Hoài Thanh khiến nhiều người cầm bút chúng ta hôm nay, nhất là các cây bút trẻ phải nghĩ lại, nghĩ  thêm: văn chương đích thực là gì. Điều này thể hiện ở những năng lực của Hoài Thanh mà người khác không có được, hoặc có rất ít.
 
      Trước hết, Hoài Thanh đã hiểu một cách sâu sắc thế nào là thơ hay. Thơ hay khác với cái không thơ, khác với cái thơ dở, thơ tầm thường. Khi tiến hành dựng Thi nhân Việt Nam, ông đã làm được một công việc thật dũng cảm là đọc hết một vạn bài thơ để rồi lọc ra được “non một vạn bài dở”. Chưa hết, ông lại làm cái công việc rất dễ đụng chạm là trong số còn lại ít ỏi ấy, ông lọc ra được 169 bài thơ của 46 nhà thơ. Cái quan trọng là, việc lựa chọn ấy cho đến ngày hôm nay về cơ bản vẫn thấy ông đúng, những bài thơ ông chọn vẫn thấy hay. Tại sao? Vì ông đã hiểu thơ là gì. Hầu hết những bài thơ mà ông chọn có được cái phẩm tính thơ ca rất dồi dào. Ngay cả một số tác giả có phần xa lạ, bí hiểm đối với thi cảm của ông thì ông vẫn lọc đúng được những bài thơ hay, đỉnh cao. Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên là những trường hợp như vậy.
 
      Hoài Thanh là người cả đời kiếm tìm, nâng niu những bài thơ, những câu thơ mà ông cho thực sự là hay, dồi dào phẩm tính thơ. Ông trăn trở: “Thơ tầm thường, thơ vulgaire (dở, tầm thường - VG) thì không thể gọi là thơ, lại càng không thể xem là thơ tiến bộ. Tư tưởng tiến bộ không nhất thiết lúc nào cũng được thể hiện thành thơ (…). Còn một tiếng thơ dầu có phần lạc điệu nhưng nếu chân thành, nếu được thốt lên từ đáy lòng một con người lương thiện thì vẫn có thể nên thơ” (Di bút và Di cảo, NXB Văn học, H.1993, tr.32).
 
      Ở một chỗ khác, ông chê loại thơ có thể có tư tưởng rất tốt, nhưng nghệ thuật thì kém, mà đã nghệ thuật kém thì không có giá trị gì, khi đó tư tưởng cũng khó có thể gọi là tốt nữa. Ông dẫn trường hợp này: “Ví dụ như đối với mấy câu ca dao sản xuất sau đây từng được in ra hàng mấy ngàn bản: Chúng ta chung sức chung lòng / Sản xuất không ngừng Bác Đảng đề ra / Ta cùng chung một lời ca / Ngày mai nó ấm trẻ già sướng vui”. Dở về nghệ thuật thì đã hiển nhiên, không cần bàn nữa. Nhưng có thật là tốt về tư tưởng không? Có thể tư tưởng của người viết rất tốt. Nhưng mấy câu này thì chưa chứng minh được gì hết. Vì cho dầu không thực có cảm xúc, có suy nghĩ, có tình cảm gì cũng có thể xếp vần, chắp chữ cho thành những câu như thế này. Những câu như thế chưa hề sống bao giờ trong tâm trí người đọc và cả trong tâm trí người viết nữa” (Sđd, tr.82).
 
      Như  vậy, trong suốt cuộc đời tận tụy với thơ ca, Hoài Thanh đã mải mê đi tìm thơ hay thơ đẹp, và không bao giờ thỏa hiệp với thơ dở.  Đây là một bài học quan trọng cho đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
     
Điều thứ hai, nhờ lựa chọn và nhất quán phương pháp phê bình “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, Hoài Thanh đã định danh một cách tài tình các gương mặt thơ ca, chỉ ra được hồn vía, tinh tướng của mỗi nhà thơ. Về điểm này dễ dàng nhận thấy, và cũng đã có nhiều bài viết đề cập đến. Tuy nhiên, vẫn cần phải nói thêm. Trong hai cách phê bình: tìm kiếm cái hơn - kém (hay - dở), và tìm kiếm cái khác biệt, Hoài Thanh đã nghiêng về cách thứ hai. Ở đây, có một điều thuộc về tầm vóc văn hóa. Trong khi hành trình nhân loại nhiều khi khốn đốn đi tìm kiếm cái đúng -sai, hơn - kém, thì nhiều người không biết rằng có một con đường dễ chịu hơn, thân thiện và chia sẻ hơn đó là đi tìm cái khác biệt. Cái khác biệt vô cùng quan trọng. Nó kích thích và làm nảy nở sự sáng tạo. Nó làm giàu có cho kho tàng trí tuệ nhân loại. Nó làm cho sự sống ở đời thú vị thêm lên. Hoài Thanh cả đời đi tìm kiếm, phát hiện và nâng niu những vẻ đẹp thơ ca khác nhau. Điều này góp phần vào giải thích tại sao trong hoạt động phê bình, Hoài Thanh không muốn chê ai. Ngoài lý do như chính ông nói: “… tôi nghĩ rằng đã dở thì không tiêu biểu gì hết. Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay” (Nhỏ to… trong Thi nhân Việt Nam), theo tôi, còn một lý do quan trọng nữa: ông không hướng đích vào việc khen - chê hay dở, mà ông tập trung ráo riết vào việc tìm kiếm cái - hay - khác - biệt, độc đáo ở mỗi nhà thơ. Văn học đương đại hiện nay, nhất là ở các cây bút trẻ, văn chương của họ thấy hơi hướm của nhiều người khác ám vào nhiều lắm, của cả người trong nước lẫn ngoài nước, cả trước đây lẫn hiện nay. Chừng nào những người cầm bút không ráo riết tuân theo quy luật của cái khác biệt trong sáng tạo, chừng đó khó có thể nói đến sự thành công.
 
      Điểm cuối cùng mà tôi muốn nói đến, văn phê bình của Hoài Thanh là một thứ tiếng Việt văn hóa tinh tế, sang trọng, giàu có. Đọc văn phê bình của ông như đọc một áng văn. Nơi đó, tiếng Việt hiện lên chan chứa nhiều cung bậc ý tưởng và cảm xúc, nhiều cách nói dung dị mà độc đáo, đặc biệt dân tộc. Vừa khiêm cung lại vừa tự tin. Vừa chính xác lại vừa tinh tế. Khi nhận định trực diện thì sắc sảo, khi nói tới cái huyền diệu của văn chương thì uyển chuyển, chỉ dám giả định, chứ không đoan quyết một cách áp đặt. Nhiều trang viết của ông như một gợi ý, một tiền đề kêu gọi cùng nghĩ tiếp. Tôi thấy Hoài Thanh ít dùng “quyết định luận” cột sống đối tượng phê bình, mà ông lắng nghe, nắm bắt cho kỳ được cái đặc sắc của mỗi hồn thơ. Và những trường hợp nào còn cảm thấy còn hoang mang hoặc bất lực thì ông cũng chẳng ngại ngần gì mà không nói ra. Về thơ Đoàn Phú Tứ, Hàn mặc Tử, Chế Lan Viên trong Thi nhân Việt Nam, về thơ Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù… là những trường hợp như vậy. Đó là gì nếu không phải là phẩm chất đối thoại thể hiện một tinh thần dân chủ đáng kính của phê bình Hoài Thanh.
 
      Riêng trong lĩnh vực phê bình hiện nay, có không ít những cây bút súng sính chữ nghĩa học lỏm được từ thiên hạ, nói theo người khác, không đủ sức đồng hóa thành cái nghĩ cái cảm của mình, nghèo nàn tiếng Việt. Nghĩ thế mới thấy phê bình Hoài Thanh còn khiến ta thêm nhiều nghĩ ngợi. Các phẩm chất của nhà phê bình này còn cần được lưu tâm.
 
      Tôi nghĩ, tưởng niệm và tôn vinh một người đã khuất, cái chính không nên dồn vào việc kê cứu thành tích và ngợi ca những điều đã biết, mà là việc học được gì ở tiền nhân trong bối cảnh hiện thời. Những điều tôi nói ở trên chủ yếu là những chiêm nghiệm rút ra cho nghề nghiệp của mình khi đọc lại Hoài Thanh vào thời điểm này. Tôi nghĩ như thế sẽ có ích hơn.

Bản tác giả gửi Phongdiep.net    
In lại từ phongdiep.net