Một cái nhan đề phạm thượng, nếu như thời phong kiến chắc sẽ bị chém đầu. Nhưng nay thời dân chủ rồi, mà “phê bình” không đồng nghĩa với “chê bai”, có khi là “tụng ca” (như Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”…); vả lại, Nguyễn Khắc Phê cũng muốn chơi chữ chút cho vui!
Cuộc triển lãm “Bút phê của các Hoàng đế trên Châu bản Triều Nguyễn” tổ chức ngày 20/9/2013 tại Đại Nội Huế nhân kỷ niệm 20 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới và 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của Nhân loại, thì tivi, báo chí đã đưa tin rồi. Có điều, đất nước hiện nay có bao nhiêu điều hệ trọng, sức đâu mà giới thiệu tỉ mỉ 150 phiên bản “Châu bản Triều Nguyễn” chi chít chữ Hán, cho dù trong đó có “bút phê” in màu đỏ chữ (thủ bút) của 10 ông vua từ Gia Long đến Bảo Đại, mà Cục Lưu trữ Quốc gia đánh giá là tài liệu quý hiểm. Chỉ một số nhà nghiên cứu và các ông già như… tôi là chịu khó giương mục kỉnh soi xét và nay trộm phép các nhà vua đã khuất bóng viết đôi dòng “phê bình.”
Xin dẫn một vài Bút phê:
+ Năm Khải Định thứ 2 (1917), các quan ở Cơ mật tấu trình xin thưởng Khánh vàng cho một tri huyện của tỉnh Lâm Viên, bút phê của nhà vua như sau:
“Tri huyện mà cũng xin thưởng khánh vàng thì lời nói trước đây của Trẫm chỉ là lời nói suông mà thôi!”
Nguyễn Khắc Phê “phê bình”: Chà chà! Thì ra ngày xưa cũng khá khắt khe trong chuyện khen thưởng. Mà chỉ việc thưởng cho một tri huyện cũng phải được nhà vua chuẩn y. Bất chợt nhớ một chỉ thị của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương gần đây cảnh báo việc khen thưởng tràn lan và thường là dành cho lãnh đạo!
Tôi ghi chép chưa xong thì một vị - hình như là cán bộ của Bộ, của Ban nào đó từ Hà Nội vào dự - nhắc: “Bác đã ghi thì ghi Bút phê này luôn…” Đó là bút phê ở tờ số 212, cũng thời vua Khải Định.
+ Năm Khải Định thứ 2 (1917), Viện Cơ mật tâu xin thưởng tiền vàng cho Bố chánh Bình Thuận. Bút phê của nhà vua:
“Đó là nghĩa vụ của nước ta và chức phận của viên đó, thưởng làm gì!”
Nguyễn Khắc Phê “phê bình”: Lại thêm một bằng chứng về sự nghiêm khắc, chặt chẽ của nhà vua đối với việc khen thưởng cho các quan chức. Ngày xưa, vua đã phê chữ mực đỏ vào tờ trình là chịu một phép. Nay thì chưa chắc, vì còn…phép “chạy” – chuyện “chạy” mọi thứ, chẳng phải đã được công khai trên nhiều diễn đàn quan trọng rồi ư?
Một sự tình cờ mà cũng có ý tứ: Hai trích dẫn từ một ông vua thời “mạt phong kiến”, vốn từng bị phê phán chê bai đủ điều mà còn như thế; thời thịnh trị (như Triều Minh Mạng) còn nghiêm khắc hơn nhiều.
Xin dẫn thêm một Bút phê của một đời vua từng bị o ép tứ bề và còn có người cho là vua “bị điên” : vua Thành Thái.
+ Năm Thành Thái thứ 18 (1916): Lê Trinh tấu về việc Ưng Huyền phong tước. Bút phê của nhà vua:
“Không phê chuẩn khoản Ưng Huyền hấp tấp.”
Nguyễn Khắc Phê “phê bình”: Xin lưu ý: Chỉ 1 năm sau (1907) thực dân Pháp đã ép vua Thành Thái thoái vị, đưa vào an trí tại Vũng Tàu, rồi đày qua đảo Réunion. Mặc dù quan Thượng thư Lê Trinh đề nghị và Ưng Huyền là dòng dõi nhà vua, nhưng vua Thành Thái không hề bênh vực “con ông cháu cha”, đã bác tấu trình của cấp dưới.
Châu bản Triều Nguyễn gồm rất nhiều nội dung, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, xã hội… 150 phiên bản lần đầu giới thiệu trước công chúng chỉ là một phần rất nhỏ trong khối lượng có thể nói là đồ sộ mà Cục Lưu trữ Quốc gia 1 đang quản lý: 800 tập với 85.000 văn bản! Dù vậy, qua 150 phiên bản trưng bày, cho thấy các vua triều Nguyễn ngày xưa quan tâm và trực tiếp có ý kiến giải quyết cả những việc có thể bị coi là nhỏ đối với nguyên thủ quốc gia như số lượng tuyển sinh, việc in khắc sách vở…
Gần 70 năm đã qua từ triều vua Nguyễn cuối cùng (Bảo Đại 1926-1945), chế độ xã hội đã thay đổi lớn lao, thay vì nhà vua là người duy nhất và cuối cùng quyết định nhiều công việc của Nhà nước, ngày nay có cả một hệ thống ngang-dọc-trên-dưới đồ sộ với “cơ chế” rành mạch mà cũng không ít chồng chéo, mù mờ. Thì cứ xem như tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hoặc “quốc nạn tham nhũng” càng hô hào chống, càng nghiêm trọng và tinh vi mà gần đây đã thành “chuyện thường ngày” đủ thấy. Hình ảnh các vị vua đã là chuyện lịch sử, nhưng gần đây, các diễn đàn quan trọng lại nhắc nhiều đến “trách nhiệm người đứng đầu” – dân chúng vẫn có người gọi họ là “vua”, như “vua thép’, “vua điện”, “vua xăng dầu”… Vậy ra, thời nào cũng thế, vai trò “người đứng đầu” - các “nhà vua” là tối ư quan trọng. Và dân chúng thì vẫn luôn mong có “minh quân” thường xuyên “vi hành” soi đến tận ngõ ngách cuộc sống, đến những số phận, sự việc nhỏ mọn. Như thế, dân được nhờ; “vua” không chỉ được tiếng gần dân mà quan trọng hơn, từ một số phận, sự việc tưởng là nhỏ mọn, nhiều khi lại nhận ra bản chất cuộc sống với những vấn đề quan trọng có tầm vĩ mô. Thì chẳng phải chỉ một tí ti AND (nhiễm sắc thể), ta có thể nhận dạng cả một con người, cho dù họ đã rời cõi thế hàng chục năm. Và như những phát đạn “hoa cải” của anh em Đoàn Văn Vươn, đã “bung” ra cả một loạt vấn đề hệ trọng về chính sách đất đai, quản lý và sử dụng các công cụ bạo lực đối với nhân dân…
Chợt nghĩ, không biết đến bao giờ, các “bút phê” của “vua” thời nay hết hạn bảo mật, công bố cho dân chúng xem? Hẳn đó cũng là một… triển lãm rất thú vị!
Nguyễn Khắc Phê viết bổ sung ngày 28/9/2013:
Có thể các đã đọc bài đăng trên báo, nhưng bài đưa lên mạng “nguyên văn” vì không bị trói buộc trong 1 trang báo, lại có hình ảnh để làm bằng chứng! Một ảnh là “Lời giới thiệu chung về Châu bản Triều Nguyễn”, trong đó ở các ô vuông góc trái ảnh đặc tả “quy ước” bút phê của nhà vua; ví như “Châu khuyên” là vòng son nhà vua khuyên lên điều khoản hoặc tên người được nhà vua chấp thuận; “Châu sổ” là nét son gạch trực tiếp lên những chỗ cần sửa hoặc không được chấp thuận…; một ảnh nữa có Bút phê của vua Thành Thái…