Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đêm bình thơ ở Cồn Mớc

Trương Quang Đệ
Thứ bẩy ngày 28 tháng 9 năm 2013 9:12 PM

     Trong số những học sinh các lớp đầu của trường Lê Thế Hiếu, vào những năm 1950-1952, có rất nhiều người làm thơ. Làm thơ là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm. Làm thơ cho báo tường, để đọc trong các buổi hội họp, để phục vụ các đêm lửa trại hay các buổi mít tinh. Cũng có khi làm thơ để tham dự các giải văn học hay đăng báo. Tôi còn nhớ bạn Minh Quang có bài thơ về chiến thắng Việt Bắc được Hội văn nghệ Quảng Trị trao giải nhất năm 1952. Bạn Lê Hữu Dinh có nhiều bài đăng trên Tạp chí văn nghệ Liên khu IV. Ta tạm gọi đó là thơ “bề nổi”. Bởi lẽ, bên cạnh dòng thơ chính thống này còn có một dòng khác, hoàn toàn riêng tư, các tác giả làm cho mình rồi cất giữ kín đáo, hoạ hoằn mới cho người khác đọc. Dòng thơ ấy là “dòng chìm”, biến mất theo thời gian nếu không được ai để tâm tìm tòi nghiên cứu. Tôi may mắn còn giữ được cuốn nhật ký ghi những ngày xa xôi gian khổ đó và cuốn nhật ký giúp tôi phục hồi một sự kiện “dễ thương” về thơ của cánh vị thành niên thời đó.
     Không ai bảo ai, các tác giả thơ “chìm”, gồm một số trọ vùng Cồn Mớc, một số ở rải rác khắp các xóm lân cận, đều đưa thơ mình cho thầy dạy Văn, tức là thầy Hồ Lư đọc. Họ biết thầy Lư tính tình phóng khoáng, nhân ái, thông cảm với vui buồn người khác. Thầy Lư nhiệt tình nhận các bài thơ “chìm” đó, không khen cũng không chê, góp ý đôi chút về mặt kỹ thuật. Thầy cũng không nói cho ai biết về dòng thơ kín đáo ấy, ngại có người cuồng tín qui cho các tác giả những tội lỗi không đáng phải chịu.
    Một hôm nhà thơ Lương An, một nhà thơ nổi tiếng ở Quảng Trị thời kháng chiến chống Pháp ghé thăm trường.. Thầy Lư mời nhà thơ về nhà trọ đàm đạo văn chương và ngủ qua đêm. Tình cờ Lương An tìm thấy trong sổ tay của thầy Lư những bài thơ “chìm” của học sinh. Đọc lướt qua vài bài nhà thơ rất xúc động và đề nghị thầy Lư cho gặp các tác giả ngay trong đêm ấy để trao đổi tâm tình.
    Các tác giả khi được thầy Lư mời đên nhà đều lo lắng, băn khoăn, không biết sự việc có nghiêm trọng phiền hà gì không. Nhưng khi được thầy Lư và nhà thơ Lương An niềm nở đón tiếp, tất cả đều yên tâm. Họ bỗng thấy lâng lâng khoan khoái thấy thơ mình sắp dược một nhà thơ có tiếng bình luận.
      Nhà thơ Lương An bắt đầu bằng việc nhận xét khái quát về thời cuộc. Trong chiến tranh khốc liệt, mọi thứ phải ngừng lại, dành chỗ cho những việc trước mắt: đánh giặc, tiếp tế lương thực cho bộ đội, đi phá đường ray vv. Các bài thơ “chìm” không có gì sai trái, có điều không phải lúc ra công khai, thế thôi. Nếu nước ta yên bình như nước Nga hiện nay thì thơ ‘chìm” tha hồ nổi, lại có ích và là những tác phẩm có giá trị. Bây giờ ta tạm coi như đang sống hoà bình và thưởng thưc một tí các vần thơ “chìm” xem sao.
    Nhà thơ Lương An xếp dòng thơ “chìm” theo ba hướng: Thơ nhớ nhà, thơ tình và thơ triết lý tìm hiểu bản thân mình. Thuộc vào loại thơ “nhớ nhà” có các bài sau, đáng tiếc là nhật ký của tôi không ghi rỏ tên tác giả. Bản thân tôi chỉ biết chắc được bài đầu của Minh Quang, còn các bài khác không nhớ được ai làm nữa.