Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghe tiếng Đất

T.Q.H.
Chủ nhật ngày 29 tháng 9 năm 2013 6:42 PM

          Nắng xuân anh ánh, không đủ ấm xua tan giá buốt rét muộn.  Mắt phóng ra tít tắp những cánh đồng của xứ sở Sơn Nam hạ xưa, chỉ một màu nâu của đất phơi ải và những luống rau xanh thẫm ngả sang chút tía, lá như co lại chống rét. Những khối nhà cao ốc lênh khênh trên cánh đồng như chềnh ềnh trên nền trời mưa bụi xám màu chì. Chao ôi, những cánh đồng màu mỡ, bạt ngàn lúa ngô xanh nõn nà, mía phơi màu vàng óng, giờ ở đâu? Đại lộ mới mở rộng thênh thênh trên vùng đất mới nhập vào ngoại thành, gió bấc đập ù ù bên tai. Và rồi, tôi như không tin vào mắt mình: đập ngay vào mắt du khách chiếc cổng lớn xây theo kiểu dập khuôn châu Âu - một kiểu khải hoàn môn thô thiển. Qua cổng,  xóm làng quần tụ trong những ngôi  nhà ngói, nhà tầng, lô nhô cao thấp, mặt sân nhỏ chỉ còn chừa lại vài chục mét vuông thấp hơn mặt đường, cống tiêu nước chảy quanh co theo đuờng ngõ xóm nồng nặc mùi ô nhiễm. Người già, trẻ con, người đi làm… tất cả tứ đại đồng đường của làng quê sống trong không gian eo hẹp đã bị đô thị hoá, hay nói đúng nhất, bị mua đất như cho, như cướp. Ai mua và đền bù? Những ông chủ Công ty X, Y…! Ai xây những dự án chềnh ềnh trên hàng trăm ha bờ xôi ruộng mật? Cũng lại ông chủ đó! Ai có khả năng mua được căn hộ  trong những khối bê tông  gần 20 tầng ấy? Mấy năm qua rồi, không có ai đến ở, bao nhiêu mồ hôi của dân chôn ở đấy?
    Thế kỷ XXI, người nông dân sinh sống trên đất đai mà các bậc tiên hiền đã đổ mồ hôi và xương máu để khai phá, bảo vệ và giữ gìn từng tấc đất mong muốn điều gì? Bát cơm hôm nay không phải ăn độn khoai sắn, người già ốm có y tế với hàng trăm loại thuốc đông tây đắt nhất thế giới; trẻ em không phải phong phanh áo vá đến trường. Nhưng không có đất thâm canh, xoay mùa, chuyển vụ, lấy gì để sinh sống? Bà cụ 80 tuổi cầm tay tôi “ Bác ơi, làng này xưa chỉ chăn tằm, dệt lụa, làm màu. Bao đời rồi, dân sinh ra chứ đất có sinh ra đâu, mà làng tôi, dân phong lưu, có của ăn, của để. Mấy năm nay, các ông ấy lấy đất, tôi có hai đứa cháu, đi phụ nghề ở thành phố, không biết được bao đồng công, mà nướng vào chiếu lô đề là hết. Rét thế này, tôi đau gối lắm, chẳng đi được đến đâu, cũng không dám bảo con. Nó vất vả thế, thôi thì nhờ giời, cứ lấy lá nam ở làng mà chữa trị, ngâm chân cho ấm”. Tôi nghe bà, ngậm ngùi. Bà cũng như bác tôi ở quê nhà. Hai- ba tháng về quê một lần, lại thấy đất phù sa màu mỡ của sông Mẹ bồi đắp từ thuở Tiên Dung công chúa cùng chàng Chử kết duyên, đã bị các ông chủ cho san lấp nền, xây móng công trình.. chỗ này nhà cao ốc, chỗ kia siêu thị…chỗ khác vườn  sinh thái… Đất bãi mỡ màu, mênh mông màu xanh ngút ngàn của ngô, đỗ, lạc, táo, quất… mùa nào cây trái ấy, giờ chỉ còn cát thô trải lấp. Mẹ Đất đang bị tróc da tróc thịt khắp nơi  bởi tham vọng làm giàu vô nhân tính của một số ông chủ  móc được dự án béo bở, Những khối nhà ngốn bao nhiêu ngàn tỉ không người ở và những người dân chịu nạn đường làng thấp hơn đường nhựa của khu đô thị kề bên, lại không có cống thoát nước, mùi hôi nồng nặc quanh năm; mưa bão, sân nhà, ngõ làng như ao chuôm. Từ khi khu đô thị của N.C nuốt đất đồng làng, đã gần chục năm trời dân làng hít thở mùi không khí đặc biệt ấy, ai thấu?
    Xuân chưa hết, người người đi lễ hội cầu may. Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Liễu Hạnh có  nghe thấu lời dân cầu an lành? Mong sao những cánh đồng xanh mầm mạ mới nhu nhú, mảnh như sợi chỉ, vượt qua cơn rét muộn, sẽ mang lại no ấm cho muôn dân. Đình làng chật cứng người đi hội, xem các giá đồng, nghe ước vọng từ hồn cô Bơ Thoải, cô Chín, từ Mẹ Đất nâu lành, chịu đựng, nhẫn nại và bao dung, thấm vào lòng mình, quên hết bao nhọc nhằn năm cũ, để lại bắt đầu niềm tin, hy vọng cho gia đình, con cháu an vui, no ấm, thịnh vượng.
                                             Tháng Ba, Nhâm Thìn
    


                                                    T.Q.H.