Vụ ông Phan Hồng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đô Lương “Chưa tốt nghiệp cấp 2 vẫn được làm… giám đốc” tưởng như rất đơn giản. Thế nhưng những người có trách nhiệm lại làm cho vụ việc rối ren khi cố đưa ra những bằng chứng, lập luận trái với lẽ thường ở đời, thiếu minh bạch, thậm chí là trái với quy định của pháp luật. Số là, sau khi Báo Lao Động Nghệ An phanh phui sự việc, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu UBND tỉnh bổ nhiệm ông Tiến làm giám đốc, kiểm tra xác minh nội dung báo nêu. Ai cũng nghĩ, sở này sẽ có những kết luận đanh thép đúng với sự thật. Thế nhưng, khi đọc báo cáo của Sở Nội vụ ai cũng phải ngao ngán lắc đầu.
Báo cáo của sở này cho rằng, ông Phan Hồng Tiến tên thật là Phan Văn Tiến, sinh năm 1968. Nhưng do vấn đề tâm linh, dòng họ gặp nhiều hoạn nạn nên Hội đồng gia tộc họ Phan Văn đã quyết định đổi thành Phan Hồng Tiến, sinh ngày 6/1/1972. Căn cứ để Sở Nội vụ đưa ra nội dung báo cáo này là bản tường trình của ông Tiến. Và dù ngao ngán đến mấy thì chúng tôi cũng tìm đọc bằng được bản tường của ông Tiến, xem ông này đã “múa bút” những gì mà Sở Nội vụ phải lấy làm căn cứ.
Thật nực cười, ông Tiến đã “thật thà”, khai rằng: Hội đồng gia tộc họ Phan Văn đã cử người đi xem thầy (xem bói – TG) và yêu cầu ông phải đổi ngày tháng năm sinh thì dòng họ mới phát triển được, bằng không sẽ vẫn gặp nhiều rắc rối…
Thế mà, Sở Nội vụ lại tin vào trình bày của ông Tiến, mà ông này và dòng họ của ông lại tin vào lời thầy bói, để báo cáo với lãnh đạo tỉnh. Đúng là chuyện chưa từng có trên đời, trừ báo cáo của Sở Nội vụ!
Và, cứ như báo cáo của Sở Nội vụ thì dòng họ Phan Văn ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương có thẩm quyền như một ngành tư pháp, cho phép thay đổi được cả tên lót và ngày sinh tháng đẻ. Và cũng như báo cáo của Sở Nội vụ thì cứ có vấn đề về tâm linh là lại được phép thay tên, đổi tuổi. Đó là chưa kể, do ông Tiến không khai báo việc thay tên được diễn ra vào năm nào nên báo cáo của Sở Nội vụ cũng không đề cập. Tại sao ông Tiến và Sở Nội vụ không chịu nói ra thời điểm đổi tên, đổi tuổi. Rất dễ hiểu vì nếu đưa ra bất kỳ thời điểm nào cũng mâu thuẫn với hồ sơ “rất đẹp” của ông. Như thế thì vô cùng bất lợi cho ông và cho cả người đã và đang “nâng đỡ” ông. Người “nâng đỡ” tích cực cho ông Tiến là Trưởng ban Tuyên giáo Nghệ An con cô, con cậu với ông ta. Mà ông Trưởng ban tuyên giáo N.A đã từng làm hồ sơ giả (2010) để lấy bằng khen của Thủ tướng nhưng bị báo chí phanh phui.
Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao Sở nội vụ không căn cứ vào những quy định của pháp luật về việc thay đổi hộ tịch mà đi tin theo tường trình của ông Tiến để đưa ra một báo cáo rất “tâm linh” như vậy. Vậy thì, quy định của pháp luật hay tâm linh của dòng họ Phan Văn được một số cán bộ của Sở Nội vụ coi trọng? Và vì lý do gì? Nếu báo cáo này được chấp nhận thì đây là tiền lệ rất xấu, là môi trường nảy sinh tiêu cực trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ.
Rất may, Chủ tịch UBND tỉnh đã không nghe theo báo cáo “tâm linh” của Sở Nội vụ mà chỉ đạo Thanh tra tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra những nội dung báo nêu. Hy vọng rằng, kết luận của đoàn thanh tra tới đây sẽ làm nức lòng bạn đọc đang kiên trì dõi theo sự việc này!