Dư luận xã hội vô cùng nhức nhối, thậm chí căm phẫn khi thấy báo chí đưa tin mức lương khủng 200 triệu đồng/ tháng của lãnh đạo 4 công ti nhà nước ở TP. Hồ Chí Minh là Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị, Công ty TNHH MTV Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty THNH MTV Chiếu sáng công cộng và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh. Có thể nói đó là tội ác. Công lao gì, cống hiến gì mà hưởng thụ lắm thế? Lợi dụng kẽ hở của luật pháp mà ăn cướp tài sản của xã hội-của dân một cách công khai. Thật khó có lời nào khác để diễn tả việc này.
Nhưng cũng tại thành phố ấy thôi, mấy năm nay có một sự việc đã làm rung động biết bao con tim, đánh thức lương tri không ít người ở cái quốc gia mà tội ác và sự giả dối, lối ứng xử thiếu văn hóa dường như ngự trị trong tất cả mọi lĩnh vực. Dưới đây là bài báo đã được lan truyền trên mạng internet của tác giả Thụy My.
QUÁN ĂN HAI NGÀN ĐỒNG Ở SÀI GÒN
Quán ăn hai ngàn đồng cho người nghèo ở Sài Gòn
Thụy My
Tại Việt Nam trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, người nghèo càng thêm chật vật chạy ăn từng bữa. Rất may là cũng có những tấm lòng vàng : ngoài một số bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện, cũng có một số sáng kiến mở các quán ăn giá rẻ, hầu như là cho không, dành cho dân lao động nghèo.
Đặc biệt tại Saigon, phải kể đến quán cơm Nụ Cười 1 và 2 do nhà báo Nam Đồng chủ xướng, và quán Nụ Cười 3 của nhà báo Trần Trọng Thức. RFI Việt ngữ đã liên lạc với những người phụ trách quán Nụ Cười 3 (số 298A đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7) để tìm hiểu thêm.
Trước hết, anh Nguyễn Đức Huy, một tình nguyện viên của quán giới thiệu sơ qua hoạt động tại Nụ Cười 3 :
Anh Nguyễn Đức Huy : Quán mình hoạt động thứ Ba, Năm, Bảy, từ 10 giờ đến khoảng 2 giờ chiều mỗi ngày. Hiện nay mình bán chừng 400 phần ăn, mỗi phần ăn mình bán cho người nghèo giá tượng trưng là 2 ngàn đồng, nhưng giá trị của nó tương đương khoảng 14 ngàn.
Thông thường khi mọi người đến ăn, người ta mua vé, xong đi ngang qua một quầy có những khay cơm đầy đủ các thứ. Khách cầm khay đó tự mang ra bàn ăn, sau khi ăn xong cứ để đó sẽ có người đi dẹp. Người khách ăn xong đi ra ngoài có nước uống, và có một quầy báo. Tất cả các loại báo, truyện… đều bán giá 2 ngàn đồng một cuốn.
Thực đơn các món ăn mỗi ngày đều thay đổi, chứ không cố định. Tất cả những người phục vụ đều là tình nguyện đến đó phụ giúp quán, mỗi người góp một phần nhỏ. Có thể là giữ xe, có thể là bán phiếu, dọn bàn, múc cơm, cũng có thể là rửa chén hoặc đi dọn khay…Đa số là sinh viên các trường đại học.
Tiêu chí của quán mình ở đây là mình bán chứ không phải là mình cho họ, nên khi người ta đến ăn bên em vẫn xem họ như là thượng khách. Hai ngàn đồng đó chỉ lấy tượng trưng, cho người nghèo cảm thấy đến ăn là người ta có trả tiền, chứ không phải là đồ cho, nên người ta rất vui vẻ.
Còn chị Lý, quản trị viên quán Nụ Cười 3 cho biết :
Chị Lý : Quán cơm từ thiện thì có rất nhiều, nhưng riêng quán 2.000 đồng thì ở Saigon bắt đầu có từ năm 2008. Có một nhóm người quan niệm rằng tuy là quán cơm từ thiện nhưng không muốn có chuyện ban phát, mà bán với giá hỗ trợ cho người nghèo, để cho người tới ăn người ta không có mặc cảm, và người bán thì phục vụ đúng như là đang bán, một dịch vụ chứ không phải ban phát. Ý nghĩa là như vậy.
Chúng tôi đi sau nên chỉ bắt chước mô hình đó để làm theo, chứ không phải chúng tôi nghĩ ra chuyện đó. Như đã biết, Nụ Cười có ba quán 1,2,3, và quán chúng tôi là Nụ Cười 3 - quán sinh sau đẻ muộn nhất, mới vừa làm được khoảng bốn tháng nay thôi. Địa điểm do một ngân hàng cho mượn một năm, sau một năm lại tính tiếp.
RFI : Nếu đã sinh sau đẻ muộn, chắc chị cũng rút được nhiều kinh nghiệm từ các quán trước ?
Thật ra thì mỗi quán có cách điều hành khác nhau, chỉ cùng trực thuộc một quỹ từ thiện của thành phố. Nói là quỹ từ thiện thành phố nhưng bọn mình tự lo hết, tự lo huy động và tự quản lý - nghĩa là tự thân vận động, và mỗi quán có cách quản lý khác nhau một chút. Vì ra sau chót nên có thêm một cái mới nữa.
Thay vì chỉ lo món ăn vật chất thôi, chúng tôi còn làm thêm một tủ sách món ăn tinh thần, mà chúng tôi rất tự hào đã giúp thêm cho bà con. Người nghèo cái ăn người ta đã khó rồi, nói chi tới cái đọc. Và quan trọng nhất là con em của những người đó lại càng không có tiền để mua sách. Chúng tôi làm được quầy sách cũng với giá hai ngàn đồng. Cũng là huy động, xin trong xã hội mọi người đóng góp.
Sách ở Việt Nam bây giờ đắt, bốn năm chục ngàn hay bảy tám chục ngàn một cuốn, nhưng mình vẫn bán với giá tượng trưng hai ngàn đồng. Do số sách có hạn nên mỗi người khách tới ăn mỗi ngày chỉ dám chưng bán mỗi người một quyển sách thôi. Tuy vậy các em nhỏ đi ăn được mười ngày thì cũng có được mười cuốn sách rồi. Các em rất sung sướng vì nếu không, các em không bao giờ có thể mua được sách để xem. Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi hiện nay.
RFI : Như vậy cha mẹ đi ăn rồi mua sách về cho con hay sao thưa chị?
Thường thường cha mẹ đi ăn thì dắt theo con, hoặc cha mẹ là những người lao động đến ăn thì mua cho con họ. Đối tượng của chúng tôi nhắm đến rất rõ, đó là những bà con lao động nghèo. Khách của mình chẳng hạn như người bán vé số, xe ôm, thợ hồ, ve chai…và các sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Vì đa số các sinh viên dưới quê lên thành phố thì các em khó khăn lắm, chuyện ăn chuyện học tiền gia đình cung cấp rất giới hạn. Đó là hai đối tượng chính chúng tôi phục vụ.
Hiện nay chúng tôi đang phục vụ mỗi ngày 400 suất ăn, tức là cho 400 khách. Do mới mở nên khả năng hoạt động một tuần chỉ ba buổi thôi, thứ Ba, Năm, Bảy, vì nguồn trợ giúp của những nhà hảo tâm chưa được nhiều nên chưa thể mở rộng. Đây là quán từ thiện nên tất cả nhân lực toàn là các tình nguyện viên, và các tình nguyện viên chưa đủ. Số suất ăn cũng vậy. Đầu tiên mới mở là 300, lần lần lên 350, nay là 400, và có lẽ trong tương lai sẽ như các quán đi trước, thường thường vào khoảng từ 500 đến 600.
Chúng tôi luôn đảm bảo ba món : món mặn, món xào, món canh, tráng miệng và nước. Về chất lượng thì rất tự tin để nói rằng bữa ăn đảm bảo được mấy tiêu chí. Thứ nhất là chất lượng thức ăn, từ thịt thà mọi thứ, mình mua thứ tốt, từ những nguồn cung cấp bảo đảm, và cố gắng tối đa để cho bà con ngon miệng. Thứ hai là đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó là quan trọng nhất, vì đó là vấn đề lớn trong xã hội ở Việt Nam hiện nay.
RFI : Xin phép được ngắt lời chị ở đây, thấy báo chí trong nước vẫn thường xuyên báo động về vấn đề vệ sinh thực phẩm…
Kinh khủng, thành ra bọn mình cái đó là bảo đảm. Bọn mình cân nhắc từ nước rửa chén trở đi. Thịt thì những tiệm ăn bình thường mười tiệm hết chín tiệm mua thịt trôi nổi cho rẻ, mà mình mua thịt của Vissan là công ty uy tín giá mắc hơn. Về nước uống, rất may có nhà hảo tâm cho hệ thống lọc nano, mình đem đi Viện Pasteur kiểm nghiệm - phải có tờ giấy đó rõ ràng mình mới nhận. Nước thì bà con có thể an tâm, chứ trước đây một ngày nấu cả trăm lít nước rất là cực khổ. Từ hồi có hệ thống lọc bảo đảm thì bà con uống nước thoải mái.
Bọn mình hết sức kỹ, vì khi mấy chị em trong nhóm điều hành ngồi lại với nhau thì đã thỏa thuận, cái gì mà tôi không mua cho nhà tôi ăn là tôi không mua cho ở đây. Nếu đồng ý với nhau thì làm, chứ hổng có cái kiểu muốn chọn thứ rẻ.
Đôi khi cũng có một số nhà hảo tâm - tội nghiệp lắm - ở chợ, thì họ đem lại nước rửa chén. Tụi tôi phải xin lỗi không nhận, vì nếu nước rửa chén loại xấu không những làm hại cho các cháu tình nguyện viên khi rửa, mà làm hại cho người ăn nữa nếu rửa không sạch. Bọn mình cẩn thận lắm, trước hết vì trách nhiệm của mình - ba bốn trăm người ăn, lỡ có chuyện gì là mình chết luôn.
RFI : Thưa, chị có thể cho biết thêm về các tiêu chí kế tiếp của quán ?
Thứ ba là cho bà con ăn đủ no, tức là phần cơm không hạn chế. Nhưng cái thứ tư, tiêu chí lớn nhất mà chúng tôi bảo đảm được là thái độ phục vụ.
Bởi vì 95% tình nguyện viên phục vụ là các em sinh viên. Các em được huấn luyện rằng, tuy là đến để làm việc thiện nguyện, nhưng hướng đến cách phục vụ chuyên nghiệp. Đó là phục vụ với sự hòa nhã, trân trọng, vui vẻ. Đây là tiêu chí rất cao.
Mình tạo được không khí ấm áp cho người ta tới ăn. Ít ra trong cuộc đời cực nhọc hiện nay thì trong ngày họ có được nửa tiếng đồng hồ vào đây họ được hết sức trân trọng. Họ có được bữa ăn ngon, bảo đảm, họ rất vui. Đó là điều chúng tôi rất tự tin khoe rằng đã làm được.
RFI : Như vậy người nghèo sẽ không bị mặc cảm…
Đúng ! Các em sinh viên khi vào luôn luôn được đọc điều lệ ở đây : thực khách mua chứ không xin, và chúng ta phục vụ chứ không ban phát. Điều đó phải được tuân thủ một cách tuyệt đối trong quán này. Không bao giờ được nói lớn tiếng. Tuy quán là quán bình dân, nhưng phục vụ hướng đến chuyên nghiệp và « có sao » chứ không phải là quán « không sao ».
Luôn luôn nói với các em là, các con là bộ mặt của quán, cho nên phục vụ sẽ đem lại tiếng tốt cho quán. Nhưng điều đó tốt luôn cho cả các con nữa, bởi vì các con sẽ học được tính kiên nhẫn, sự hòa nhã, cực bao nhiêu các con cũng phải vui vẻ. Trong vòng một tiếng rưỡi mà phải phục vụ 400 khách thì cũng rất vất vả nhưng mà các em làm được hết.
Thương lắm, như là một gia đình ! Chúng tôi là người lớn nên nói, cô chú hết sức là hạnh phúc, tự dưng có thêm một đàn con ngoan và có tấm lòng. Ngược lại các con có thêm những bậc cô chú thương yêu, hướng dẫn các con mọi thứ, và bạn bè chung quanh các con lại vui vẻ với nhau. Bọn mình là một cái gia đình ấm cúng lắm, rất là dễ thương.
RFI : Có lẽ vì vậy mà quán lấy tên là Nụ Cười ?
Vâng, quán Nụ Cười thì tất cả các em đồng phục là tablier có hình nụ cười rất lớn trước ngực, để nhắc nhở mọi người lúc nào cũng phải cười.
RFI : Từ lúc mở quán tới giờ có những trường hợp nào gây ấn tượng cho chị, chị có thể kể lại được không ?
Ôi trời ơi, không biết bao nhiêu mà nói ! Các nhà hảo tâm nói điều quan trọng là làm sao mình lọc được đúng đối tượng của mình. Khi làm cái này rồi mình mới biết là không ai có thể nói cứ nhìn bề ngoài mà đánh giá được. Có những người mà khi họ tới mình tưởng đó là nhà hảo tâm. Họ ăn mặc rất là lịch sự, thì mình tiếp cũng lịch sự.
Tất nhiên khi khách người ta tới, nếu 95% là đúng đối tượng của mình thì đó là thành công lớn rồi, thế nào cũng có khoảng 5-6% là không đúng đối tượng. Trong đó có những người là nhà hảo tâm, người ta tới ăn cho biết trước khi người ta giúp mình. Có những người tuy không phải là người nghèo như đối tượng của mình nhưng người ta tò mò tới ăn một lần cho biết.
Và còn lại tất nhiên cũng có những người họ dựa dẫm vào mình. Họ không phải là quá nghèo, nhưng mà có chỗ này vừa rẻ vừa sạch thì tới ăn. Chúng tôi luôn luôn bắt buộc phải cố gắng lọc ra những người không đúng đối tượng của mình, vì nhà hảo tâm người ta góp tiền cho mình bao giờ cũng muốn đồng tiền đi tới đúng chỗ.
Chúng tôi, những người điều hành phải tới gặp những người đó, trước hết lịch sự nói rằng, thưa, chắc đây là nhà hảo tâm. Khi họ nói « không » thì mới nói, dạ thưa, tới ăn một lần cho biết thôi, chứ xin nhường cho những người nghèo, chúng tôi chỉ phục vụ người nghèo. Thì có những người họ bỏ đi, như bản thân tôi bị rồi.
Một người đàn ông ăn mặc rất là lịch sự, áo sơ mi trắng bỏ trong quần, mang giày đàng hoàng vô, tôi cũng nói như vậy thì ông quày quả bỏ đi. Nhưng mà ổng đi chút xíu thì có lẽ ổng tức, ổng quay trở lại nói : « Tui nói thật với chị, tui là xe ôm, xe tui để bên kia đường kìa. Chị đừng có nhìn bề ngoài mà chị nói vậy. Vì tui chạy xe ôm, tui phải ăn mặc cho đàng hoàng thì khách người ta mới chọn tui, chứ ăn mặc lôi thôi thì không ! ». Rồi ổng bỏ đi, mình phải chạy theo năn nỉ, thôi tôi xin lỗi. Sau này người đó thành khách quen của mình.
Rồi có những đứa nhỏ…Không phải chúng tôi chỉ làm cơm không thôi, mà tới mùa tựu trường thì lại xin tiền nhà hảo tâm, bạn bè quen để mua cặp táp, sách vở…để làm quà tựu trường cho các em, cũng nhắm vào con của người lao động. Nếu hai mẹ con nhà nghèo , nhìn là biết đối tượng VIP của mình rồi, thì đồng ý liền ghi tên để tuần sau mình đưa.
Bữa hôm có em tới, mặt mày bụ bẫm lắm. Riêng cháu đó tôi mới nói rằng, con ơi con không phải là đối tượng của bà, thôi con về nói ba mẹ lo đi. Thì người mà dắt cô bé này mới nói không cô ơi, bé này là con nhà nghèo, ở kế bên nhà em. Hai cha con mới vừa vô ăn, khi ăn xong cháu mới nói ba dắt vô ghi tên thì ba nó tự ái không chịu dắt vô, đã vậy còn đánh con bé nữa. Cái tay đỏ, sưng lên, con bé đứng khóc.
Trời ơi, tôi xót không thể nói được. Về mới nói lại trong nhóm điều hành, kể từ nay tôi dứt khoát thà tôi giúp lầm người chứ tôi không để sót người nữa. Không bao giờ có thể nhìn bề ngoài mà đánh giá người ta được.
Còn người nghèo cô biết hông, có người họ vô ngồi ăn mà họ chảy nước mắt. Bởi vì, nói thật, những người nghèo họ ít được trân trọng, ít được tiếp đón một cách nồng hậu. Họ chảy nước mắt, mình cũng muốn khóc theo họ. Những điều đó làm cho mình cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa lắm.
RFI : Có nhiều người khách quen không chị ?
Không phải chỉ quán này không thôi, mà sau một thời gian thì khách hàng 80% sẽ là khách quen, tức là những người lao động xung quanh đến ăn. Chỉ có 20% là khách vãng lai ở nơi xa tới, là những người thí dụ như bán vé số, ve chai…tiện đâu họ ghé đó.
Do đó khi tìm địa điểm mở quán, bọn mình phải tìm như thế này. Thứ nhất là gần các trường đại học, thứ hai là gần khu lao động, để những người chung quanh đúng đối tượng ở gần đó họ mới tới mình được. Có 80% là những người lao động nghèo xung quanh : xe ôm, người giúp việc giờ, người buôn gánh bán bưng chung quanh khu vực đó.
Những khách hàng bình thường thì mua phiếu đi vô và lấy khay. Riêng những người tàn tật thì tình nguyện viên sẽ đưa thẳng vô, đi mua phiếu, đem khay lại phục vụ tại chỗ luôn.
RFI : Tuy là quán ăn giá rẻ nhưng có những người khách khó tính không?
Bốn trăm người thì cũng có người này người khác. Mình có hai người khách tật nguyền rất là nhõng nhẽo ! Bao giờ tới là mình phải ra đón, đưa vô. Cứ kêu hôm nay tôi ăn cái này không được, mai tôi ăn cái kia không được, hôm nay tôi mệt phải cho tôi nằm nghỉ, đủ thứ…
Đến một lúc thì các em đều hơi mệt mỏi với bà, thì mình giải thích với các em như vầy. Các con phải biết rằng họ không có ai chăm sóc đâu, và bây giờ có người chăm sóc thì nên để cho bà nhõng nhẽo một chút. Các con cứ chăm sóc và tập tính kiên nhẫn đi, phải kiên nhẫn với bà bởi vì bà không có nhõng nhẽo với ai được đâu. Không có ai chú ý đến bà đâu ! Thì các em lần lần nhẫn nại hơn, hiểu hơn, đó là bài học lớn nhất cho các em tình nguyện viên của mình.
RFI : Nguồn hỗ trợ của quán là từ đâu ạ ?
Hoàn toàn trong xã hội, tức là từ các nhà hảo tâm. Có cái may là những quán cơm ra đời luôn được báo chí, đài truyền hình tới đưa tin, các mạng xã hội lan truyền nhau. Phải nói thật một tháng đầu khi mở ra thì phải dùng cái chữ « bàng hoàng » - một cái chuyện tôi nghĩ là rất nhỏ mà lại lay động xã hội đến như vậy.
Có nhiều người họ giúp như vầy mới là cảm động nè. Có cô bán vé số ăn xong rồi đi ra vét hết tiền, mua một chai dầu ăn nhỏ vô giúp. Cầm cái chai dầu ăn đó mà rưng rưng, vì biết rằng người ta đã góp hết tiền của người ta ngày hôm đó để mua gởi cho mình. Cái công đức đó nó lớn lắm. Lớn hơn là thí dụ bạn gởi cho tôi một triệu, mà tôi yên tâm chắc bạn vẫn còn có một triệu.
Mà cái đó nhiều lắm, người ta cho đường, cho nước mắm, họ cho những cái càng nhỏ thì mình thấy giá trị của nó càng lớn.
Một cái việc thiện trong xã hội nó lay động lòng con người ta kinh khủng lắm. Đôi khi bọn mình nói đùa như thế này, chắc tại vì bây giờ ở đây ít có việc tốt quá, cho nên có được một việc tốt thì mọi người sung sướng quá, cùng chung tay giúp đỡ.
Bọn mình bàng hoàng lắm, không nghĩ là cái việc quá nhỏ của mình mà nó lay động con người ta đến như vậy, lay động tấm lòng của xã hội đến như vậy. Nhiều lắm, người ta giúp thấy thương lắm.
Có những người cho hàng tháng, có người cho một năm, có những nhóm thiện nguyện hứa cho mỗi năm một lần trong vài năm. Đó là lòng tốt của người ta, nhưng về khả năng có khi hôm nay người ta có nhưng đâu có biết trong tương lai như thế nào. Thì thôi không sao hết, bọn mình thanh thản nghĩ, thôi thì mình cứ làm hết khả năng của mình, thì không có gì để phải ân hận.
RFI : Chúng tôi xin chân thành cảm ơn chị Lý và anh Nguyễn Đức Huy đã vui lòng tham gia tạp chí xã hội của RFI Việt ngữ hôm nay.