Núi đá ngu
Trịnh Kim Thuấn
Thứ bẩy ngày 31 tháng 8 năm 2013 8:48 PM
(truyện cổ tân trang)
(xin mượn ý bài : Chuyện con bò và hòn đá cảnh của Tống Trung . TranNhuong.com)
Chuyện xảy ra những năm cuối triều đại nhà Nguyễn, vào năm 18 ….
Mùa Hè năm ấy, khí hậu oi bức hơn mọi năm, nhà Vua cùng một số quần thần, mấy bà phi tần, cung nữ kéo nhau vào tỉnh Ban Mê, tránh cái nóng nực ở kinh thành, hưởng khí trời mát mẽ của miền cao nguyên nầy.
Hôm thì tổ chức săn voi ở buôn Đôn, hôm thì vào hồ Lắc ngự giá trên thuyền rồng …. Khi Vua xuất hành thì tiền hô, hậu ủng, cờ xí rợp trời, dân chúng lé mắt.
Chơi mãi cũng chán, nhà Vua nảy ra ý mới, bắt chước vua Khang Hy, Càn Long bên Tàu làm một chuyến vi hành, gần gủi và xem đời sống dân tình ra sao ? Chứ các tấu, sớ gởi lên đều nói hay, nói đẹp cả , nhiều khi Vua có suy nghĩ và đôi chút nghi ngờ.
Nói là làm, Vua truyền cho thái giám Lý Liên Em sắp xếp đoàn tùy tùng gọn, nhẹ, độ mươi người đều là Vệ lâm quân theo, chủ yếu là bảo vệ và sai vặt, ăn mặc theo lối dân thường, giả là khách thương đi mua gỗ, dược liệu … phương tiện di chuyển là ngựa đi lên tỉnh Gia Lai một phen. Số người còn lại thì ở Biệt điện Ban Mê chờ nhà Vua trở về.
Núi non hùng vĩ, phong cảnh hữu tình …. Tuy vậy thái giám Lý Liên Em vẫn bí mật liên lạc với các quan sở tại trên tuyến đường Vua vi hành thì các quán xá, nhà nghĩ đưa người vào trực sẳn, để khi Vua có hỏi thăm thì nói các điều hay, điều tốt về các quan lại địa phương, khen ngợi công đức nhà Vua … làm nhà Vua tưởng thật, trong lòng khoan khoái vô cùng.
Ngày nọ, khi đến Phủ Chư Sê, dạo quanh thị trấn, thôn xóm Vua thấy có cái núi nho nhỏ gần đấy, nảy ý đi đến đó, liền mượn một người nông dân dẫn lối, có ngay một anh nông dân ( do tên Chánh Tổng giả dạng theo sự bố trí sẳn của Lý Liên Em).
Đến chân núi, có một mái nhà tranh nho nhỏ, nép mình bên vách núi, một bên là mấy sào lúa nước vừa trổ đòng đòng, nối tiếp mái tranh là mấy dàn bầu, mướp hoa trắng, hoa vàng cùng đàn bướm lượn nhởn nhơ, không khí êm ả, thanh bình.
Nhà Vua lân la bắt chuyện một thiếu phụ trung niên (đoán chừng là chủ nhà) hỏi thăm :
- Xin hỏi : Núi nầy tên chi thưa bà ?
- Thưa, tên là Núi Đá Ngu ạ !
- Tên gì lạ thế ?
Tên dẫn đường (là Chánh Tổng giả danh) chen vào trình bày :
- Bà nầy tên là Thị Sắc, cách đây hơn 1 năm, mướn người đào hồ chứa nước để tưới lúa và hoa màu, cái hồ nằm kia ngài thấy đấy ! Khi đào thì thấy lộ ra một hòn đá đẹp bèn mướn người đem lên để trước cửa nhà xem chơi, chuyện nầy lan truyền khắp thôn xóm, đến tai quan tri phủ Lê Đình, quan bèn đem quân lính đến chở hòn đá về về Phủ, bảo là tất cả tài sản trên mặt đất hay dưới mặt đất đều là của nhà Vua cả, bậc thứ dân không được quyền cất giữ ….
Nhà Vua giật mình : Thế bà không đi kiện cáo chi sao ?
- Có con kiến mà đi kiện củ khoai à ? Từ đó các thôn dân đặt cái núi nầy là Núi Đá Ngu, ý của họ là mỉa mai tôi đấy ! Mới đây quan chủ tỉnh Gia Lai thấy hòn đá đẹp nầy, bèn lệnh cho tên tri phủ Lê Đình nộp về tỉnh, hiện giờ hòn đá để trong chiếc củi sắt trước dinh quan chủ tỉnh đấy ! Ngài thấy có nên kiện hay không ?
Thị Sắc nói thêm : Đêm rồi, tôi nằm mộng thấy Thần Đá hiện lên trách tôi :”Ta nằm đây đã hàng trăm nghìn năm rồi, tại nhà ngươi moi móc đem ta lên, rồi bây giờ cái lũ tham quan ấy nó lại đóng củi sắt nhốt ta lại, tự nhiên ta bị ở tù lãng xẹt, nhiều khi ta muốn trừng phạt ngươi cho hả giận, nhưng suy đi, nghĩ lại thì nhà ngươi cũng là nạn nhân của bọn tham quan nầy, giống như ta , nên ta bỏ qua, nhưng lòng ta chua xót quá ….” Sáng nay tôi vừa đi chợ về mua ít rượu, thịt làm một mâm cơm cúng tạ lỗi với ông Thần Đá, sẳn dịp mời quí ngài xơi cùng gia đình một bửa cơm ạ !
Nhà Vua cám ơn và từ chối lời mời của Thị Sắc, trên đường về khi cởi ngựa đi ngang qua Dinh quan chủ tỉnh Gia Lai thấy một hòn đá nằm trong chiếc củi sắt, lòng Vua nặng trĩu, bùi ngùi…. Chuyến vi hành kết thúc .
Về đến Kinh thành, hôm sau Vua thiết triều, đem chuyện hòn đá và cái Núi Đá Ngu ở tỉnh Gia Lai kể lại cho bá quan văn võ cùng nghe. Vua hỏi ngay quan Thượng Thư Bộ Hình : Vụ nầy phài xử lý ra sao ?
Quan Thượng Thư Bộ Hình : Tâu Hoàng Thượng, kệ nó, nó lấy thì để cho nó lấy, một hai hòn đá của đám dân dã đó mà ăn mhầm gì, nếu xử thằng tri phủ Chư Sê thì phải xử hàng trăm thằng tri phủ khác nữa hay sao ? Rối rắm lắm Hoàng Thượng ơi !
Nhà Vua bật ngửa : Trời ạ ! Nếu nói như khanh thì các Phủ, Tỉnh khác thì sao ?
- Dạ ! ở phủ Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng thì có anh em họ Đoàn ra công lấn biển, bỏ nhiều công sức, tiền của làm đầm nuôi tôm, cá, bị phủ Tiên Lãng cưỡng chế, họ chống lại, hiện giờ anh em họ Đoàn đang ở trong tù. Ở Văn Giang, Dương Nội, Long An, Tiền Giang, An Giang … thì bờ xôi, ruộng mật của nông dân cũng bị các tỉnh. Phủ cưỡng chế, cưỡng chiếm, dân kêu oan các nơi ấy đổ về kinh thành để kêu oan đang sống lê la, tả tơi ở kinh thành nầy, Hoàng Thượng không biết đó thôi, trước đây chỉ có một vài con sâu, còn bây giờ thì lúc nhúc sâu rồi Hoàng Thượng ơi !
Nhà Vua cho bãi triều. Về đến Dưỡng Tâm điện, Vua suy nghĩ : Vậy là bao năm qua lão thái giám Lý Liên Em nầy móc ngoặc với các quan lại địa phương, mua quan, bán tước, tham ô, vơ vét bóc lột dân lành, hắn đã tìm mọi cách bưng bít thông tin,bịt mắt ta, gạt gẫm cả ta … Ôi ! ta là một hôn quân, ta là tội nhân thiên cổ rồi …..
Nhà Vua buồn rầu, lâm trọng bịnh, một năm sau qua đời.
Hai năm sau, giặc Tây Dương đem quân đánh úp kinh thành, có mấy trận mà chiếm được cả nước Nam, sắp đặt hệ thống cai trị mới theo kiểu thực dân, triều đình nhà Nguyễn chỉ còn lại hư danh, các Vua kế vị theo sự sắp xếp của giặc Tây Dương, thích anh nào thì cho anh đó làm, không thích thì bắt thoái vị ….
Ảnh hưởng cuộc đô hộ của Tây Dương gần 100 năm đến nay, nên nước Nam vẫn còn lịch xịch nằm chót bảng trên đà tiến triển của thế giới.
30/8/2013 TRỊNH-KIM-THUẤN