Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tâm huyết cây bút Trường Thanh nơi biên cương Tổ quốc

Đỗ Lâm Hà
Thứ sáu ngày 30 tháng 8 năm 2013 3:21 PM



 Nhà văn Nguyễn Trường Thanh - Bút danh Nguyễn Hoàng Đạt; Trường Thanh- Sinh ngày 2-5-1934 tại làng Lỗ Giao xã Việt hùng huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội- Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997- Nguyên là nhà giáo; Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn- Được nhận 6 giải thưởng văn học chính thức của trung ương và tỉnh-  Đã xuất bản hơn 20 đầu sách: Thơ, ký, truyện ngắn, kịch bản phim, tản văn, tiểu thuyết. Trong đó có 9 thiên tiểu thuyết lịch sử:
1- Kỳ tích Chi Lăng (1981) Nxb Thanh niên
2- Hoa trong bão (1994) Nxb Hội Nhà văn
3- Tướng không phong hàm (1998) Nxb Văn hóa dân tộc
4- Một thời biên ải (2000, 2008) Nxb Hội VHNT Lạng Sơn
5- Ngôi nhà của cha (2007) Nxb Văn hóa thông tin
6- Hương ngàn (2008) Nxb Hội Nhà văn
7- Hoa bất tử (2009) Nxb Hội Nhà văn
8- Phò mã Động Giáp (2010) Nxb Thanh niên
9- Dặm dài ải Bắc (2012) Nxb Công an nhân dân.
Trong buổi bảo vệ luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn của học viên Nguyễn Mạnh Dũng về đề tài “Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh” tại trường đại học Sư phạm Thái Nguyên (Năm 2010), Chủ tịch Hội đồng giám khảo, giáo sư Phong Lê nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt nam nói đại ý “ …Một cây bút khá đặc biệt trong làng văn đương đại nước ta, gần như trọn đời, ông viết đến 8 tiểu thuyết lịch sử chỉ khai thác trên một vùng đất biên giới Lạng Sơn, chính nơi nhà văn ở- Đó là nhà văn Nguyễn Trường Thanh. Ai muốn hiểu cặn kẽ về lịch sử mảnh đất và con người ở đây thì hãy tìm đọc Nguyễn Trường Thanh”. Câu nói của giáo sư hôm đó đã gây ấn tượng mạnh trong tôi về nhà văn Nguyễn Trường Thanh và những tiểu thuyết lịch sử của ông.
Từ sau năm1975, đặc biệt từ 1985 nhiều nhà văn hướng về muôn ngả tìm đề tài, tìm bút pháp để viết trong thời bình, thời xây dựng đổi mới đất nước, thời hội nhập quốc tế. Dòng văn chương nước nhà đang ở động thái chuyển biến mạnh mẽ cùng với sự chuyển biến cách mạng đất nước. Như một mạch nước ngầm, lặng lẽ, một mình đi về thế giới văn chương riêng của ông- Tiểu thuyết lịch sử và lịch sử chiến tranh cách mạng ngay trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc- Tiêu điểm là miền đất Lạng Sơn, tấm phên dậu để giữ nước của cả dân tộc. Năm 30 tuổi (1964) ông chính thức về Lạng Sơn dạy học, làm báo, viết văn đến nay đã gần nửa thế kỷ. Năm 1981 ông viết tiểu thuyết lịch sử đầu tay là “Kỳ tích Chi Lăng” và viết cuốn truyện lịch sử thứ 9 là “Dặm dài ải Bắc” vào năm 2012, lúc ông tròn 78 tuổi. Xuất phát hành trình văn chương của ông là tình yêu tha thiết mảnh đất và con người ở xứ hoa đào này- Ấy chính là tình yêu Tổ quốc. Ông muốn đem ngòi bút văn chương của ông góp phần bảo vệ và xây dựng từng tấc đất biên cương, giữ gìn độc lập chủ quyền cho đất nước. Đây là tư tưởng nghệ thuật, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từng trang tiểu thuyết lich sử của Nguyễn Trường Thanh. Chỉ trong hai năm lại đây có hàng trăm nhà văn nước ta viết về đề tài biển đảo, đặc biệt là Trường Sa ,vô cùng sôi động. Nhưng Nguyễn Trường Thanh trong hai năm đó đã lặng lẽ hoàn thành hai tập tiểu thuyết về đề tài bảo vệ biên giới đất liền giáp Trung Quốc. Đó là “Phò mã Động Giáp” (2010) và “Dặm dài ải Bắc” (2012). Đặc biệt , sau khi “Dặm dài ải Bắc” phát hành thì có tin vui, nhân vật đại tá Đào Đình Bảng vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng võ trang nhân dân. Văn và đời của Nguyễn Trường Thanh sáng long lanh như hai giọt nước vậy.
Trong nhà văn Nguyễn Trường Thanh có nhà sử học, có kiến văn tầm chiến lược và nhà sư phạm ngữ văn. Đọc qua 9 thiên tiểu thuyết lịch sử của ông đã toát lên từng trang viết những vấn đề cốt lõi sau đây:
1- Bản chất bành trướng, xâm lược, thâm độc của nước láng giềng phía Bắc  trong lịch sử, cần luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu
2- Nhìn ra hình sông thế núi : Cao- Bắc- Lạng biên cương có vị trí chiến lược quan trọng trong việc giữ gìn cương vực chủ quyền đất nước
3- Bản chất yêu nước và khí thế anh hùng của đồng bào các dân tộc sở tại, đa số là dân tộc thiểu số, nơi vùng đất biên cương, có truyền thống văn hóa lâu đời.
4- Xây dựng  “Thế trận lòng dân” để bảo vệ biên cương chủ quyền đất nước trên cơ sở nền văn hóa Đại Việt- thân dân, lấy dân làm gốc và chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh nói về những việc đã qua mà nghe như đang là đề tài nóng bỏng của nước nhà hôm nay. Chỉ riêng hai thiên truyện “Phò mã Động Giáp” và “Dặm dài ải Bắc” tuy là quyển sách mỏng mà thông điệp bổ ích lại nhiều, vang dội trong đời sống chính trị, thời sự của nước nhà và khu vực Á Đông đương đại.
Lạng Sơn là một tỉnh nằm ở phía Đông bắc đất nước, có đường biên giới đất liền giáp Trung Quốc dài 253 km, có dòng sông Kỳ Cùng chảy ngược sang nước láng giềng, có cửa khẩu quốc tế hữu nghị và nhiều cửa khẩu tiểu ngạch nội địa, Cây số “o” của quốc lộ Một xuyên Việt bắt đầu từ đây, có đường xe hỏa liên vận quốc tế Á - Âu, có núi non hiểm trở, có ải Chi Lăng, có quốc lộ Bốn gần như song song với hành lang biên giới. Miền đất biên cương phên dậu của Tổ quốc đã trực tiếp chứng kiến một lịch sử lặp đi lặp lại mấy mươi lần quân bành trướng phía Bắc sang xâm lược nước ta phần lớn đều qua đất Lạng Sơn, cửa ngõ của đất nước quan trọng này. Gần như các đời của đế quốc Trung Hoa: Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Tưởng, Quân bành trướng… bên Tầu đã nhiều lần đem đại quân sang xâm lược nước ta, có lần đô hộ đến nghìn năm. Khi chúng thua chạy hoặc đầu hàng rút quân đều qua miền đất biên viễn thiêng liêng, anh dũng và nhân ái này. Có thể nói cả chín thiên tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh viết từ 1981-2012 đều dành nhiều trang nhấn về vị trí chiến lược quân sự, kinh tế, ngoại giao của miền đất biên viễn Cao - Bắc - Lạng, đặc biệt là Lạng Sơn, nơi ông cư trú đến trọn đời. Quê hương Lạng Sơn, nơi mà từng tấc đất, từng tên núi, tên sông… đều gắn chặt với lịch sử hào hùng chống giặc, thắng giặc ngoại xâm về mọi mặt trong đó có quân sự và chính trị ngoại giao của dân tộc. Với tầm nhìn lịch sử, xuất phát từ tình yêu miền biên viễn đất linh, mang nặng ơn tình Xứ Lạng, nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã quyết tâm niệm dùng ngòi bút của mình viết về truyền thống lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của miền đất biên viễn, nhằm góp phần bảo vệ non sông gấm vóc của nước nhà. Từ ý tưởng thành hiện thực, ông đã lao tâm khổ tứ, vật lộn với đời thường muôn sự khó khăn suốt trong 31 năm (1981-2012) liên tục để làm nên 9 thiên tiểu thuyết lịch sử có giá trị cho văn học nói riêng và cho lịch sử đất nước nói chung.
Đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, những trang tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh đã ghi lại những sự kiện lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc trong đó có những anh hùng ,liệt sĩ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn nói riêng, của vùng biên giới Cao Bắc Lạng nói chung. Gần như các kỳ tích lịch sử chống ngoại xâm ở tại vùng biên viễn này, ngoài sự lãnh đạo của các bậc vua chúa, các nhà chính trị, quân sự tài giỏi mưu lược thì yếu tố quan trọng để đi đến thắng lợi là lực lượng quần chúng nhân dân các dân tộc sở tại có lòng yêu nước nồng nàn. Họ cống hiến sức người sức của và chấp hành mọi mệnh lệnh của các tướng lĩnh đánh giặc, có khi sẵn sàng hy sinh cả tính mạng. Cả 9 thiên tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Trường Thanh đã dành nhiều trang minh chứng về lực lượng quần chúng nhân dân địa phương có vai trò quyết định để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giữ gìn từng tấc đất cho Tổ quốc. Cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tay là “Kỳ tích Chi Lăng” (1981) ông viết về chiến công oanh liệt nơi có Ải Chi Lăng hiểm trở- từng là nỗi kinh hoàng của các đạo quân xâm lược khổng lồ phương Bắc.: “Năm 687 những nghĩa binh dân tộc Tày- Nùng từ núi Phượng Hoàng vung giáo đứng lên sát cánh cùng Lý Tự  Tiên- Đinh Kiến, tiến quân về Tống Bình (Hà Nội) giết chết tên quan đô hộ Lưu Diên Hựu, mở ra một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ lịch sử liên tục đấu tranh anh dũng giải phóng đất nước” [1.5]. “ Năm 981, Lê Hoàn đã cùng các nghĩa binh dân tộc Tày- Nùng và cùng quân dân cả nước chém đầu tướng giặc Hầu Nhân bảo, chặn đứng cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, giữ vững nền độc lập non trẻ của nước nhà” [ 11.43]. Năm 1077 các nghĩa binh vùng Lạng Sơn cùng với quân dân cả nước do Lý Thường Kiệt chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm làm cho chánh tướng Quách Quỳ và phó tướng Triệu Tiết của nhà Tống sợ mất hồn bỏ chạy về nước để thoát thân. Năm 1285 thủ lĩnh người vùng biên cương này là Nguyễn Đại Lô và nghĩa binh người địa phương đã giết tên phản quốc Trần Kiện cũng ở Chi Lăng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, dưới sự chỉ huy của vua Trần và tướng quân Trần Hưng Đạo nước ta đã ba lần đánh tan quân giặc, trong đó có hai lần chúng bị bại trận tại Chi Lăng lịch sử, Trong chiến thắng vang dội đó của dân tộc có sự đóng góp to lớn của nhân dân các dân tộc Tày Nùng ở đây. Cuộc kháng chiến chống quân Minh, thủ lĩnh Hoàng Đại Huề cùng những nghĩa binh người vùng Lạng Sơn cùng nhân dân cả nước dưới ngọn cờ của Lê Lợi đã chiến thắng chém đầu tướng giặc Liễu Thăng ở núi Mã Yên Chi Lăng . Đến thời quân Pháp đánh chiếm lạng Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng Hoàng Đình Kinh cùng nhân dân Lạng Sơn đã đứng dậy chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương, chặn lùi bước tiến của bọn xâm lược và tay sai của chúng. Đất Cai Kinh, núi Cai Kinh mang tên người anh hùng dân tộc thiểu số tượng trưng cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân các dân tộc vùng đất biên viễn này. Tiếp đến các tiểu thuyết “Hoa trong bão”, “Tướng không phong hàm”, “Ngôi nhà của cha”, “Hương ngàn”, “Dặm dài ải Bắc” là tiểu thuyết nói về thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của những chiến sĩ Cộng sản, những nhà cách mạng con em của dân tộc thiểu số chủ yếu là Tày Nùng sinh ra ở vùng Cao Bằng Lạng Sơn, hoặc đã hoạt động cách mạng trọn đời ở vùng biên cương này. . Tiêu biểu như các ông Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lương Văn Tri, và sau nữa như các ông Hoàng Văn Hán, Hoàng Văn Kiểu, Nguyễn Văn Ninh, Đào Đình Bảng…Những nhân vật lịch sử tiêu biểu này được nhà văn Nguyễn Trường Thanh xây dựng như nguyên mẫu và hết sức kính trọng, biết ơn. Đồng thời ông cũng dành nhiều trang ca ngợi tinh thần theo cách mạng, tinh thần yêu đất nước quê hương đã chiến đấu anh dũng và hy sinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn và Cao- Bắc- Lạng nói chung đối với cả dân tộc Việt Nam. Đây cũng là một điểm nhấn về con người và tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Đây là tiền đề rất quan trọng cho chiến lược “Xây dựng thế trận lòng dân” [9.85] làm phòng tuyến bảo vệ biên cương nước nhà. Cây bút Nguyễn Trường Thanh muốn làm “ con chim báo bão” cho việc hoạch định chiến lược quốc phòng đương đại của đất nước .
Không phải đến tập truyện “Dặm dài ải Bắc” Nguyễn Trường Thanh mới viết nhấn mạnh về xây dựng thế trận lòng dân mà ông đã nhấn cái tứ tiểu thuyết này ngay từ thiên truyện “Phò mã Động Giáp”. Đại tá Đào Đình Bảng là người Cộng sản chân chính, đã từng 16 năm làm giám đốc sở Công an ba tỉnh biên giới: Yên Bái, Cao Lạng, Lạng Sơn. Gần như trọn đời ông phấn đấu “Xây dựng phòng tuyến biên giới không chỉ đơn thuần bằng những biện pháp tuyên truyền, những biện pháp nghiệp vụ, áp dụng những chính sách không mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào…mà bằng tấm lòng yêu dân, yêu vùng đất giáp biên” [9.115] để giữ từng tấc đất biên cương cho Tổ quốc. “Cũng rất sớm, các triều đại phong kiến nước ta (Đinh, Lê, Lý, Trần …) đã rất quan tâm đến việc bảo vệ biên giới, nhất là vùng quan ải thiêng liêng của đất nước” [11.37]. Nhà Lý, nhà Trần đã áp dụng triệt để chính sách “Nhu viễn” nhằm gắn chặt mối quan hệ giữa các tù trưởng miền dân tộc thiểu số với Triều đình, vận đông, huy động sức dân, hậu cần tại chỗ để giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền nước nhà ngày một vững chắc. “Từ Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn đến các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông… đều coi “Việc tồn vong của quốc gia dân tộc là tối thượng” (tr17). Việc giũ vững cương vực, bảo vệ biên cương không lúc nào được lơi lỏng là đại sự quốc gia được ưu tiên. Kế sách chiến lược ta phải thực chất mạnh mọi mặt mới thắng quân xâm lược, mới giữ được cương vực lâu dài” [10.482-483]. Nhà Lý có chủ trương “Nhu viễn” khá đặc biệt. Nhà vua đã sai các nhà sư đắc đạo như Vạn Hạnh lên miền biên viễn xây chùa thờ Phật và truyền đạo, mở mang dân trí. Các vua đầu triều Lý đã chọn những công chúa tài đức gả cho các Tù trưởng  người thiểu số vùng biên giới và phong làm Phò mã, cho đổi họ Giáp thành họ Thân. Như thế các tù trưởng vừa có trách nhiệm công vụ quân thần với triều đình, vừa là tình thân hoàng tộc. Do vậy mà các tù trưởng luôn là những bậc dốc lòng trung quân ái quốc. Các công chúa vừa làm dâu đất biên cương nhưng cũng là tham mưu đắc lực cho các tù trưởng về việc xây dựng văn hóa, kinh tế, ngoại giao, quân sự tại địa phương. Đồng thơi cũng là tai mắt của triều đình về mọi mặt để triều đình có sách lược sáng suốt , kịp thời giữ nước. Đến nhà Trần thì chính sách “Nhu viễn” bằng sự thân dân, lấy dân làm gốc làm kế giữ gìn biên cương, bảo vệ chủ quyền đất nước vững bền. Đến thời kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, đại diện là các ông Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri, Hoàng Đình Giong và tiếp theo là các ông Hoàng Văn Hán, Hoàng Văn Kiểu, Nguyễn Văn Ninh, Đào Đình Bảng…Đã dùng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm nom đời sống mọi mặt cho dân và lấy vận động tuyên truyền giác ngộ cho dân để đưa tiến trình cách mạng phát triển. Bao nhiêu những kỳ tích lịch sử quan trọng đã diễn ra trên miền đất Lạng Sơn : Khởi nghía Bắc Sơn, Cách mạng tháng Tám giành chính quyền, Quân Tầu Tưởng danh nghĩa quân Đồng Minh tràn vào nước ta,Chiến thắng biên giới đường 4 lịch sử, Cuộc chiến chống quân bành trướng năm 1979…Vai trò của đồng bào các dân tộc của Lạng Sơn rất quan trọng với sự nghiệp cách mạng của cả nước. Tất cả những điều trên, dưới ngòi bút tâm huyết của Nguyễn Trường Thanh đã được thể hiện nổi bật trên nhiều trang tiểu thuyết lịch sử của ông.
Bằng lối hành văn tự tin, điềm đạm, chủ động, khúc chiết, trong sáng của nhà văn Nguyễn Trường Thanh đã hút xoáy tâm tình bạn đọc. Cách hành văn ấy đã tiến một bước dài trong khai thác diễn biến các sự kiện lịch sử, cách mạng và tình huống cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử; Khai thác diễn tiến tâm lý và tính tự sự, hay triết luận của nhân vật…để cuối cùng bạn đọc đã nhận ra rất rõ mô hình “Thế trận lòng dân” ông cha ta đã đổ mồ hôi, nước mắt, máu xương  xây dựng trong từng thời kỳ lịch sử ở miền biên cương Xứ Lạng để gìn giữ cương vực, chủ quyền đất nước. Đây là sự thành công xuất sắc của nhà văn Nguyễn Trường Thanh trên văn đàn Xứ Lạng hôm nay, góp phần vào nền văn học đương đại nước nhà. Đọc như nuốt từng chữ, từng câu của 9 thiên tiểu thuyết lịch sử, khi khép lại trang cuối của “Dặm dài ải Bắc” tôi đã tự thốt lên trong phòng văn tĩnh lặng của mình giữa đêm Quốc khánh ( 2-9-2012): “Ôi !Tâm huyết cây bút Trường Thanh đã thấm vào từng tấc đất biên cương Tổ quốc !”.
Thái Bình,  Tháng 9/ 2012
ĐỖ LÂM HÀ