Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cao quý và sang trọng, cái nào cần cho văn chương ?

Lê Như Bình
Thứ sáu ngày 30 tháng 8 năm 2013 5:14 AM


 Bài viết “Nghề văn không sang trọng” của GS.Trần Đình Sử vừa được đăng tải, thế mà đã nhận được rất nhiều  phản hồi, đánh giá nhận xét (1). Trong đó, có người người đồng tình, có người “phát triển thêm”, có người phản đối. Chuyện người này nói, người kia nghe và hồi đáp âu cũng là bình thường trong   tranh luận. Ở đời mấy ai dám độc quyền chân lí? Và cũng là việc đáng mừng cho tác giả.
Chỉ hơi bất bình thường là Mấy lời với ông Trần Đình Sử của nhà thơ Trần Trương.
 Chuyện chỉ thế này: Nhà văn Trần Đình Sử nói: nghề văn không sang trọng; nhà thơ Trần Trương nói: nghề văn “cũng có thể” sang trọng. Cuộc trò chuyện của hai  văn sĩ sẽ rất sang trọng nếu thi sĩ Trần Trương bằng những lí lẽ sắc sảo, những dẫn chứng không thể chối cãi để thuyết phục người đọc công nhận ý kiến của mình và phủ định ý kiến của GS. Trần Đình Sử. Đàng này, bài viết của nhà thơ Trương chẳng thấy những lời lẽ điềm đạm, khiêm nhường, sắc sảo cần thiết trong các cuộc trao đổi khoa học mà chỉ nặng giọng dọa dẫm, hằn học, cay cú.
Này nhé, để phản bác ý kiến của GS.Trần Đình Sử, thi sĩ Trần Trương  mở đầu  bằng việc chê bai học hàm học vị của người viết. Nào là: “Giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử đã từng du học ở Trung Quốc (thời kì cách mạng Văn Hóa)”. Ý nói: sang Trung Quốc thời đó thì học hành chữ nghĩa gì? Nào là: GS. Trần Đình Sử “sang Nga làm luận văn phó tiến sĩ (sau này bỗng nhiên được gọi là tiến sĩ)”. Ý là chê học vị tiến sĩ chỉ là “bỗng nhiên” mà có? Rồi nhà thơ vờ khen nhà văn “biết được 2 ngoại ngữ” để ngầm rủa Giáo sư bằng những câu cay độc:
                                    “Trình độ văn hóa cấp ba
                                     Thế mà bỗng chốc được là giáo sư
                                    Giáo sư mà dốt bỏ xừ”
    Đoạn mở đầu chê bai này, chỉ có thể nhận được lời phê là hai chữ “lạc đề”.
                                          ***
Nhà thơ Trương chê văn GS. Sử “ loăng quăng”. Nhưng từ phần mở đầu cho đến cả đoạn “đi thẳng vào bài viết của giáo sư Sử”, thì văn của nhà thơ lại tỏ ra  “loăng quăng” tợn.
 Hãy xem cái lí mà thi sĩ Trương đưa ra để phản bác ý kiến của GS Sử:
-  “có ai nói nghề văn là nghề sang trong đâu”
- Ý kiến của GS. Sử chỉ là “nghe đâu ở diễn đàn “bia bọt”
- “Trên văn đàn chính thống ở các hội nghị nghiêm chỉnh không có vị lãnh đạo hoặc nhà văn nào dám nói thế”
Như vậy theo thi sĩ Trương, người cầm bút chỉ được nói những gì mà người khác đã nói, chỉ được phát ngôn những gì đã có  các vị lãnh đạo hoặc các nhà văn khác đã nói; và nhà văn chỉ được lấy tư liệu ở những “văn đàn chính thống”, cấm được lấy ở những chỗ khác đặc biệt là ở những “diễn đàn bia bọt”.
Ôi chao! Có vẻ nhà thơ Trương đã tầm thường hóa nghề văn. Khẳng định là sang trọng kiểu như thế có khác nào bảo viết văn là nghề “bồi bút”, “ăn theo, nói leo”.
                                                ***
Lí lẽ thứ hai của thi sĩ Trương đưa ra để phản bác GS Trần Đình Sử là: “Mọi nghề sang trọng hay không là ở sự cống hiến , hành động, việc làm, thành quả, tác phẩm của người làm vinh quang cho nghề  ấy và có tác dụng tốt cho xã hội. Dù là hội viên hội phân bón, hội nuôi ong, hay hội nhà văn cũng thế thôi. Hội viên hội phân bón mà có sáng kiến làm ra phân tốt để bón cho cây cối tăng sản thì  đấy là ông ta đã làm sang cho hội phân bón”.
Có thể tóm tắt đoạn văn trên ở hai ý:
-  nghề nào cũng có thể sang trọng
-  “hội viên hội phân bón” cũng như “hội viên hội nhà văn”  cũng sang trọng như nhau
 Thưa ông Trương, nghề nào cũng có thể sang trọng thế thì khẳng định một nghề nào đó sang trọng có thừa không nhỉ? Và nếu “hội viên hội phân bón, hội nuôi ong, hay hội nhà văn cũng thế thôi” thì người làm nghề hót phân (hội viên hội phân bón) có sang trọng không? Mà chẳng ai phủ nhận “sự cống hiến”, “tác dụng tốt cho xã hội” của nghề ấy . Nhưng có người hót phân giỏi thì có ai “bắt quàng làm họ” không? (xin lỗi tôi diễn đạt hơi tục vì ông Trương có nói đến “hội viên hội phân bón”). Truyện ngày xưa kể có vợ chồng nhà hót phân ngày tư ngày tết mà không không dám treo câu đối vì mặc cảm cái nghề hèn kém của mình, vua Lê Thánh Tông vi hành và thương  nên đã làm đôi câu để động viên xua bớt nỗi buồn của họ. Nhưng chắc chắn chẳng vì đọc câu đối của nhà vua mà hai vợ chồng nhà kia thấy nghề mình sang trọng lên. Và những người cần sang trọng cũng chẳng tình nguyện làm nghề “tận thu lòng dạ thế gian”.
Chữ “sang”  thường dùng để chỉ người “có tiền và danh vọng, được nhiều người trong xã hội kính trọng; trái với hèn”,  hoặc chỉ vật nào đấy “có giá trị cao và đắt tiền, trông lịch sự” (2) . Cứ theo cách hiểu này thì nhà văn nếu có “danh vọng, được nhiều người kính trọng” là sang. Cụ Hồ cũng từng có thơ: “Cuộc đời cách mạng thật là sang”, là muốn nhấn mạnh đến giá trị tinh thần trong chữ sang. Nhưng, khổ nỗi, người có nhiều tiền của cũng sang. Nhiều nhà cách mạng hiện nay lại quá sang trọng chỉ vì lý do thứ hai này. Hóa ra cái sự sang mập mờ giữa vật chất và tinh thần. Nhan nhản ngoài đời là những thứ được coi là sang lại thường liên quan đến vật chất, đến tiền và nhiều tiền. Ăn sang, mặc sang, ở nhà sang, nằm khách sạn hạng sang, đi xe sang... Người có địa vị cũng rất sang: Chức tước cao sang.. Mất địa vị thì sang cũng hết: Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn (Kiều). Khối người có tiền của nhưng không có địa vị, có khi phải cố bỏ tiền kiếm một chút chức sắc cho sang.  Cho thấy tiền tài  và nhất là địa vị là những yếu tố quan trọng làm sang cho người đời.
Còn “sang trọng” có nghĩa là: “Sang, làm cho người ta phải coi trọng (nói khái quát). Ăn mặc sang trọng, nhà cửa sang trọng” (3). Thì ra vậy,  sang trọng còn là sự làm sang để được coi trọng. Thế mới có hài kịch Trưởng giả học làm sang của Môlie để cười cợt mỉa mai những trọc phú sẵn sàng bỏ tiền để mua chữ sang trang trí, mục đích chỉ là cho người khác coi trọng. 
Như vậy, GS.Trần Đình Sử nói: “Nghề văn không sang trọng”, không phải là không có lí. Nhà văn chân chính chẳng cần theo gót ông trưởng giả của Môlie. Nếu làm nghề văn mà chỉ tìm mọi cách để làm sang, thậm chí phấn đấu để có chức sắc và có tiền để được người ta trọng vọng thì lấy đâu ra văn chương để đời. Lịch sử cho thấy khá nhiều tác phẩm có giá trị trường tồn được viết trong lúc tác giả của nó lâm cảnh hàn vi, bần cùng, nghèo hèn. Và cũng không hiếm nhà văn mà tài năng đã bị thui chột trong những thứ mũ áo xe cộ sang trọng. Nhà văn Kim Lân có lần phàn nàn: lúc khổ thì viết văn hay, bây giờ cái gì cũng không thiếu thì cầm bút chẳng viết được văn. Lại nữa, có những tác giả nhờ vào chức sắc và tiền bạc để cho in, phát hành rầm rộ sách vở của mình, tổ chức hội thảo tung hô linh đình, mục đích cũng chỉ cho sang. Rồi ra những cuốn sách in ấn cực đẹp cực sang (như trường hợp sách của thi sĩ Hoàng Quang Thuận,...), có khi chỉ là những thân phận cô đơn trên giá sách của những người được tặng.  Cho hay, văn chương  kỵ với những thứ làm sang bằng địa vị và tiền tài lắm lắm.
Và đánh đồn nhà thơ Trương: “ hội viên hội phân bón” cũng có thể làm sang trọng như hội viên hội nhà văn, để khẳng định sự sang trọng của nhà văn thì hỏi có nên không?
                                               ***
Về lí lẽ thứ 3 của ông Trương: “cao qúi và sang trọng có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Làm một hành động cao quý hay viết một tác phẩm hay đến mức cao quí thì đó cũng có thể là sang trọng. Nhưng khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì  chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý.” 
Có vẻ ông Trương chắc chắn rằng sang trọng và cao quý có thể thay thế cho nhau và chúng gần như là một.  
Chúng không là một đâu, thưa ông Trương. Thực tế cho thấy có cái sang trọng nhưng chưa chắc đã được coi là cao quý. Có cái cao quý nhưng chưa chắc có thể gọi là sang trọng. Có ai đảm bảo rằng người được coi là ăn mặc sang trọng là người cao quý. Gọi một hiệp sĩ đánh cướp cứu người bị hại (hành động dũng cảm cao quý) là một hiệp sĩ sang trọng liệu có được không nhỉ?
Theo Từ diển tiếng Việt (sđd): Cao quý: “có giá trị lớn về mặt tinh thần, rất đáng quý trọng. Tình cảm cao quý. Phần thưởng cao quý” (4). Như vậy, một đàng để chỉ những giá trị tinh thần (cao quý), một đàng nghiêng nhiều về vật chất - địa vị, tiền bạc (sang trọng). Trong ngôn ngữ,  sang (hay cao sang) luôn đi với giàu; nghèo đi với hèn. Còn cao quý thì không vậy. Tình cảm cao quý thì cả người giàu và người nghèo đều chung. Người ta có thể xếp cao cả, cao quý, cao thượng, cao đẹp  với nhau, nhưng không thể xếp chung với cao sang và sang trọng, là có ý tách bạch giữa giá trị tinh thần và giá trị vật chất vậy. Để vinh danh, người ta cũng dùng huy chương cao quý, phần thưởng cao qúy chứ không gọi là phần thưởng sang trọng, huy chương sang trọng. (Chắc để tránh hiểu lầm là tôn vinh những giá trị vật chất).
Dài dòng như thế để hỏi một câu: Nếu chọn để vinh danh thì nhà thơ Trần Trương sẽ chọn bên nào nhỉ? Một nhà thơ cao quý hay một nhà thơ sang trọng?
Và như vậy, khẳng định rằng: “khi tác giả được nhìn nhận là sang trọng thì chắc chắn họ có những tác phẩm cao quý”, thì hóa ra một nhà văn ở nhà sang đi xe sang, hoặc có địa vị cao sang, có phong thái sang trọng,... thì đảm bảo 100%  có tác phẩm cao quý, đáng được ứng cử giải Nô ben, thưa ông Trương?
Đánh giá tầm của nghề văn, theo tôi, có khi ta nên học cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tôn vinh nghề dạy học. Cụ không dùng từ sang trọng hay cao sang, mà chỉ nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Chắc khi viết “Văn chương rất cần sự cao quý nhưng không cần sang trọng”, GS. Trần Đình Sử đã đã học cách nói, hay cùng suy nghĩ như cụ Phạm Văn Đồng ngày xưa.
Nhắc GS Trần Đình Sử nhớ học tập lãnh đạo, mà có một vị lãnh đạo đáng kính như vậy đã nói mà nhà thơ Trần Trương lại quên học. Đáng trách lắm thay!
                                               ***
Ông Trương phê GS. Sử là “dậm dọa thiên hạ”. Thật ra chưa thấy GS. Sử dọa ai và dậm ở đâu. Còn cả bài viết của mình ông Trương lên giọng “dậm dọa” ra mặt. Ông Trương làm một bản cáo trạng về 7 tội của GS. Sử:
- Người “đặt điều”
- Bênh “cái luận văn rất tầm thường và tục tĩu”
- “Dè bỉu lịch sử văn chương của ta qua từng thời kì”
- “là ủy viên Hội đồng lý luận TW mà lại phát ngôn” “hời hợt”, 
- “bôi bác Hội nhà văn”
- Nhà nước phong là GS “mà ông đang quên là nhà khoa học”
- Chỉ là “nhà “khoa học trung tính”; không “khách quan”, không “đứng đắn”, “biến mình thành con thoi trong khung dệt rối chỉ.”
Không chỉ dọa GS Sử mà ông Trương “dậm dọa” “hàng nghìn giáo sư và hàng vạn tiến sĩ” “mà sự đóng góp”, “chẳng có gì lớn lao”.
Nhìn vào tội danh mà ông Trương kê ra để dọa GS. Sử  mà kinh. Nhưng cũng thật nực cười vì cái thời nói lấy được đã qua rồi. Tất cả những  tội trạng mà mà ông Trương đưa ra“dậm dọa”  không hề có lấy một dẫn chứng, một lí lẽ cho ra môn ra khoai. Thành thử, trong bài viết của mình, ông Trương dường như chỉ tự chứng minh rằng những “ điều” mình nói  chỉ là đơm “đặt”; chỉ chứng tỏ thi sĩ Trương chẳng bao giờ đọc những công trình đồ sộ nhiều người biết và học tập của GS. Trần Đình Sử.  
Cùng là bậc văn nhân, chuyên về ngành “nhân học”, lại cùng tộc Trần, nhà thơ Trần Trương không nên “dậm dọa” nhà văn Trần Đình Sử bằng lối văn chẳng lấy gì là “sang trọng” ấy.
Hãy để cho chân lí, lẽ phải chiến thắng như trong các cuộc tranh luận khoa học của giới văn minh, đừng để cho sự hằn học lên ngôi như trong các trò cãi cọ chỉ cốt hạ nhục đối thủ.
 ..........................
1- Xin đọc các bài sau: (chỉ tính đến ngày 23.8.2013)
- Trần Đình Sử, Nghề văn không sang trọng, trandinhsu.wordpress.com   (3-8-2013)
- Nguyễn Anh Tuấn, Nghề văn không sang trọng nhưng văn chương lại cần sự sang trong, trannhuong.com, (10-8-2013)
-Nguyễn Hoài Đức, Nghề văn không sang trọng thì nghề nào hơn, vannghecuocsong.com, (13-08-2013)
- Trần Trương, Mấy lời với ông Trần Đình Sử, trannhuong.com, (15-8-2013)
 ...
2, 3, 4-   Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, NXB. Khoa học xã hội, Trung tâm từ điển học. H. 1994. Tr. 815,816, 110