1-Theo báo Tiền Phong ra ngày 27/08/2013 , cuộc thi sáng tác mỹ thuật năm 2013 của TP Cần Thơ có nội dung chủ đề “Phản ánh nét đẹp phong cảnh quê hương, khắc họa những nét đặc trưng về văn hoá, thiên nhiên và con người Cần Thơ với các giá trị truyền thống, nếp sống văn minh đô thị qua chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh-quốc phòng. Trong đó, phản ánh sâu sắc sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển thành phố sạch đẹp-văn minh, phát triển du lịch Cần Thơ trên con đường đổi mới và hội nhập, xứng tầm thành phố loại I trực thuộc T.Ư”.
Thế nhưng, tác phẩm vừa được BGK sắp trao Giải Nhất, có tựa đề là Đợi của tác giả Chu Ðình Hải lại có hình ảnh một phụ nữ dân tộc miền núi phía Bắc với căn nhà kiểu phía Bắc, không phải Cần Thơ.
Hóa ra, trước khi tiến vào thời điểm hành nghề, các vị có chân trong BGK, kể cả ngài Trưởng Ban, có lẽ chẳng hề được bất kỳ ai trong BTC đưa cho văn bản thể lệ, hay trực tiếp sinh hoạt cho biết nội dung chủ đề của cuộc thi? Hoặc BTC có sinh hoạt rõ ràng, nhưng vì không thông hiểu chữ nghĩa diễn đạt, mới xúm nhau chấm ra một kết quả hoàn toàn “trật chìa”, sai hẳn 180 độ về nội dung chủ đề như vậy? Hay vì một lý do …khó nói nào khác?
Đây là điều mà họa sĩ Lê Xuân Chiểu - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, trưởng ban giám khảo cuộc thi chưa từng giải thích cùng công luận hiện thời, và khi giải thích, sẽ “dựa trên tầm cao nhận thức, lý luận” như thế nào nhỉ?
2- Theo báo Tuổi trẻ cùng ra ngày nói trên, nơi cuộc thi này, các vị trí béo bở tiếp liền theo Giải nhất đều lọt hết vào tay các ông, bà Trưởng, Phó ban tổ chức cùng các ủy viên ban tổ chức cuộc thi.
Cụ thể, ông Trần Đình Thảo -chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ kiêm trưởng ban tổ chức cuộc thi đoạt giải nhì với tác phẩm Bé đánh vần; bà Nguyễn Thị Ngọc Hiền - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật kiêm ủy viên ban tổ chức cuộc thi, đồng đoạt giải nhì với tác phẩm Nhịp sống mới; hai ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật kiêm ủy viên ban tổ chức cuộc thi, bà Lê Thị Hồng Nga và ông Lê Hoàng Lâm, lần lượt đoạt giải ba với tác phẩm Nhà trên sông cùng giải khuyến khích với tác phẩm Góc Ninh Kiều.
3-Trả lời trước nhiều bức xúc của công luận hiện nay, ông Trần Đình Thảo -trưởng ban tổ chức, kiêm người đoạt luôn giải nhì trong cuộc thi nói rằng : “Khi nào mà (thể lệ - PV) đưa ra quy định ban tổ chức không được tham gia dự thi thì chúng tôi mới phạm quy chế và thể lệ. Cái này chúng tôi có phạm đâu” (!).
Quả là thể lệ, quy chế cuộc thi không đề ra nội dung người trong ban tổ chức không được tham dự, nhưng ai cũng hiểu, cũng biết rằng, cái thể lệ, quy chế ấy, không ai khác ngoài chính ông Thảo cùng những người có thẩm quyền còn lại trong ban tổ chức đặt ra, và một khi như vậy, rõ ràng là để mở đường cho ông Thảo, cấp phó, cùng các ủy viên trong BTC của ông Thảo có thể đường hoàng, nghiễm nhiên “rinh hết” những giải thưởng “béo bở” trong cuộc thi về cho phía mình, như bản thân ông Thảo đã từng thực hiện thành công, với giải nhất nơi cuộc thi trước đó, và hiện nay, quả là những toan tính ban đầu của ông Thảo đã trở thành sự thật.
4- Cùng giải thích điều này trên báo Tuổi Trẻ, ông họa sĩ Lê Xuân Chiểu - phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, trưởng ban giám khảo cuộc thi cho rằng “Những người của ban tổ chức đoạt giải là những người có tranh tham gia dự thi. Tuy nhiên, họ chỉ làm công tác tổ chức, không có quyền tham gia bỏ phiếu. Còn ban giám khảo chúng tôi chấm tranh là chấm theo tranh được đánh số, không hề biết tên người dự thi. Thú thật, họ mời tôi thì tôi đi chấm, chứ trước đó tôi không hề quen biết ai ở Cần Thơ, nói gì đến chuyện thiên vị? Chỉ đến khi kết quả công bố mới biết rằng những người đó là người của ban tổ chức mà thôi”.
Cùng phụ họa, hiệp đồng vào lời giải thích nói trên của ông Chiểu, ông Trần Đình Thảo cũng xác nhận rằng ông không mời trực tiếp ban giám khảo mà thông qua chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM giới thiệu cho hai phó chủ tịch đương nhiệm là họa sĩ Lê Xuân Chiểu, Siu Quý, cùng họa sĩ Phạm Đỗ Đồng (nguyên phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) tham gia ban giám khảo.
Tuy nhiên, nói như các vị khả kính này, nếu quả có thật là vậy,lẽ nào, sau khi thông qua sự giới thiệu của ông chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM rồi, giữa ông Thảo và ông Chiểu, cùng giữa phía ông Thảo cùng phía ông Chiểu- những người sắp nằm trong BGK chẳng hề có bất kỳ lý do thường sự nào khác, như bàn bạc, thống nhất chuyện đón rước đi về, tiền thù lao … dẫn đến việc cần phải biết đến số điện thoại di động của nhau để có thể liên lạc trực tiếp cùng nhau? Thậm chí, trước khi tiến vào thời điểm bỏ phiếu- cho điểm, chẳng lẽ ông Thảo và ông Chiểu nói riêng, những người trong BTC và BGK nói chung hoàn toàn “bị” cách ly, không hề có cơ hội nơi một góc khuất nào đó để có thể “xì xầm rỉ tai móc ngoặc” cùng nhau?
5-Có thể nói, liên tục những năm gần đây, nhiều cuộc thi VHNT ở ĐBSCL với GK thỉnh mời từ TPHCM có kết hợp hay không kết hợp với GK tại chỗ đã cùng nhau gây ra nhiều bức xúc, thậm chí giận dữ nơi công luận trong khu vực lẫn cả nước, trong đó có vai trò, trách nhiệm không nhỏ của chính mấy vị quan chức văn nghệ địa phương có liên quan, ưa lợi dụng vị trí “chủ xị” đối với những người làm công tác GK do chính mình chủ động chọn lựa, bàn bạc, bỏ tiền ra thuê mướn để thực hiện những trò “tiểu trí” sau lưng mọi người, vì những động cơ rất không nên có.
Sau cuộc thi này, có lẽ giới có thẩm quyền về chính trị ở TP Cần Thơ nói riêng, toàn ĐBSCL nói chung, cần có biện pháp kỷ luật thích đáng bất kỳ vị nào tổ chức ra những cuộc thi nghệ thuật mang về nhiều tiếng xấu cho địa phương nhà, vô tình hay cố ý phá nát dần nhiệt tình sáng tạo VHNT của giới chuyên và không chuyên nghiệp ở nơi đây.