Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sen tàn...thơm hồn phố

Hoàng Thảo Chi
Thứ bẩy ngày 10 tháng 11 năm 2012 8:45 AM

Cảm nhận tản văn “ SEN TÀN NGHE RỐN TIỀNG MƯA THU…” trích trong tập tản văn HỒN PHỐ của nhà thơ Chử Thu Hằng   

        “ SEN TÀN NGHE RỐN TIẾNG MƯA THU…”

Chiều thu đi lang thang, tôi kinh ngạc bắt gặp một hồ sen tuyệt đẹp giữa Hà Nội. Nép vào một góc hồ Tây, rộng chừng 6 héc-ta, hồ sen ẩn trong ồn ào phố thị, như một mảnh thời gian trong vắt bị lãng quên. Cái lạnh cuối thu mơn man trên da thịt,gợi nhớ câu thơ của nhà thơ Việt Phương: “ Gió ơi, gió hãy vừa đủ lạnh/ Cho những lứa đô chụm mái đầu…”

 Không một bóng người, con đường nhỏ ven hồ ngập trong cây và cỏ dại. Hồ sen trong veo in bóng mây trời. Mùa sen đã qua từ lâu, chỉ còn những cuộng sen đã bị ngắt hoa thẫm màu ngơ ngác, cố vươn lên dõi tìm những cánh hồng đã bị lìa xa. Những lá sen cái còn xanh,cái héo ngả màu nâu, cái đã rạc chỉ còn lại gọng xương, cái lập lờ trên mặt nước, cái ủ rũ cúi mình soi gương tiếc một thời nhan sắc đã qua. Ai bảo cảnh sen tàn không đẹp? Có một chút gì đìu hưu u tịch, một chút gì buồn bã kiêu sa, làm lòng bỗng bang hoàng.

 Nhớ hồi nhỏ, đọc Hồng lâu mộng, có câu thơ đọng mãi trong lòng: “ Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…”. Ngày ấy, chỉ biết đọc và yêu câu thơ mà chưa thật hiểu. Đến hôm nay, sang mùa thu của cuộc đời, gặp hồ sen tàn, dường như đã ngộ ra đôi chút.

 Sen đã nỗ lực vươn lên từ đáy nước, chắt chiu tinh túy của đất trời để dâng cho đất trời hương sắc thanh khiết.Thời vàng son đã qua, còn lại đây những lá sen tàn mang trên mình dấu ấn thời gian, trầm tư trong nỗi buồn mùa thu hưu hắt. Những lá sen tàn còn chút hương xưa, duyên muộn ủ thơm vạt nắng cuối chiều. Những lá sen tàn còn chưa kịp rã vào lòng đất, cố nán chờ một tiếng mưa thu để vỡ òa bao nuối tiếc…

 Bầu trời trong veo. Hồ nước trong veo. Những lá sen tàn run run…rưng rưng…

 Tìm trong Google, thấy bài thơ ấy đem về.

                     TÚC LẠC THI ĐÌNH KÝ HOÀI THÔI UNG, THÔI CỔ

                       Trúc ổ vô trần thủy hạm thanh

                       Tương tư điều đệ cách trùng thành

                       Thu âm bất tản sương phi văn

                        Lưu đắc khô hà thính vũ phong

                        Ở ĐÌNH HỌ LẠC NHỚ THÔI UNG, THÔI CỔN

                        Hiên trước trong xanh trúc mướt bờ

                        Xa xôi cách trở nhớ khôn vừa

                         Bóng thu bảng lảng chiều sương đổ

                         Còn mỗi sen tàn hóng tiếng mưa.

                                                           CHỬ THU HẰNG

    Hôm viết thư cho chị Chử Thu Hằng để xin sách, tôi đã thành thật mà rằng : “ Chị nhanh chân gửi tặng tôi cuốn tản văn HỒN PHỐ đã in của chị nhé.Tôi rất chi là nóng ruột ( Tính tôi nó thế ). Vì ngoài thưởng thức ra, tôi còn muốn giở trò thoóng cáy…tức là “chôm vặt” vài cách viết, hoặc các tản văn của chị sẽ gợi ý cho tôi một vài đề tài nào đó cũng nên. Các cụ đã dạy: Chôm của Thày…không tày chôm của bạn …mà!!! ( Âý là tôi tự chế ra như thế ). Có gì chị cũng đại xá nhé…!”

   Tôi viết lại những dòng thư này để thấy là, tuyệt nhiên tôi không có ý định trở thành nhà phê bình, phê bọt chi về tập tản văn Hồn phố của chị Hằng. Cái tạng của tôi có muốn cũng đành chịu. Hôm đọc xong bài: Sen tàn nghe rốn tiềng mưa thu, thấy khoái quá liền gọi cho một ông bạn ở Sài gòn ( cũng dân viết nghiệp dư như tôi ) khoe: “ Tao vừa đọc một tản văn ngắn của Chử Thu Hằng rất hay. Mày muốn đọc tao gửi vô cho.” Không hiểu sao, ông bạn tôi bỗng nổi điên mắng té tát:” Mày ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi, để cho thiên hạ ngu với. Mày mà khen… HAY… có ngày bị nhổ hết hàng tiền đạo đấy con ạ!”. Vừa bực, vừa hoảng tôi cự lại: “ Đúng là cái giọng xã hội đen…hay thì khen hay, sao lại nhổ răng người ta…là thế nào? Hắn liền lên cái giọng đàn anh giảng giải: “ Đúng là dân nhà quê, u u mê mê, chẳng bao giờ nhìn qua cái vài cầu Trường Tiền…( So với Sài Gòn thì Huế của tôi đúng là nhà quê thật…cái này hắn nói đúng. Tôi chẳng gai với hắn làm chi) Nếu mày khen hay, nhỡ có một Tổ sư bồ đề nào đó ngứa miệng hỏi: Xin hỏi là Hay ở chỗ nào hả Hoàng Thảo Chi??? Thì có cụ Tổ ngàn đời nhà mày cũng không trả lời được. Hắn mà giở cái môn lý sự, lí luận về cái hay, cái đẹp, cái thẩm mỹ…và cái thẩm văn ra, thì mày có mà trụi cả lông con ạ. Lúc ấy thì đười ươi cũng chẳng giống chứ đừng nói là giống Người!!! Khiếp quá, tôi liền hỏi: Thế muốn khen thì nói thế nào? Hắn cười khà khà ( ý là: Đã són ra quần chưa con!) rồi đủng đỉnh lên giọng Sư phụ: Trong thời buổi nhiễu nhương này không bao giờ được dùng hình thức khảng định như: Đúng, sai, hay, dở… mà chỉ được nói theo ngôn ngữ của tranh trừu tượng, hoặc lập thể…đại loại là: Nói chung bài viết khá thành công…Tác giả đã dồn nhiều tâm huyết..vân..vân.” Sốt ruột, tôi thô bạo ngắt lời sư phụ: “Thôi, thôi…Cà kê dê ngỗng mãi. Tóm lại là khen kiểu Sài gòn nhà mày là thế nào? “ Ngu lâu quá…ngu lâu quá”. Hắn kéo dài giọng dè bửu, rồi cho tôi một bài học choáng váng : ” Khen là: TÔI THÍCH! Bọn mày ở Huế thích ăn cay, bọn tao ở Sài Gòn thích ăn ngọt, còn bọn Hà Nội thích ăn mỳ chính. Đã là TÔI THÍCH…thì chẳng thằng nào vặn vẹo gì được, hiểu chưa? Khen như thế con ạ! Nếu không tiếc tiền thì gửi HỒN PHỐ vào đây, tao đọc xem ra răng ( hắn nhại tiếng Huế của tôi) !!!” Chốt hạ xong, hắn tắt máy tít một phát, gọi mấy cũng không trả lời. Ông bạn tôi đúng là không hổ danh: Công dân của thành phố Hòn ngọc Viễn Đông! Sao cái gì hắn cũng tinh thông thế không biết. Hãi thật!

 Tuy có hơi dài dòng một chút, nhưng tôi cũng phải san sẻ với mọi người nỗi uất ức của tôi, khi mà đã không tìm được sự đồng cảm , lại còn bị mắng té tát. Và cũng thấy sự khen chê bây giờ cũng chẳng giản dị chút nào. Tuy nhiên, chẳng có gì làm tôi sợ. Tôi là dân nghiệp dư đầu trọc, nhỡ có cao hứng mà bốc quá thì cũng chỉ bị mắng sơ sơ kiểu: Đúng là dân ít học, chẳng hiểu phép tắc gì cả…Mà tôi thì cũng chẳng định khen chê chi, chỉ mong trong Hồn phố có gì hợp khẩu vị thì chôm một ít, cái này thì tôi cũng đã ngỏ lời với chị Hằng rồi. Nên tôi cứ liều mà đọc. Tôi có thói quen là cứ đọc hết một lượt, không suy nghĩ chi. Cái gì tự nhiên mắc vào tâm tưởng thì ghi ra giấy, sau đó mới đọc lại và suy ngẫm. Hết lượt đầu, thấy có mấy nhiều bài hơi măng mắc. Đọc lượt thứ hai thì mắc thật. Tôi chọn trong cái loạt bài mắc ấy ra một bài để đọc thật kĩ. Tôi biết mình cũng chỉ đủ sức bơi trong một bài ấy thôi. Chọn thêm thì có mà chết đuối, cả tập có đến hơn 30 bài cơ, nhiều lắm. Không tham được.

 Bài tôi quay lại là: Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu. Bài này lạ ở chỗ: Tác giả đi ngợi ca những cây sen đã tàn úa. Trong trí nhớ của tôi, thì Chử Thu Hằng là người thứ hai quan tâm đến đề tài này. Người thứ nhất, nếu tôi không nhầm lẫn thì là một nhiếp ảnh gia, hay là một họa sỹ gì đó ở Hà Nội. Tôi đã thấy giới thiệu về ông ấy trong một phóng sự trên truyền hình. Lúc đó tôi đã nghĩ: Quẩn rồi! Lúc sen nở đẹp thì không ca, lúc sen tàn thì mới…ngợi, với ngẫm. Bây giờ lại thấy bà bạn mình viết về sen tàn. Lúc đầu phát hoảng. Không biết” Mệ” này có chuyện chi không? Trên blog thấy mấy tấm ảnh mới, mặt vẫn tươi roi rói , có triệu chứng gì đâu!!! Hay có chi quý giá, Mệ giấu dưới đám sen tàn nơi Tây hồ cũng nên… Mình phải bươi lên mới được! Đây là lần đầu tiên tôi đọc văn xuôi của Chử Thu Hằng. Lướt qua đoạn giới thiệu về hồ sen, trời mây, cây cỏ mắt tôi dừng lại câu: Mùa sen đã qua từ lâu, chỉ còn những cọng sen đã bị ngắt hoa thẫm màu ngơ ngác, cố vươn lên dõi tìm cánh hồng đã bị lìa xa… Những cụm từ: ngơ ngác, cố vươn lên dõi tìm… làm câu văn thật sinh động. Tôi cứ như thấy cảnh, một người phụ nữ tuổi đã xế chiều đang ngiêng qua nghiêng lại, ngắm nhìn cái ảnh chụp thời xuân thì của mình, mấy ngón tay cứ chọc chọc, vuốt vuốt lên gương mặt xinh tươi trong tấm ảnh, với ánh mắt thẫn thờ nuối tiếc một kiếp hồng nhan đã đi qua… Từ sự suy tưởng này, bỗng trong tâm khảm tôi nảy ra hai cặp từ: Kiếp Sen và kiếp Người! Phải chăng tác giả đang mượn kiếp sen mà nói đến kiếp người, kiếp mình? Từ ngày xửa ngày xưa, vẻ đẹp cao quý, nồng nàn của sen đã được ngợi ca trên đỉnh cao chót vót của ngôn từ ca dao: Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…

Cái: Nhụy vàng bông trắng lá xanh…của một bông hoa, thì cũng thường thôi. Một bông hoa mà không vàng, không đỏ, không trắng, không xanh…thì sao còn gọi là hoa nữa. Nhưng tuyệt chiêu của loài hoa này lại nằm ở chỗ khác: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn…Ngày xưa, khi đang học phổ thông tôi cứ ngỡ chữ bùn và mùi hôi tanh của nó chỉ là đại diện cho cái ác, cái xấu xa…Nhưng bây giờ hình như tôi đã nghĩ khác. Và như cùng một suy nghĩ giống tôi, Chử Thu Hằng đã viết: Sen đã nỗ lực vươn lên từ đáy nước, chắt chiu tinh túy của đất trời để dâng cho đời hương sắc thanh khiết… Vậy thì cái sự: Hôi tanh mùi bùn… kia, còn là nỗi thống khổ của cuộc sống hằng ngày, mà đã bao đời nay người phụ nữ Việt Nam phải oằn mình gánh chịu. Tôi chợt nhớ đến bài: Điểm dừng…của chị. Chị đã thống kê những mốc đáng nhớ nhất của cuộc đời thăng trầm của mình: Những năm làm y tá ở một bệnh viện lớn ở Hà Nội, những năm học quản lý y tế ở PRAHA(Tiệp Khắc cũ ), những năm mở của hàng…Mấy chục năm cuống cuồng vật lộn với miếng cơm manh áo…Để lặng lẽ vui, lặng lẽ buồn, lặng lẽ suy ngẫm… và: Đến hôm nay, sang mùa thu của cuộc đời, gặp hồ sen tàn, dường như đã ngộ ra đôi chút!!!

      Không biết bà bạn yêu quý của tôi đã Ngộ ra cái gì? Tôi không biết. Nhưng tôi đã thấy hương sen từ CÕI RIÊNG, từ HỒN PHỐ của chị đang phảng phất quanh tôi. Không chỉ quanh tôi đâu, mà còn rất nhiều người nhận ra nó, yêu quý nó bây giờ, và mãi mai sau. Như vậy đã là quý lắm rồi. Tất cả rồi sẽ úa tàn theo thời gian, không ai, không có gì cưỡng lại được. Nhưng nỗi luyến tiếc thì có thể hiểu được. Đến đây tôi cũng Ngộ được một chút ít khi đọc câu: Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…Chợt nhớ lại những bức ảnh của người nghệ sỹ Hà nội về đề tài” Sen tàn”…mới thấy mình non nớt, cạn nông. Xin gửi tới ông lời xin lỗi rất chân thành.Và hình như trong trái tim tôi, những nhịp đập cũng chùng xuống theo dòng viết: Bầu trời trong veo. Hồ nước trong veo. Những lá sen tàn run run…rưng rưng…Tôi muốn cầm lấy hai bàn tay của bạn tôi vỗ về đồng cảm.

 Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu …là một tản văn rất ngắn, nhưng với tôi nó lại rất dài. Cái rất dài cuộn mình trong cái rất ngắn…Phải các võ sư cao thủ mới làm được điều ấy. Tôi thèm muốn cái cách viết ấy quá, nhưng võ công của tôi bây giờ còn kém lắm! Chôm …liệu có ích chi! Răng chừ hè??? 

                                                                                      Huế 3/11/2012

                                                                                      Hoàng Thảo Chi